Có phải đôi khi bạn cảm thấy bế tắc khi nghĩ về những cuộc gặp gỡ khó chịu hay những thất bại mà bạn đã chịu đựng?
Khi đọc tin tức, bạn có thấy mình bị cuốn hút vào những bài báo mang hơi hướng buồn rầu hơn không? Là con người, chúng ta có xu hướng bị tác động nhiều bởi các sự kiện tiêu cực hơn là những sự kiện tích cực.
Sự thiên kiến tiêu cực này có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm nhận, suy nghĩ và hành động và có thể ít mong muốn tác động hơn đối với trạng thái tâm lý của chúng ta. Vì vậy, thiên kiến tiêu cực trông như thế nào, và làm thế nào chúng ta có thể vượt qua nó? Hãy đọc tiếp để tìm hiểu nhé.
Lưu ý: Các chú thích dạng ( ), là chú thích nhằm tra cứu thông tin tham khảo (Reference) trong bài viết, các dẫn chứng từ nghiên cứu, tài liệu đã có. Ví dụ: (Vaish et al., 2008, tr.383) là tra cứu từ Reference số 22. Vaish, A., Grossmann, T., & Woodward, A. (2008)
Thiên kiến tiêu cực (Negativity Bias) là gì?
Thiên kiến tiêu cực nói đến khuynh hướng chúng ta "chú ý đến, học hỏi và sử dụng thông tin tiêu cực nhiều hơn thông tin tích cực" (Vaish et al., 2008, tr.383). Chúng ta có thể coi đó là một "sự bất cân xứng" trong cách chúng ta xử lý các sự kiện tiêu cực và tích cực để hiểu thế giới của chúng ta, trong đó "những sự kiện tiêu cực gợi ra những phản ứng nhanh hơn và nổi bật hơn so với các sự kiện không tiêu cực". (Carretié et al., 2001, tr.75).
Đặt bên cạnh những thứ khác, nó có thể giải thích được tại sao chúng ta thường:
Nhớ lại và suy nghĩ về những lời lăng mạ nhiều hơn là lời khen ngợi;
Phản ứng nhiều hơn - về mặt cảm xúc và thể chất - đối với các kích thích chống đối;
Dừng lại ở những sự kiện khó chịu hoặc chấn thương nhiều hơn những sự kiện dễ chịu;
Tập trung sự chú ý nhanh vào thông tin tiêu cực hơn là thông tin tích cực.
Ngay cả khi chúng ta trải qua vô số sự kiện tốt đẹp trong một ngày, sự thiên kiến tiêu cực có thể khiến chúng ta tập trung vào "điều tồi tệ" duy nhất xảy ra. Nó có thể khiến chúng ta nhai đi nhai lại những điều nhỏ nhặt, lo lắng về việc đã "gây ấn tượng xấu", và nán lại ở những bình luận tiêu cực và tương tự (Lupfer et al., 2000; Chen & Lurie, 2013; Wisco et al., 2014). Điều này dẫn chúng ta tự hỏi về một vài điều. Sự thiên kiến này đến từ đâu? Chúng ta có thể học cách phát hiện những ví dụ về sự thiên kiến tiêu cực trong cuộc sống thực không? Và làm thế nào chúng ta có thể tránh rơi vào cái bẫy bị cuốn theo những sự kiện tiêu cực mà chúng ta trải qua?
Thiên kiến tiêu cực đến từ đâu?
Thiên kiến tiêu cực được cho là một chức năng tiến hóa thích nghi (Carpaccio & Berntston, 1999; Vaish et al., 2008; Normal et al., 2011). Hàng ngàn năm trước, tổ tiên của chúng ta đã phải đối mặt với các mối đe dọa môi trường ngay lập tức mà chúng ta bây giờ không còn phải lo lắng - ví dụ như động vật ăn thịt - và việc chú ý hơn đến những kích thích tiêu cực này đóng vai trò hữu ích trong sự sống còn.
