top of page
Compassio 5.png
Compassio 3.png
Ảnh của tác giảXuân Phạm Văn

Sự Khác Nhau Giữa Rối Loạn Lưỡng Cực Và Rối Loạn Nhân Cách Ranh Giới

Tính bốc đồng, tâm trạng thất thường, cáu gắt, cảm xúc thăng trầm, những kiểu rắc rối trong mối quan hệ - là những triệu chứng thường được cho là của Rối loạn lưỡng cực (bipolar), nhưng chúng cũng dễ nhận thấy ở những người mắc Rối loạn nhân cách ranh giới (borderline personality disorder - BPD).


Photo by Ahmad Odeh on Unsplash

Cả hai rối loạn này đều không phổ biến. Xấp xỉ 2.6% người trưởng thành ở Hoa Kỳ chung sống với bệnh rối loạn lưỡng cực. Lượng người mắc rối loạn nhân cách ranh giới được đánh giá là không ổn định, nhưng đâu đó trong khoảng 1.6% đến 5.9% người trưởng thành ở Hoa Kỳ sống với tình trạng này. Nhiều người được chẩn đoán là mắc cả hai.


Sự tương đồng về các triệu chứng của hai rối loạn và khả năng xảy ra đồng thời đã khiến một số chuyên gia đặt câu hỏi liệu rối loạn nhân cách ranh giới có phải là một phần hay biến thể của rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, sự đồng thuận chung giữa các chuyên gia sức khỏe tâm thần là dù có các đặc điểm tương tự nhau, chúng là hai vấn đề sức khỏe tâm thần riêng biệt thường có thể được phân biệt theo một số cách chính.


Giai đoạn hưng cảm trong Rối loạn lưỡng cực có thể khơi gợi đến rối loạn nhân cách ranh giới , vì các cơn hưng cảm thường liên quan đến hành vi tìm kiếm cảm giác mạnh, bốc đồng hoặc hung hăng.


Sự khác nhau giữa Rối loạn lưỡng cực và Rối loạn nhân cách ranh giới

Là một rối loạn tâm trạng, rối loạn lưỡng cực có đặc trưng chủ yếu là sự dịch chuyển giữa các trạng thái năng lượng cao (hưng cảm) và trạng thái năng lượng thấp (trầm cảm). Sự thay đổi tâm trạng này có thể dao động từ nhẹ đến cực đoan, và thường kèm theo những thay đổi năng lượng và hành vi.


Không phải tất cả những ai mắc rối loạn lưỡng cực đều trải qua giai đoạn hưng cảm căn bản. Những giai đoạn này thường kéo dài vài ngày và thường liên quan đến việc gia tăng các hoạt động và năng suất học tập và làm việc, hay khả năng sáng tạo. Cảm thấy tràn đầy năng lượng, ngủ rất ít hoặc không cần ngủ cũng là triệu chứng phổ biến.


Bệnh nhân sống với rối loạn lưỡng cực II trải nghiệm giai đoạn hưng cảm nhẹ được gọi là hypomania. Rối loạn hưng - trầm cảm nhẹ (Cyclothymia), một kiểu rối loạn lưỡng cực, cũng có những giai đoạn hưng cảm nhẹ và trầm cảm nhưng không phải là triệu chứng rối loạn lưỡng cực điển hình. Nhưng hưng cảm nhẹ là một dấu hiệu đặc biệt liên quan đến đến rối loạn lưỡng cực, thế nên có dù chỉ một giai đoạn hưng cảm nhẹ cũng được cho là rối loạn lưỡng cực trong hầu hết trường hợp.


Trong các giai đoạn hưng cảm nhẹ mà rối loạn lưỡng cực có thể khơi gợi đến rối loạn nhân cách ranh giới, bởi giai đoạn hưng cảm nhẹ thường liên quan đến các hành vi tìm kiếm cảm giác mạnh, bốc đồng, hay hung hăng. Hành vi bốc đồng có thể bao gồm tình dục không an toàn, chi tiêu quá mức, hay lạm dụng chất gây nghiện, cùng với những hành vi không điển hình khác. Rối loạn lưỡng cực lặp lại chu kỳ nhanh có thể cực kỳ giống rối loạn nhân cách ranh giới, bởi sự biến động cảm xúc xảy ra thường xuyên hơn so với các rối loạn lưỡng cực điển hình.


