top of page
Compassio 5.png
Compassio 3.png
Ảnh của tác giảXuân Phạm Văn

Tôi đã học cách tha thứ cho cha mình như thế nào?

Đã cập nhật: 14 thg 9, 2020

Khi mà bạn trưởng thành trong một gia đình có người nghiện rượu, bạn sẽ học được cách làm thế nào để trở nên vô hình.

Bài viết được viết bởi: Tiến sĩ tâm lý học (Psy.D) Jill Suttie, là biên tập viên đánh giá sách của Greater Good Center và là người đóng góp bài thường xuyên cho tạp chí.


Suốt những năm tháng khi tôi còn nhỏ, tôi luôn tìm mọi cách để tránh né cha mình. Cũng may là, ông có một công việc hành chính nhàm chán khiến ông ngày ngày phải sáng đi tối về. Điều đó có nghĩa là, trong khoảng thời gian ông đi làm đó, chúng tôi không phải chạm mặt nhau. Nhưng các buổi tối hay cuối tuần thì lại là câu chuyện khác. Một khi ông ấy đã chạm vào cốc whisky đầu tiên của mình thì từ một người cha cáu kỉnh buồn chán, ông biến thành một người xa lạ, đầy tức giận và bạo lực.


Cha tôi không phải là một người hay dùng bạo lực - cho lắm. Nhưng khi ông uống rượu, ông đúng là một mớ hỗn độn của sự tức giận, các cơ ở quai hàm ông nghiến chặt, đôi mắt nheo lại, ông quát to hơn và tuôn ra toàn những lời tục tĩu. Tôi thường chạy về phòng mình và trốn trong đó. Có lúc thì tôi trốn được, nhưng có lúc thì ông tìm ra tôi và làm tôi khiếp sợ bởi những lời đe dọa, hơi thở nồng nặc mùi cồn và những bài diễn văn nhịu cả lưỡi của ông.


Một phần trong tôi nhận ra rằng có điều gì đó không ổn với ông ấy - nhưng, vì chỉ là một đứa trẻ, tôi không biết chắc đó là điều gì. Tôi đã từng nhìn thấy ông ngồi cô độc một mình, nâng từng cốc rượu và hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Khi mà tất cả chúng tôi đều đến nhà thờ vào mỗi sáng Chủ Nhật, thì ông đang ngất lịm ở nhà sau cơn say bí tỉ. Ông thường hét lên vào TV mỗi khi xem một trận bóng, và phạt chúng tôi rất nặng nếu có đứa nào lười biếng việc nhà. Mặc dù ông cũng có một vài người bạn thỉnh thoảng gặp gỡ và vui vẻ - đặc biệt khi họ cũng là những bợm rượu - nhưng mẹ tôi mới là người có nhiều mối quan hệ xã giao và bạn bè. Và cha tôi thường làm cho họ sợ mà tránh xa.


Khi tôi bước vào tuổi dậy thì - và cả 2 chị của tôi đều đi học đại học - tôi phải đối mặt với chứng nghiện rượu và bệnh trầm cảm của ông một mình. Tôi đã từng dễ dàng đạt được điểm A ở trường - nhưng lại bị phạt vì tội lười biếng. Tôi đã từng có rất nhiều bạn - nhưng trong mắt cha tôi họ là những người thô lỗ và là đám gây rắc rối. Khi tôi nhận được học bổng ở nước ngoài vào kì nghỉ hè năm giữa, cha tôi lại cho rằng có đi cũng chỉ là tốn thời gian vô ích. Dù tôi có làm gì cũng không đủ tốt với ông ấy.


