top of page
Compassio 5.png
Compassio 3.png
Ảnh của tác giảXuân Phạm Văn

Nghiên Cứu Khoa Học Chỉ Ra 6 Lợi Ích Khi Bạn Hạnh Phúc & Gợi Ý Để Thực Hành

Không có mấy ai lại nói rằng họ không muốn được hạnh phúc cả, chúng ta có thể dễ dàng hiểu được tại sao. Cảm giác hạnh phúc là một trải nghiệm tuyệt vời, cả về mặt cảm xúc và tinh thần, vì vậy cũng dễ hiểu khi chúng ta lại muốn có thật nhiều cảm giác hạnh phúc.


Có hẳn một ngành công nghiệp xuất hiện xoay quanh chủ đề về hạnh phúc, và làm cách nào để tạo ra được nhiều hạnh phúc. Từ những cuốn sách bán chạy nhất như Dự án Hạnh Phúc (The Happiness Project) của Gretchen Rubin cho tới những khóa học online như Khoa học của Sự Hạnh Phúc (The Science of Happiness) từ The Greater Good Center - có rất nhiều hướng dẫn hỗ trợ để bạn khám phá con người hạnh phúc của mình.



Nhưng vì điều gì mà chúng ta lại làm như vậy, đằng sau cảm giác tốt đẹp kia?


Nghiên cứu đã chỉ ra rằng càng có nhiều hạnh phúc trong cuộc sống bạn càng có thêm nhiều lợi ích khác nữa không chỉ là cảm giác dễ chịu. Hãy tiếp tục đọc để biết những lợi ích khác là gì nhé.

Hạnh phúc mang lại lợi ích gì?

Aristotle đã từng nói: “Hạnh phúc là ý nghĩa và mục đích của cuộc sống, là toàn bộ mục tiêu và cũng là điểm cuối của sự tồn tại con người” - câu nói cho đến hiện tại vẫn còn đúng. Trong khi vào thời Aristotle đây chỉ là một quan điểm triết học quan trọng về hạnh phúc đối với con người, thì ngày nay, chúng ta đã có một loạt những nghiên cứu khoa học để chứng minh cho quan điểm đó.


Các nghiên cứu khoa học đã phát hiện một loạt những lợi ích về sức khỏe thể chất xung quanh hạnh phúc bao gồm hệ thống miễn dịch tốt hơn, khả năng hồi phục mạnh mẽ hơn khi gặp căng thẳng, trái tim khỏe mạnh hơn và giảm các nguy cơ bị bệnh tim mạch, cùng với thời gian phục hồi nhanh hơn khi bị mắc bệnh hoặc phẫu thuật. Thậm chí có hẳn một nghiên cứu chỉ ra rằng hạnh phúc giúp chúng ta sống lâu hơn.


Tuy nhiên thì, suốt tất cả các nghiên cứu có một mâu thuẫn giữa việc cảm thấy hạnh phúc thì trực tiếp dẫn đến kết quả sức khỏe tốt hơn hay chỉ đơn thuần là có sự tương quan với nhau (Newman, 2015).




Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng khi bạn cảm thấy hạnh phúc và tích cực thì bạn sẽ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động lành mạnh hơn như là tập thể dục, ăn uống lành mạnh, giao lưu xã hội và có thói quen ngủ nghỉ tốt (Theo Sin, Moskowitz, & Whooley, 2015). Dù bằng cách nào thì chúng cũng có liên quan đến nhau và các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm cách khám phá sự kết nối này.


Tổng quan về nghiên cứu

Dưới đây là tổng quan một số nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích của hạnh phúc đối với sức khỏe thể chất:


- Steptoe và Wardle (2005) đã yêu cầu những người tham gia đánh giá về hạnh phúc của họ ở 30 khía cạnh khác nhau vào một ngày. Ba năm sau, họ lại được yêu cầu làm lại bài tập này. Họ phát hiện ra rằng những người tự đánh giá mình là hạnh phúc cả ở 2 cuộc khảo sát cũng là những người có có nhịp tim và huyết áp thấp hơn. Những người có nhịp tim và huyết áp thấp thì ít có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Điều này cho thấy cảm giác hạnh phúc đóng góp tích cực vào những chỉ số thể chất này.


