top of page
Compassio 5.png
Compassio 3.png
Ảnh của tác giảXuân Phạm Văn

[Thầy Cô Đủ Đầy] 5 Gợi Ý Tăng Cường Sức Khỏe Tinh Thần Cho Giáo Viên Trong Đại Dịch

Đã cập nhật: 19 thg 3, 2022



Bài đăng nằm trong chủ đề "Thầy Cô Đủ Đầy" - được thực hiện bởi ban biên tập Compassio. Bài đăng đầu tiên này là một món quà nhỏ dành tặng tất cả những người thầy - người cô theo một tầng nghĩa rộng nhân ngày Nhà Giáo Dục Việt Nam. Là tất cả những người đã, đang và sẽ dấn thân vì những đóng góp về giáo dục. Xin được gọi trân trọng bằng: Nhà Giáo Dục

Bài đăng là một nỗ lực nho nhỏ để đưa đến một tinh thần đủ đầy, cho những người làm giáo dục. Bên cạnh những sự vinh danh, thông qua bài đăng này, Compassio gửi một lời quan tâm, săn sóc đến những người đã 'trồng người', nhưng đừng quên 'chăm mình' để đủ đầy hơn.

Compassio Thương mến, 


Giữa những bộn bề của đại dịch mà các giáo viên đang cố gắng thích nghi, Dr. Crestie Smith, giảng viên của Đại học Walden, đã lên tiếng về một chủ đề quen thuộc - Tình trạng burnout - kiệt quệ tinh thần của giáo viên.


"Giáo dục trực tuyến - một hệ quả của đại dịch COVID-19, đã gây ra sự hao mòn mọi mặt đối với giáo viên và trở thành chủ đề nóng hổi. Họ thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu sức sống, bị cô lập và cảm thấy cô đơn, lo âu. Học tập trong trạng thái "bình thường mới" - cho dù mục đích là để điều chỉnh phương pháp và môi trường học tập, hay chỉ là đối phó với vấn đề đại dịch đang hiện hữu - đều có thể trở nên rất choáng (và) ngợp. Kết quả là, những căng thẳng vốn đã tồn tại từ trước, lại càng trở nên trầm trọng hơn.” - Dr. Smith cho biết.


“Đối với giáo viên, điều quan trọng là sự duy trì kết nối thông qua các cuộc điện thoại, thư điện tử, các cuộc họp qua “màn ảnh nhỏ”. Chẳng nói ở đâu xa, các đồng nghiệp của bạn cũng đang trải qua những điều tương tự, họ cũng đang cảm thấy những cảm xúc này. Đó là lý do tại sao bất kỳ sự giúp đỡ nào mà chúng ta có thể trao nhau trong khoảng thời gian này thật sự vô giá, bất kể tình huống thế nào đi nữa - tôi dám khẳng định điều đó, thậm chí là trong môi trường học đường bình thường."



Dr. Smith cho rằng cô là một người may mắn. Cô bước vào trường đại học với định hướng nghề nghiệp rõ ràng và nhận được một công việc trong lĩnh vực của mình ngay sau khi tốt nghiệp. Cô đã gắn bó 30 năm trong nghề với tư cách là một nhà giáo dục, dẫn dắt học sinh trung học cơ sở ở Bradenton, Florida và giảng dạy các sinh viên trình độ sau đại học tại Đại học Walden.


Khi cô bắt đầu sự nghiệp giảng dạy, tuổi nghề chính là thước đo tiêu chuẩn cho mọi giáo viên. Nhưng sau nhiều năm, cô đã quyết định nghỉ hưu sớm. Người trong ngành thường gọi đó là nghỉ việc trước 10 năm. Ước tính, hơn 40% giáo viên rời khỏi giảng đường trong 5 năm đầu tiên.


"Hiện nay, nghề giáo đã được xếp vào một trong những ngành nghề căng thẳng nhất. Những căng thẳng liên quan đến công việc là nguyên nhân chính dẫn đến sự hao mòn đội ngũ giáo viên. Tâm lý quá tải, chán nản và vỡ mộng khiến các giáo viên cảm thấy như đang sụp đổ. Dr. Smith ví sự “kiệt quệ” của giáo viên giống như “một ngọn lửa lụi tàn”.


“Tôi nghĩ, hầu hết giáo viên đều sẽ đồng ý rằng, khi họ va vào “bức tường” đó, ngay lập tức họ cảm thấy như mất hết mọi hứng thú và động lực. Sau đó, có rất nhiều người dường như bị lạc vào trạng thái "lái tự động" - để mặc mọi thứ. Họ có thể sẽ không nói bạn biết rằng họ đang kiệt sức, nhưng sự thật là họ đang như thế. Bởi vì không còn ngọn lửa nào thúc đẩy họ tiến về phía trước, họ cảm thấy mất dần nhiệt huyết và động lực.”


