top of page
Compassio 5.png
Compassio 3.png
Ảnh của tác giảXuân Phạm Văn

Lòng Tự Tôn Thấp (Low Self-Esteem) Biểu Hiện Ở Trẻ Có Giống Với Chứng Trầm Cảm?

Đã cập nhật: 7 thg 12, 2020

Đôi Lời Từ Ban Biên Tập Compassion.vn:

Những đứa trẻ tự ti thường hay thu mình lại. Chúng luôn nghĩ bản thân mình nhỏ bé, vô dụng, không xứng đáng,... Chính điều này khiến bố mẹ lại lầm tưởng rằng con mình bị trầm cảm. Vậy, có hay không sự khác biệt giữa trầm cảm và lòng tự tôn thấp? Hãy cùng Compassion tìm hiểu rõ hơn về lòng tự tôn và chứng trầm cảm nhé.

Mối liên hệ giữa lòng tự tôn thấp và nguy cơ trầm cảm khiến chúng ta hay đặt ra câu hỏi "Liệu trầm cảm và lòng tự tôn có phải là hai khái niệm giống nhau không?". Mặc dù tự tôn thấp là yếu tố dẫn đến trầm cảm, nhưng không có nghĩa hai vấn đề này là một.


Lòng tự tôn và trầm cảm đều hoạt động theo quy mô, có tính liên tục, và có mức độ xếp hạng. Ví dụ lòng tự tôn giảm dần từ cao xuống thấp, hoặc từ không có triệu chứng trầm cảm đến các triệu chứng trầm cảm suy nhược.


Tổng quát

Lòng tự tôn là cách bạn nhìn nhận tất cả về bản thân - cả những khiếm khuyết và những điểm tích cực. Nó được hình thành từ những trải nghiệm, suy nghĩ, cảm xúc và các mối quan hệ. Nếu con bạn có lòng tự tôn thấp, nhìn chung chúng sẽ nghĩ rằng mình không đủ tốt, có nhiều khuyết điểm, ít đưa ra suy nghĩ và ý kiến riêng. Chúng cũng có thể đấu tranh tư tưởng để nghe những phản hồi tích cực và nhìn nhận những người xung quanh tốt hơn thực tế.

Trầm cảm không chỉ là cảm giác thấy buồn. Nó ngốn hết năng lượng. Nó khiến cho các hoạt động hằng ngày trở nên khó khăn. Nó cản trở việc ăn uống, ngủ nghỉ của bạn. Rối loạn trầm cảm có một số loại như: trầm cảm nặng, rối loạn trầm cảm dai dẳng (persistent depressive disorder - PDD), trầm cảm rối loạn tâm thần (psychotic depression), trầm cảm sau sinh (postpartum depression - PPD), và rối loạn cảm xúc theo mùa (seasonal affective disorder - SAD). Và có thể là các liệu pháp tâm lý và (hoặc) thuốc sẽ hiệu quả đối với trầm cảm.


Những điểm tương đồng

Lòng tự tôn thấp và trầm cảm có nhiều dấu hiệu và triệu chứng giống nhau, bao gồm:

  • Hành vi liều lĩnh

  • Chấp nhận rủi ro tình dục

  • Sử dụng chất gây nghiện

  • Thu mình và xa lánh xã hội

  • Học hành sa sút

  • Hành vi hung hăng (chẳng hạn như tức giận và bạo lực)

  • Khó khăn với các mối quan hệ cá nhân

  • Có ý thức về bản thân


Sự khác biệt

Mặc dù có những điểm tương đồng, nhưng các nghiên cứu cho thấy trầm cảm và lòng tự tôn thấp thực sự là hai khái niệm khác biệt.


Đầu tiên, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, lòng tự tôn thấp là một yếu tố dẫn đến trầm cảm ở trẻ em. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, một số trẻ sẽ cố gắng làm hài lòng người khác để bù đắp cho lòng tự tôn thấp của mình. Những đứa trẻ này không hề bị trầm cảm mà còn có thể học hành xuất sắc và cư xử tốt hơn.


Mặt khác, hầu hết trẻ em bị trầm cảm nặng sẽ có những thay đổi đáng kể về hành vi và kết quả học tập, cũng như mất hứng thú với các hoạt động xã hội và sự xuất hiện của mình.


Các dấu hiệu cảnh báo về vấn đề của lòng tự tôn bao gồm:

  • Lảng tránh những điều mới và không tận dụng cơ hội

  • Cảm thấy không được yêu thương và không được mong muốn

  • Đổ lỗi cho người khác về sai lầm của mình

  • Không thể đối phó với mức thất vọng thông thường

  • Độc thoại nội tâm tiêu cực và so sánh với người khác

  • Sợ thất bại hoặc bối rối

  • Khó kết bạn

  • Mức độ động lực và thích thú thấp

  • Không thích được khen ngợi và thể hiện cảm xúc lo lắng hoặc căng thẳng lẫn lộn


Nếu con bạn bị trầm cảm, chúng có thể có những dấu hiệu của lòng tự tôn thấp cũng như những cảnh báo sau:

  • Giận dữ

  • Khó chịu (kéo dài hơn hai tuần)

  • Khó ngủ (hoặc ngủ rất nhiều)

