top of page
Compassio 5.png
Compassio 3.png
Ảnh của tác giảXuân Phạm Văn

Tiểu Luận: Athens - Chốn Yên Lặng Nhiều Lời

Đã cập nhật: 12 thg 8, 2021


Những thành phố của chúng ta đang bị lấp đầy bởi những khối ồn ào do chính con người tạo ra. Chúng ta sẽ tìm thấy sự yên tĩnh cần thiết để nuôi dưỡng tinh thần mình ở đâu?

Phần I: Athens Ngày Ấy - Bây Giờ


Đi bộ từ phía Nam lên Bắc Peripatos, một con đường cổ bao quanh Acropolis ở Athensvà giao với con đường Panathenaic ở sườn bắc. Nó kết nối các điện thờ nằm ​​xen kẽ xung quanh đồi Acropolis - như tôi đã làm vào một sáng nắng vàng hồi tháng 12 năm ngoái - sẽ đưa bạn lướt qua đám đông náo nhiệt trải dài trên những chiếc ghế đá của Nhà hát Dionysus. Sau đó, con đường đi qua bên dưới hàng cột được phục hồi một phần của Propylaea kì vĩ, từng nhóm du khách tụ lại để trò chuyện và chụp ảnh trước khi họ vượt qua cửa ngõ tráng lệ đó để vào đền Parthenon. Tiếp tục đi xa hơn dọc theo con đường mòn uốn lượn, và, giống như một vị thần hiển linh, bạn sẽ thấy mình đang ở trong khu vực hoang vu quay mặt về phía bắc của mỏm đá cổ xưa đó. Trong khu vực được gọi là Long Rocks, có một loạt các hốc đá với kích thước khác nhau, được các nhà khảo cổ học đặt tên một cách tài tình là hang A, B, C và D. Trong sự yên tĩnh đến không ngờ, dải đá này dường như vẫn là nơi ẩn mình của các vị thần tối cao.


Wild geese in Prospect Park, Brooklyn, New York City, USA, 2017. Photo by Rebecca Norris Webb from the book Brooklyn, the City Within with Alex Webb/Magnum Photos

Tôi đã ngồi bên dưới những hang động vào buổi sáng hôm đó với lòng biết ơn sâu sắc về quãng thời gian nghỉ ngơi sau những xáo trộn và, trong vài phút, tôi chỉ lắng nghe. Việc tìm kiếm sự yên tĩnh, đặc biệt là ở các khu vực thành thị đã trở thành mối bận tâm của tôi trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sự yên tĩnh mà tôi đã trải qua bên dưới các hang động của Zeus Astrapaios, của Apollo và của Pan không hẳn là một cuộc "đối đầu với im lặng", vì nó xen kẽ nhiều âm thanh. Tiếng kêu meo meo từ một gia đình mèo nào đó; gió vờn qua đá vôi và phiến thạch một cách tinh nghịch, làm những chiếc lá chao nghiêng rồi chạm đất. Thỉnh thoảng văng vẳng lời trò chuyện từ các quán cà phê trong khu Plaka; Ai đó đã thổi tiếng lòng u sầu của mình vào cây kèn Klarino. Tất cả những âm thanh này đều khiến tai tôi cảm thấy dễ chịu. Hình thức yên lặng này, một hình thức không chính xác là im - lặng, được đặc trưng bởi sự vắng mặt của tiếng ồn. Tôi gọi đây là "sự ồn ào êm ái", đồng thời khẳng định sự "có mặt ở hiện tại", là "cản âm" (nghĩa là không có tiếng ồn khó chịu).


Một lúc sau, tôi di chuyển xa hơn về phía đông dọc theo Peripatos và những câu chuyện phiếm ven đường vang lên lần nữa; tiếng nhấn còi inh ỏi phía xa, kéo theo những đoạn ngân dài quen thuộc của xe cộ. Một tiếng còi sắc bén thổi từ đỉnh Acropolis (thành cổ ở Athens, nằm trên một mỏm đá phía trên thành phố. Đây cũng là nơi chứa phần còn lại của một số tòa nhà cổ có ý nghĩa về kiến ​​trúc và lịch sử vĩ đại của thế giới cổ đại, nổi tiếng nhất là đền Parthenon) - có lẽ một du khách nào đó đã băng qua sợi dây dăng và đặt chân tục tĩu vào một món đồ cổ được bảo vệ. Bây giờ tôi đã bỏ lại sự yên tĩnh phía sau; thời gian của tôi với các vị thần... đã kết thúc.