Hưng cảm nhẹ xảy ra thường xuyên có thể dẫn tới những khó khăn trong mối quan hệ, khi mà những hành vi của người đang trải qua hưng cảm nhẹ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến những người gần gũi với họ. Ví dụ, một người trong giai đoạn hưng cảm nhẹ ở trong một mối quan hệ một vợ một chồng có thể lừa dối bạn đời của mình hay quyết định trang hoàng lại nhà cửa và sử dụng tối đa thẻ tín dụng để chi tiêu cho những đồ trang trí nội thất mới. Một người sử dụng ma túy trong giai đoạn hưng cảm nhẹ có thể đối mặt với với vấn đề pháp lý, đặc biệt nếu hành vi dưới sự ảnh hưởng của ma túy gây hại đến người khác.


Nhưng với rối loạn nhân cách ranh giới, đặc biệt là rối loạn nhân cách ranh giới không được điều trị, sự thay đổi cảm xúc có xu hướng xảy ra đột ngột và thường xuyên. Rối loạn nhân cách ranh giới là một rối loạn nhân cách, vì thế các đặc điểm liên quan không chỉ là những thay đổi cảm xúc, chúng là những mô thức hành vi kéo dài. Các kiểu suy nghĩ cực đoan, tất cả hoặc không có gì cũng là một đặc trưng của rối loạn này. Ví dụ, một người mắc bệnh rối loạn nhân cách ranh giới gặp phải sự chỉ trích nhẹ trong công việc có thể trở nên rất buồn bã và đau khổ. Họ có thể cảm thấy họ thất bại và sợ rằng họ sẽ mất việc.


Photo by Nihal Demirci on Unsplash

Một đặc điểm khác của rối loạn nhân cách ranh giới là khó diễn giải cảm xúc. Nó làm người ta xem các biểu hiện trung lập hay biểu hiện khác là tiêu cực, và sự hiểu sai này có thể dẫn đến xung đột hoặc làm căng thẳng các mối quan hệ cá nhân.


Tương tự như vậy, một bất đồng nhỏ với đối tác có thể khiến ai đó tin rằng họ không còn được yêu thương và mối quan hệ đã kết thúc. Họ có thể kết thúc mối quan hệ trước, vì sợ bị từ chối. Xung đột mối quan hệ cũng có thể kích hoạt sự "mất hình tượng" về một đối tác trước đây được lý tưởng hóa, tùy thuộc vào hoàn cảnh. Với sự "mất hình tượng", cảm giác tức giận, coi thường và khinh miệt có thể đột ngột thay thế cảm giác yêu thương và hạnh phúc trong mối quan hệ.


Nguy cơ tự tử thì cao với cả rối loạn lưỡng cực và rối loạn nhân cách ranh giới, trong khi đó việc lặp lại những hành vi tự hại không mang tính chất tự tử cũng như những nỗ lực tự tử thì phổ biến với rối loạn nhân cách ranh giới. Tự cứa rạch da thịt và những hành vi tự hại không nhất thiết chỉ ra ý định tự tử. Nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều người mắc bệnh rối loạn nhân cách ranh giới tự làm hại mình như một cách đối phó hoặc như một cách cảm nhận điều gì đó trong thời kỳ phân ly.

Khác biệt trong tiếp cận điều trị như thế nào?

Hai rối loạn trên có những nguyên nhân căn bản riêng, mặc dù những người có tiền sử gia đình mắc rối loạn lưỡng cực hoặc rối loạn nhân cách ranh giới có nguy cơ cao hơn đối với rối loạn đó.