  • Chán ăn (hoặc rất thèm ăn)

  • Suy nhược thể chất (như đau bụng, đau đầu)

  • Cảm thấy mệt mỏi dù giấc ngủ vẫn ổn định

  • Có suy nghĩ muốn tự tử, nói về tự tử, hay có hành vi muốn tự tử


Làm cách nào để nâng cao lòng tự tôn cho con

Có những bước rất nhỏ nhưng cực kỳ quan trọng mà chúng ta có thể làm để xây dựng lòng tự tôn lành mạnh ở trẻ:

  • Cho con sự lựa chọn. Việc tự ra quyết định sẽ giúp con bạn tăng cường sự tự tin. Tuy nhiên, cũng nên thận trọng với cách này vì đó có thể là một quyết định choáng ngợp.

  • Thể hiện tình yêu thương với con. Bằng những cái ôm, lời động viên, tỏ lòng biết ơn, một bữa ăn tại nhà, dành thời gian riêng cho nhau,...Bạn hãy xem con phản ứng có tốt không? Hãy chắc chắn điều gì khiến con cảm thấy được yêu thương nhất, và bạn cũng cần phải thể hiện tình yêu bằng cách đó thường xuyên.


  • Khuyến khích giao tiếp. Hãy hỏi con về những gì xảy ra trong cuộc sống hằng ngày để con thấy rằng, con thực sự rất thú vị, con thực sự xứng đáng để bố mẹ cùng ngồi lại chuyện trò cùng con.

  • Hãy là một người lắng nghe tốt. Khi trẻ nói về những chủ đề bạn không thích, hãy đặt mình vào thời điểm bằng tuổi con, bạn sẽ nhận ra mình muốn người lớn phản hồi lại như thế nào. Điều này sẽ giúp bạn giữ vững quan điểm và khuyến khích con đối mặt với vấn đề, những câu hỏi, hay chỉ là nhu cầu "xả" cơn giận.

  • Ủng hộ và khuyến khích thế mạnh của con. Nếu con giỏi chơi bóng rổ, hãy là một người cổ vũ nhiệt tình nhất cho con. Nếu con có năng khiếu với âm nhạc, hãy cho con những bài học guitar mà chúng luôn ao ước.

  • Hãy tử tế. Trẻ con phản ứng mạnh với giận giữ, chỉ trích, thù địch, thậm chí còn nhiều hơn người lớn. Vì vậy, bố mẹ hãy "uốn lưỡi 9 lần" trước khi nói với con.

Ngăn ngừa và điều trị trầm cảm

Một đứa trẻ với lòng tự tôn thấp có nguy cơ sẽ mắc một giai đoạn trầm cảm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng đang bị trầm cảm. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của lòng tự tôn và trầm cảm là rất quan trọng. Đặc biệt khi đối tượng là trẻ em. Chẩn đoán đúng, phòng ngừa và điều trị có thể làm giảm mức độ trầm trọng trong quá trình trầm cảm của trẻ.


Nếu con bạn có dấu hiệu tự ti hoặc trầm cảm, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa hoặc các chuyên gia sức khỏe tâm thần khác để được chẩn đoán chính xác và có lựa chọn điều trị hiệu quả. Nhiều bậc cha mẹ lo sợ việc dùng thuốc nhiều. Nhưng bạn có thể yên tâm, điều trị trầm cảm cho trẻ em thường là liệu pháp trò chuyện, hoặc nhận thức-hành vi (CBT), để giúp trẻ xác định và thay đổi các suy nghĩ gây ra tình trạng kém tự tin và trầm cảm.


 

Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề


 
Hoạt Động Liên Quan Đến Bài Viết

Sẽ đến lúc nào đó trong đời chúng ta sẽ chạm tới ngưỡng khủng hoảng bản sắc cá nhân. Bạn sẽ đứng trước câu hỏi lớn của cuộc đời:

  • Bây giờ tôi có phải là tôi không?

  • Nếu tôi không phải là tôi thì tôi là ai?

Nếu có lúc nào đó bạn thấy mình KHÔNG-LÀ-AI-CẢ thì hãy nhìn vào những dấu vân tay trên đôi bàn tay mình, và cả những đường chỉ tay trong lòng bàn tay. Nơi đây đã ghi dấu ấn rành rành, không thể chối cãi về bản sắc riêng biệt của bạn mà không bất cứ ai trên đời này sở hữu giống y chang bạn. Hãy tự tin giơ tay khẳng định “Tôi là chính tôi!”


Hãy đến cùng Compassion làm nên dấu ấn của riêng mình trong chương trình “Becoming Me - Hành Trình Trở Thành Chính Mình“



 

Khuyến cáo về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách các dịch vụ, chuyên gia từ Compassion tại đây: www.compassion.vn/booking).


 

Thông Tin Về Bài Đăng: 

Nguồn bài dịch từ trang gốc (Bài gốc tiếng Anh): https://www.verywellmind.com/are-low-self-esteem-and-depression-the-same-thing-1066623

Đội ngũ sản xuất: Người dịch: Hải Yến ; Người biên tập: Thiên Ý ; Người hiệu đính: Anh Đào Lê

Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tại www.compassion.vn/crowdsourcing Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.

227 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page