Đây là chuyến trở lại Athens của tôi sau vài thập kỷ. Thành phố luôn hấp dẫn tôi với những khu chợ sầm uất; những người bán hàng bên ngoài các quán cà phê lộng lẫy mời gọi người qua đường dừng chân; vẻ tôn nghiêm tráng lệ của những nhà thờ mái vòm; những người buôn bán đồ kim khí đắm chìm trong cuộc đối thoại không hồi kết (Liệu sẽ có xung đột ẩu đả hay những cái ôm đồng cảm? Người ta không thể nói trước, vì những cuộc tranh luận chẳng bao giờ kết thúc). Các viện bảo tàng thu hút sự chú ý của nhiều người bởi đặc tính khơi gợi trí tò mò, tìm hiểu. Dễ dàng bắt gặp chuyến phiêu lưu trong thành phố của những con mèo hoang. Thơ ca dường như hiện diện khắp mọi nơi; ở góc phố và các quảng trường vang lên nhiều giai điệu khác nhau từ những người chơi đàn Luýt và những người hát rong; cái nắng gay gắt của mùa hè; Sự pha trộn lộn xộn giữa những con phố giàu có và nghèo khổ; tiết trời trở nên dễ chịu vào mùa đông; Những hình vẽ trên tường với các chủ đề: chính trị, hài hước, đôi khi tục tĩu, đôi khi trống rỗng dại khờ; những người bán hạt dẻ trên vỉa hè miệt mài với chảo rang của họ; sự phân tán của các mảnh vỡ hoành tráng; tâm trạng xen kẽ của sự tuyệt vọng và sự sôi nổi gợi ý rằng cả tính chiến đấu và sự bình tĩnh đều là những khả năng luôn tồn tại; cây cối rậm rạp kết thành khu vườn bách thảo; sự tôn kính mà Athens dành cho quá khứ của nó; nhưng vẫn ý thức rằng quá khứ không nên quyết định tương lai.


Rồi, những tiếng ồn bủa vây, một sự náo động đa âm. Sự hỗn loạn âm thanh ở Athens phát sinh từ chính con người, phương tiện di chuyển và "địa ngục kiên cố" được xây dựng bởi khối máy móc đồ sộ ở đây. Lúc đầu, tôi đã tự hỏi, liệu việc "bền bỉ chinh phục" thứ âm thanh ồn ào huyên náo của thành phố là "cuộc chơi" của những người trẻ tuổi? - Ừ, có lẽ vậy! Nhưng quay trở lại Athens lần này với tôi là một "cuộc hẹn mười năm" cùng người tình cũ, người mà những lời thì thầm dịu dàng của họ còn khiến ta đê mê. Và cả những lời chua chát mà họ nói ra vẫn gợi cảm vô cùng. Dẫu vậy, tôi thật lòng mong mỏi Athens được giải phóng khỏi tiếng ồn bủa vây. Và thành phố có được những phút giây bình yên trong chính nó. Vài ngày sau, tôi rời đi, đến với triền núi Peloponnes.


Dường như là không thực tế khi kỳ vọng Athens sẽ "chuyển mình" yên lặng. Bởi sự thật, nó là một đô thị rộng lớn và năng động với hơn 3 triệu tâm hồn cư ngụ. Tôi bắt đầu tự hỏi liệu những khoảnh khắc yên tĩnh ở phía bắc Acropolis mà tôi may mắn trải nghiệm, là dấu tích sót lại của một thời yên lặng đã xa? Thật hợp lý khi lưu tâm về các dấu vết lịch sử của thành bang Athenian cổ đại - phần đang bị "lãng quên" - vì sau các vụ phun trào địa chất xâm nhập vào các tầng lớp đô thị hiện đại, chúng đã dịch chuyển sang thành phố hiện đại. Tuy nhiên, có những điểm tiếp nối quan trọng giữa cái cũ và cái mới. Khó có thể tưởng tượng khi đọc được rằng Kỷ Nguyên Vàng của Athens đã từng là một "Thời đại im lặng". Bất chấp trong thời kỳ cổ điển Athens chỉ là một thành phố quy mô nhỏ - trong cuốn The Greeks (1951), học giả Kitto cho biết toàn bộ dân số của bán đảo Attic, nơi mà thành phố thống trị, chỉ có 350.000 người - Mặc dù vậy Athens, dường như luôn là một thành-phố-lắm-lời.


