top of page
Compassio 5.png
Compassio 3.png
Ảnh của tác giảXuân Phạm Văn

Sang Chấn Và Những Lý Do Đằng Sau Nỗi Sợ

Đôi Lời Từ Ban Biên Tập Compassion.vn

Bạn có bao giờ cảm thấy sợ hãi nhưng không rõ lý do? Bạn không hiểu lý do tại sao mình hoảng sợ khi nghe một tiếng động lớn, run lẩy bẩy khi một người đàn ông chạm vào vai hay không thể ngừng lo lắng khi băng qua đường,...


Đôi khi điều khiến chúng ta sợ hãi không phải là bất kỳ thứ gì chúng ta đang đối mặt ở hiện tại, mà là những vết thương chưa được chữa lành trong quá khứ. Những biến cố ngỡ như đã lãng quên từ lâu không ngờ lại có ảnh hưởng đến chúng ta đến tận bây giờ. Đối mặt với nỗi đau trong quá khứ thật sự không phải là điều dễ dàng, nhưng nếu không làm thế, có lẽ chúng ta sẽ mãi mắc kẹt trong những khó khăn mà sang chấn đó tạo ra.


Để tìm hiểu rõ hơn về sự liên kết giữa nỗi sợ và sang chấn, mời bạn cùng Compassion tham khảo bài viết dưới đây nhé!


 

Một số lý do khiến chúng ta sợ hãi, ức chế và buồn bã hơn rất nhiều là vì chúng ta lang thang trong cuộc đời mình với gánh nặng sang chấn to lớn không được giải quyết hay được nhận biết - mà bản thân chúng ta cũng không hề hay biết về điều này.


Một sang chấn không chỉ đơn thuần là một sự kiện khủng khiếp, mặc dù nó cũng rất nặng nề. Đó là một biến cố đã không được xử lý hoàn toàn, không được hiểu rõ và không được lựa chọn. Và biến cố này - khi bị bỏ mặc - có thể phủ một cái bóng rất dài và không có lý do chính đáng lên rất nhiều nỗi sợ. Nhiều nỗi sợ hãi lớn nhất của chúng ta có thể không liên quan gì đến những nguy hiểm thực sự ở thời điểm hiện tại; chúng là di sản của những sang chấn trước đó mà chúng ta đã thiếu đi những phương tiện cần thiết để có thể truy ngược về nguồn gốc của chúng, khoanh vùng và hóa giải.

Nguồn ảnh: Bruna Lima

Khái niệm sang chấn lần đầu tiên được quan sát trong bối cảnh quân sự. Hãy tưởng tượng rằng vào một đêm chúng ta đang trên giường, ở một đất nước bị chia cắt bởi cuộc nội chiến, chúng ta nghe thấy còi một chiếc xe báo động, sau đó vài giây, là một vụ nổ lớn. Khu phố của chúng ta bị phá hủy và một số thành viên trong gia đình bị giết. Chúng ta bị thương nhưng dưới áp lực phải tiếp tục với cuộc sống của mình, ta không thể ngẫm nghĩ lại đúng đắn hay thỏa đáng để có thể thương tiếc về những gì đã xảy ra; chúng ta buộc phải tiếp tục từ một trải nghiệm đáng sợ với sự hối thúc của định mệnh và thiếu sự đồng cảm. Tuy nhiên, ký ức dường như bị bỏ quên về cuộc đổ máu, hỗn loạn và mất mát đó không biến mất, thay vào đó nó cuộn lại thành một thứ tồn tại bên trong không xác định mà chúng ta gọi là sang chấn - có nghĩa là trong nhiều năm và nhiều thập kỷ tới, ngay cả trong những hoàn cảnh yên bình nhất, bất cứ khi nào chúng ta nghe thấy tiếng xe báo động hoặc thậm chí là bất kỳ âm thanh cường độ cao nào (ví dụ như tiếng ping của thang máy), một cách bí ẩn, vì những lý do mà chúng ta không thực sự hiểu, chúng ta lại rơi vào trạng thái hoảng sợ ban đầu, như thể một nghìn tấn thuốc nổ TNT sắp phát nổ một lần nữa.

