Bài chia sẻ từ Rachel Hill - Một tác giả, và cũng là người vận động/tuyên truyền về sức khỏe, liên quan đến bệnh nhân tuyến giáp. Rachel chia sẻ quan điểm để khuyến khích những người bị bệnh nói riêng và những người gặp khó khăn về sức khỏe (bao gồm cả sức khỏe tâm thần) nói chung, hãy mạnh dạn chia sẻ vấn đề & kết nối với thế giới.
Từ Facebook, Twitter đến Instagram, Snapchat… hầu như năm nào cũng sẽ không ngừng xuất hiện những trang mạng xã hội mới. Người ta lên mạng xã hội để chia sẻ về cuộc sống với gia đình và bạn bè, để thảo luận về những chương trình truyền hình, về các đoạn video hài hước, hoặc để cập nhật tin tức từ các bài báo mạng. Mỗi người đều có một cách sử dụng riêng biệt. Có thể bạn ít khi đăng bài, hoặc cũng có thể bạn làm thế mỗi ngày. Bạn thường cập nhật lên những tin tức vui vẻ, những bài viết tích cực hay thường xuyên than vãn về một ngày tồi tệ, tìm kiếm sự xoa dịu và giúp đỡ từ người khác? Hoặc có thể bạn làm cả hai. Dù sao đi nữa, thì đó cũng tùy thuộc vào lựa chọn của bạn.
Song, có ai chưa từng chia sẻ điều gì đó khiến người khác khó chịu? Một status bị cho là “bày tỏ quá đà”, một bài viết về chính trị, “lại thêm một lời than vãn khác”, hay thậm chí “lại là ảnh selfie.” Theo một cách nào đó, chúng ta có lẽ đều đã chia sẻ lên mạng những điều mà người khác không thích, dù họ có bày tỏ trực tiếp hay không. Cũng có thể họ sẽ phản hồi một cách châm biếm, giả tạo, hay thậm chí lên mạng than vãn vì một người nào đó đó đăng những bài viết than vãn.
Nếu vậy thì những điều này liên quan gì đến chúng tôi – những con người đang hàng ngày chống chọi với hypothyroidism (suy giảm tuyến giáp), viêm tuyến giáp Hashimoto, adrenal fatigue (suy thượng thận), fibromyalgia (hội chứng đau xơ cơ), chronic fatigue syndrome (hội chứng mệt mỏi mãn tính), …
Tự bản thân tôi đã có nhiều trải nghiệm khác nhau về vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần khi sử dụng mạng xã hội. Đôi lúc tôi khổ sở, đôi lúc tôi đạt được những thành công nhất định. Những lúc khổ sở, có khi tôi giữ mình tránh xa mạng xã hội, bởi vì đơn giản đó không phải là thứ đầu tiên tôi nghĩ đến khi đang cảm thấy bất lực với mọi chuyện. Nhưng trong những trường hợp tương tự, cũng có những lần tôi dùng mạng xã hội để tìm kiếm sự giúp đỡ từ mọi người, để có thể nói cho họ biết rằng: “Này, tôi đang rất khổ sở” thay vì phải gọi điện thoại và kể lể. Cũng có những lần khác, tôi cảm thấy rằng sẽ chẳng có ai quan tâm đến những việc này, vậy tại sao tôi lại phải làm phiền họ bằng những bài đăng đau buồn của bản thân?
Nhưng chẳng phải đây mới chính là một phần của vấn đề sao? Nếu tôi phải lo sợ rằng ai đó sẽ cảm thấy bất mãn khi nhìn thấy bài đăng của mình, thì liệu họ có phải là những người tôi nên tiếp tục giữ quan hệ hay không? Rõ ràng là họ không hề quan tâm gì đến tôi. Tôi không có ý rằng mọi người đều phải bình luận mọi bài đăng của tôi với sự quan tâm nồng nhiệt, nhưng ít nhất thì họ không nên cảm thấy bị làm phiền khi biết rằng tôi đang cảm thấy tổn thương hay suy sụp, đó không phải là sự cảm thông mà mọi người nên có.
