Tôi thực hiện nghĩa vụ quân sự vài năm trong quân đội Hoa Kỳ. Khoảng thời gian đó giúp tôi hiểu sâu sắc giá trị của sự chăm chỉ và vượt khó. Tôi đăng ký học trường đại học Brandeis vì tôi có một nền tảng tiếng Ả-rập vững. Khi đó tôi chưa xác định được mình muốn làm nghề gì nhưng dù sao thì bắt đầu từ điểm mạnh của bản thân còn hơn là từ số 0. Tôi quyết định tập trung gấp đôi vào chương trình nghiên cứu đạo Hồi và Trung Đông cũng như chương trình Kinh doanh, vì ngoại thương là một lĩnh vực hấp dẫn và có lẽ có một nghiệp vụ cùng nền tảng ngoại ngữ sẽ mang lại cho tôi nhiều cơ hội hơn.
Khi chỉ còn một năm học, tôi chuyên sâu vào chương trình Kinh tế học quản trị và chọn IMES (1) là môn học bổ trợ. Tôi nhận ra bằng Kinh tế rất có giá và sẽ giúp ích cho tôi sau này.
Tôi nghỉ hè tại trường, cố gắng lấy bằng càng sớm chừng nào hay chừng ấy để khoản vay sinh viên không tiếp tục tăng lên. Và một vấn đề phát sinh – tôi chưa thực tập hè lần nào. Để trở nên cạnh tranh hơn tôi nộp đơn (và chấp nhận nhập học) vào chương trình Thạc sĩ 5 năm, và lập tức bắt đầu tìm kiếm cơ hội để làm mờ điểm yếu này. Trong học kì đầu, tôi đăng ký một lĩnh vực nghiên cứu đặc biệt do một giaó sư trong trường hướng dẫn. Tôi là một trong năm đứa được giáo sư chấp nhận, chúng tôi phát triển một biểu đồ định lượng giao dịch dùng dữ liệu mạng xã hội để nắm giữ thị trường. Đó không phải là một nghiên cứu gì ghê gớm nhưng tôi học được cả ĐỐNG thứ hay ho về định lượng giao dịch và làm việc với dữ liệu khổng lồ, và quan trọng hơn, tôi đã có một điểm thú vị để đưa vào hồ sơ và thảo luận trong buổi phỏng vấn để làm mờ việc tôi không đi thực tập.
Sau nửa học kỳ, một ngân hàng đầu tư lớn tiến hành tuyển dụng trong phạm vi trường tôi cho mảng tiếp thị và giao dịch. Tôi nộp đơn và may mắn được phỏng vấn qua điện thoại theo kiểu S&T(2). Tôi ôn lại kiến thức kinh tế vĩ mô, tập trung vào các chi tiết về chiến lược giao dịch, kiểm tra các sự kiện, vạch ra một chiến lược giao dịch tiền tệ mà tôi nghĩ rằng sẽ gợi hứng thú cho team tuyển dụng. Và tôi lệch tủ hoàn toàn. Họ chỉ nghe đôi chút về lĩnh vực nghiên cứu của tôi rồi lập tức chuyển chủ đề. Họ muốn kéo tôi ra khỏi vùng an toàn. Tôi bị người phỏng vấn “hố” mấy lần về kiến thức thị trường. Kể cả cái chiến lược giao dịch tiền tệ tôi chuẩn bị trước cũng bị “quay” lên bờ xuống ruộng. Tóm lại là thảm họa. Một tiếng rưỡi sau, tôi nhận được email thông báo họ quyết định tiếp tục tìm kiếm những ứng viên khác. Thật sốc. Tôi hoàn toàn chưa chuẩn bị những vấn đề họ hỏi. Tuy nhiên, tôi ngồi lại và nghĩ về những điều tôi đáng nhẽ có thể làm tốt hơn, và lập kế hoạch cải thiện kiến thức và kỹ năng trong các lĩnh vực đó.