Ngày nay, sự thiên kiến có thể đóng một vai trò trong sự phát triển thời kỳ đầu đời của chúng ta. Như Vaish và các đồng nghiệp đã chỉ ra, trẻ sơ sinh không có kinh nghiệm sống dày dặn để rút kinh nghiệm: "một sinh vật càng sớm học được rằng nên tránh những kích thích mà có nguy cơ gây khó chịu thì cơ hội sống sót càng cao (Vaish et al. , 2008, trang 18). Sự thiên kiến tiêu cực giúp chúng tránh các kích thích có hại tiềm tàng trong trường hợp không có thông tin đã học về các kích thích mơ hồ. Thật khó để tranh luận rằng những thiên kiến tiêu cực vẫn không còn hữu ích trong một số trường hợp, nhưng khi chúng ta lớn lên và xã hội phát triển, xu hướng suy nghĩ cứng ngắc máy móc này không còn hữu ích như trước đây.
3 ví dụ về thiên kiến tiêu cực
Đã có một vài nghiên cứu minh họa cho việc làm thế nào sự bất cân xứng này ảnh hưởng đến sự tập trung và quá trình nhận thức của chúng ta qua từng ngày.
Chúng ta phản ứng mạnh hơn với các kích thích tiêu cực
Trong một nghiên cứu ban đầu, chẳng hạn, Ito và cộng sự (1998) đã phát hiện ra rằng bộ não của chúng ta phản ứng mạnh mẽ hơn với các kích thích tiêu cực. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra những bức ảnh cho 33 người tham gia và đo hoạt động điện não của họ để nghiên cứu phản ứng của não bộ.
Một số hình tạo ảnh hưởng trung tính (ổ cắm điện, đĩa), một số được coi là hình ảnh tích cực (người thưởng thức tàu lượn siêu tốc) và một số được coi là hình ảnh tiêu cực (một khẩu súng chĩa vào máy ảnh, khuôn mặt bị cắt xén).
Các phát hiện cho thấy nhiều tiềm năng não liên quan đến sự kiện, hoặc hoạt động, khi những người tham gia xem hình ảnh tiêu cực, trái ngược với hình ảnh tích cực, khiến các nhà nghiên cứu kết luận rằng các đánh giá của chúng ta bị ảnh hưởng mạnh mẽ hơn trước đây.
Tin tức được đăng lên chủ yếu là tiêu cực
Trên khắp thế giới, các bài báo tiêu cực xuất hiện dường như phủ khắp các phương tiện truyền thông, nhưng tại sao chúng lại phổ biến đến như vậy? Một giả thuyết cho rằng, do bởi thiên kiến tiêu cực, tin tức tiêu cực được đưa ra thu hút sự chú ý nhiều hơn tin tích cực. Đây là một suy luận logic từ kết quả nghiên cứu chúng tôi vừa mô tả (và nhiều hơn nữa), nhưng thực tế có phải vậy không?
Một nghiên cứu thực hiện bởi Soroka và cộng sự (2019) đã xem xét liệu nhu cầu cho thông tin tiêu cực có phải là một hiện tượng xuyên quốc gia hay không. Kiểm tra phản ứng tâm sinh lý những người xem nội dung video tin tức ở 17 quốc gia, kết quả cho thấy trên toàn cầu: Về cơ bản con người bị kích thích và chú ý đến những tin tức tiêu cực.
Chúng ta ngẫm nghĩ về những sự kiện tiêu cực nhiều hơn
Có bao giờ bạn bị ám ảnh bởi một điều gì đó tồi tệ xảy ra vào đầu tuần, dù cho mọi thứ khác đều tuyệt vời? Xu hướng nghĩ nhiều hơn về những sự kiện tiêu cực là một ví dụ khác của sự thiên kiến này trong hoạt động. Một bài báo năm 2009 viết bởi Larsen xem xét nhiều bằng chứng cho thấy rằng những cảm xúc tiêu cực kéo dài lâu hơn những cảm xúc tích cực, rằng chúng ta dành nhiều thời gian nghĩ về những sự kiện tiêu cực hơn, và rằng chúng ta thường suy luận về chúng nhiều hơn.
Điều này có khả năng liên quan đến tiến trình học tập và ghi nhớ - càng chú ý nhiều hơn đến một tình huống hay trải nghiệm - khả năng chúng ta ghi nhớ nó càng cao (Ohira et al., 1998). Bạn có nghĩ thêm được ví dụ nào về thiên kiến tiêu cực trong hành động không?
Làm thế nào để vượt qua Thiên kiến?