Nguyên nhân gây ra rối loạn nhân cách ranh giới không được biết đến đầy đủ, nhưng nó được cho là phát triển từ sự kết hợp của các yếu tố. Khuynh hướng có những trải nghiệm cảm xúc cực đoan có thể diễn ra với những người trong gia đình được cho là có đóng góp vào - những người trải qua lạm dụng, chấn thương tâm lý và bị bỏ bê. Chất hóa học não là một yếu tố đóng góp đáng kể cho rối loạn lưỡng cực, mặc dù các yếu tố môi trường cũng có thể làm tăng nguy cơ.


Chẩn đoán chính xác là rất quan trọng, bởi có những phương pháp điều trị khác nhau tùy thuộc vào từng tình trạng. Điều quan trọng là phải hiểu rằng việc trị liệu bản thân nó thường không thể điều trị được chứng hưng cảm ở những người sống với rối loạn lưỡng cực. Nó cũng có thể là không đủ để điều trị trầm cảm nặng ở một số người.


Trị liệu có thể giúp giải quyết một số triệu chứng và khó khăn khi sống với rối loạn lưỡng cực, nhưng trong hầu hết các trường hợp người bệnh cần dùng thuốc để giúp ổn định rối loạn tâm trạng. Chứng hưng cảm và trầm cảm không được điều trị có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về cảm xúc và thậm chí là sức khỏe thể chất, do đó, điều quan trọng là phải tìm kiếm sự điều trị và duy trì với nó.


Các chất ổn định tâm trạng như lithium không hiệu quả với các triệu chứng của rối loạn nhân cách ranh giới. Trong một vài trường hợp, điều trị rối loạn lưỡng cực có thể khiến cho các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Không có một phương cách điều trị nào là riêng biệt dành cho rối loạn nhân cách ranh giới. Phương pháp điều trị điển hình là liệu pháp hành vi biện chứng (dialectical behavior therapy), mặc dù các phương pháp trị liệu khác như liệu pháp lược đồ (schema therapy) cũng có thể có lợi ích đáng kể.

Liệu có thể mắc Rối loạn lưỡng cực và Rối loạn nhân cách ranh giới đồng thời?

Một người có những triệu chứng của rối loạn lưỡng cực và của rối loạn nhân cách ranh giới có thể mắc cả hai rối loạn này. Trên thực tế nó không phải là hiếm. Bài đánh giá của nhiều nghiên cứu năm 2013 về tình trạng này cho thấy khoảng 10% số người được chuẩn đoán mắc rối loạn nhân cách ranh giới cũng đồng thời mắc rối loạn lưỡng cực I, 10% đồng thời mắc rối loạn lưỡng cực II.


Sống với cả hai trạng thái rối loạn nhân cách ranh giới và rối loạn lưỡng cực không được điều trị có thể gây ra những đau khổ nặng nề, một phần vì hai rối loạn này có thể quyết chiến với nhau.


Cảm giác trống rỗng và thất bại có thể trở nên tệ hơn trong giai đoạn trầm cảm của rối loạn lưỡng cực, gây nên rối loạn hoặc mất kết nối cảm xúc, cả hai đều có thể làm tăng nguy cơ cho hành vi tự làm hại hoặc tự tử. Một người đang gặp khó khăn trong vấn đề tin tưởng hay từ bỏ trong mối quan hệ có thể sẽ có những khoảng thời gian khó khăn hơn để duy trì một mối quan hệ lành mạnh trong thời kỳ trầm cảm. Giai đoạn hưng cảm có thể kích hoạt hành vi nguy hiểm hay bốc đồng ở một người cảm thấy đau khổ, hoặc mất kết nối với bản thân và muốn cảm nhận với một điều gì đó. Lạm dụng chất gây nghiện không phổ biến với rối loạn nhân cách ranh giới hoặc rối loạn lưỡng cực, trong khi rượu và ma túy thường kích hoạt hưng cảm.


Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5) khuyến cáo các chuyên gia sức khỏe tâm thần tránh chẩn đoán các rối loạn nhân cách trong các giai đoạn tâm trạng không được điều trị. Lấy một lịch sử sức khỏe tâm thần chi tiết xem xét lại các kiểu mẫu và triệu chứng trong một khoảng thời gian dài hơn có thể giúp phân biệt hai rối loạn trên.


