Bài viết thuộc Category 'Opinion - Góc Nhìn Cá Nhân' đăng tải trên www.compassion.vn - thể hiện ý kiến, quan điểm, trải nghiệm cá nhân của người viết.
Bằng một cách nào đó, mình rất thường xuyên được tìm đến để nhờ trợ giúp về tinh thần.
Không phải chỉ khi mình đã làm những việc liên quan đến tâm lý, tinh thần... mà ngay cả trước đây, khi mình làm một công việc tưởng chừng chẳng hề liên quan: bán hàng.
Mình vẫn còn nhớ như in buổi sáng cách đây 7 năm, đột nhiên Skype của mình nhận được một loạt tin nhắn từ chị đối tác. Mình mở tin nhắn với tâm trạng nửa hồi hộp nửa lo lắng, tưởng có sự cố gì. Thì nhận ra: chị đối tác đang trải qua một cuộc khủng hoảng cá nhân. Tìm đến mình để chia sẻ. Lúc ấy mình vẫn chưa hiểu tại sao mình là 'người được chọn'. Dù bình thường mình và chị ấy chỉ trao đổi công việc.
Những chuyện như vậy mình gặp khá thường xuyên, cả bạn bè, người thân hay công việc, thậm chí người lạ. Có những người sẽ gọi điện cho mình hàng giờ chỉ để được nói ra điều đang trăn trở, có những bạn chưa gặp mình bao giờ nhưng lại tìm đến mình để hỏi một lời khuyên. Có những người, hẹn gặp, chỉ để ngồi khóc nức nở.
Dần dần, mình nhận ra, phần vì bản tính mình có thiên hướng hỗ trợ người khác là có thật (đấy là lý do vì sao mình lại chuyển dần từ công việc bán hàng sang các công việc tinh thần), phần vì ai cũng có nhu cầu được chia sẻ, trợ giúp, tâm sự (mà đôi khi tâm sự với người hơi 'lạ' lại dễ dàng hơn?).
Mặc dù được nhận nhiều sự tin cậy là vậy, nhưng những lúc như vậy, mình khá bối rối. Bối rối vì: không biết phải làm sao. Không biết mình có đang trợ giúp được họ hay không.
Đã nhiều lần mình làm 'không đúng' - không những chẳng trợ giúp được cho người khác, mà thậm chí còn làm cho 'đổ thêm dầu vào lửa'.
Sau nhiều lần 'thất bại' như vậy, mình đã rút ra được vài kinh nghiệm, để làm 'đúng hơn'.
1 - Xác Định Đúng Nhu Cầu Cần Trợ Giúp
Điều tiên quyết, để trợ giúp được một người, là phải biết họ cần gì. Mình không thể giúp được ai, nếu họ cần thứ A - mà mình lại đưa cho họ thứ B.
- Có những người, khi gặp chuyện, họ chỉ cần một người thực sự lắng nghe, để họ được nói ra. Lúc ấy, điều chúng ta cần làm là: lắng nghe, không phán xét, không đưa ra giải pháp.
- Có người lại cần một giải pháp, một lời khuyên... khi ấy, nếu mình chỉ 'lắng nghe không phán xét' thì lại trở thành thụ động.
- Có người cần một sự động viên, một cái ôm, hay một hành động cụ thể... lúc ấy, lời nói đôi khi không quan trọng bằng hành động. Hãy ôm họ một cái và làm điều gì đó khiến họ vui.
- Có người, tìm đến mình, mình lại cần 'chửi cho họ một trận, để họ sáng mắt ra'. Đúng vậy, với những thành phần 'nạn nhân hóa' hoặc 'chuyên đổ lỗi' thì cách ấy lại là hữu hiệu nhất với họ.
Trong một số trường hợp, nếu vấn đề về tinh thần của người cần trợ giúp, vượt quá khả năng hỗ trợ của mình. Điều cần làm khi ấy, nghe có vẻ khá lạ, đấy là: Đừng vội làm thêm gì cả.
Chỉ 'sơ cứu' như 'sơ cứu vết thương' (hay còn gọi là Sơ Cứu Tâm Lý - Psychological First Aid) - rồi tìm đến một sự trợ giúp có chuyên môn khác (nhà trị liệu, tham vấn, chuyên gia tâm lý...).
Vậy Sơ Cứu Tâm Lý - Psychological First Aid là gì, làm thế nào?