Như chúng ta đã thấy, thiên kiến tiêu cực có liên quan mật thiết với việc chúng ta hướng sự chú ý của mình tới đâu. Bằng cách hướng nhiều sự chú ý có ý thức vào những sự kiện và cảm xúc tích cực mà chúng ta trải nghiệm, chúng ta có thể bắt đầu giải quyết được sự bất cân xứng của thiên kiến tiêu cực.
Và điều đó đòi hỏi sự luyện tập. Vậy thì, Chúng ta bắt đầu từ đâu?
Tự nhận thức và thách thức sự độc thoại tiêu cực
Bằng cách kiểm tra bản thân suốt cả ngày, bạn có thể bắt đầu nhận ra bất kỳ suy nghĩ nào đang chạy qua tâm trí bạn - cả những điều hữu ích và không có ích. Bạn cũng có thể xem xét các hành vi của chính mình, để hiểu rõ hơn về những gì tốt và không tốt cho bạn.
Từ đây, bạn có thể bắt đầu giải quyết những vấn đề này, thách thức chúng và thay thế chúng bằng những thứ hữu ích hơn. Kỹ thuật ABC của Albert Ellis (1957) là một công cụ hữu ích bạn có thể áp dụng ở đây - một khi bạn nhận thức được Hành vi-Behaviors của mình hoặc Kết quả-Consequences của nó (B và C trong mô hình, tương ứng), thì bạn có thể quay ngược lại để suy nghĩ về những gì dẫn đến chúng (A viết tắt của Antecedents: tiền đề).
Bạn đã nghĩ gì trước khi nếm trải sự tức giận, oán giận hoặc thất vọng? Có phải đó là thiên kiến tiêu cực trong hành động, có lẽ thế chăng? Và làm thế nào bạn có thể thay thế những suy nghĩ đó bằng những suy nghĩ tích cực hơn?
Tỉnh thức - Mindfulness: Thở, Thiền, và nhiều hơn nữa
Thực hành tỉnh thức là một cách tốt để trở nên hòa hợp hơn với cảm xúc của chính bạn (Charoensukmongkol, 2015). Thông qua hướng dẫn thiền định, chiêm nghiệm và các can thiệp tỉnh thức khác, bạn có thể bắt đầu quan sát cảm xúc và suy nghĩ của mình một cách khách quan hơn.
Thậm chí nhiều bằng chứng hứa hẹn còn đến từ một nghiên cứu năm 2011 của các tác giả Kiken và Shook, người đã tìm thấy sự gia tăng các phán đoán tích cực và mức độ lạc quan cao hơn khi những người tham gia thực hành hơi thở tỉnh thức.
So với các nhóm kiểm soát, những người tham gia này đã thực hiện tốt hơn trong các thử nghiệm khi họ được yêu cầu phân loại các kích thích tích cực, dẫn đến việc các nhà nghiên cứu cho rằng thực hành tỉnh thức có thể có tác động tích cực đáng kể đến sự thiên kiến (Kiken & Shook, 2011).
Tái cấu trúc nhận thức
Những thiên kiến tiêu cực có liên quan đến nhiều rối loạn tâm lý, chẳng hạn như trầm cảm và lo âu (Riskind, 1997). Khi bạn thấy mình có cái nhìn tiêu cực về các tình huống, sẽ hữu ích để thực hành tái cấu trúc nhận thức bằng cách sắp xếp lại sự kiện hoặc trải nghiệm.
Chúng tôi có rất nhiều bài tập Liệu pháp hành vi nhận thức (Cognitive Behavioral Therapy-CBT) miễn phí có thể giúp bạn có cái nhìn khách quan hơn về các tình huống và con người, vì vậy bạn có thể nỗ lực để khắc phục thiên kiến tiêu cực của mình.
Thưởng thức những khoảnh khắc tích cực
Khi bạn dừng lại và dành chút thời gian để "nhấp nháp" một trải nghiệm tích cực, bạn sẽ thưởng thức nó và tạo ra những kỷ niệm cho tương lai (Bryant & Veroff, 2017). Xây dựng kho lưu trữ hình ảnh tâm thần và cảm xúc tích cực của chính mình giúp bạn giải quyết sự mất cân bằng mà thiên kiến tiêu cực khiến chúng ta mắc phải.