Polis, trong tiếng Hy Lạp cổ đại có nghĩa là "thành phố", Nó xác định trung tâm thành phố hành chính và tôn giáo, khác biệt với phần còn lại của thành phố. Trong lịch sử học hiện đại, polis thường được dùng để chỉ thành bang Hy Lạp cổ đại, chẳng hạn như Athens cổ đại và các thành phố cùng thời, và do đó polis thường được hiểu là "thành bang".


Sự lắm-lời của thành bang Athens cổ đại không nảy sinh từ đời sống thường ngày mà nó được đặt nền tảng bởi "quyền tự do ngôn luận". Như nhà sử học cổ đại Jean-Pierre Vernant đã viết trong Les origines de la pensée grecque (1962), hay The Origins of Greek Thought (1982): "hệ thống tổ chức polis ngụ ý, trước hết, sự ưu việt phi thường của lời nói so với tất cả những công cụ quyền lực khác… Lời nói không còn là những từ ngữ bị bó mình trong lễ nghi, cách thức. Mà nó vươn ra thành những cuộc thảo luận, tranh luận, phản biện công khai, cởi mở". Trong các tác phẩm triết học và chính trị của người Hy Lạp cổ đại, không có gì đáng ngạc nhiên, hâu như chẳng có gì đề cập đến "sự vắng mặt của tiếng ồn" hay thiếu vắng đi "sự im lặng chú tâm" đã nói ở trên.


Phần 2: Athens Và Sự Lắm-Lời-Triết-Học


Về Triết học, phải thừa nhận rằng, một chút im lặng nhỏ đã xen vào điểm nhấn trong các cuộc đối thoại của Socrates (đối thoại Socrates là một cuộc tranh luận hoặc một loạt các lập luận sử dụng phương pháp hỏi và trả lời. Thường thì sẽ không có sự im lặng tồn tại giữa những đợt sóng tranh luận này. Tuy nhiên, khi tìm hiểu sâu thì các nhà NC phát hiện có những khoảng im lặng nhỏ ở đây). Nhận xét về sự im lặng này, đồng nghiệp của tôi Sean Kirkland (người hầu như theo tư tưởng của Aristotle) ​​nhận xét: "Plato đánh dấu chúng với sự nhấn mạnh thực sự". Ví dụ, trong Phaedo (kể lại các sự kiện và cuộc trò chuyện xảy ra vào ngày Socrates bị nhà nước Athens xử tử, được viết bởi Plato), vào ngày Socrates qua đời, có một ví dụ đáng chú ý về sự im lặng. Plato ghi lại rằng khi "Socrates đã nói xong, trong một khoảng thời gian đáng kể, đã có sự im lặng; bản thân ông ấy dường như đang thiền định". Nhưng ngay cả khi ông ấy đang đếm ngược đến ngày hành quyết của mình, Socrates - người gây tranh cãi nhất Hy Lạp - vẫn không thể im lặng được lâu. Sau khi tạm dừng để trầm ngâm, cuộc tranh luận lại tiếp tục. Mặc dù vậy, bất chấp những trường hợp quan trọng của sự im lặng này, Kirkland thừa nhận quan điểm của tôi, nhận xét rằng "người Hy Lạp thật lắm lời".