Sống cùng với người nghiện rượu làm bạn lúc nào cũng cảm thấy lo sợ, giống như đang ôm một quả bom mà không biết nó sẽ phát nổ lúc nào. Khiến cho bạn muốn lui về ẩn dật, tránh mọi sự chú ý - dù là một sự chú ý tích cực đi nữa. Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ về cha mình. Tôi cũng cảm thấy xấu hổ về chính bản thân mình nữa, giống như là tôi phải chịu trách nhiệm với việc ông ấy ngược đãi tôi. Về sau thì tôi cũng hiểu được đây là những phản ứng thường thấy ở những người sống cùng với người nghiện rượu. Nhưng vào lúc đó, tôi mất hết sự tự tin vào bản thân mình.


Có thể bạn nghĩ rằng tôi cũng phải tìm cách gì chứ, và, đúng là ở một mức độ nào đó, tôi đã thử các cách khác. Tôi tìm kiếm những hình mẫu phụ huynh khác như là thầy cô giáo, cha mẹ của bạn tôi, hay mục sư của tôi ở nhà thờ. Tuy nhiên, bạn không thể nào lờ đi chính cha mẹ ruột của mình, những người khiến cho bạn cảm thấy bạn là ai trong thế giới này. Nếu họ nói rằng, bạn có vấn đề, bạn sẽ nghĩ mình có vấn đề thật. Tôi thường đáp trả sự chỉ trích của cha mình bằng cách cố gắng chăm chỉ hơn nữa, tìm mọi cách để làm ông ấy hài lòng, để có thể một lúc nào đó, ông sẽ rút lại những lời đã nói với tôi. Nhưng tôi đã thua cuộc. Dù tôi có làm tốt đến thế nào, ông ấy cũng chỉ nhìn thấy những lỗi sai của tôi mà thôi.



Đến khi trưởng thành, tôi gặp khó khăn trong việc tin tưởng vào tình bạn cũng như tình yêu mà mọi người dành cho tôi. Sau này, khi bắt đầu đi làm, mỗi khi gặp phải sự chỉ trích tôi thu mình lại, lo lắng mình sẽ bị phát hiện. Tôi biết rằng có nhiều người mắc “Hội chứng kẻ mạo danh khi họ làm việc và nghi ngờ khả năng của chính mình. Nhưng những trải nghiệm về việc không được công nhận đã ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ mà tôi làm. Tôi không dám cam kết với bất cứ thứ gì, tôi luôn có sẵn phương án để “chạy trốn” phòng khi có ai đó làm bẽ mặt mình.


Phải đến khi trưởng thành, cuối cùng tôi mới có thể tách mình ra khỏi cha tôi. Tôi đã phải đi gặp nhà tham vấn sau khi bị suy nhược thần kinh nhẹ khi học đại học và khi tôi tìm hiểu nhiều hơn về chứng nghiện rượu. Nó giúp tôi hiểu được chứng bệnh của cha mình và cách nó ảnh hưởng đến ông ấy, và sau đó là ảnh hưởng lên tôi. Tôi đã từng là người đi chiều lòng tất cả những người khác, sợ phạm phải sai lầm, gặp rắc rối với việc cam kết với người khác hay một kế hoạch nào đó. Tôi đã từng cảm thấy không thoải mái khi phải đứng một mình (dù bất cứ trường hợp nào), vì tôi đã từng học được rằng, không an toàn nếu như bị người khác nhìn thấy. Nhưng tôi cũng biết rằng, tôi không cô đơn trên con đường này. Có rất nhiều em bé ngoài kia sống với cha mẹ nghiện rượu cũng bị như vậy.


Việc gặp nhà trị liệu giúp tôi có thể đưa mọi thứ về đúng vị trí của nó. Tôi đã đặt những giới hạn đối với cha mình. Nếu tôi về nhà vào mỗi dịp nghỉ lễ, tôi sẽ chỉ ở đó 1 - 2 ngày, sau đó tôi sẽ qua nhà bạn hoặc tìm một khách sạn gần đó để ở. Nếu ông muốn đưa cả nhà ra ngoài ăn tối, tôi sẽ tự lái xe, tôi không muốn ở chung xe cùng với ông ấy sau khi uống rượu. Nếu ông ấy tức giận, tôi sẽ rời đi. Tôi có thể cắt hết mọi liên lạc với ông ấy, nhưng tôi không làm thế vì người mẹ luôn dịu dàng và thương yêu tôi vẫn còn sống cùng ông ấy… mặc cho tôi cố gắng thuyết phục bà rời đi.