Tuy nhiên điều này còn có thể đáng kinh ngạc hơn nữa, các nhà tâm lý học đã tìm hiểu được rằng sang chấn có thể dễ dàng gặp phải ngay cả trong những hoàn cảnh thoạt nhìn bề ngoài có vẻ yên bình. Chúng ta không cần phải trải qua một cuộc chiến để bị tổn thương. Hãy tưởng tượng một đứa trẻ sáu tuổi mắc lỗi trong bài kiểm tra toán và mang tin đó về nhà; đột nhiên, cha đứa trẻ - người uống quá nhiều và có thể đang chống chọi với chứng trầm cảm và hoang tưởng - nổi cơn thịnh nộ, hét vào mặt cô bé, đập vỡ một đồ vật trong nhà và đóng sầm cửa. Từ góc nhìn của một đứa trẻ sáu tuổi, cô bé cảm giác như thế giới đang sụp đổ. Không có cách nào để hiểu về khoảnh khắc này - ngoài việc chịu trách nhiệm về nó và kết quả là cảm thấy mình như một con người tồi tệ. Và từ đó, một sang chấn nảy sinh, sang chấn này xoay quanh việc phạm sai lầm. Rằng mỗi một sai lầm của cô đều có nguy cơ gây ra sự bùng nổ cho người khác. Đến tuổi trưởng thành, mỗi khi có nguy cơ xảy ra sai sót là trong cô xuất hiện một nỗi sợ về việc khiến người khác tức giận. Ai cũng đều có cảm giác kinh hãi đối với một người nào đó - người mà mang lại cảm giác lạnh sống lưng ngay cả khi ta không nghĩ đến hay ghi nhớ trong ký ức.


Hoặc chúng ta có thể tưởng tượng một cậu bé được chăm sóc bởi một bà mẹ đơn thân rất yêu thương nhưng cũng rất dễ tổn thương, thận trọng và sợ hãi sự nam tính. Cậu bé cảm nhận được sự phản đối của mẹ và ngày càng cảm thấy tội lỗi vì sự ồn ào và sự phát triển của chính mình. Từ đó, cậu ấy cuối cùng mắc phải một sang chấn xung quanh cảm xúc tính dục của mình; một phần niềm tin của cậu ấy khi trưởng thành cho rằng trở nên gợi cảm là làm cho phụ nữ khó chịu - và do đó, ngay cả khi ở bên những phụ nữ muốn thân mật với cậu, cậu thấy mình không thể cảm thấy phấn khích hoặc có khả năng quan hệ tình dục và luôn luôn, vì những lý do mà cậu ấy không thể hiểu được, dẫn đến việc kết thúc mối quan hệ. Cậu ấy cho rằng mọi phụ nữ đều chán ghét tình dục vì người phụ nữ quan trọng trong những năm tháng trưởng thành của cậu ấy cho rằng như vậy.



Nguồn ảnh: Ahmed Hasan@Unsplash

Giải pháp cho tất cả các trường hợp như vậy, là hiểu rõ hơn về những biến cố cụ thể trong quá khứ, sự kiện mà đã gây ra những khó khăn để giải phóng tâm trí khỏi những mong đợi của nó. Manh mối cho thấy chúng ta đang đối mặt với một sang chấn - chứ không phải là bất kỳ loại sợ hãi chính đáng nào - nằm ở mức độ và cường độ của cảm xúc, khi cảm xúc trở nên tồi tệ hơn mà không có một lý do chính đáng nào: đó là thời bình, đàn ông tử tế, đàn bà đầy khao khát… nhưng vẫn còn đó sự kinh hoàng, vẫn còn đó sự ghê tởm bản thân, vẫn còn đó sự xấu hổ. Khi đó, chúng ta biết rằng chúng ta không phải đang đối mặt với sự "khờ dại" hay sự điên rồ hay mối nguy hiểm thực sự nào đó, mà đối mặt với một sự cố chưa được xử lý trong quá khứ, thứ đang đổ một cái bóng yếu ớt xuống thực tại vô tội.