- Bhattacharyya, Whitehead, Rakhit & Steptoe (2008) cũng tìm thấy mối liên hệ giữa hạnh phúc và sức khỏe trái tim. Họ tiến hành nghiên cứu trên những người đã bị, hoặc nghi ngờ là bị mắc bệnh tim mạch vành. Những người tham gia được yêu cầu đánh giá về mức độ hạnh phúc của họ, và sau đó thì được kiểm tra tim mạch. Những người đã đánh giá chỉ số hạnh phúc của mình cao trong ngày hôm đó cũng là những người có trái tim khỏe mạnh nhất. Điều này cho thấy hạnh phúc vẫn có những lợi ích đối với sức khỏe, ngay cả khi đã mắc bệnh.


- Cũng giống như các bệnh về tim mạch, hạnh phúc cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ đột quỵ. Đột quỵ xảy ra khi lưu lượng máu lên não bị gián đoạn, dẫn đến sự mất kiểm soát về cơ thể và phản ứng. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thời gian bị gián đoạn, đột quỵ có thể gây ra những hậu quả nặng nề cho mỗi người. Ostir, Markides, Peek & Goodwin (2001) đã nghiên cứu và nhận thấy rằng những người cao tuổi mà luôn sống vui vẻ tích cực hơn thì có khả năng bị đột quỵ giảm 26%.


- Những nghiên cứu ban đầu trong lĩnh vực này đã tập trung vào hệ thống miễn dịch. Stone cùng cộng sự (1987) đã khám phá ra khả năng bền bỉ của hệ thống miễn dịch của con người khi cho những người tham gia - là những người có tâm trạng tích cực - uống một viên thuốc khiến tạo ra phản ứng miễn dịch. Những người tham gia được yêu cầu đánh giá tâm trạng của họ qua các ngày khác nhau, sau đó được lấy mẫu nước bọt để kiểm tra các kháng thể phản ứng với thuốc. Những người tự đánh giá họ là những người hạnh phúc thì có mức độ kháng thể cao hơn. Kết quả cho thấy cảm giác tích cực có thể giúp cho hệ thống miễn dịch hoạt động chống lại các tác nhân bên ngoài.


- Hai nghiên cứu tiếp theo tiếp tục khám phá tác động của cảm xúc tích cực đối với hệ thống miễn dịch. Cohen cùng cộng sự (2003) yêu cầu những người tham gia đánh giá những trải nghiệm cảm xúc tích cực trong khoảng thời gian 2 tuần. Sau đó, họ được tiếp xúc với virus cảm lạnh thông thường và được kiểm tra 5 ngày sau đó xem ai bị cảm lạnh. Những người tự đánh giá bản thân có những trải nghiệm cảm xúc tích cực nhất trong khoảng thời gian 2 tuần trước ít có khả năng bị ốm hơn. Một nghiên cứu tương tự nhưng với vắc-xin viêm gan B và yêu cầu đánh giá cảm xúc tích cực của những người tham gia. Những người có cảm xúc tích cực được đánh giá cao thì có phản ứng kháng thể cao gấp đôi (Marsland cùng cộng sự, 2006).



- Zautra, Johnson & Davis (2005) phát hiện ra rằng những người hạnh phúc hơn thì có khả năng giảm đau tốt hơn khi mắc các bệnh mãn tính. Những người tham gia là những bệnh nhân bị mắc các bệnh đau mãn tính, như viêm khớp, và được yêu cầu đánh giá cảm xúc tích cực trong khoảng thời gian ba tháng. Những trải nghiệm cá nhân đau đớn liên quan đến bệnh tật của họ cũng đều được đánh giá. Những người tích cực hơn cũng là những người ít bị tăng cảm giác đau đớn hơn. Những nghiên cứu tương tự cũng cho ra cùng kết quả với những bệnh nhân bị mắc các bệnh đau mãn tính (Zautra, Smith, Affleck & Tennen, 2001, and Strand cùng cộng sự, 2006).


Các phát hiện khoa học thú vị nhất

Có lẽ, một trong những phát hiện khoa học thú vị nhất là về mối liên hệ giữa hạnh phúc với tuổi thọ con người.


Một số nghiên cứu đã xem xét mối liên hệ giữa những cảm xúc tích cực - bao gồm niềm hạnh phúc - với tuổi thọ. Một nghiên cứu kéo dài 13 năm được thực hiện bởi Carstensen (2011) đã phát hiện ra rằng những trải nghiệm cảm xúc (cả tích cực lẫn tiêu cực) có thể dự đoán được tỷ lệ tử vong.