Cuối cùng, cha tôi cũng không chống cự lại được bệnh trầm cảm và ngày càng đắm chìm trong men rượu. Sau 42 năm chung sống với nhau, ông cũng li di mẹ tôi trong sự tức giận và đổ hết mọi tội lỗi cho bà, và cắt bà ra khỏi di chúc của ông. Đây là điều mà tôi luôn luôn mong chờ. Cho dù vậy tôi cũng không khỏi ngạc nhiên. Tôi vẫn luôn nghĩ mẹ tôi mới là người không thể chịu nổi và phải rời đi, chứ không phải cha tôi. Dù sao, việc li dị cũng giúp tôi dành được nhiều thời gian bên mẹ và tránh mặt được cha tôi. Thực tế, tôi hầu như không gặp ông, cho đến khi có chuyện xảy ra.


Tôi đã chuyển từ Santa Barbara tới Berkeley vào năm 1990, rồi sau đó gặp được chồng mình và ổn định cuộc sống. Có lẽ là phải đến khi tôi sinh bé đầu tiên, tôi mới có được chút thấu cảm với cha mình. Tôi đã nhận ra rằng thật khó để có thể từ bỏ ước mơ và tham vọng của mình để tập trung nuôi dạy con cái. Điều này khiến cuộc sống của tôi có những xung đột giữa nội tâm bên trong và thế giới bên ngoài. Khi đối diện với những nhu cầu của chính mình, học cách chấp nhận những thay đổi khiến tôi cởi mở hơn khi nghĩ về cha mình và những gì mà ông đã phải từ bỏ để nuôi lớn chúng tôi.


Tôi biết khi cha tôi còn là một chàng trai trẻ, ông luôn muốn được làm giáo viên trung học, nhưng rồi ông lại làm việc trong ngành bảo hiểm - một công việc nhàm chán, đối với ông ấy - chỉ để có mức sống tốt hơn. Tôi cũng biết là cha mẹ tôi đã có một khoảng thời gian khó khăn trong việc thụ thai vì vấn đề không tương thích máu và đứa con đầu lòng của hai người đã mất sau khi sinh không lâu. Cha tôi phải chăm sóc cho mẹ khi bà bị trầm cảm và cố gắng vượt qua bi kịch đó để có được các chị và tôi. Tôi cũng biết là cha tôi không hòa hợp với ông bà và bà tôi thường khó chịu với ông mỗi khi chúng tôi tới thăm. Những điều này đúng là hơi quá với sức chịu đựng của một người như cha tôi và tôi nhận ra, mình đã hiểu ông đã phải đấu tranh đến thế nào.


Cho dù vậy, thì tôi cũng không liên lạc với ông nhiều. Tôi nghĩ lúc đấy tôi cảm thấy thông cảm (sympathy) nhiều hơn là thấu cảm (empathy) được với ông, ông ấy là người không đáng tin, nhưng không phải là người khiến tôi thực sự quan tâm. Rồi sau đấy, vào một hôm tối muộn, ông đột ngột gọi điện cho tôi.



Ông khóc, điều này làm tôi ngạc nhiên. Tôi đoán là ông đã uống rượu, và tôi không chắc nói chuyện vào lúc này có phải là điều khôn ngoan hay không. Mặc dù vậy, tôi vẫn nghe ông nói, ông thú nhận rằng, ông đã hiểu mình không thể đổ lỗi cho mẹ tôi vì sự trầm cảm của ông và ông ước có thể rút lại đơn li hôn. Thay vì khuyến khích ông đi trên con đường không có kết quả này, tôi gợi ý cho ông đến gặp nhà trị liệu. Và tôi đã hoàn toàn bất ngờ khi ông thực sự làm theo lời tôi nói.


