top of page
Compassio 5.png
Compassio 3.png
Ảnh của tác giảXuân Phạm Văn

Vài Gợi Ý Để Vượt Qua Tình Thế Tiến Thoái Lưỡng Nan

“Tôi muốn nghỉ việc và đi Xuyên Việt” - Suy nghĩ ấy bắt đầu lóe lên trong đầu tôi, vào một ngày nọ. Ngay đêm hôm ấy, tôi háo hức lên mạng tìm hiểu về bao nhiêu điều thú vị khi đi khắp Việt Nam, được ăn bao nhiêu món ngon, gặp bao nhiêu người thú vị và sẽ trở nên cun ngầu ra sao. Cả đêm tôi thao thức nghĩ về nó, cho tới sáng mai, khi phải đối diện với thực tại: Tôi vẫn đang phải đi làm.




Ngày tiếp sau đó, tôi bắt đầu “tự vẽ” ra những tình huống, “tôi sẽ xin nghỉ việc ngay lập tức” - vì tôi đã chán việc lắm rồi, “tôi sẽ xin chỉ nghỉ phép vài ba tháng để đi” - vì tôi sợ nghỉ việc xong tôi sẽ thất nghiệp, “tôi sẽ tiếp tục làm vài năm nữa, khi nào đủ tiền tôi sẽ đi” - vì tôi nghĩ sau chuyến này tôi sẽ đói meo và hàng loạt tình huống khác… Tôi mất nhiều ngày sau đó để suy nghĩ về các phương án - và cuối cùng tôi chẳng làm gì hết, chẳng quyết định gì cả. Tôi đã rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, và “liệt lựa chọn”.


Câu chuyện ấy, khi tôi 23 tuổi. Còn bây giờ, tôi gặp những câu chuyện tương tự, từ những người trẻ giống mình, kể từ khi tôi làm công việc hỗ trợ những người trẻ - trước những quyết định cuộc đời.


Ở đây, tôi chia sẻ lại những kinh nghiệm của mình, sau khi tự học về kỹ năng ra quyết định, để vượt qua những hoàn cảnh “lưỡng nan” và “liệt lựa chọn” tương tự như ví dụ.


Bài viết gồm 07 gợi ý, và tôi sẽ lấy từ ví dụ bên trên để mình họa cho các tình huống (một số chỗ, chỉ là minh họa thôi nhé).


1. “Và” Chứ Không “Hoặc”

Tôi nhận ra, tôi không nhất thiết phải nghỉ việc mới “đi Xuyên Việt” được. Tôi có thể: “Đi Xuyên Việt” Và “Vẫn Đi Làm”, đó là điều khả thi - tôi chỉ cần xin nghỉ phép một khoảng đủ dài, hoặc tôi có thể xin làm việc lưu động, khi di chuyển.


Như vậy, tình huống “có hoặc không” đã trở thành tình huống “có và có”. Đôi khi trước tình huống phải quyết định một trong hai, ta hãy thử tìm thêm phương án, hoặc cả hai.


2. Tìm Người “Tốt” Nhất Để Hỏi

Có hai điều, từ trước giờ tôi luôn nghĩ: “Tình huống khó quyết định nào, cũng có người đã trải qua” và “Tôi có thể tìm người “giỏi nhất thế giới” để hỏi”. Điều đó giúp tôi luôn tự tin để tìm tới “người giỏi nhất thế giới của mình" để hỏi, khi tôi không biết phải làm sao nữa. Tôi cũng thường tìm xem ai từng ở tình huống như mình, để hỏi ý kiến.


“Người giỏi nhất thế giới” ấy có khi lại là người “ngay trước mặt” - và đôi khi sự phù hợp chính là tốt nhất. Còn tôi, hồi đó tôi chọn hỏi một bạn nữ đã từng bỏ học đi Ấn Độ một mình, và tìm thấy một thanh niên trên mạng xuyên Việt một mình rất cun ngầu, để hỏi.


3. Xem Xét Phương Án Đối Nghịch

Có một tâm lý, mà tôi và có thể cũng nhiều người hay gặp phải, đấy là “chọn việc dễ chứ không phải việc cần”. Xu hướng tâm lý chung của con người trước những quyết định khó, là chọn điều gì dễ dàng, ít đau đớn nhất để làm, và có xu hướng “hun đúc” cho phương án ấy. Ở đây, là việc nghỉ việc, trước những khó khăn hàng ngày, công việc mệt mỏi - stress, thì suy nghĩ “bỏ việc - đi chơi” là cực kỳ mật ngọt. Nhưng phương án dễ ấy, lại tiềm ẩn đầy rủi ro.


Cách để tôi vượt qua phương án mật ngọt này, là thử xem xét đến phương án đối nghịch - một phương án không mấy dễ chịu, để “chiến đấu”, và coi nó như một thử thách để vượt qua, rồi cân nhắc.