Từ đó, tất cả thời gian rảnh tôi đều dùng để cải thiện những lần phỏng vấn kế tiếp của mình. Mỗi tiếng không đọc sách hay học hành là mỗi tiếng phí phạm. Cơ hội tiếp theo của tôi là khi nhóm cựu sinh viên từ một công ty tư vấn ở Boston về trường để tuyển dụng cho kì thực tập mùa hè. Trong email doanh nghiệp có bao gồm tên của những chuyên gia sẽ tham dự. tôi nghiên cứu kĩ lưỡng từng người. Tôi theo dõi hồ sơ của họ trên LinkedIn, trên trang web của công ty, thậm chí tôi còn đọc tất cả các bài nghiên cứu đã xuất bản của họ để có cái mà nói nếu tôi bắt chuyện được với họ sau buổi diễn thuyết.
Hôm đó, mọi việc đều theo đúng kế hoạch. Họ giới thiệu về công ty, bản chất công việc, trả lời câu hỏi và dành thời gian giao lưu với sinh viên. Tôi đến từ sớm, chiếm lấy cái ghế ngay gần cửa để có thể là đứa đầu tiên nói chuyện với họ hoặc níu chân họ lại. Tôi có những chú ý về nghiên cứu cá nhân họ trình bày và khi buổi diễn thuyết kết khúc tôi bắt chuyện được với Giám đốc điều hành của nhóm. Cuộc nói chuyện diễn ra theo đúng ý tôi. Tôi đăng kí thực tập qua mạng, và gửi một email nhắc ông ấy về cuộc nói chuyện.Vài tiếng sau, tôi được nhận lời mời phỏng vấn tại văn phòng của công ty tuần tới.
Những ngày tiếp theo, tôi ôn lại tất cả những gì tôi tìm được về công ty đó, những hợp đồng của họ, hoạt động thiện nguyện, các nghiệp vụ của họ, các thành viên của nhóm và trường họ từng học, bất kỳ thứ gì trên báo, mọi thứ. Sau kinh nghiệm trước đây với ngân hàng đầu tư, tôi cảm thấy bản thân đã chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng với bất cứ thứ gì. Hôm đó, 6 chuyên gia phỏng vấn tôi nhưng tôi thấy mình đã hoàn thành tốt cả vòng phỏng vấn hành vi và phỏng vấn kỹ thuật. Tôi nói nhiều về thống kê và kinh tế lượng (2 mảng tôi nguyên cứu khi học) và mỗi buổi phỏng vấn đều suôn sẻ. Tôi rời công ty mà lòng lâng lâng. Hai tiếng sau, mọi hi vọng của tôi đều tan biến – họ quyết định tiếp tục tìm kiếm ứng cử viên khác. Tôi dành thời gian ôn lại những gì đã thể hiện hôm ấy và cố nghĩ xem tôi sai ở chỗ nào. Tôi lên một danh sách những thứ mình có thể cải thiện và làm mọi điều để khỏa lấp những điểm yếu cho lần phỏng vấn tiếp theo.
Một lần nữa cơ hội gõ cửa, một ngân hàng đầu tư địa phương đến trường tôi tuyển dụng. Họ yêu cầu hồ sơ, ngay lập tức tôi “đánh bóng” lại hồ sơ và gửi đi. Tôi được chọn phỏng vấn với một nhóm và lòng cảm thấy mình đã tiến bộ hơn nhờ những lần phỏng vấn trước. Buổi phỏng vấn diễn ra suôn sẻ. Ngân hàng này thiên về phỏng vấn hành vi hơn công ty tư vấn. Tôi không phải là đứa có kiến thức tốt nhất về mảng ngân hàng đầu tư nhưng tôi cảm thấy mình đã vượt qua khuyết điểm này bằng kỹ năng về kỹ thuật và khả năng sẵn sàng làm việc chăm chỉ. Tôi và người phỏng vấn đều đến từ một thị trấn nhỏ miền tây nước Mỹ và cùng chia sẻ niềm đam mê câu cá. Khi cuộc đối thoại diễn ra theo hướng đó, tôi cứ chắc mẩm rằng mình sẽ được tuyển. Tuy nhiên, 2 tiếng sau, tôi nhận email. Thảm họa. Họ quyết định tiếp tục tìm kiếm ứng viên khác.