Lần tới khi bạn trải nghiệm hoặc tạo ra một khoảnh khắc tích cực, hãy dành một chút thời gian lâu hơn bạn thường làm để tận hưởng nó. Có mặt hoàn toàn với những cảm giác tốt đẹp, những suy nghĩ vui vẻ và những cảm xúc dễ chịu mà bạn cảm nhận và ghi chú lại những gì bạn thích về nó. Khi bạn về nhà, tại sao không suy nghĩ về những gì vừa xảy ra và biến kỹ năng thưởng thức từng khoảnh khắc thành thói quen?
3 bài tập khắc phục thiên vị tiêu cực
Chúng tôi có một vài bài tập và can thiệp tuyệt vời nằm trong blog và bộ công cụ để giúp bạn bắt đầu khắc phục sự thiên kiến tiêu cực của mình.
Bộ can thiệp Finding Silver Linings (Tạm dịch: Tìm kiếm những mặt tích cực của cuộc sống. Bạn có thể tìm hiểu cách thực hành can thiệp này trong bài viết đã được Compassion chuyển ngữ tại đây) có thể được sử dụng cả trong môi trường nhóm và một đối một. Mục tiêu của nó là giúp bạn điều chỉnh quan điểm của mình về những trải nghiệm hoặc sự kiện tiêu cực bằng cách đưa ra quan điểm cân bằng và tích cực hơn về chúng. Qua một vài tuần, nó sẽ dẫn dắt bạn qua một số bước để xây dựng sự lạc quan và khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn. Bạn sẽ chuyển sang một tư duy tích cực, xác định một khó khăn gần đây và xác định cái giá phải trả của nó, sau đó tìm các mặt sáng sủa tích cực của nó.
Bài tập chuyển đổi nhận thức dính chấp sang mở rộng là một phương pháp tỉnh thức bạn có thể dùng để nhìn nhận suy nghĩ của bạn chính là suy nghĩ, chứ không phải một cái gì đó có nghĩa đen. Nếu bạn nhận thấy bản thân đang nhai đi nhai lại tình huống hay sự kiện tiêu cực, sẽ khá thách thức đó nếu bạn quyết định bước lùi lại và nhìn chúng như chúng vốn là. Bên cạnh những thứ khác, bạn sẽ học cách dán nhãn cho quá trình suy nghĩ (ví dụ, "tôi có một suy nghĩ rằng tôi không thông minh"), tái định hình suy nghĩ đó, và đặt một khoảng cách nhất định giữa bạn và tình huống/sự kiện tiêu cực đó.
Với bài tập Thưởng thức từng khoảnh khắc này, bạn sẽ học được cách đánh giá những khoảnh khắc tích cực tí ti trong cuộc sống tròn đầy của mình. Hơn là tập trung vào sự tiêu cực, bạn bắt đầu bồi đắp hạnh phúc bằng việc thưởng thức giây phút hiện tại, lý tưởng là thực hiện bước một hoặc hai bước giải quyết sự bất cân xứng giữa tích cực và tiêu cực mà chúng ta đang thảo luận.
3 bài kiểm tra thiên kiến tiêu cực
Thiên kiến tiêu cực có thể được nghiên cứu bằng nhiều bài kiểm tra tâm sinh lý khác nhau. Nếu bạn quan tâm nghiên cứu hiện tượng này hơn nữa, đây là một vài cách tiếp cận đã được sử dụng trong các nghiên cứu đánh giá ngang hàng:
Thang đo sự kiện trong tương lai (Future Events Scale - FES) là một thang đo chủ quan gồm 26 mục về thiên kiến tiêu cực, nó đo lường sự lạc quan và bi quan trên hai phạm vi nhỏ riêng biệt (Anderson, 2000). Để hoàn thành bài kiểm tra này, các đối tượng sử dụng thang đo Likert 11 điểm để đánh giá mức độ một sự kiện có thể xảy ra hoặc không có khả năng xảy ra trong tương lai, với +5 là cực kỳ có khả năng và -5 là cực kỳ khó xảy ra. Điểm số của chủ thể càng bi quan thì xu hướng thiên kiến tiêu cực của họ càng cao (Kiken & Shook, 2011).