Nếu truyền thống triết học Hy Lạp là lắm lời và ồn ào, thì sự tĩnh lặng lại phát triển mạnh mẽ trong thực hành tâm linh của người Hy Lạp. Trong cuốn sách Silence in the Land of Logos (2000), nhà nghiên cứu văn hóa Hy Lạp và La Mã cổ đại - Silvia Montiglio đã khai quật lịch sử phức tạp của sự im lặng trong thực hành tôn giáo Hy Lạp cổ đại. Montiglio thừa nhận: "Những trải nghiệm là sự im lặng thông thường đối với chúng ta, lại là một hình thức cất tiếng đối với người Hy Lạp, ít nhất là trong thời kỳ Hy Lạp Cổ Phong (từ thế kỷ 8 TCN) và Hy Lạp Cổ Điển (từ thế kỷ thứ 5 TCN)". Mặc dù người chết chỉ còn là sự im lặng được nhiều người biết tới, nhưng Montiglio vẫn truyền tải một loạt các văn bản liên quan để hiểu việc thực hành tôn giáo "giao tiếp với nhau thông qua sự im lặng". Bằng cách đó, cô tiết lộ rằng, sự im lặng của người Hy Lạp cổ đại thường mang đặc điểm của tính ngăn cản: lời nói phải được kiểm soát trước các vị thần. Người ta không bao giờ biết được những lời nói thiếu suy nghĩ của mình có thể xúc phạm đến thần linh như thế nào.

'Nếu bạn không thể đạt được sự tĩnh lặng ở nơi bạn đang sống, hãy xem xét việc sống tha hương, và cố gắng quyết tâm đi.'

Trong khi sự im lặng của thực hành tôn giáo Hy Lạp Cổ Đại cần một số nghiên cứu học thuật kỹ lưỡng và cẩn trọng để tuyên bố về nó, thì sự im lặng trong truyền thống Kitô giáo là phổ biến một cách rõ ràng. Truyền thống của Hy Lạp về hesychasm (tiếng Hy Lạp hesychasm có nghĩa là "bình lặng", "yên lặng" và "tĩnh lặng", hesychasm là một hình thức cầu nguyện với sự tĩnh lặng) đặt sự im lặng trên nền tảng tích cực nhất của nó. Người cầu xin nên im lặng trước một Đức Chúa Trời linh thiêng cao cả bởi im lặng là một nghi thức cầu nguyện cần thiết và đáng tự hào. Hesychasm của tu viện Athonite thế kỷ 14 được xây dựng dựa trên tài liệu của các Desert Fathers - những nhà khổ hạnh thế kỷ III và IV của Ai Cập và Pa-le-xtin. Những tác phẩm này được thu thập và kết hợp bởi Saint Nikodimos trong cuốn Holy Mountain of Athos (1749-1809) và Saint Markarios với Corinth (1731-1805), và có thể được tìm thấy trong The Philokalia - The Complete Text (xuất bản bản dịch tiếng Anh bắt đầu gồm năm tập trong năm 1979). Ngay cả những người không có tí mong muốn nuôi dưỡng mối quan hệ mật thiết, chiêm nghiệm với Đức Chúa Trời cũng sẽ thấy những bài đọc này rất phong phú và hữu ích. Chúng cung cấp bộ bách khoa toàn thư đầy đủ nhất mà chúng ta có theo truyền thống phương Tây về những giá trị đặc biệt của sự tĩnh lặng, yên lặng và vắng vẻ. Ví dụ, Thánh Diadochos của Photiki (400-486) nói với chúng ta rằng “Nơi nào có sự phong phú về tinh thần thì không có lời nói nào. Vào những lúc như vậy, linh hồn say sưa với tình yêu của Đức Chúa Trời và với tiếng nói thầm lặng, vui sướng trong vinh quang." Thánh Theodoros Đại khổ hạnh vào thế kỷ thứ VII tuyên bố: "Người biết im lặng có cả ngai vàng của tri giác." Theodoros sau đó tiếp tục với "lời khuyên" đầy tính cảnh giác: "Chúa đã phán rằng chúng ta phải giải trình mọi lời nói vu vơ". Điều này có thể gây khó khăn, ít nhất là đối với một số người trong chúng ta.