Ban đầu tôi không biết mình sai ở đâu, nhưng cuối cùng tôi cần phải thừa nhận rằng có một số kiến thức tôi bị hổng. Nhà tuyển dụng hỏi những điều tôi chưa từng học ở trường. Vì vậy tôi bắt đầu soạn ra danh sách những cuốn tôi có thể ngấu nghiến lúc rảnh để củng cố các phần tôi thấy mình yếu nhất. Tháng 3 tới, tôi lúc nào cũng trong tình trạng phập phồng lo lắng. Mỗi ngày trôi qua, một cơ hội đăng kí thực tập lại hết hạn. Tôi dành vài tiếng đồng hồ sau khi học để tìm kiếm công ty, thiết kế hồ sơ và đọc sách. Rốt cuộc tôi nhận được một email trả lời từ một công ty cổ phần tư nhân nhỏ ở Tây Nam Hoa Kỳ. Nó cách nhà tôi 3,500 dặm, và lương thì vừa đủ để tôi trang trải chi phí sinh hoạt trong hè. Tuy nhiên, công việc có vẻ thú vị (không có nhiều cơ hội thực tập như thế này cho sinh viên) và thời gian không còn nhiều. Tôi sắp xếp một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với nhà tuyển dụng và ngỏ ý gửi một số công việc tôi đã làm để họ hình dung được khả năng của tôi. Tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ những thất bại trước đây và đem tất cả ra thể hiện. Tôi đi phỏng vấn với tất cả kiến thức, sự khao khát và cũng đầy trân trọng. Sau hai vòng phỏng vấn tôi giành được vị trí đó. Nó như một cuộc rượt đuổi và dù không hi vọng được giữ lại khi hết hè, tôi vẫn làm. Hè năm đó tôi học được 2 thứ: lắng nghe và học hỏi.
Tháng 5, tôi đến công ty tại New Mexico, ngay bên phải văn phòng thượng viện bang. Nhóm tôi làm việc chung, đưa ra một số yêu cầu cho tôi, tôi tự nhủ phải làm việc tích cực và siêng năng. Thật tốt khi được thể hiện, có những trải ngiệm thực tế, tiếp xúc với công việc tài chính. Công việc của tôi gồm kiểm toán báo cáo tài chính cho các phương tiện đầu tư, so sánh các khoản đầu tư cổ phần tư nhân và xem xét các cơ hội đầu tư từ các ngân hàng đầu tư trên cả nước. Nhưng có một điều luôn ám ảnh tôi – tôi không có công việc toàn thời gian sau khi kết thúc thực tập. Tuy nhiên, cuối cùng tôi cũng bắt đầu hình dung ra hướng đi của mình. Nhờ công việc xem trước các kênh ngân hàng và gọi các cuộc điện thoại, tôi nhận ra tôi yêu công việc những người này đang làm. Tôi muốn làm việc tại một ngân hàng đầu tư. Tôi làm việc nhiệt tình và xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp, đối tác. Mỗi tối, tôi dành thời gian nghiên cứu các công ty, kiến thức nghiệp vụ của ngân hàng đầu tư và viết email yêu cầu thông tin phỏng vấn. Hầu hết thời gian nghỉ trưa, tôi gọi điện, cố gắng học hỏi mọi thứ để theo đuổi con đường sự nghiệp trong ngành ngân hàng đầu tư, liên tục cố gắng để vượt qua hạn chế về kinh nghiệm thực tập.
