top of page
Compassio 5.png
Compassio 3.png
Ảnh của tác giảXuân Phạm Văn

Làm Thế Nào Để Tôi Ngừng Bận Rộn Và Trở Nên Sống Đủ Đầy Hơn?

Đã cập nhật: 9 thg 3, 2021

Đôi Lời Từ Ban Biên Tập Compassion.vn

Ai trên thế giới này đều nỗ lực cho cuộc sống của chính mình theo cách của riêng mình. Cái ý chí và quyết tâm làm mọi thứ có thể để xây dựng nên cuộc đời như mơ ước của mỗi người là rất hiển nhiên và đáng trân trọng. Tuy nhiên sự chênh lệch hay nhất quán giữa ba yếu tố mức độ nỗ lực, kỳ vọng và thành tựu đạt được mới tổng hòa nên cái cảm nghiệm gọi là bất hạnh hay hạnh phúc. Cho dù chúng ta làm việc bận rộn điên cuồng để đạt tới thành công này đến thành tựu khác hay ngược lại nản chí thất vọng không muốn làm gì cả vì không thành công như mong muốn thì đều bất hạnh như nhau.


Ở giữa hai thái cực đó là Sống-Đủ-Đầy: có được cả Thành công lẫn Hạnh phúc. Con người chúng ta có hai bàn tay chứ không chỉ một, do đó hãy cứ mạnh dạn nắm bắt cả thành công vật chất và hạnh phúc tinh thần đi nhé!



"Có đôi khi làm ít đi, lại được nhiều hơn." ~Kris Carr

Cách đây hai năm tôi đã có một bước ngoặt trong cuộc đời mình.


Trước đó, tôi luôn không ngừng nỗ lực để làm thật nhiều, để có được thật nhiều. Tôi vắt kiệt sức mình vào mọi khoảnh khắc trong tuần. Tôi đánh đổi những giờ phút nghỉ ngơi và vui vẻ với việc xây dựng công việc kinh doanh, học tập, làm việc. Tôi chạy quá nhanh đến mức đánh mất luôn chính mình.


Công việc xây dựng kinh doanh có nhiều thứ để làm, nhiều hơn là tôi tưởng, và cần có thời gian để tạo ra nguồn thu nhập ổn định đủ mức sống. Để kiếm sống, chắc chắn rồi, tôi cần một công việc được trả lương. Tôi thường xuyên nhận những công việc bán thời gian, và đương nhiên là một công việc toàn thời gian - xây dựng công việc kinh doanh của mình.


Bạn biết không tôi đã dành trọn một thập kỷ cho việc học tập với tinh thần học, học nữa, học mãi. Kết thúc khóa học này tôi bắt tay học lấy một khóa khác nữa. Và vì thế tôi có rất nhiều bằng cấp, chứng chỉ và cả bằng thạc sĩ nữa.


Lý do là tôi mang trong mình nỗi ám ảnh việc phải sánh bằng những người đồng trang lứa. Với tôi những thành tựu người khác đạt được luôn to lớn và vĩ đại hơn tôi. Việc liên tục so sánh đem đến cho tôi niềm hụt hẫng và bất hài lòng với thành công của bản thân. Vậy là tôi tiếp tục làm việc nhiều hơn nữa, giành được nhiều, thật nhiều điều hơn nữa.


Dành thời gian nghỉ ngơi và vui chơi với tôi khá là xa xỉ, nó có vẻ làm tiêu tốn và lãng phí thời gian. Tôi ghét những khoảng thời gian chết vì nó làm tôi cảm thấy mình lười biếng, và việc có những khoảnh khắc tĩnh lặng càng làm hiện rõ lên vẻ mệt mỏi mà tôi đang có khi theo đuổi lối sống tham công tiếc việc của mình.


Bạn bè luôn dành sự ngưỡng mộ cho tôi vì những thành tích tôi đạt được, và luôn thắc mắc làm thế nào tôi có thể làm hết thảy chúng. Thành thật mà nói, tôi cũng không biết được. Tất cả những gì tôi biết là cơ thể mình kiệt sức, tôi hoàn toàn không có niềm vui, và tôi dần mất kết nối với những người mình yêu thương. Cuộc đời tôi cần một bước ngoặt. Tôi không thể chịu đựng được sự mệt mỏi này nữa. Tôi muốn có niềm vui và hạnh phúc hiện diện trong đời mình. Tôi muốn được kết nối với những người gần gũi và thân yêu nhất của mình. Và tôi nhận ra mình cần phải làm-ít-hơn.