Đối với một vài người, mạng xã hội là cách duy nhất để họ kết nối với thế giới xung quanh. Nếu bạn đang phải mang trong mình một căn bệnh kinh niên như các căn bệnh về tuyến giáp, hội chứng mệt mỏi mãn tính, hay hội chứng đau cơ xơ… bạn sẽ không thể đi làm hay thường xuyên rời khỏi nhà. Hãy nghĩ đến những tương tác giữa người với người mỗi ngày khi bạn khỏe mạnh: những người ở trạm dừng xe buýt, đồng nghiệp, khách hàng, nhân viên cửa hàng bán sữa trên đường về nhà, một người bạn hay hàng xóm vô tình bắt gặp ngoài đường. Những người mắc phải các căn bệnh kinh niên sẽ phải trải qua nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần mà không được gặp gỡ bất kì ai khác từ bên ngoài. Điều này thật sự rất cô đơn. Những điều vụn vặt họ chia sẻ trên Facebook chính là những thứ đáng lẽ ra họ có thể chia sẻ với hàng xóm, đồng nghiệp, hay một nhân viên từ cửa hàng họ ghé qua. Họ than phiền trên mạng xã hội vì họ không thể làm thế với bạn bè. Dù sao đi nữa, người ta vẫn nên có một nơi để giải tỏa những điều ấy. Đối với nhiều người, mạng xã hội như một chiếc phao cứu sinh trong cuộc đời. Nếu được hỗ trợ đúng mực, nó có thể xua tan đi những thiệt thòi về thể chất và tinh thần của họ.
Thậm chí với những người hoàn toàn khỏe mạnh, đã bao lần bạn viết ra điều gì đó để rồi xóa hết tất cả trước khi nhấp nút đăng bài? Đã bao lần bạn xóa những bài viết trước đây của mình trong khi không ngừng tự nhủ rằng: “Mình hy vọng chưa có ai đọc được. Tại sao mình lại đăng nó không biết.” Có lẽ, bạn chỉ muốn trút hết những điều khổ sở và đăng lên đâu đó trước khi tự tay xóa đi với cảm giác nhẹ nhõm. Tôi đã từng làm thế nhiều lần, thậm chí là mỗi tuần.
Cả những người chia sẻ về thành tựu của bản thân, như tôi chẳng hạn, cũng có thể sẽ làm phiền hoặc khiến người khác khó chịu. Hãy thử nghĩ lại về điều này. Việc tôi chia sẻ một điều gì đó lúc bản thân đang ở tận dưới đáy vực, cần sự tìm kiếm sự giúp đỡ có thể sẽ làm ai đó sẽ khó chịu. Thế nhưng mà, ngay cả khi tôi đăng bài về những tiến bộ của bản thân hay những niềm vui nho nho trong cuộc sống bệnh tật này, thì dường như cũng khiến nhiều người cảm thấy phiền toái. Có một số người trong số đó thật sự không thể hiểu được về những nội dung này vì lý do xã hội, nhưng cũng có những người khác chỉ đơn giản là không vừa lòng với tất cả những gì bạn làm. Bạn không cần phải cố gắng thỏa mãn họ, họ chỉ tỏ ra cáu kỉnh, là tuýp người nghĩ rằng tất cả các bài đăng của bạn đều không phù hợp, làm màu, hoặc chia sẻ quá mức. Theo tôi tìm hiểu được, những người này cũng hiếm khi đăng bất kì thứ gì lên các trang mạng xã hội, hoặc chỉ đăng về những bài viết không mang tính cá nhân như chia sẻ các video YouTube, bài báo về chính trị, meme về chó, … Vậy nên đừng quá bận tâm đến những người không hề sử dụng mạng xã hội để giữ liên lạc và cập nhật tin tức với bạn bè, gia đình, hãy nghĩ đến cách bạn áp dụng những điều này, đây dù sao cũng là tác dụng chính của mạng xã hội.
Còn về những bức hình tự sướng. Nhiều người cho rằng đây là sản phẩm của nền văn hóa "chú trọng quá mức về bản thân" ngày nay. Có lẽ nhiều người đăng hình lên mạng xã hội chỉ vì họ cảm thấy tự tin về ngoại hình của mình và muốn chia sẻ với cả những người khác. Có lẽ họ đã dành nhiều thời gian hơn để chuẩn bị vào buổi sáng và cảm thấy tự hào về điều đó. Cũng có lẽ họ đã thử một kiểu tóc, hoặc một phong cách trang điểm mới. Nếu vậy thì tại sao mọi người lại than vãn rằng ai đó là kẻ bất tài, ảo tưởng về bản thân chỉ vì người ta đăng hình về bản thân họ, thay vì nghĩ rằng: “À, ____ đang cảm thấy vui vẻ. Điều đó thật tuyệt vời”
Tại sao chúng ta không cảm thấy hạnh phúc khi người khác cũng cảm thấy hạnh phúc, dù cho chỉ là về một khía cạnh nào đó trong cuộc sống?
Một spoonie (người bị các căn bệnh kinh niên) có khi còn chẳng đủ sức để tự chải đầu. Họ đang phải chiến đấu với cân nặng của mình và thường không quan tâm đến trang điểm. Vậy nên việc họ đăng một bức hình thể hiện một trong những điều trên đã là một thành tựu đáng chúc mừng. Còn nếu họ có một tấm hình nằm dài trên giường cảm thấy chính bản thân mình là một kẻ vô dụng mà vẫn quyết định chia sẻ nó, thì tức là họ đang chỉ cho bạn thấy một phần rất riêng tư trong cuộc đời họ.