Cuối cùng, tôi nói chuyện được với vài người làm tại Goldman Sachs và JP Morgan, họ cho tôi biết một sự thật phũ phàng: các ngân hàng đầu tư lớn có một quy trình tuyển dụng được tổ chức nghiêm ngặt, và với hồ sơ của tôi (kinh nghiệm thực tập hạn chế, điểm trung bình 3.6, tốt nghiệp một trường vô danh) thì cơ hội được phỏng vấn là 0,1%.
Cả đêm tôi không ngủ được và không ngừng suy nghĩ về những cuộc trò chuyện ấy. Cuối cùng, tôi quyết định rằng nếu tôi không thể vào ngân hàng lớn, tôi sẽ tìm cơ hội làm việc tại một ngân hàng nhỏ trước rồi chuyển sang một ngân hàng lớn hơn sau đó.
Một ngày vào giờ nghỉ trưa, tôi tình cờ tìm được một cơ hội thực tập tại một ngân hàng đầu tư ở Boston vào mùa thu. Tôi chớp lấy nó ngay lập tức và gửi hồ sơ đi. Còn việc học ở trường mùa thu thì tính sau. Những ngày tiếp theo đó, tôi dành thời gian rảnh nghiên cứu các đối tác của ngân hàng, chuyên môn trong lĩnh vực của họ và các giao dịch gần đây. Không lâu sau, cơ hội đến! Một trong những nhà tuyển dụng liên lạc với tôi và sắp xếp cuộc phỏng vấn. Tôi nhắc đến các giao dịch họ thực hiện gần đây, phỏng vấn viên rất ấn tượng với việc tôi đề cập đến những đối tác chiến lược của họ. Cô lên lịch cho tôi phỏng vấn với một nhà phân tích, tôi lập tức chuẩn bị bằng cách tìm hồ sơ của ông ấy trên LinkedIn. Mọi việc diễn ra tốt đẹp. Tôi trả lời được tất cả các câu hỏi về nghiệp vụ, vì đã nghiên cứu về người phỏng vấn tôi, chúng tôi tìm ra điểm chung với nhau. Cuộc phỏng vấn nhanh chóng biến thành một cuộc trò chuyện thân thiện và ngay sau đó, tôi có một lời mời thực tập tại ngân hàng khi tôi trở lại Boston vào mùa thu.
Dĩ nhiên, điều này không thể ngăn tôi ngừng cống hiến cho công việc hiện tại. Công ty cổ phần tư nhân đó vô cùng ấn tượng với sự chăm chỉ của tôi và cho đến hôm nay, tôi vẫn giữ liên lạc với người hướng dẫn cũ.
Khi tôi trở lại Massachusetts vào mùa thu, lịch học là một trở ngại lớn. Thật không dễ dàng khi vừa thực tập 50 tiếng một tuần, vừa đi học, nhưng với một số thay đổi, tôi đã giải quyết được vấn đề. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là một ngân hàng đầu tư, chỉ trong vòng một tháng thực tập, tôi đã quyết định rằng đây là nơi tôi muốn gắn bó. Tốt hơn nữa, ngân hàng chuẩn bị tổ chức ngày tuyển dụng cho vị trí toàn thời gian vào cuối mùa thu và tất cả các thực tập viên hiện tại (bao gồm cả tôi) đều được đặc cách qua vòng phỏng vấn đầu tiên. Tôi đã làm việc khá lâu và chăm chỉ, chớp lấy mọi cơ hội để hỗ trợ các nhà phân tích trong giao dịch của họ. Khi tôi nhận được một nhiệm vụ, tôi cố gắng hoàn thành một cách nhanh chóng và chính xác nhất có thể và tích cực đặt câu hỏi, luôn yêu cầu thêm công việc khi tôi đã làm xong. Mọi thứ thật tuyệt, vì người phỏng vấn tôi chính là hai nhà phân tích tôi đã hỗ trợ rất tốt. Tôi cảm thấy mỹ mãn với thành quả thu được.
Không may, một lần nữa thảm họa lại diễn ra. Họ quyết định tiếp tục tìm kiếm ứng viên khác.