Trước khi tôi có thể giảm thiểu những đề mục công việc, tôi cần phải ý thức được điều gì là quan trọng trong đời. Tôi đã đặt ra các câu hỏi:

  • Điều gì tôi yêu thích được làm?

  • Điều gì tiếp thêm sinh lực cho tôi?

  • Điều gì mang lại cho tôi niềm vui?

  • Điều gì tôi thật sự mong muốn có được?

  • Điều gì tôi nhất định phải làm cho được?

Trong một thế giới lý tưởng mà ở đó chúng ta chỉ cần làm những gì chúng ta yêu thích được làm. Nhưng trong thực tế, có những thứ chúng ta buộc phải hoàn thành dù bản thân có yêu thích hay không. Tuy vậy chúng ta có thể chuyển giao một số hoạt động không ưa thích và giữ lại những công việc buộc chúng ta phải nhúng tay vào.


Sau khi biết được điều gì là quan trọng trong đời mình và và những nhiệm vụ tôi cần phải thực hiện - dành thời gian cho những người thân yêu nhất, tận dụng công việc kinh doanh như một cách chỉ dẫn và hỗ trợ người khác, tham gia vào các hoạt động hỗ trợ sức khỏe tinh thần và thể chất nhằm đạt được một bản thể trọn vẹn, tốt đẹp nhất của chính mình - đã đến lúc ngừng làm quá nhiều thứ.


Có một sự thật là từ bỏ đem lại một cảm giác không mấy dễ chịu. Thường thì nó gây nên một cảm giác kỳ lạ và bất thường khi có những khoảng trống thời gian trong ngày, và tôi phải thật sự đấu tranh với sự cám dỗ của việc lấp đầy một ngày của tôi bằng một danh sách việc cần làm dài dằng dặc.


Tiếp đó, tôi thiết lập các ranh giới để hỗ trợ cho việc làm ít việc hơn. Đó là các ranh giới đó như sau:

  • Không làm việc sau một khung giờ nhất định trong ngày

  • Không làm việc vào cuối tuần

  • Không kiểm tra thư điện tử và tin nhắn hay cập nhật mạng xã hội sau một thời điểm cụ thể buổi tối

  • Không kiểm tra thư điện tử và tin nhắn hay cập nhật mạng xã hội vào buổi sáng cho tới khi hoàn thành bữa ăn sáng

  • Trong kỳ nghỉ, không làm việc và hạn chế thời gian sử dụng công nghệ.


Việc thiết lập các ranh giới có ý nghĩa như là tôi cần trở nên thoải mái với việc nói 'Không'. Nói không với việc ở cạnh người khác và trong các tình huống xã hội làm cạn kiệt năng lượng của tôi. Nói không với cơ hội kinh doanh không phù hợp với tình hình kinh doanh cụ thể của tôi. Nói không với việc học lên cao và có thêm nhiều chứng chỉ bởi với 10 năm học hành miệt mài và số lượng chứng chỉ tôi hiện có đã là quá đủ. Và nói không với những thứ tôi không thật sự muốn làm.


Điều này với tôi không hề dễ dàng. Thật ra để nói đồng ý thì dễ hơn với tôi nhiều, vì tôi không muốn làm người khác buồn lòng, và tôi càng không muốn từ bỏ một cơ hội đến với mình chút nào. Nhưng giờ là lúc tôi cần phải tập trung vào những gì cần thiết và có ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống và việc kinh doanh của tôi. Tôi đã không còn cố gắng làm tất cả mọi thứ nữa.


Tôi phải nhắc nhở bản thân mình rằng câu trả lời Không thì không hẳn là 'Không' với ý nghĩa không-còn-gì-cả, nó chỉ đơn giản nói lên điều ưu tiên của chính tôi. Bằng việc nói Không, tôi đang tự nói Có với những điều tôi thật sự muốn trong đời và tạo khoảng không gian cho những điều thật sự quan trọng với tôi.


Tôi cũng đã có một sự thay đổi lớn trong tư duy về việc so sánh với người khác. Thay vì cảm thấy thua kém hơn người khác vì thành công và thành tựu của họ, tôi bắt đầu nhìn nhận những thắng lợi của người khác là điều truyền cảm hứng và nhắc nhở tôi về những khả năng có thể mở ra.