Có lúc tôi tự nhủ với bản thân rằng mình không nên đăng bất kì điều gì liên quan đến sức khỏe, cả thể chất lẫn tinh thần, lên các trang cá nhân trên mạng xã hội. “Chỉ nên viết trên blog thôi”, tôi tự dặn dò mình như thế, chỉ những ai quan tâm mới theo dõi trang blog của tôi. Nhưng thật sự thì tôi tốt hơn nên cố gắng tiếp cận cả những người còn lại và thuyết phục họ quan tâm đến chủ đề này. Tôi nên giúp mọi người hiểu thêm về các căn bệnh liên quan đến tuyến giáp và những hậu quả chúng mang lại. Nhưng phải làm sao khi họ nghĩ rằng tôi thật phiền phức? Khi họ cho rằng tôi là một kẻ bất tài thổi phồng mọi thứ và tự cho là mình đúng? Thật ra thì họ hoàn toàn không bắt buộc phải đọc tất cả những gì tôi viết. Họ có thể lướt qua chúng. Họ không cần phải đi than phiền điều này với bất kì ai hay tỏ ra quá xấu tính, khinh miệt như thế. Họ có thể tự trau dồi thêm kiến thức và cũng nên thể hiện một chút thương cảm. Nhưng thay vào đó, họ lại tự nhủ rằng “Ôi lại Rachel này” trước khi lướt qua mà không mảy may có một suy nghĩ nào và bình luận vào một bài đăng nào đó về gia đình Kardashian.
Có phải chăng họ nghĩ rằng chỉ cần phớt lờ đi thì tất cả mọi chuyện sẽ trôi qua, cuộc sống của họ sẽ không trở nên nặng nề vì những rắc rối của chúng tôi?
Trong khi những người khác có thể thoải mái đăng lên trang cá nhân trên mạng xã hội những bức hình con của họ, những chú cún, meme, bóng đã, âm nhạc hay bất kì thứ gì thì những spoonie như chúng tôi cũng có được quyền lợi tương tự. Nếu chúng tôi không muốn đề cập đến những khó khăn của mình, điều đó hoàn toàn bình thường. Nếu đôi khi chúng tôi muốn nói về chúng hay để lại những dấu hiệu mơ hồ trên mạng, điều này cũng vẫn ổn. Thậm chí nếu chúng tôi thường xuyên nói về chủ đề này, chia sẻ các bài báo, và kiến thức cho người khác thì cũng vẫn không có gì to tát. Tại sao vậy? Bởi vì chúng tôi hoàn toàn có quyền để làm vậy, nhưng thái độ của mọi người lại chính là thứ khiến chúng tôi cảm thấy tồi tệ.
Mọi người thường phản ứng rất nhanh khi đưa ra định kiến và phán xét, nhưng lại tỏ ra chậm rãi khi phải hỏi rằng liệu chúng tôi có đang cần giúp đỡ hay không? Liệu rằng có chuyện gì đang xảy ra với chúng tôi?
Họ sống với những dị nghị như vậy và cho rằng sẽ là không đúng nếu nói về những căn bệnh một cách cởi mở như vậy. Theo họ, tốt hơn hết là chúng tôi nên giữ những vấn đề cho riêng mình, tự dằn vặt bản thân và cảm thấy xấu hổ. Nhưng chúng tôi không cần phải xấu hổ về bất cứ thứ gì. Mỗi người đều có cách riêng để đối mặt với vấn đề của mình. Nếu bạn nghĩ rằng việc newsfeed của mình chứa đầy meme về cún thì tốt hơn là những con người đang cố gắng gióng lên hồi chuông cảnh báo và tìm kiếm sự giúp đỡ trước những khổ sở của bản thân, thì tôi nghĩ bạn nên suy nghĩ lại những niềm tin của mình một cách thật nghiêm túc. Nhắm mắt làm ngơ những con người đang phải hàng ngày đối mặt với các căn bệnh về thể chất và tâm lý không thể loại bỏ chúng khỏi xã hội này, mà thậm chí, còn làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Không khó để có thể trở thành một người biết cảm thông. Sự tiêu cực và cáu kính sẽ chỉ mang lại những cảm xúc tiêu cực và cáu kỉnh, những điều này thì có ích gì cho thế giới đây?
Lúc nào cũng sẽ có những người luôn phán xét và không thể hiểu được cảm giác của bạn. Bạn chính là người quyết định rằng liệu những người như vậy và nhận định của họ có xứng đáng để tồn tại trong cuộc sống của riêng của bạn hay không?
Nguồn bài dịch: https://themighty.com/2017/04/posting-social-media-about-health/
Người dịch: Hoàng Thị Phương Anh Người biên tập: Phạm Đại Bàng
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
Comments