Biết rằng việc thực tập tại ngân hàng này sẽ không đi đến đâu, tôi nỗ lực gấp đôi. Tôi tranh thủ thời gian nghỉ trưa để tìm kiếm thông tin phỏng vấn và trên mỗi lượt tàu đi đi về về Boston tôi nghiên cứu về kiến thức nghiệp vụ, giải quyết tình huống và đọc tập chí Wall Street. Thậm chí tôi còn tải về một ứng dụng rèn luyện tư duy toán trên điện thoại, để khi không có gì đọc tôi có thể luyện tính nhẩm.
Cuối cùng, tôi nhận được một lời mời phỏng vấn từ nhóm ngân hàng đầu tư công nghệ của một ngân hàng quốc tế lớn tại San Francisco sau vài cuộc điện thoại giới thiệu và 2 vòng phỏng vấn qua điện thoại. Họ giao cho tôi một tình huống để chuẩn bị và đặt vé để tôi bay đến California. Vào hôm đó, tôi đã trải qua sáu vòng phỏng vấn, bị tấn công dồn dập bởi các phó chủ tịch và các giám đốc. Tôi hoàn toàn tự tin và chỉ mắc vài lỗi nhỏ. Tôi đã cảm ơn các giám đốc đã phỏng vấn qua điện thoại. Rồi trở lại Boston và háo hức chờ đợi email.
Nhưng nó không bao giờ đến. Nhóm tuyển dụng gửi email cho tôi gần sáu tuần sau đó, nói rằng vị trí này không bao giờ mở và dù họ thích tôi nhưng không thể hứa hẹn gì về một cơ hội trong tương lai. Tôi như bị sụp đổ. Nhưng chuyện chưa dừng ở đó. Hai trong số các giám đốc rất ấn tượng với tôi và ngỏ ý giới thiệu tôi cho một vị trí tại ngân hàng ở New York, trong Tập đoàn Convertibles và Equity Linked Origination. Sau vài vòng phỏng vấn qua điện thoại, tôi nhanh chóng lên đường đến buổi phỏng vấn tại New York.
Dù đã có một cơ hội phỏng vấn tuyệt vời, tôi vẫn không ngừng tìm kiếm tiếp. Cũng chính 2 giám đốc đó giúp tôi sắp xếp một cuộc phỏng vấn với mảng Công nghệ, Truyền thông và Viễn thông của họ. Ngoài ra, giám đốc điều hành của một ngân hàng nhỏ tại Connecticut cũng đích thân phỏng vấn tôi.Thời điểm đó, tôi đứng giữa 3 cơ hội làm việc tại các ngân hàng đầu tư tuyệt vời – và CẢ BA đều trượt khỏi tay. Tôi không thể giữ lại dù chỉ một cơ hội và tôi cũng không hiểu tại sao lại như vậy. Tôi nhận ra mình thiếu thứ gì đó, và bắt đầu xem chính xác nó là gì.
Lúc này, tôi vẫn đang thực tập tại Boston, trên mỗi chuyến tàu, tôi đều nghĩ về những gì mình có thể làm. Và điều có ích duy nhất tôi làm được để tối đa hóa cơ hội giành lấy một công việc ở ngân hàng đầu tư: không phỏng vấn qua điện thoại. Từ bây giờ, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để gặp trực tiếp các nhân viên ngân hàng. Rồi họ sẽ gọi điện và nhắc đến tôi với nhà tuyển dụng: “Tôi đã gặp ứng viên này, họ có những gì mà chúng ta cần”. Lúc đó đang trong thời gian nghỉ đông và kỳ thực tập tại ngân hàng ở Boston của tôi gần kết thúc.