Giữa các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm, những người mắc rối loạn lưỡng cực thường trải qua tâm trạng khá bình thường. Nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm có thể trôi qua giữa các giai đoạn lên và xuống, đặc biệt là khi việc điều trị có hiệu quả trong việc kiểm soát các triệu chứng. Vì vậy, một khi một giai đoạn tâm trạng đã đi vào ổn định, việc chẩn đoán có thể rõ ràng hơn một chút. Khi một tâm trạng hưng cảm hoặc trầm cảm dường như đáp ứng với điều trị nhưng các triệu chứng rối loạn cảm xúc vẫn tồn tại, một chẩn đoán kép trở nên khả thi hơn.

Điều trị Rối loạn lưỡng cực và Rối loạn nhân cách ranh giới đồng thời

Sống với rối loạn nhân cách ranh giới và rối loạn lưỡng cực đồng thời có thể khó khăn hơn so với chỉ có một trong hai, đặc biệt là nếu cần có thời gian để có được chẩn đoán chính xác. Sự thay đổi tâm trạng liên quan đến rối loạn lưỡng cực, kết hợp với những thay đổi nhanh và thường xuyên của trạng thái cảm xúc, có thể khiến cho cuộc sống thường nhật trở nên khó khăn hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến công việc, học tập và đời sống cá nhân. Những người mắc cả hai rối loạn này đồng thời có thể cảm thấy khó ổn định và khó kiểm soát những gì xảy ra xung quanh họ hơn những người chỉ mắc một loại rối loạn


Mặc dù can thiệp điều trị bằng trị liệu có thể rất hữu ích trong việc giảm thiểu những triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống, các phương pháp điều trị được đề nghị cho từng loại rối loạn có sự khác biệt. Điều này khiến cho việc chuẩn đoán chính xác càng trở nên quan trọng trong việc điều trị hơn nữa.


Đối với rối loạn lưỡng cực, việc trị liệu có thể liên quan đến học các nhận biết những yếu tố kích thích tâm trạng, phát triển cách đối phó với các triệu chứng rối loạn lưỡng cực, và làm giảm thiểu những ảnh hưởng của những triệu chứng này đến cuộc sống hằng ngày. Sự kết hợp giữa thuốc ổn định tâm trạng và liệu pháp hành vi biện chứng có thể được khuyến nghị cho những người có cả lưỡng cực và rối loạn nhân cách ranh giới, vì liệu pháp hành vi biện chứng thường là phương pháp lý tưởng để điều trị bệnh rối loạn nhân cách ranh giới. Liệu pháp này bao gồm phát triển các kỹ năng để quản lý và đối phó với những cảm xúc khó khăn và thực hành những cách nghĩ tích cực liên quan đến người khác.


Đối với những người gặp phải tình trạng đau khổ liên quan đến rối loạn nhân cách ranh giới trong giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm, ổn định tâm trạng là bước quan trọng đầu tiên. Nghiên cứu cho thấy các triệu chứng rối loạn nhân cách ranh giới có thể cải thiện đôi chút khi tâm trạng đã ổn định, điều này có thể làm tăng cơ hội điều trị thành công. Nó cũng rất cần thiết để nói về những suy nghĩ tự tử hoặc tự làm hại bản thân, vì những điều này có thể có nhiều khả năng có ở những người có cả hai rối loạn hơn những người chỉ mắc rối loạn lưỡng cực.


Các triệu chứng loạn tâm thần như ảo giác cũng có thể xảy ra trong giai đoạn hưng cảm, và những điều này có thể rất nguy hiểm. Chúng không phổ biến với rối loạn nhân cách ranh giới, nhưng chúng có khả năng xảy ra, do đó, rất quan trọng để thảo luận về bất kỳ ảo giác, ảo tưởng hoặc suy nghĩ ma quái khi một người có các triệu chứng của cả hai rối loạn trên.