Thang do ERP là một biện pháp tâm sinh lý để nghiên cứu sự thiên kiến, kết hợp với nhiệm vụ xử lý tình cảm, như Ho và đồng nghiệp giải thích (2015). Thông thường trong các nghiên cứu như vậy, người tham gia sẽ được yêu cầu sắp xếp hoặc đánh giá các kích thích như từ ngữ hoặc hình ảnh theo giá trị cảm xúc của họ, trong khi đó, người ta bắt đầu đo lường các phản ứng điện sinh lý nảy sinh.
Công cụ WebNeuro trực tuyến cũng bao gồm các mục tự báo cáo có thể được sử dụng để đánh giá thiên kiến quy kết đối với việc mong đợi và nhìn nhận các kết quả và sự kiện tiêu cực (Rowe et al., 2007; Williams et al., 2008). Các bài kiểm tra thiên kiến tiêu cực này và các bài kiểm tra khác được thảo luận kỹ hơn trong nghiên cứu của Williams và các cộng sự, năm 2009, được đề cập dưới đây.
Sự thống trị và lây nhiễm tiêu cực là gì?
Nghiên cứu của Rozin và Royzman (2001) "Thiên kiến tiêu cực, quyền lực thống trị và lây nhiễm" là một trong những nghiên cứu ban đầu được biết đến nhiều nhất về hiện tượng này. Trong đó, họ giải mã khái niệm và bốn cách thể hiện của nó, như:
Uy lực của tiêu cực mô tả ý tưởng rằng các thực thể tích cực và tiêu cực (ví dụ như sự kiện, đồ vật, kinh nghiệm) nắm giữ tầm quan trọng khác nhau đối với chúng ta, bất kể chúng có kích thước hay cảm xúc như nhau.
Độ dốc tiêu cực quá đà - nơi mà sự tiêu cực của các sự kiện "tồi tệ" tăng nhanh hơn khi chúng tiến triển gần chúng ta hơn.
Sự thống trị của tiêu cực - mô tả cách "các tổ hợp thực thể tích cực và tiêu cực mang lại nhiều sự tiêu cực hơn so với tổng đại số các giá trị chủ quan riêng lẻ dự đoán ra" (tr.296);
Sự phân biệt tiêu cực - những biểu hiện mang tính khái niệm của thực thể tiêu cực thì phức tạp hơn và kích thích một loạt phản ứng rộng hơn từ chúng ta.
Hãy tưởng tượng một ngày nào đó mà năm thứ tốt lành xảy đến với bạn, nhưng trong lúc đó bạn vấp phải một vũng nước và làm hỏng đôi giày của mình. Nếu như bạn thấy ngày của mình "đi tong" rồi - thiên kiến tiêu cực - thì đây là một ví dụ của sự thống trị tiêu cực.
Mặt khác, sự lây nhiễm tiêu cực đề cập đến ý tưởng rằng "sự kiện tiêu cực có lẽ có sự thâm nhập và lây lan cao hơn so với sự kiện tích cực" (Rozin & Royzman, 2001, tr.306). Và các tác giả có đưa ra một vài ví dụ lý thú - chúng ta sẽ không thật sự sẵn lòng ăn thức ăn thậm chí chỉ một lần chạm qua bởi những con giun.
Thiên kiến trong mối quan hệ
Chúng ta đã biết rằng thiên kiến tiêu cực ảnh hưởng đến ấn tượng của chúng ta về người khác, đến việc đưa ra quyết định của chúng ta, đến cả sự chú ý của chúng ta. Như vậy, nó cũng có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng ta với người khác theo nhiều cách khác nhau.
Nó có thể khiến chúng ta giả định điều tồi tệ nhất về người mà chúng ta chưa biết hết. Niềm tin và kỳ vọng của chúng ta có thể ảnh hưởng đến tương tác tiếp theo của chúng ta với họ.(Glover et al., 2017);
Bằng việc đưa ra các giả định bi quan về cách phản ứng của người khác, chúng ta cũng có thể rơi vào cái bẫy để cho thái độ (không chính đáng) của chúng ta ảnh hưởng lên hành vi của chính mình;
Theo như khái niệm uy lực của tiêu cực, thiên kiến có thể khiến chúng ta diễn giải các sự kiện tiêu cực là quan trọng hơn sự kiện tích cực. Chúng ta có thể nhìn nhận sai lầm của một người là một sự kiện cực kỳ hệ trọng khi so sánh với các hành vi tích cực của họ, dẫn đến việc chúng ta nhai đi nhai lại lại về sai lầm của người kia dẫn đến thiệt hại trong mối quan hệ của chúng ta.