Sau khi thực hiện chiến lược mới, tôi có vài thông tin về các buổi phỏng vấn trực tiếp với giám đốc điều hành tại một số ngân hàng lớn ở New York. Kết quả của các cuộc phỏng vấn rất đa dạng – tất cả đều ấn tượng với tôi và sẵn sàng giúp đỡ. Tuy nhiên, thời gian của mùa tuyển dụng gây bất lợi cho tôi. Tất cả các ngân hàng đã hoàn thành việc tuyển dụng từ các trường top dưới và cơ hội để tham gia vào quy trình tuyển dụng như thường lệ gần như bằng không. Nhưng một điều kì diệu xảy ra, một trong số họ hóa ra là người chủ tịch ban tuyển dụng cho mảng ngân hàng đầu tư ở một trong số các trường Ivy League. Ông ấy nói với tôi rằng dù tôi đến từ một trường đại học tầm trung nhưng ông ấy rất ấn tượng với tôi và sẽ tạo cơ hội cho tôi tại ngày hội tuyển dụng dành cho các trường Ivy League.
Tôi đã chờ đợi khoảnh khắc này từ lâu. Từ một thực tập sinh cho một công ty cổ phần tư nhân nhỏ ở Tây-Nam Hoa Kỳ, giờ tôi tham gia phỏng vấn ở thành phố New York cùng các ứng cử viên từ những trường đại học danh giá, tại một trong những ngân hàng đầu tư uy tín nhất trên thế giới. Tôi từng đến các buổi tuyển dụng tại New York và biết nó khốc liệt như thế nào. Nhưng đây là cơ hội để tôi đem hết những kinh nghiệm từ thất bại thể hiện ra. Và cũng là ngày cuối cùng của mùa tuyển dụng và thất bại đồng nghĩa với ước mơ của tôi cũng mất. Họ tấn công tôi dồn dập với những câu hỏi về tài chính doanh nghiệp, nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, kiến thức thị trường, các vấn đề hóc búa khác. Nhưng đó là điều tôi học được từ các cuộc phỏng vấn trước. Mục đích của phỏng vấn không phải là để tìm ra cái bạn bạn biết mà là tìm ra những hạn chế của bạn, cách bạn ứng phó dưới áp lực khi đối diện với điều bạn chưa biết.
Tôi bình tĩnh trở lại Boston và chờ đợi thông báo. Học kỳ mùa xuân bắt đầu và đó là một buổi chiều thứ tư lạnh giá khi họ gọi đến. Nhóm tuyển dụng hào hứng mời tôi gia nhập mảng ngân hàng đầu tư của công ty, chúc mừng tôi. Thậm chí họ còn vui hơn khi tôi chấp nhận ngay lập tức.
-----------
Lời chia sẻ từ admin của How I got my job in the U.S.
Tôi đã chờ đợi câu chuyện này trong một thời gian dài. Câu chuyện này rất đặc biệt vì nó đến từ một người bạn mang quốc tịch Mỹ của tôi. Tôi đã chia sẻ nhiều câu chuyện thành công của các sinh viên quốc tế, nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng ngay cả sinh viên Mỹ cũng phải làm việc vất vả để có một công việc tốt trên quê hương của họ. Sau khi phục vụ vài năm trong Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, Rhys ghi danh vào một trường đại học và hành trình của anh ấy từ một một sinh viên trường top dưới, kinh nghiệm làm việc hạn chế đến nhân viên một ngân hàng đầu tư danh tiếng Phố Wall thật sự là một câu chuyện đầy kinh ngạc và đáng ngưỡng mộ. Xin được ngả mũ bái phục trước sự chăm chỉ và tận tụy của anh, Rhys!!!
-----------
Thông tin thêm về bản dịch
Người dịch: Nguyễn Thân Vân Nhi Về hoạt động dịch chuỗi bài "LÀM THẾ NÀO TÔI CÓ CÔNG VIỆC Ở MỸ?": http://bit.ly/compassduandichbai
-----------
Ghi chú cho bản dịch:
IMES: viết tắt của The Islamic and Middle Eastern Studies
S&T interview: một kiểu phỏng vấn. Xem thêm tại https://www.wallstreetoasis.com/forums/st-interviews-and-how-they-differ-from-banking-interviews
Comments