Tìm kiếm nhà trị liệu cho Rối loạn lưỡng cực và Rối loạn nhân cách ranh giới

Đối với một số mối quan tâm về sức khỏe tâm thần, chẩn đoán có thể không ảnh hưởng đáng kể đến điều trị vì các triệu chứng vẫn có thể được giải quyết trong trị liệu. Nhưng khi rối loạn lưỡng cực và rối loạn nhân cách ranh giới có các biểu hiện tương tự nhau, bị chẩn đoán sai có thể khiến cho việc điều trị kém hiệu quả. Các triệu chứng của cả hai rối loạn có thể làm phức tạp thêm chẩn đoán. Một số chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể không nhận ra sự hiện diện của cả hai vấn đề, đặc biệt nếu họ ít kinh nghiệm với sự khác biệt giữa cả hai hoặc chưa được nhận ra rối loạn lưỡng cực và rối loạn nhân cách ranh giới thường xảy ra cùng nhau.


Khi đưa ra một chẩn đoán hoặc giải quyết các triệu chứng của cả rối loạn lưỡng cực và rối loạn nhân cách ranh giới, lời khuyên là nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ một nhà trị liệu đã trải qua việc giúp đỡ những người mắc cả hai tình trạng này. Trong khi các nhà trị liệu đồng cảm và được đào tạo khác, chắc chắn có thể cung cấp sự chăm sóc đầy trắc ẩn, một nhà trị liệu chuyên làm việc với những người sống với những rối loạn này có thể cung cấp sự hỗ trợ dành riêng cho việc giải quyết các triệu chứng cụ thể của những tình trạng này. Điều này có thể đặc biệt quan trọng khi bắt đầu trị liệu lần đầu tiên.



 

References:

  • American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and statistical manual of mental disorders, fifth edition. Arlington, VA: American Psychiatric Association.

  • Bipolar disorder. (2017). National Alliance on Mental Illness. Retrieved from https://www.nami.org/learn-more/mental-health-conditions/bipolar-disorder

  • Bipolar disorder. (2018). National Institute of Mental Health. Retrieved from https://www.nimh.nih.gov/health/publications/bipolar-disorder/index.shtml

  • Borderline personality disorder. (2017). National Alliance on Mental Illness. Retrieved from https://www.nami.org/Learn-More/Mental-Health-Conditions/Borderline-Personality-Disorder

  • Borderline personality disorder. (2017). National Institute of Mental Health. Retrieved from https://www.nimh.nih.gov/health/topics/borderline-personality-disorder/index.shtml

  • Fenske, S., Lis, S., Liebke, L., Niedtfeld, I., Kirsch, P., & Mier, D. (2015, June 26). Emotion recognition in borderline personality disorder: Effects of emotional information on negative bias. Borderline Personality Disorder and Emotion Dysregulation, 2, 10. doi: 10.1186/s40479-015-0031-z

  • Ghaemi, S. N., Dalley, S., Catania, C., & Barroilhet, S. (2014). Bipolar or borderline: A clinical overview. Acta Psychiatrica Scandinavica, 130(2), 99-108. doi: 10.1111/acps.12257

  • Kvarnstrom, E. (2017, October 5). Borderline personality disorder misdiagnosed as bipolar disorder: Differences and treatment. Retrieved from https://www.bridgestorecovery.com/blog/borderline-personality-disorder-misdiagnosed-as-bipolar-disorder-differences-and-treatment

  • Linehan, M. M., Korslund, K. E., & Harned, M. S. (2015). Dialectical behavior therapy for high suicide risk in individuals with borderline personality disorder: A randomized clinical trial and component analysis. JAMA Psychiatry, 72(5), 475-482. doi:10.1001/jamapsychiatry.2014.3039

  • Paris, J. (2004). Borderline or bipolar? Distinguishing borderline personality disorder from bipolar spectrum disorders. Harvard Review of Psychiatry, 12(3), 140-145. doi: 10.1080/10673220490472373

  • Zimmerman, M., & Morgan, T. A. (2013). The relationship between borderline personality disorder and bipolar disorder. Dialogues in Clinical Neuroscience, 15(2), 155-169. Retrieved from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3811087


 

Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).


 

Người dịch: Hải Yến ; Người biên tập: Anh Đào Lê

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây


528 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page