Việc nhận thức được cách thức hoạt động của thiên kiến tiêu cực là bước tiến đầu tiên để chúng ta có thể bước qua được những ảnh hưởng tiêu cực tiềm tàng từ chúng lên mối quan hệ của mình. Thông quan sự tự nhận thức và giao tiếp xuất sắc, chúng ta có thể bắt đầu tìm kiếm sự tích cực trong các tương tác, và mọi người xung quanh ta.
Vai trò của thiên kiến tiêu cực đối với lo âu
Trở nên nhạy cảm hơn với các thông tin tiêu cực cũng sẽ có thể ảnh hưởng đến mạch thần kinh chúng ta. Williams và đồng nghiệp đã nghiên cứu những tác động này trong bài báo năm 2009 của họ: "Thiên kiến tiêu cực trong nguy cơ gây ra Trầm cảm và Lo âu"
Một vài ảnh hưởng của thiên kiến tiêu cực có thể kể đến như làm tăng nhịp tim trong nhận thức sợ hãi và phản ứng giật mình cao hơn, hai phản ứng căng thẳng có liên quan đến sự lo âu ( Williams et al., 2009). Trong nghiên cứu này, tác giả cũng đưa ra bằng chứng cho rằng biện pháp tự đánh giá thiên kiến tiêu cực là có liên quan đến Trầm cảm và Lo âu, cho thấy rằng trong khi hiện tượng này có thể là tiến hóa, thì nó xảy ra kèm theo cái giá của nó.
Với suy nghĩ này, việc thực hiện các bước để vượt qua thiên kiến tiêu cực trong bạn có thể là một bước tiến tích cực về mặt sức khỏe và tâm thần và hạnh phúc toàn diện. Các bài tập và lời khuyên mà chúng tôi chia sẻ trên đây là điểm xuất phát rất tốt để khởi đầu.
Thiên kiến tiêu cực tại nơi làm việc
Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến công việc thông qua việc ra quyết định và ấn tượng chúng ta có với người khác.
Trong việc ra quyết định Bằng cách tập trung hoặc nhấn mạnh quá mức những tiêu cực tiềm tàng của một quyết định, nghiên cứu cho thấy rằng chúng ta trở nên có khuynh hướng tránh rủi ro hơn (Kahneman & Tversky, 2013). Do đó, khi phải đối mặt với sự lựa chọn với những lợi ích và rủi ro tiềm tàng, chúng ta có xu hướng xem xét điều sau nhiều hơn - một ví dụ tuyệt vời về uy lực của tiêu cực trong hành động (Rozin & Royzman, 2001).
Trong một môi trường cạnh tranh thay đổi nhanh chóng, không ổn định và thường mơ hồ, điều này có thể tác động đáng kể đến lợi thế cạnh tranh. Từ góc độ tổ chức, chúng ta có thể nhìn vào Kodak - một lần là công ty sản xuất phim máy ảnh hàng đầu thế giới. Bằng cách chọn duy trì sự tập trung vào thế mạnh cốt lõi của mình (phim máy ảnh) và không khám phá xu hướng chụp ảnh kỹ thuật số đang phát triển, họ đã mất vị thế cạnh tranh với các đối thủ Sony, Canon và Fujifilm trước khi nộp đơn phá sản vào năm 2002 (Wilson, 2012).
Trong tương tác với người khác Chúng ta đã biết về cách mà sự hình thành ấn tượng ảnh hưởng lên mối quan hệ của chúng ta với người khác, trong đó bao hàm cả ở nơi làm việc. Sự hợp tác, làm việc nhóm hiệu quả, và sự phát triển chuyên môn liên tục đều dựa vào khả năng chúng ta hòa hợp được với người xung quanh và tương tác theo cách tích cực để đạt được mục tiêu chung.