4. Mọi Thứ Chỉ Là Thử Nghiệm

Tôi luôn coi mọi thứ chỉ là thử nghiệm, và chính vì nó chỉ là thử nghiệm cho nên tôi dễ dàng lựa chọn hơn. Tôi sẵn sàng để sai hơn. Tôi cũng thường chọn cách thử nghiệm nhỏ, thay vì thử nghiệm những điều dễ để lại hậu quả lớn. Tôi chọn thử nghiệm nhỏ, rồi lấy kết quả từ thử nghiệm nhỏ đó để làm “tín hiệu” cho những quyết định lớn hơn.


Ở tình huống ấy, giữa các phương án, tôi “thử nghiệm” vài tín hiệu nhỏ, như là hỏi dò sếp của tôi xem tôi có thể xin nghỉ vài tháng không, tôi thử đi vài chuyến đi ngắn xem có sẵn lòng đánh đổi công việc vì chuyến đi cun ngầu kia không…


5. Mười Phút - Mười Tháng - Mười Năm

Đứng trước những quyết định gây nhiều phân vân, cảm xúc chính là rào cản, đôi khi ta sợ hãi, đôi khi ta phân tích quá nhiều, đôi khi ta tự phán xét bản thân… quá trình ấy có thể dẫn ta đến việc quá mệt mỏi vì phải ra quyết định. Và tôi thường sử dụng nguyên tắc 10-10-10-10, để biết mình muốn gì ở những thời điểm khác nhau: Tôi sẽ cảm thấy thế nào nếu tôi quyết định như vậy, sau 10 phút nữa - sau 10 ngày nữa - sau 10 tháng nữa - sau 10 năm nữa…


Và khi ấy tôi nhận ra, tôi sợ hãi khi phải viết một email cho sếp để xin nghỉ, nhưng tôi chắc chắn sau 10 năm nữa, tôi sẽ chẳng còn nhớ cảm giác khi ấy, và sẽ chẳng hề hối tiếc - chỉ vì đi theo niềm thôi thúc của bản thân từ lâu.


6. Hệ Giá Trị Cốt Lõi

Đứng trước một quyết định, ta có rất nhiều vai trò của bản thân phải xét đến: Ta là một nhân sự của team - ta là thành viên của gia đình mình - ta là người yêu - ta là một công dân… và với mỗi vai trò - ta lại có một trách nhiệm phải nghĩ đến. Và trong những giá trị mà ta gầy dựng, ta lại có nhiều giá trị để theo đuổi.


Khi ta quay trở về với giá trị cốt lõi của chính mình (điều đó có thể tùy ở mỗi người và tùy vào thời điểm mà mỗi người cần ra quyết định), ta chợt nhận ra “ta biết phải làm gì”.


Ở thời điểm lựa chọn đi Xuyên Việt, tôi nhận ra giá trị “trải nghiệm của bản thân” quan trọng hơn giá trị “phát triển sự nghiệp”, tôi nhận ra “sự đam mê” là giá trị tôi ưu tiên - hơn giá trị về “vật chất”. Những giá trị cốt lõi ấy, dẫn dắt tôi ra quyết định, không chỉ trong việc này - mà còn nhiều điều khác. Và thường thì khi sử dụng hầu hết cách mà vẫn không xong, tôi thường lựa chọn giải pháp cuối cùng này.


7. Mọi Thứ Đều Có Thể Sai

Tôi luôn sẵn sàng sai - bởi tôi nghĩ chẳng ai luôn đúng, đặc biệt chẳng mấy khi đúng ngay lần đầu. Các quyết định cũng vậy, mỗi quyết định “sai” - tôi coi nó là dữ liệu, để cải thiện cho những quyết định lần sau. Và chính vì luôn sẵn sàng tâm thế sai - khiến tôi ngưng kỳ vọng và áp lực vào quyết định của chính mình. Và cũng chẳng mấy khi hối tiếc, bởi tôi luôn tin tôi có thể làm tốt hơn, sau đó.


Và sai hay đúng, có thực sự quan trọng sau 10 ngày - 10 tháng - 10 năm hay 10 triệu năm, rồi tất cả mọi thứ đều bay biến, hãy cứ làm những điều chúng ta tin, những điều chúng ta thực sự muốn.


Ra quyết định - là một kỹ năng, và kỹ năng là điều có thể học được, có thể cải thiện mỗi ngày. Một cuốn sách tôi tâm đắc về chủ đề ra quyết định, cuốn Decisive (của Chip Heath & Dan Heath), bạn có thể tìm đọc. Tại Khóa Học Cộng Đồng: "Decisive - Ra Quyết Định Hiệu Quả" của www.compassion.vn, tôi sẽ chia sẻ về những điều này, vào ngày 7/9 tới.


Phạm Đại Bàng

186 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page