Những người tham gia có nhiều cảm xúc tích cực hơn tiêu cực trong cuộc sống hàng ngày thì có nhiều khả năng sống sót hơn sau khi kết thúc quá trình nghiên cứu.


Những nghiên cứu sâu hơn cũng cho ra được những kết quả tương tự:


- Lawrence, Rogers & Wadsworth (2015) đã khám phá được tác động cả hạnh phúc lên 32,000 người tham gia và tỷ lệ sống sót của họ trong khoảng thời gian là 30 năm. Những người tham gia được đánh giá là ít hạnh phúc nhất có nguy cơ tử vong cao hơn 14% so với những người được xem là hạnh phúc nhất.


- Một đánh giá định lượng của 70 nghiên cứu quan sát đã chỉ ra mối liên quan giữa ảnh hưởng tích cực (vui sống) và tuổi thọ, ở cả những người tham gia khỏe mạnh và những người tham gia đã bị chẩn đoán mắc bệnh. Những người khỏe mạnh được cho là có ảnh hưởng tích cực cao hơn thì đã giảm nguy cơ tử vong đến 18%, còn với những người đã mắc bệnh từ trước thì con số này là 2% (Chida & Steptoe, 2008).


- Một nghiên cứu sâu hơn tìm hiểu về mối liên hệ này cũng chỉ ra sự ổn định về cảm giác hài lòng với cuộc sống (hoặc hạnh phúc) có ảnh hưởng đến tuổi thọ. Boehm cùng cộng sự (2015) thấy rằng những người tham gia có mức độ hài lòng với cuộc sống thấp nhưng thay đổi liên tục (nghĩa là có lúc họ thấy rất hài lòng nhưng có lúc lại không) thì có khả năng tử vong sớm hơn so với những người luôn duy trì mức độ hài lòng thấp.



Các nhà nghiên cứu đã suy đoán về việc tại sao lại có những mối liên kết như vậy tồn tại, và sao nó lại đặc biệt nổi bật với những người tham gia mà tự đánh giá bản thân hạnh phúc và có những cảm xúc tích cực. Nhiều người tin rằng bởi vì những người hạnh phúc nhất cũng là những người có xu hướng tham gia vào các hoạt động và hành vi tích cực đối với sức khỏe, bao gồm cả luyện tập thể dục, ăn uống lành mạnh, không hút thuốc, và cả thiền định (Strine cùng cộng sự, 2008)


6 Lợi ích Sức khỏe của Hạnh phúc đã được chứng minh

Trong rất nhiều các nghiên cứu cho thấy vô vàn các lợi ích tích cực đối với sức khỏe khi chúng ta hạnh phúc, dưới đây là 6 lợi ích sức khỏe hàng đầu đã được chứng minh:


1. Cải thiện sức khỏe tim mạch

Một số nghiên cứu đã tìm thấy sợi dây liên kết giữa hạnh phúc với vệc cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm 13 - 26% nguy cơ mắc bệnh tim (Kim, Smith & Kubzansky, 2014, Boehm et al, 2011, Kubzansky & Thurston, 2007, Davidson, Mostofsky & Whang, 2010).


2. Khả năng chống lại căng thẳng hiệu quả hơn

Căng thẳng quá mức có thể làm tăng hàm lượng cortisol - một hoocmon căng thẳng - và dẫn đến các vấn đề về sức khỏe khác. Có nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người hạnh phúc hơn thì thường có nồng độ cortisol trong máu thấp (Smyth cùng cộng sự, 1998, Davydov et al, 2005, Steptoe cùng cộng sự 2008).


3. Hệ thống miễn dịch tốt hơn

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hạnh phúc có thể hỗ trợ cho hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn, giúp cho sức khỏe tổng thể tốt hơn và có khả năng chống nhiễm trùng và nhiễm bệnh hiệu quả hơn (Stone cùng cộng sự, 1987, Cohen cùng cộng sự, 2003, Marsland cùng cộng sự, 2006).


4. Lối sống sinh hoạt lành mạnh hơn

Hạnh phúc cũng có liên quan tới một số thói quen tích cực và có lợi cho sức khoẻ, điều này càng mang đến nhiều niềm vui trong cuộc sống hơn nữa. Bao gồm có chế độ ăn uống lành mạnh (Dubois cùng cộng sự, 2012), tham gia nhiều hoạt động thể chất (Sapranaviciute-Zabazlajeva cùng cộng sự, 2017), khắc phục những thói quen ngủ nghỉ không tốt (Steptoe cùng cộng sự, 2008).