Nhà trị liệu giúp cha tôi hiểu được chứng trầm cảm của mình và khuyến khích ông ngừng uống rượu. Đây không phải là điều ông thực sự muốn làm. Ông càng không muốn tới các cuộc họp AA (cuộc họp của những người nghiện rượu), nơi mà người ta hay nhắc đến Chúa - điều mà ông không tin. Mặc dù vậy ông vẫn tham gia và nhận được sự trợ giúp của mọi người để có thể dừng việc uống rượu. Và, quan trọng hơn, ông bắt đầu nhận ra những gì mà ông đã phải đánh đổi trong mối quan hệ với mọi người do việc nghiện rượu gây ra.


Một vài tháng sau khi nhận sự tư vấn, ông gọi cho tôi ở chỗ làm và nói rằng, mjaf trị liệu của ông có giao cho ông "bài tập về nhà" có liên quan tới tôi. Giữa đống giấy tờ ngổn ngang trên bàn, cùng với việc phải chuẩn bị cho bài nói chuyện buổi tối, tôi thực sự không có tâm trạng để tham gia với ông. Nhưng ông vẫn tiếp tục, nói rằng nhà trị liệu giao cho ông nhiệm vụ gọi điện cho từng người con gái của ông và hỏi chúng tôi, chúng tôi có nghĩ rằng ông yêu chúng tôi khi chúng tôi còn nhỏ hay không.


“Vậy, con có nghĩ là ta yêu con khi con còn nhỏ không?” ông hỏi, như thể đọc một câu hỏi trên một bảng câu hỏi. Tôi đã không hề biết các chị gái mình cũng nhận được những cuộc gọi như vậy. “Không ạ, con không nghĩ vậy” Tôi nói. “Có thể nếu suy nghĩ kĩ thì con biết là có, nhưng con không cảm thấy điều đó”


Câu trả lời của tôi đã kết thúc cuộc hội thoại. Không có câu hỏi nào tiếp theo nữa, ông cũng vội lấy một lý do để gác máy. Nhưng, ngạc nhiên là, tôi nghĩ đây là khởi đầu cho sự hàn gắn giữa chúng tôi. Ông ấy cần phải được nghe sự thật, và tôi cũng cần phải nói ra điều đó.


Ông rủ tôi thỉnh thoảng đi ăn trưa với ông. Tôi không muốn lắm nhưng vẫn đồng ý. Ông muốn gặp ở gần văn phòng của tôi ở nhà hàng Habor ở San Rafael - một quán cà phê nhỏ, đơn giản nằm nổi trên mặt nước mà theo cha tôi, là một “địa điểm tuyệt vời”. Chúng tôi nói về cuộc sống của mình, bố tôi từng bước học cách đặt câu hỏi và lắng nghe tôi trả lời, thay vì ngắt lời tôi với những câu nói phán xét, chỉ trích như trước. Ông thể hiện sự hứng thú, dõi theo những câu chuyện về lũ trẻ của tôi, rồi thỉnh thoảng còn mang những món quà nho nhỏ đến để tôi có thể tặng cho chúng. Ông đã cố gắng - tiến một bước, lùi một bước - để dần trở nên tốt đẹp. Để được yêu thương.


Ông cũng kể cho tôi nghe nhiều hơn về cuộc sống của ông. Ông kể, khi ông còn là một đứa trẻ, ông chưa từng cảm nhận được tình yêu thương từ ông bà. Ông học kém, có lẽ vì với ông rất khó để có thể ngồi yên và tập trung, cũng vì vậy mà ông rất hay bị phạt. Có lần, khi ông còn rất nhỏ, ông nghịch diêm và chẳng may làm cháy nhà. Lần đó, ông đã bị mẹ mình đánh rất kinh khủng.