Tình trạng "kiệt quệ" này dường như khó để giải quyết triệt để vì có rất nhiều yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của giáo viên.


“Đáng buồn thay, trong những năm gần đây, ngành giáo dục đã bị chính trị hóa rất nhiều. Tôi nghĩ rằng rất nhiều nỗi "kiệt quệ" đến từ cảm giác “bất lực”. Bất kể bạn cố gắng đến đâu, bạn vẫn sẽ không thể tạo ra những thay đổi, bạn vẫn sẽ không được làm những điều bạn mong muốn. Giống như khi có ai đó cố gắng đập đầu vào tường và bức tường đó không hề dịch chuyển, thì sau một khoảng thời gian, điều tất yếu là họ bị kiệt sức. Họ sẽ ngừng lại để bảo vệ bản thân,” Dr. Smith nói.


“Nhiều giáo viên bị vỡ mộng và mất niềm tin với những chỉ tiêu được đặt ra, dù đó là những bài kiểm tra, số lượng khóa đào tạo hay số chứng chỉ mà họ phải có. Thậm chí là cái ý tưởng rằng lương của họ sẽ bị ảnh hưởng bởi điểm số của những bài kiểm tra... Và khi tất cả những điều tiêu cực này gắn liền với chính trị theo một cách nào đó, cho dù chỉ là chỉ tiêu hay là luật được thông qua, cũng có thể trở nên rất khó chịu và đáng thất vọng.”



Dr. Smith cho biết thêm, bất chấp muôn vàn thách thức, đâu đó vẫn còn hy vọng giữ được những giáo viên giỏi. Kinh nghiệm làm việc sâu sắc hàng thập kỷ của cô ấy chính là bằng chứng. Nhà giáo dục thành đạt này đã từng nắm giữ các vai trò lãnh đạo trong nhiều cơ sở K-12 và tại một số trường đại học. Dưới cương vị là một giảng viên cấp cao tại Walden, cô giảng dạy nhiều khóa học khác nhau trong Trường Cao đẳng Giáo dục và Lãnh đạo Richard W. Riley, cô cũng từng làm việc trong nhiều ủy ban và dự án.


“Tôi đang bước vào năm thứ 30 của việc giảng dạy trên lớp và tôi cũng từng dạy ở đại học trong một khoảng thời gian rất dài. Nó mang lại cho tôi một số góc nhìn thú vị vì tôi vẫn đang ở trong môi trường K-12 đó, nhưng đồng thời tôi đang làm việc với các giáo viên từ khắp nơi trên đất nước. Vậy nên tôi cũng có cơ hội để biết thêm về những trải nghiệm của người khác”, cô nói.


Dựa trên những kiến thức đó, Dr. Smith đã đưa ra 5 ý tưởng mà giáo viên có thể áp dụng để giúp bản thân họ không trở thành một trong những số liệu thống kê về tình trạng "kiệt quệ" ở giáo viên:


1. Tập trung vào “vương quốc” của bạn

“Những giáo viên dạy lâu năm đều bảo rằng điều tươi sáng nhất trong công việc và ngành nghề của họ chính là những đứa trẻ mà họ dạy. Vậy thì, hoàn toàn có thể nói rằng mọi thứ vẫn còn hy vọng, rằng niềm vui nằm ở việc họ có những đứa trẻ tuyệt vời này bước vào lớp học của mình, những đứa trẻ mà họ cảm thấy thích thú khi được ở cạnh chúng. Đó là điều giữ cho hầu hết mọi giáo viên tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu nghề trong mình. Khi ở trong lớp học, họ có thể vào vương quốc nhỏ của riêng mình, và họ có thể nói rằng: 'Khi tôi ở đây, đó là vương quốc của tôi, tôi có thể làm những điều tuyệt vời. Tôi thấy sự vĩ đại và tôi thấy tuyệt vời, đầy hy vọng lạc quan cho tương lai của chúng ta.”



2. Cùng nhau tạo ra thay đổi

“Rất nhiều người bắt đầu con đường học vấn với suy nghĩ: ‘Tôi sẽ trở lại trường học. Tôi sẽ lấy bằng. Tôi sẽ khám phá những thứ ở ngoài kia.’ Hy vọng là họ sẽ tìm thấy một chương trình có định hướng thay đổi xã hội và tạo ra một số thay đổi tích cực trong cộng đồng xung quanh họ, bởi vì tôi nghĩ điều đó giúp chống lại sự kiệt sức. [...] Chúng ta có thể là một sự thay đổi tích cực đối với xã hội. Và điều này bắt đầu từ chính tôi. Có lẽ tôi sẽ rủ rê vài người đồng nghiệp và chúng tôi có thể cùng nhau làm gì đó. Chúng tôi có thể thay đổi một điều gì đó tại hội đồng trường địa phương. Chúng tôi có thể tập hợp những giáo viên cùng quan điểm và làm cho tiếng nói của mình được lắng nghe ở cấp độ chính trị.’ "Dù là bất cứ điều gì” - Cùng nhau tạo ra thay đổi.