Là những người bị sang chấn, ký ức về biến cố đó vẫn tồn tại bên trong chúng ta, nhưng tâm trí nhận thức của chúng ta né tránh việc gắn kết với ký ức này và vô hiệu hóa nó thông qua việc dò xét lý trí. Không thể than khóc hoặc giải mã nỗi sợ, phần lớn cuộc sống chúng ta trở nên thê lương và không đáng sống. Đồng thời, sang chấn tạo ra các triệu chứng và vấn đề về tâm thần mà chúng ta không thể truy tìm lại nguồn gốc của chúng; chúng ta quên mất lý do tại sao chúng ta sợ hãi, chúng ta chỉ biết rằng có rủi ro ở khắp mọi nơi. Sang chấn là một nỗi đau mà tâm trí nhận thức thiếu sự hỗ trợ và nguồn lực để hàn gắn - với cái giá phải trả là sự ảnh hưởng tới khả năng yêu thương, tự do và suy nghĩ sáng tạo của chúng ta.


Tuy nhiên, nếu cuối cùng chúng ta có thể cảm thấy thoải mái và đủ an toàn để dám nhìn lại, chúng ta sẽ có thể thấy khoảnh khắc đau thương như đúng nó vốn là, bên ngoài sự hoảng loạn ban đầu và những kết luận non nớt hoặc phi logic của chúng ta (rằng đó là lỗi của chúng ta, rằng chúng ta đã làm điều gì đó sai trái, rằng chúng ta là tội lỗi). Giải phóng bản thân có nghĩa là hiểu được những vấn đề cụ thể, từng phần và những đặc điểm tương đối khác thường của những gì đã gây ra tổn thương cho chúng ta; và sau đó ngày càng nhận thức được tâm trí của chúng ta đã phóng đại lên và phổ biến hóa những khó khăn đó như thế nào, một phần là để bảo vệ chúng ta khỏi nỗi đau mà chúng ta đã từng quá khó khăn để trải qua.


Chúng ta sẽ nhận ra rằng đó là một quả bom đã phát nổ và phá hủy mọi thứ xung quanh - và dù điều này có thể thật đáng sợ, nhưng đó chẳng phải là lý do để chúng ta sợ hãi tất cả những tiếng ồn chói tai khác. Tương tự như vậy, có một người cha đã la mắng chúng ta vì đã phạm sai lầm khi chúng ta còn nhỏ, nhưng chẳng ai có quyền đe dọa hủy hoại chúng ta khi trưởng thành cả. Có một người phụ nữ nào đó đã khiến chúng ta cảm thấy rằng giới tính của mình là không thể chấp nhận được, nhưng không phải vì vậy mà tất cả những người phụ nữ khác cũng cho rằng như thế.


Thách thức của chúng ta là hiểu được một vấn đề hoặc nỗi đau cụ thể mà đến nay ta vẫn còn chưa hiểu rõ để loại bỏ sự ảnh hưởng của nó. Chừng nào những biến cố riêng lẻ chưa được hiểu và suy nghĩ thấu đáo với sự tử tế và cởi mở, thì chừng đó sẽ còn vô số tình huống trở nên khó giải quyết và gây hoảng sợ. Bằng cách nắm bắt đúng sự kiện ban đầu trong suy nghĩ của một tâm trí trưởng thành lý trí, và lột trần sự bí ẩn của nó, chúng ta sẽ có thể quay về những cảm xúc sợ hãi - và làm cho thế giới hiện tại bớt lo lắng hơn. Cuộc sống nói chung sẽ không phải trở nên quá kinh khủng một khi chúng ta hiểu được từng chút một những điều thực sự đã xảy ra.


 

Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề


 

Khuyến cáo về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách các dịch vụ, chuyên gia từ Compassion tại đây: www.compassion.vn/booking).

 

Thông Tin Về Bài Đăng:  Nguồn bài dịch (Bài gốc tiếng Anh): https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/trauma-and-fearfulness/

Đội ngũ sản xuất: Người dịch: Trang ; Người biên tập: Duyên Trương Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tại www.compassion.vn/crowdsourcing. Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.


84 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page