Khi vào trung học, ông đã muốn được đi làm, nếu không nhờ sự giúp đỡ của một giáo viên khuyến khích ông đăng ký và đạt được điểm cao, thì có lẽ ông đã bỏ dở việc học rồi. Điều này giúp ông có được một vị trí ở trường đào tạo sĩ quan sau khi nhập ngũ vào hải quân trong Thế Chiến Thứ II. May mắn là, ông không phải hành động quá nhiều trong cuộc chiến, và phần việc của ông ở hải quân đã giúp ông được đến Stanford và đạt được bằng M.A về Lịch sử. Đó là khoảng thời gian mà ông gặp và cưới mẹ tôi, người cùng quê với ông. Trong khi bà tôi thì cố gắng nói để khiến mẹ tôi từ bỏ việc kết hôn với con trai bà - bằng lời khiển trách châm chích.

Mặc dù quá khứ này đã giải thích được rất nhiều điều, nhưng câu chuyện liên quan đến đạo đức mà cha tôi đã thấy khi còn trẻ đã thay đổi quan điểm của tôi về ông. Khi ông là học sinh cuối cấp ở trung học, là chủ tịch hội học sinh ông đã đấu tranh rất mạnh mẽ khi thấy một cậu bé người Mỹ gốc Nhật bị áp giải đến trại giam cùng với gia đình của cậu bé. Chứng kiến sự bất công này đã ảnh hưởng sâu sắc đến ông, và sau này ông còn kết thân với người hàng xóm Mỹ gốc Nhật khi tôi còn ở Richmond, đãi họ món bạch tuộc vào bữa tối và giúp họ tổ chức các bữa tiệc văn hóa.


Một lần, khi ông vẫn còn là sỹ quan hải quân vào thời kỳ gần cuối của thế chiến, ông được lệnh phải cập bến vào bờ biển khi đang ở trong cơn bão, ông không tin tưởng vào mệnh lệnh của chỉ huy và cố gắng làm chậm việc di chuyển của con tàu cho đến khi cảm thấy an toàn. Điều này khiến cho ông bị kỷ luật. Một lần khác, khi là giáo viên cấp 2 ở Taft, California, trong những năm 50, ông đã giao cho học sinh của mình một bài tập về nạn phân biệt chủng tộc bằng cách giao cho chúng đi vào thành phố và báo cáo về sự ngược đãi đối với người Mỹ gốc Phi trong cộng đồng. Bài học về dân quyền này đã khiến ông mất việc, nhưng ông cảm thấy hài lòng vì đã khiến những học sinh của mình có cái nhìn khác về sự phân biệt chủng tộc.


Những câu chuyện này giúp tôi nhận ra nhiều điều về cha mình, những điều mà trước giờ vì căn bệnh trầm cảm mà tôi không nhìn thấy được ở ông. Ông đã có một cuộc sống khó khăn khi thiếu thốn tình thương yêu của cha mẹ, nhưng ông vẫn luôn cố gắng làm điều đúng đắn. Ông đã từng quá chán nản bởi sự bất công, nhưng ông vẫn luôn cố gắng để tạo ra sự khác biệt. Ông đã không phải là một người cha hoàn hảo, nhưng ông luôn cố gắng để đảm bảo chúng tôi được quan tâm chăm sóc, dù là bằng cách không được hoàn hảo. Ông đã gặp vấn đề với việc thể hiện tình cảm, nhưng lại không có một hình mẫu nào để học cách thay đổi.


Khi mẹ tôi mất mấy năm sau đó, cha tôi đề nghị giúp tôi sắp xếp các thứ của bà, mang chúng đến Goodwill cho tôi và cẩn thận gửi cả biên lai. Ông tình nguyện cất giữ cây đàn piano của mẹ tôi, dù ông không muốn, mà tôi thì không nỡ cho đi. Ông tham dự lễ tưởng niệm, đôi mắt đẫm nước khi nghe tôi tưởng nhớ đến bà. Nhiều tháng sau đó, khi tôi vẫn còn cảm thấy đau buồn trong lòng, ông đã ôm tôi mỗi khi tôi khóc.