2. Sơ Cứu Tâm Lý - Psychological First Aid
Có thể hiểu một cách đơn giản: Sơ Cứu Tâm Lý cũng tương tự như Sơ Cứu Vết Thương vậy. Khi một người bị thương, nếu những người (không phải chuyên môn y tế) xung quanh nắm được một số kỹ năng cơ bản để sơ cứu vết thương, hoặc tối thiểu nhất là: không làm cho vết thương nặng hơn (hoặc ngăn chặn khả năng can thiệp của ý tế về sau - đã nhiều câu chuyện đau lòng về việc không biết sơ cứu gây nặng hơn hoặc tử vong, chắc ai cũng đã thấy hoặc đọc qua truyền thông).
Việc sơ cứu tâm lý, là trợ giúp cho người khác ổn định với tình huống nguy cấp, không để tình huống trở nên nguy hiểm hơn - và có những trợ giúp tìm kiếm giải pháp chuyên sâu hơn (khi những sự can thiệp nằm ngoài khả năng của mình).
Không phải chỉ có những người có chuyên môn về tâm lý (trị liệu, tham vấn...) mới có thể (hoặc 'nên') sơ cứu tâm lý. Mà hầu hết những người xung quanh như bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, thầy cô giáo... đều có thể làm điều này. Nếu tuân theo một số nguyên tắc và có những kỹ năng cơ bản. Nếu được trải qua một vài khóa huấn luyện của những người có chuyên môn nữa thì càng tốt.
Trên thế giới, có một mô hình Sơ Cứu Tâm Lý được sử dụng khá phổ biến, gọi là mô hình Sơ Cứu RAPID, RAPID là viết tắt của 5 chữ: R - Reflective Listening - Lắng nghe có phản hồi, A - Assessment - đánh giá, P - Prioritization - ưu tiên, I - Intervention - can thiệp, và D - Disposition - sắp xếp).
Trong 5 bước đó, bước Reflective Listening - Lắng nghe có phản hồi là hàng đầu và quan trọng nhất. Bởi nó giúp ổn định tinh thần và giảm nhẹ vấn đề, trước khi có những trợ giúp hay can thiệp sâu hơn.
Dưới đây là một bài viết, với một số gợi ý cụ thể từ tiến sỹ tâm lý George S. Everly - một người có nhiều chuyên môn về can thiệp khủng hoảng tâm lý. Bạn cũng có thể đọc và tìm hiểu thêm về từ khóa 'Sơ Cứu Tâm Lý - Psychological First Aid' để hiểu sâu hơn: https://www.compassion.vn/post/fulfill-s%C6%A1-c%E1%BB%A9u-t%C3%A2m-l%C3%BD
3. Một Số Lưu Ý Khi Trợ Giúp Tinh Thần Cho Người Khác
- Nếu bạn không có đủ chuyên môn, khả năng can thiệp thì hãy dành việc đó cho người có chuyên môn (cũng như chữa bệnh vậy, không phải bệnh gì ai cũng chữa được).
- Trong một số tình huống, kể cả người cần trợ giúp từ chối hoặc không cần trợ giúp của bạn - cũng đừng bỏ rơi họ. Hãy cứ quan sát và cho họ biết bạn luôn ở 'bên cạnh' và sẵn sàng trợ giúp (nhưng đừng cố thúc ép).
- Nếu người gặp vấn đề về tinh thần có dấu hiệu tự làm hại (self-harm) hoặc có suy nghĩ tự sát... cần theo dõi và hỏi thăm - nếu nguy hiểm cần tìm trợ giúp chuyên nghiệp ngay.
- Đừng động viên hay đưa ra những lời hứa suông kiểu 'đừng buồn nữa', 'mọi thứ sẽ ổn thôi', 'mọi thứ đều ổn mà' - trong những tình huống tinh thần bất ổn, những việc này sẽ chỉ khiến người đó bất ổn hơn.
...
Đại Dich Covid đang rất phức tạp, bên cạnh những nhu cầu thiết yếu như giữ sức khỏe, ăn uống, đeo khẩu trang... thì nhu cầu chăm sóc tinh thần cũng là một trong những nhu cầu cấp thiết. Bởi nếu tinh thần không ổn thì những thứ khác thuộc về thể chất cũng bị ảnh hưởng.
Chia sẻ đến bạn một vài gợi ý, và đừng quên rằng ở Compassion.vn có những sự trợ giúp phong phú để bạn lựa chọn, từ đọc bài viết để nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần, cho đến tìm kiếm một sự trợ giúp có chuyên môn từ chuyên gia.
Kết lại bài này, mình nghĩ: dù là ai, tình huống nào, thì muốn trợ giúp được một người, chắc chắn cần sự quan tâm đủ, và yêu thương đủ. Đấy là điều không thể thiếu.
Phạm Đại Bàng - Từ Compassion.vn
Comments