Trải qua nhiều thế kỷ, thực hành im lặng vẫn tiếp tục và thực sự tìm thấy ngôi nhà tâm linh đương thời. Thông điệp quan trọng nhất đọng lại: im lặng là đức hạnh; tiếng ồn là một sự phân tâm. Mặc dù dịch hēsychiabình lặngyên lặng là phù hợp, nhưng dịch nó là 'tĩnh lặng' nhấn mạnh một khía cạnh quan trọng của thực hành tâm linh. Có nghĩa là, từ "tĩnh lặng" thể hiện một cảm giác về sự bám rễ (hoặc theo nguyên tiếng Hy Lạp là "được ngồi xuống"). Sự yên tĩnh chỉ có thể xảy ra khi cách xa những xung đột thế tục và sự giam cầm của thành phố. Evagrios the Solitary (345-399) - một trong những tác giả yêu thích của tôi đã viết: 'Nếu bạn không thể đạt được sự tĩnh lặng ở nơi bạn đang sống, hãy xem xét việc sống tha hương, và cố gắng quyết tâm đi.' Có nhiều lời cảnh báo chống lại lối sống đầy ham muốn nơi các thành phố ở Philokalia. Ví dụ, Thánh Neilos, Nhà khổ hạnh ở thế kỷ thứ V, cảnh báo chúng ta rằng "để thoát khỏi cảnh khốn cùng, các vị thánh đã lánh xa các thị trấn và tránh gặp gỡ nhiều người vì họ biết rằng sự chung sống với loài người còn tàn phá hơn cả bệnh dịch".


Như tôi thấy, đây là các điểm cực của người Hy Lạp: một mặt là những cuộc đối thoại kéo dài liên tục ở các thành bang polis. Và mặt khác, là sự tĩnh lặng của tha hương, của những ngọn núi, sa mạc. Một cực đã cho chúng ta một nền chính trị, và một tập hợp các thể chế. Mặt kia trang bị một phương pháp tu hành. Tất nhiên, đây không phải là những nguyên tắc bất khả chiến bại. Nền dân chủ Athens hình thành từ những con người ở mọi miền khác nhau và cả những người dân quê. Và người ta có thể tìm thấy những người theo chủ nghĩa yên lặng ngay cả trong đời sống xa hoa của Athens. Mặc dù có những khoảnh khắc như tôi đã trải qua tại các tảng đá quay mặt về phía bắc của Acropolis, khi một sự tĩnh lặng đổ xuống bao trùm sự náo nhiệt của người Athens, thành phố này hiếm khi không có tiếng ồn. Ngay cả những người trong chúng ta, dù không cần tĩnh lặng để lắng nghe tiếng nói của Chúa, cũng có thể cần sự vắng mặt của tiếng ồn, để nghe bất cứ điều gì quan trọng, dù đó chỉ là suy nghĩ trong mình.


Phần 3: Sự vắng mặt của tiếng ồn và sức khỏe tâm trí.


Khi tôi đến thăm Athens lần đầu tiên, tôi là một sinh viên trẻ mới tốt nghiệp, đang sống ở Dublin. Hồi đó, tôi sở hữu thứ mà tôi nghĩ là "tâm trí biến chuyển đa màu". Bây giờ tôi nhận ra, đúng hơn nó chính là tâm trí tôi hỗn loạn, bồn chồn và ám ảnh. Một người bạn vào thời điểm đó đã gợi ý rằng, chúng tôi nên cùng nhau luyện tập thiền định, như một biện pháp cứu cánh tinh thần trong năm cuối cùng của quá trình viết luận văn đầy căng thẳng. Vị linh mục Công giáo dẫn dắt buổi thiền giải thích rằng chúng tôi sẽ chỉ ngồi trong im lặng để tĩnh tâm. Tại sao chứ? tôi hỏi. Tôi có bao giờ muốn làm như thế đâu! Vì vậy, tôi bỏ đi. Đối với tâm trí cần được kích thích liên tục, Athens với những nhà hát đường phố trải dài vô tận, và tất cả niềm u mê quyến rũ đến từ sự ồn ào chưa bao giờ ngơi nghỉ của nó, thật sự là một thành phố của những giấc mơ. Tâm trí điên cuồng của tôi dường như được khuếch đại và mở rộng ở nơi đó. Đây là những gì tôi cần để phát triển, tôi nghĩ; chứ không phải là lặng lẽ nhìn chằm chằm vào một bức tường trống.