5. Giảm đau

Các nhà nghiên cứu tin rẳng, những người hạnh phúc hơn thì có những góc nhìn và quan điểm tốt hơn để dễ dàng chấp nhận những cái mới, điều này dẫn đến việc ít trải nghiệm về đau đớn đặc biệt là liên quan đến các bệnh mãn tính như là viêm khớp (Fredrickson, 2004, Berges, Seale & Ostir, 2014).


6. Tăng tuổi thọ

Một trong những phát hiện thú vị về lợi ích của hạnh phúc mang lại đó là mối liên kết với tuổi thọ. Các nhà nghiên cứu tin rằng vì hạnh phúc có những lợi ích về sức khoẻ như trên, nên cuối cùng cũng sẽ giúp bạn sống lâu hơn (Carstensen cùng cộng sự, 2011, Lawrence, Rogers & Wadsworth, 2015, Chida & Steptoe, 2008).

Nghiên cứu kiểm tra sự liên quan giữa hạnh phúc và các lợi ích tích cực với sức khoẻ vẫn còn tương đối mới, và vẫn còn rất nhiều nghiên cứu vẫn đang được tiến hành. Điều đó cho thấy, từ với những dữ liệu mà chúng ta đang có, có thể thấy hạnh phúc sẽ còn có rất nhiều lợi ích sức khoẻ khác nữa.


Lợi ích của hạnh phúc trong công việc

Rất nhiều người đánh giá sự thành công của mình bằng việc kiếm được bao nhiêu tiền và có mối quan hệ với những ai. Nhưng theo ý kiến của tôi, thành công thực sự đó là biết được mức độ hạnh phúc của mình.


Rất dễ nhầm lẫn giữa thành công và hạnh phúc, và nhiều người cố gắng để đạt được các mục tiêu của mình (tiền bạc hoặc danh vọng) nhưng đến khi họ đạt được rồi, họ lại nhận ra rằng, chúng không mang lại cảm giác hạnh phúc như họ mong muốn.


Thậm chí cho tới thời gian gần đây, công việc và hạnh phúc dường như chẳng liên quan gì đến nhau, thì nghiên cứu bắt đầu chỉ ra một loạt những lợi ích mà một nhân viên hạnh phúc có thể đem lại - cho cả nhân viên đó và tổ chức.


Những lợi ích của hạnh phúc trong công việc bao gồm:


1. Ra quyết định tốt hơn và giải quyết vấn đề sáng tạo hơn

Hạnh phúc trong công việc đem lại những ảnh hưởng có lợi đối với não bộ của chúng ta khi làm việc và suy nghĩ. Khi chúng ta hạnh phúc hơn, chúng ta có xu hướng không tập trung vào những điều tiêu cực và căng thẳng, điều này giúp ta có chỗ cho những suy nghĩ tích cực khi đối diện với thử thách (Brockis, 2019).



2. Cải thiện năng suất cá nhân và năng suất nhóm

Sgroi (2015) là một nghiên cứu cho trường đại học Warwick đã phát hiện ra rằng những nhân viên hạnh phúc thì có xu hướng làm việc hiệu quả hơn 12%, trong khi những nhân viên không hạnh phúc thì giảm năng suất lên đến 10%.


3. Dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn

Một nghiên cứu từ Gallup (2017) cho thấy những nhân viên hạnh phúc hơn thì gắn kết hơn, điều này giúp cho mối quan hệ với khách hàng được cải thiện và doanh số tăng thêm 20%. Khi chúng ta hạnh phúc, chúng ta thường mang đến sự tích cực và muốn giúp đỡ những người xung quanh.


4. Giúp bạn có thêm thu nhập

Nghiên cứu Tang (2006) đã phát hiện ra mối liên kết giữa cảm giác hài lòng với cuộc sống và tiền lương cao, tuy nhiên, nghiên cứu này lại không được nhất quán và có sự khác nhau giữa các giới. Và cũng khó có thể xác định được có đúng là mức lương cao hơn dẫn đến hài lòng hơn trong cuộc sống do có ít yếu tố gây ra căng thẳng về tài chính hay không.