Ngoài ra, tôi nhận ra rằng chúng ta chỉ nhìn thấy những điểm nổi bật trong cuộc sống của người khác, kể cả trong cuộc sống, công việc hay kinh doanh, và điều này rất thiếu chính xác. Tất cả những gì chúng ta nhìn thấy chỉ là những gì mọi người muốn cho chúng ta trông thấy - thành công và thành tựu. Chúng ta không hề được nhìn thấy những giờ làm việc chăm chỉ và những thất bại mà họ đã trải qua. Bất kể thành công hay chiến thắng kinh ngạc, ai cũng trải qua những nốt thăng và những nốt trầm trên hành trình đó.


Điều làm tôi rất ngạc nhiên, đó là tôi nhận ra rằng những người thành công không nói Có với tất cả mọi thứ; họ có chiến lược và chỉ nói Có với những thứ cải thiện bản thân họ, và họ rất giỏi trong việc ủy quyền. Kiến thức này đã thay đổi quan điểm của tôi về việc làm tất cả mọi thứ.


Khi làm ít hơn, tôi nhận ra tôi có nhiều thời gian hơn, nhiều năng lượng hơn và nhiều nhiệt huyết hơn cho những thứ quan trọng với tôi. Tôi cảm thấy được sống và yêu đời. Tôi đã cải thiện được chất lượng công việc của mình. Và tôi càng lúc càng trở nên hiện diện hơn với cuộc sống và con người xung quanh, điều đó đã giúp cải thiện mối quan hệ của tôi rất nhiều.


Đôi lúc tôi có cảm giác mình phải làm nhiều hơn nữa, nhưng những cảm xúc hạnh phúc và đủ đầy của việc làm ít hơn đã đánh gục những cảm giác đó. Tôi không thể trở lại là mình của ngày xưa và trải nghiệm những điều bất hạnh phúc và mệt mỏi không ngừng do việc liên tục phấn đầu nhiều hơn nữa.


Trước khi thêm bất cứ thứ gì vào lịch trình của mình hay trước khi nói Có với những công việc, tôi tự hỏi bản thân để dẫn dắt quyết định của mình:

  • Điều này quan trọng với tôi như thế nào?

  • Làm điều này khiến tôi tràn đầy năng lượng hay mệt mỏi kiệt sức?

  • Có nhất thiết tôi phải làm điều này không?

Làm ít hơn không có nghĩa là không làm gì cả. Làm ít hơn nghĩa là dành nhiều thời gian hơn cho những điều quan trọng giúp nâng tầm cuộc sống của tôi lên mức hạnh phúc và đủ đầy.

 

Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề


 
Hoạt Động Liên Quan Đến Bài Viết

Trong thế giới nghề nghiệp, kinh doanh ngày nay con người không chỉ lao động, kinh doanh nhằm mục đích duy nhất là kiếm tiền nữa. Đã có một bước nhảy lượng tử về nhận thức trong mỗi người, chúng ta theo bản năng tự nhiên quan tâm những thứ quan trọng khác ngoài tiền bạc, thành công, danh tiếng, địa vị.


Những thứ mới mà ta quan tâm đó là ý nghĩa công việc mang lại, một cộng đồng thế giới lớn hơn, những mối quan hệ chất lượng, niềm hạnh phúc trọn vẹn trong mối quan hệ công việc và cuộc sống cá nhân.


Nếu bạn cũng có mối quan tâm và mục đích tạo ra môi trường làm việc hiệu suất cao, đầy ý nghĩa, hạnh phúc thì hãy cùng đến và chia sẻ với Compassion trong buổi chia sẻ Bupsyness - Mang Tâm Lý Học Vào Quản Trị Kinh Doanh



 

Khuyến cáo về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách các dịch vụ, chuyên gia từ Compassion tại đây: www.compassion.vn/booking).


 

Thông Tin Về Bài Đăng:

Nguồn bài dịch từ trang gốc (Bài gốc tiếng Anh): https://tinybuddha.com/blog/how-i-stopped-being-busy-and-why-im-now-more-fulfilled/

Đội ngũ sản xuất: Người dịch: Hải Yến ; Người biên tập: Anh Đào Lê

Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tại www.compassion.vn/crowdsourcing. Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.

211 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page