Những ngày này, diễn biến tâm trí của tôi có vẻ chậm hơn. Tôi nghĩ rằng chúng cũng đang diễn ra sâu sắc hơn. Tôi yêu cầu thời gian yên tĩnh lâu hơn, vì lợi ích tinh thần mà sự điềm tĩnh mang lại. Sống ở Chicago, thật khó để tìm thấy những khoảng thời gian im lặng không gián đoạn, nơi mà tiếng ồn ào của con người được giảm thiểu và âm thanh tự nhiên trong Trái đất - tiếng chim chóc, côn trùng, gió reo, tiếng sóng vỗ bờ, tiếng cây cót két - chạm đến tai và xoa dịu tâm trí. Tôi từng lấy ví dụ về sự khôn ngoan tâm linh của truyền thống cầu nguyện huyền bí - nơi mà sự tĩnh lặng đòi hỏi chấm dứt tiếng ồn do con người gây ra để những tiếng nói khác có thể được nghe thấy - tôi đã trở thành một học viên của hình thức im lặng này. Trong bối cảnh tâm linh của nó, tôi gọi đây là "sự im lặng tránh xa tiếng ồn". Những người theo truyền thống cầu nguyện này đòi hỏi sự tĩnh lặng để phát triển mối quan hệ mang tính trải nghiệm với Đức Chúa Trời, nhu cầu về việc nghe tiếng ồn có vẻ trần tục hơn; nghĩa là, sự vắng mặt của tiếng ồn là một nhu cầu đối với sức khỏe.


Theo quan sát của tôi, các khu vực đô thị hiếm khi yên tĩnh không phải là điều đặc biệt mới lạ; tiếng ồn thường là điểm "đáng tự hào" của người dân - "thành phố không bao giờ ngủ" chắc chắn phải là một thành phố ồn ào. Các nhà hoạch định chính sách thường quan tâm đến việc hạn chế tiếng ồn quá mức - loại bỏ tiếng ồn gây hại ở nơi làm việc, yêu cầu thời gian yên tĩnh trong các khu dân cư, v.v. Tuy nhiên, tôi đã phát hiện ra rằng, việc định lượng sự yên tĩnh của đô thị - và xác định các cơ hội mang đến sự yên lặng không tiếng ồn - hiếm khi được thực hiện.

Khoảng thời gian lâu nhất không bị xâm nhập, gây rối  bởi âm thanh do con người tạo ra là 3 phút 15 giây

Với quan điểm xác định chất lượng của sự im lặng ở khu vực Chicago, tôi đã làm việc với một nhóm sinh viên đại học chuyên ngành Môi trường mạo hiểm - Bailey Didier, Matthew Rosson và Ashlyn Royce, tham gia sau đó có Angela Stenberg - để thực hiện các bản ghi âm ở những nơi sự im lặng vắng mặt tiếng ồn có thể chiếm ưu thế. Các sinh viên này làm việc với tôi trong nhiều dự án liên quan đến đặc trưng hệ sinh thái của không gian xanh trong thành phố. Những buổi sáng mùa đông khắc nghiệt từ tháng 2 đến đầu mùa xuân năm ngoái, chúng tôi đã ghi hình hai lần mỗi tuần tại hai khu bảo tồn thiên nhiên trong thành phố và một nghĩa trang lớn ở phía bắc thành phố. Những bản khác ghi lại âm thanh xung quanh cái ao đã được tu bổ và nằm trong một khu phố sầm uất. Một tài khoản trong "miền ghi chú" của tôi đã ghi lại được những âm thanh thông thường xảy ra trong khoảng 10 phút như sau:


Tiếng máy bay vò vè trên không, cứ tiếp diễn trong một thời gian. Tiếng ken két phát ra từ đường sắt trên cao. Tiếng rền ầm ầm của giao thông, có gió nhẹ thổi qua. Giao thông vẫn tiếp tục. Máy bay kêu to hơn. Im lặng (nhưng rất ngắn). Tiếng ồn giao thông dai dẳng. Tiếng máy bay ở xa. Tiếng ngỗng kêu cách đó một khoảng. Tiếng chà rít của lốp ô tô. Tiếng còi ô tô. Tiếng máy bay. Tiếng gầm vang của tàu hỏa. Im lặng (nhưng rất ngắn). Tiếng ồn giao thông trở lại. Âm thanh chói tai từ tàu hỏa. Tiếng rú của còi xe cấp cứu. Tiếng tàu hỏa đập mạnh vào đường ray. Các tuyến tàu ngoại ô lạch cạch.