Tôi nghĩ có lẽ bắt đầu từ lúc ông thấy tôi đau khổ đến vậy khi mẹ tôi qua đời, ông đã quyết định sẽ chuẩn bị để sự ra đi của ông sẽ bớt đau đớn hơn với tôi. Ông mua một gói kế hoạch của Neptune Society, đảm bảo sẽ có người đến nhận xác và hỏa táng cho ông. Ông còn viết chỉ dẫn rất rõ ràng, quyết định mọi chuyện. Ông cũng đảm bảo chắc chắn mọi giấy tờ thủ tục của ông đều đã theo đúng thứ tự cũng như bàn về di chúc của ông với tôi một vài lần.


Tôi nhớ ông đã có lần hỏi tôi rằng, có ổn không nếu ông để cho một người nào đó khác chôn cất cho ông, một người khác chứ không phải 3 người con gái của ông. Ông cũng không muốn mọi người khóc lóc trước mộ của mình. Nhưng tôi đã nói với ông rằng không. Tôi cần thời gian đó để có thể buông tay, để con tôi cũng có cơ hội nói lời tạm biệt, để xoa dịu nỗi đau của mình. Tôi vừa khóc vừa nói với ông những điều này, và tôi cũng thấy những giọt nước mắt hiếm hoi trong mắt ông. Vì vậy, dù ông bỏ đám tang và lễ tưởng niệm, nhưng ông vẫn để một khoảng thời gian cho tôi ở bên cạnh mộ của ông. Đó là món quà của ông dành cho tôi.


Chúng ta có thể nới lỏng cơn giận bằng cách thay đổi cách chúng ta nghĩ về những người đã làm tổn thương ta.


Thật khó để có thể tha thứ cho người đã làm tổn thương lòng tự tôn của bạn, mà với tôi còn là cả ý thức về bản thân mình nữa. Nhưng, khi tôi dần cảm thấy thấu cảm cho ông, tự nhiên tôi cũng cảm thấy dần tha thứ. Thành thật với nỗi đau của mình và dám đứng lên vì bản thân cũng đã giúp tôi thay đổi nhiều. Và một điều rất quan trọng đó là lắng nghe cậu chuyện của ông, trân trọng ông với đúng con người của ông, chứ không phải chỉ tập trung vào những lỗi lầm trong quá khứ. Dù không gì có thể xóa đi những hành vi ngược đãi của ông, nhưng nó cũng đã làm thay đổi góc nhìn của tôi. Nó giúp tôi nhận ra rằng, đến cuối cuộc đời mình, ông cũng đã cố gắng để cho tôi thấy, ông có quan tâm đến tôi.


Khi cha tôi mất, tôi và các chị đến dọn dẹp căn nhà của ông. Tôi tìm thấy ghi chép mà có lẽ ông đã viết vài ngày trước khi ông ra đi. Đó là một danh sách những việc cần làm, viết vào mặt sau của một phong bì với nét bút nguệch ngoạc gần như không thể đọc được của ông. Tôi biết ngày mà ông đã viết vì mẩu giấy được đặt ở cạnh giường và có ghi ngày ở đầu như thể ông phải ghi lại không thì không thể nhớ được hôm nay là ngày nào. Danh sách bao gồm việc nhớ uống thuốc, gọi điện cho bác sỹ và các hoạt động thường ngày khác. Vào dòng cuối cùng của danh sách, ông viết: “Gọi cho Jill. Nói với con bé không cần phải lo lắng.”



 


Dịch bởi: Trang Nguyen | Review bởi: Phạm Đại Bàng

13 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page