Bằng cách lôi kéo sự chú ý và tập trung vào những thực thể tiêu cực, sự thiên kiến này có thể làm khó khăn hơn cho chúng ta để tiếp nhận phản hồi mang tính xây dựng, khuyến khích người khác, và xây dựng lòng tin nơi cộng sự. Nghiên cứu về điều này cho thấy rằng chúng ta có thể bắt đầu giải quyết sự thiên kiến tiêu cực này ra khỏi nơi làm việc bằng cách tăng tỉ lệ nhận xét tích cực so với những nhận xét tiêu cực mà chúng ta đưa ra (Zenger & Folkman, 2013).Để tăng hiệu suất của nhóm và dẫn dắt người khác hiệu quả hơn, nói cách khác, tỷ lệ tốt để nhắm tới là 5,6: 1. Hãy thử đi!
3 bài TedTalk về thiên kiến tiêu cực
Nếu bạn ưa xem những tài liệu bằng video, thì những bài nói chuyện TedTalk là cách tuyệt vời để học hỏi về thiên kiến tiêu cực và cách thức để vượt qua nó.
1. Lập trình hạnh phúc: Tiến sĩ Rick Hanson tại TEDxMarin 2013
Nhà tâm lý học thần kinh Rick Hanson là tác giả nổi tiếng của cuốn "Buddha’s Brain, Just One Thing", and cuốn "Hardwiring Happiness: The New Brain Science of Contentment, Calm, and Confidence", những cuốn sách đề cập đến những chủ đề cốt lõi về tâm lý học tích cực. Ông cũng là một thành viên cao cấp tại UC Berkeley’s Greater Good Science Center và là nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực này. Trong bài nói chuyện TedTalk này, ông thảo luận về cách chúng ta có thể vượt qua sự thiên kiến tiêu cực bằng cách "nhận ra những mặt tốt".
2. Mẹo đơn giản để nâng cao suy nghĩ tích cực
Giáo sư Alison Ledgerwood là một nhà tâm lý học xã hội và nhà khoa học hành vi tại UC Davis. Các ấn phẩm của cô bao gồm nghiên cứu về thiên kiến tiêu cực và tích cực, bao gồm các chủ đề như làm thế nào chúng ta có thể tự "giải thoát" bản thân khỏi những cách suy nghĩ và khung tư duy tiêu cực và làm thế nào chúng ta có thể chuyển đổi các khái niệm do mình dựng nên. Bài TedTalk của cô "Mẹo đơn giản để nâng cao suy nghĩ tích cực" nói về cách chúng ta có thể định hình lại cách chúng ta giao tiếp để phát triển một triển vọng tích cực hơn. Nó đầy đủ những lời khuyên thiết thực về cách thoát khỏi những khuôn mẫu suy nghĩ tiêu cực.
3. Bạn có nên tin vào ấn tượng đầu tiên của mình? Giáo sư tâm lý học của Đại học Delwar, Peter Mende-Siedlecki, đã viết rất nhiều tài liệu về các chủ đề thiên kiến tiêu cực có thể kể đến như: dư luận xã hội, sự hình thành ấn tượng và tính nhạy cảm theo ngữ cảnh. Tại bài nói chuyện này, bạn có thể nghe ông ấy nói về cách chúng ta hình thành ấn tượng và vai trò mà thiên kiến tiêu cực đóng góp (và không đóng góp) trong các quy trình này. Đó là một bài nói hay cho bất cứ ai muốn tìm hiểu thêm về những đánh giá phán xét mà chúng ta đưa ra về người khác.
Lời nhắn nhủ dành cho bạn
Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với sự từ chối, nỗi buồn, nỗi sợ hãi và bất hạnh. Tuy nhiên khi chúng ta cảm thấy đang mắc kẹt trong những khía cạnh tiêu cực của cuộc đời, điều hữu ích nên làm là hãy nhận thức được lý do vì sao chúng ta làm như vậy. Chúng ta có thể mặc định tự nhiên tập trung vào những điều tiêu cực, nhưng vẫn rất khả thi trong việc rèn luyện lại bộ não để thích nghi với những bộ khung tham chiếu tích cực và làm tăng sức khỏe tinh thần của chúng ta.
Tâm lý học tích cực không phải là về việc loại trừ những suy nghĩ tiêu cực và cảm xúc tiêu cực khỏi những trải nghiệm trong đời sống ngày - mà nó có liên quan hơn đến chính cách chúng ta xoay xở giải quyết chúng. Với sự hiểu biết về thiên kiến tiêu cực, chúng ta có thể bắt đầu tương tác với các sự kiện bất lợi, chấn thương, và vì thế trở nên thích nghi hơn.