Chúng tôi sử dụng cách phân loại âm thanh do nhà văn, cũng là một người chuyên ghi âm âm thanh - Bernie Krause đề xuất trong cuốn sách của ông "Dàn hợp xướng vĩ đại cuả động vật: Tìm nguồn gốc âm nhạc ở những nơi hoang dã trên thế giới" (2012). Krause phân biệt anthrophony (âm thanh do con người tạo ra), biophony (âm thanh do các sinh vật không phải con người tạo ra) và geophony (âm thanh do các yếu tố tự nhiên phi sinh học tạo ra). Việc kiểm đếm dữ liệu của chúng tôi gần như hoàn tất. Không cần phân tích phức tạp, điều này đã rõ ràng: trong hơn 10 tuần ghi âm suốt mùa đông, khoảng thời gian dài nhất không có sự xâm nhập của âm thanh gây rối do con người tạo ra chỉ là 3 phút 15 giây.


Những gì chúng tôi đã tìm thấy ở Chicago cho thấy, sự vắng mặt của tiếng ồn thật sự hiếm hoi. Tôi e rằng đó là một nhận xét đúng với hầu hết các thành phố khác, vì không có nhiều cơ hội cho sự im lặng ở bất cứ đâu. Điều này đã được minh họa trong dự án 'Khoảng không 1 Inch của sự im lặng' - một nỗ lực mạnh mẽ của nhà sinh thái học âm thanh Gordon Hempton. Hempton đã đi nhiều nơi để ghi âm và bảo tồn những cảnh hoang dã đang biến mất nhanh chóng trên khắp nước Mỹ. Dự án đã dẫn đến việc chỉ định một inch im lặng trong Rừng mưa Hoh của Vườn quốc gia Olympic ở phía bắc bang Washington - một trong những nơi yên tĩnh nhất ở Mỹ. Công việc của Hempton đã đóng góp rất nhiều vào việc nâng cao nhận thức toàn cầu về nguy cơ ô nhiễm âm thanh.


Những quan điểm đổi mới về sự tương quan nhạy cảm giữa con người với môi trường (và trong khoa học môi trường) xuất phát từ việc coi trọng trực giác được thừa hưởng từ kiến ​​thức truyền thống. Thật vậy, một số hiểu biết sâu sắc này có thể được rút ra từ những câu chuyện dân gian và thần thoại, như tôi đã cố gắng trình bày trong cuốn sách gần đây của mình "Quái thú khi đi ngủ: Tiết lộ Trí tuệ về Môi trường trong Văn học dành cho Trẻ em (2018)".

Đó là con người có lợi về mặt tâm lý và sinh lý khi tiếp xúc với thiên nhiên, rằng ở giữa cây cối có thể giúp chúng ta bình tĩnh hơn, vui chơi ngoài trời một cách tự do, thoải mái là điều tốt cho trẻ em, đi bộ nhanh là tốt cho bạn, và bạn có thể được chữa lành khi ở trong một khu vườn: không có điều nào trong đó được khẳng định một cách mạnh mẽ táo bạo.

Tuy nhiên, loại dữ liệu cần thiết để chứng minh những tuyên bố này và thúc đẩy chính sách công chỉ xuất hiện từ công việc của một thế hệ các nhà tâm lý học xã hội và môi trường gần đây. Những bản tóm tắt công trình nghiên cứu có ảnh hưởng của Rachel và Stephen Kaplan mang tính kỹ thuật, đáng tin cậy, dễ tiếp cận và truyền cảm hứng. Ví dụ: Trải nghiệm của tự nhiên: Góc nhìn tâm lý (1989).