3. Xây dựng cộng đồng

“Đối với nhiều giáo viên, việc tham gia vào một cộng đồng học tập chuyên nghiệp (professional learning community) là rất hữu ích, bởi vì điều đó nghĩa là bạn đang được "bao quanh" bởi những người có thể cùng bạn chia sẻ những trải nghiệm, những suy tư, cảm xúc, và họ thực sự thấu hiểu. Mối liên kết đó sẽ giúp chúng ta chống lại cảm giác tuyệt vọng. Một cộng đồng học tập chuyên nghiệp có thể về bất cứ thứ gì. Trong trường học, những Cộng đồng học tập chuyên nghiệp cơ bản thường luôn có mục tiêu chung là hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập. Nhưng tôi nghĩ rằng một cộng đồng học tập chuyên nghiệp hoàn toàn có thể hướng đến giáo viên và sức khoẻ tinh thần của họ: ‘Hãy gặp nhau mỗi tuần một lần. Nói về những gì đang diễn ra. Nói về sự thất vọng của các bạn. Chúng ta có đang cảm thấy kiệt sức không? Ai có đề xuất phương án gì hữu ích không?’ Có rất nhiều điều có thể được thực hiện. Bạn có thể gọi nó là Cộng đồng học tập chuyên nghiệp, một nhóm hỗ trợ, hoặc một nhóm bạn bè. Dù sao đi nữa thì mục tiêu là như nhau. Bạn đang đồng hành với những người khác để cải thiện tình hình trong môi trường giáo dục.”



4. Suy nghĩ bên ngoài những “bức tường”

“Có rất nhiều Cộng đồng học tập chuyên nghiệp tuyệt vời trên Internet. Một trong những lớp học mà tôi dạy ở trình độ sau đại học, đó là điều mà những học sinh và tôi trao đổi - Cộng đồng học tập chuyên nghiệp và cách chúng thực sự có thể thay đổi phương pháp thực hành của lớp, và làm những điều thực sự tuyệt vời cho việc học của sinh viên. Ngoài ra chúng tôi cũng trao đổi về việc bạn có thể tham gia các Cộng đồng học tập chuyên nghiệp trực tuyến. Đôi khi mọi người sẽ thoải mái hơn một chút và họ sẵn sàng chia sẻ hơn một chút. Đồng thời nó cũng có thể mang đến cho họ một cảm giác được nâng đỡ.”



5. Thay đổi hướng đi

“Có thể bạn đã trở nên trì trệ. Chẳng hạn như, bạn là một người đã dạy lũ trẻ khối lớp 5 trong vòng 10 năm và bạn kiểu, 'Tôi không thể tiếp tục nữa. Tôi đang trở nên trì trệ và tôi cũng dần kiệt sức chính bởi vì sự trì trệ này.' Chà, nếu vậy thì có lẽ đã đến lúc phải thay đổi. Bạn có thể thử chuyển sang dạy trung học cơ sở, hoặc là giai đoạn đầu tiểu học. Nó đơn giản chỉ là bạn cần một sự thay đổi."



Theo Dr. Smith, đôi khi tất cả những gì một nhà giáo dục cần chỉ là “một việc nhỏ xíu” để có thể tránh được tình trạng "kiệt quệ", “nhưng điều quan trọng là mọi người cần sẵn sàng giúp đỡ chính bản thân mình”.


“Tôi là một người lạc quan. Tôi nghĩ rằng - luôn tồn tại niềm hy vọng trong mọi thứ. Đối với tôi, những nguồn hỗ trợ - dù đến từ trường học hay địa phương - giúp bạn thấy được rất nhiều điều tuyệt vời xảy ra. Nhưng những người cảm thấy không được giúp đỡ và cô đơn, chắc chắn sẽ mau chóng kiệt sức trong sự nghiệp của họ hơn so với những người khác. Hy vọng là họ tìm ra cách điều chỉnh nó, bằng một thứ gì đó phù hợp với họ.”




 




Đội ngũ sản xuất:

Người dịch: Phương Anh;

Người biên tập: Diệu Linh;

Tạo dựng hình ảnh & clip minh họa: Hina Giang



 

Thông Tin Về Bài Đăng:

Nguồn bài dịch: https://www.waldenu.edu/online-masters-programs/ms-in-education/resource/five-ideas-for-preventing-teacher-burnout

Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng. Cộng tác sản xuất nội dung: tại đây Ủng hộ kinh phí sản xuất nội dung cho ban biên tập tại: Ủng hộ

150 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

コメント


bottom of page