5 Điều bạn có thể làm để nhận ra những lợi ích này trong cuộc sống của bạn

Cố gắng để trở nên hạnh phúc xem chừng như có vẻ là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng không phải như vậy. Có một vài cách luyện tập đơn giản có thể làm mỗi ngày giúp bạn nhận ra bắt đầu đạt được những lợi ích của hạnh phúc:


1. Thực hành lòng biết ơn

Thật dễ để kêu ca, phàn nàn khi mọi chuyện không như ý hay khi bạn mắc kẹt trong suy nghĩ “sao chuyện này lại có thể xảy ra với tôi" sau khi trải qua một ngày tồi tệ, nhưng bằng việc thực hành lòng biết ơn sẽ giúp bạn giải quyết được vấn đề đó và cảm thấy hạnh phúc. Chỉ đơn giản viết lại 3 điều mà bạn cảm thấy biết ơn mỗi ngày trước khi đi ngủ cũng có thể tạo nên điều kì diệu trong suy nghĩ của bạn (Emmons & McCullough, 2003).


2. Cho cơ thể vận động

Luyện tập thể dục giúp giải phóng endorphins, một chất có tác động trực tiếp đến tâm trạng của chúng ta - theo một cách tốt! Việc tập một số động tác thể dục nhịp điệu đa được chứng minh là có hiệu quả trong việc gia tăng cảm giác hạnh phúc (Netz cùng cộng sự., 2005). Điều này không có nghĩa là bạn phải tập nặng như gym, mà chỉ đơn giản là bật chút nhạc lên và nhảy múa trong phòng khách mà thôi.


3. Quay về với thiên nhiên

Kết hợp việc tập thể dục nhịp điệu và cùng hoà mình với thiên nhiên sẽ giúp bạn cảm thấy sảng khoái, dễ chịu. Dành thời gian hít thở không khí ngoài trời đã được chứng minh giúp hỗ trợ cho tâm trạng của chúng ta (Barton & Pretty, 2010). Một buổi đi bộ hoặc chạy bộ trong công viên hay trong rừng hoặc ở những khu vườn có thể tạo ra được những lợi ích tuyệt vời.


4. Luyện tập chánh niệm

Thực hành chánh niệm có thể giúp bạn có nhận thức tốt hơn những thay đổi trong cảm xúc mỗi ngày, từ đó buông bỏ những trải nghiệm tiêu cực, để chỗ cho những trải nghiệm và cảm xúc tích cực (Campos cùng cộng sự, 2016).


5. Dành thời gian bên những người thân yêu

Giao lưu cùng bạn bè và những người thân có rất nhiều lợi ích cho sức khoẻ (Troyer, 2016), bao gồm cả cảm giác vui sống và hạnh phúc. Dành thời gian đi cà phê cùng bạn bè, cũng như có những khoảng thời gian chất lượng với gia đình là một cách tốt để nhận ra lợi ích của việc hạnh phúc.


Tin nhắn cho bạn

Tôi hy vọng rằng bạn cảm thấy hứng thú khi đọc những lợi ích khác nhau về sức khoẻ của hạnh phúc, bởi vì tôi đã rất vui khi tìm hiểu về chúng! Nếu có điều gì tôi muốn bạn lấy ra từ bài viết này, thì đó chính là nuôi dưỡng thật nhiều hạnh phúc và cảm xúc tích cực không nên là một bài tập để thêm vào danh sách “phải làm".


Nghiên cứu chỉ ra rằng cảm thấy hạnh phúc thì có lợi cho sức khoẻ của bạn, nhưng nếu bạn ép mình phải hạnh phúc hoặc cố gắng tìm kiếm hạnh phúc thì cuối cùng cái bạn nhận được chỉ là căng thẳng mà thôi.


Hãy dành thời gian cho bản thân và tận hưởng quá trình nhận diện các lĩnh vực trong cuộc sống mà có nhiều khả năng có được hạnh phúc.


Bạn đã bao giờ nuôi dưỡng niềm hạnh phúc trong cuộc sống của mình chưa? Bạn đã làm như thế nào vậy? Hãy chia sẻ cùng chúng mình nhé, chúng mình sẽ rất vui khi đọc được những chia sẻ của bạn đấy.


 

Người dịch: Trang Nguyen Người biên tập: Phạm Đại Bàng

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây

169 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page