Các bài viết khác cùng chủ đề 'Liên quan đến Bias":
Bias - Cách Thiên Kiến Được Hình Thành & Làm Thế Nào Sống Chung Với Thiên Kiến Bên Trong Bạn
Bias -Phần 1: Thiên kiến là gì và thiên kiến trong tâm lý học nói chung
Bias -Phần 2: Thiên Kiến Nhận Thức Là Gì? Vì Sao Chúng Ta Có Những Hình Thức Thiên Kiến
Chuyện gì xảy ra khi chúng ta cứ suy diễn & giả định điều tồi tệ nhất cho người chúng ta yêu mến
Hoạt Động Liên Quan Đến Bài Viết
Tư duy con người ở bên trong hộp sọ hay bên ngoài hộp sọ?
Là con người, ai cũng trải qua các giai đoạn phát triển thể chất, lý trí, cảm xúc, tinh thần. Cơ thể có thể coi như phát triển đầy đủ vào khoảng năm 18 tuổi. Về tâm trí, bạn nghĩ khi nào thì tư duy bạn ngừng phát triển?
Bạn có học hỏi và tiếp thu thêm kiến thức, kỹ năng, nhận thức mới mỗi ngày chứ?
Bạn sẵn sàng tư duy lại những quan niệm, kiến thức, định kiến cũ kỹ?
Bạn hành động và suy nghĩ theo thói quen hay linh hoạt ứng biến tùy hoàn cảnh?
Bạn thấy thoải mái, dễ dàng làm mọi chuyện theo hướng mới mẻ?
Bạn có tự thử thách mình với những cái mới hay gò mình theo khuôn khổ?
Bạn thấy mình già nua và không còn khả năng phát triển hơn được nữa?
Bạn có đạt được thành công mới, niềm vui mới, sự tiến bộ mới mỗi ngày chứ?
Để phát triển chúng ta phải cởi mở tiếp nhận mọi đầu vào và chuyển hóa nhận thức lại thành các sáng tạo hoặc kiến tạo đầu ra. Chu trình Thu nạp - Chuyển hóa - Tạo tác này về tư duy nhận thức một khi còn vận động xuyên suốt và theo vòng xoắn ốc đi lên thì tư duy của chúng ta vẫn còn mở và hoạt động tốt.
Và ngược lại tư duy đóng sẽ làm chu trình nhận thức trên vận động đứng yên tại chỗ hoặc suy yếu dần theo vòng xoắn ốc đi xuống. Đó cũng là lúc các cánh cửa phát triển bản thân mỗi người bị phong kín lại, hạnh phúc và thành công cũng rời xa chúng ta.
Nếu bạn đã đụng trần kính vô hình của khung tư duy thì làm sao để giải phóng cho tư duy tự do phát triển? Công cụ nào giúp bạn cởi trói tư duy và tạo thêm nhiều góc nhìn đa chiều mới?
Hãy cùng Compassion khám phá lại vùng đất tư duy của chính mình và phát triển hoa trái ngọt lành của tư duy bằng công cụ Points Of You với Workshop Growth Mindset - Kiến Tạo Tư Duy Phát Triển:
🚀 Link đăng ký: https://www.compassion.vn/events-1/workshop-growth-mindset-kien-tao-tu-duy-phat-trien
🚀 Link cập nhật thông tin sự kiện trên Facebook: https://www.facebook.com/events/663605664548826/
🌀 Workshop Growth Mindset giúp bạn khám phá điều gì trên vùng đất tư duy?
Nhận thức tư duy của bản thân đang đóng hay mở như thế nào, trong lĩnh vực đời sống nào, hay những hoàn cảnh nào?
Phá bỏ những trở ngại về tư duy đóng khiến chúng ta không thể phát triển bản thân
Hình thành thói quen cởi mở tư duy, sẵn sàng học hỏi và hành động vượt qua những thách thức
Tiếp nhận và mở rộng tư duy mới để luôn tiến bộ cùng những thay đổi nhanh chóng của thế giới.
✨ Xem thêm các hoạt động khác của Compassion trong tháng 11 ở đây:
Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại:www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion:www.compassion.vn/booking).
Nguồn bài dịch: https://positivepsychology.com/3-steps-negativity-bias/
Người dịch: Hải Yến ; Người biên tập: Anh Đào Lê
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
Comments