Mặc dù việc tạo lập những lợi ích tích lũy từ thiên nhiên chưa được hiểu một cách trọn vẹn, đúng đắn, nhưng các mô hình này đủ rõ ràng để tác động đến các chính sách và chương trình giáo dục. Các khu tự quản trên thế giới quan tâm đến việc cung cấp khả năng tiếp cận không gian xanh để tái tạo môi trường sôngs và đây hiện là một thành phần của các chương trình y tế công cộng. Các chương trình dành cho trẻ em yêu cầu chúng ta "đừng để trẻ ở mãi không gian bên trong", cũng như các chương trình được "kê đơn" là "phương pháp chữa bệnh bằng thiên nhiên" hoặc mời chúng ta đi 'tắm rừng', v.v., tất cả đều dựa trên những hiểu biết sâu sắc về nghiên cứu của các nhà tâm lý học môi trường.


Mối quan hệ có thể mật thiết giữa âm thanh tự nhiên và sức khỏe con người cũng thực tế và dễ nhận thấy. Rốt cuộc, rất ít ứng dụng dành cho giấc ngủ có tính năng của búa khoan, trong khi nhiều ứng dụng cung cấp vô số tiếng chim hót hoặc tiếng sóng biển. Nghiên cứu định lượng mối quan hệ này hiện đang được tiến hành, mặc dù nó vẫn là một lĩnh vực điều tra mới. Tuy nhiên, một bài báo có ảnh hưởng, được xuất bản vào năm 2010 bởi các nhà nghiên cứu Thụy Điển Jesper Alvarsson, Stefan Wiens và Mats E Nilsson, đã đề cập rằng hình ảnh thiên nhiên có thể giúp phục hồi sau căng thẳng tâm lý, âm thanh thiên nhiên cũng có thể có tác dụng tương tự. Các bài báo khác có chung nội dung, cùng với sự đánh giá ngày càng tăng về sự xuống cấp của cảnh quan đô thị, có thể truyền cảm hứng cho những đổi mới chính sách trong tương lai gần.


Mặc dù người ta chắc chắn không thể ra lệnh cho chim hát, hay buộc gió thổi những bản nhạc vi vu qua những tán cây, nhưng chúng ta vẫn có thể quản lý không gian đô thị theo cách mở ra những lĩnh vực khả thi này. Được quản lý theo cách này, chất lượng của không gian xanh đô thị sẽ được đánh giá dựa trên hệ thống âm thanh cũng như sức hấp dẫn về hình ảnh của chúng.


Đối với tất cả những điều đó, sự im lặng vắng mặt tiếng ồn là một "tiêu chuẩn" mang tính chủ quan. Cần bao nhiêu khoảng lặng để con người chiêm nghiệm được nhiều điều trong mình? Điều gì quyết định chất lượng của một không gian không có tiếng ồn? Khi tôi dừng lại dọc theo con đường mòn và tiếng ồn biến mất, tôi đứng ở đó, không phải trong im lặng hoàn toàn, mà là trong một không gian được bao bọc bởi những tảng đá và con đường, những tiếng nói chuyện thì thầm và tiếng gió thổi mạnh. Và nếu tôi hối tiếc về việc gặp lại Athens ồn ào náo nhiệt, thì những cảm giác này không tồn tại lâu đối với một thành phố nên có cả những tiếng ồn ào của các khu chợ, cũng như sự im lặng vắng mặt tiếng ồn.

Đây có lẽ là cách mà một sự vắng mặt tiếng ồn xảy ra: chúng rất hiếm (mặc dù có lẽ chúng ta chưa thậ sự tìm kiếm chúng). Chúng có thể là một thành phần quan trọng cho cảm giác khỏe mạnh (mặc dù chúng ta chưa đánh giá chúng). Và chúng có thể mang tính lâu dài - khi một khoảnh khắc với các vị thần tạo ra những ấn tượng có thể tồn tại suốt đời.


Cảm ơn vợ tôi, Vassia Pavlogianis, vì những cuộc thảo luận về từ vựng tiếng Hy Lạp liên quan đến tiếng ồn và sự im lặng.


 

Bài gốc: A place of silence

Viết bởi: Liam Heneghan giáo sư về khoa học môi trường và nghiên cứu tại DePaul University in Chicago. Người dịch: Duli Ng

Người biên tập: Phạm Đại Bàng

52 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

댓글


bottom of page