Một nghiên cứu mới nói về những ảnh hưởng của căng thẳng mãn tính lên hệ thống miễn dịch của con người.
Khi nghĩ đến những thứ như trầm cảm, chúng ta thấy vai trò của sự kích thích (sự gây viêm của cơ thể như là một cơ chế phản ứng nhằm đáp lại các tổn thương hay nhiễm bệnh -ND) có lẽ dường như là thứ yếu khi so với những tình huống trong đời sống xã hội đã gây ra nỗi u buồn và tổn thương cho chúng ta, hay thậm chí là so với di truyền học của chúng ta, và nó là một lĩnh vực nghiên cứu trường kỳ liên quan đến sức khỏe tâm thần. Người ta thường làm dịu đi sự kích thích trong não bộ và mô tủy sống (còn được biết đến như là cơn đau đầu và đau lưng) bằng cách uống 1 hoặc 2 viên Tylenol (1). Nhưng gần đây, những nhà nghiên cứu ở Georgia và South Carolina đã nhận được những khoản tài trợ từ Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia (National Institute of Mental Health - NIMH) để nghiên cứu về các yếu tố hóa sinh góp phần gây viêm trong cơ thể.
“Mọi thứ đều có giá của nó. Cái giá, tuy nhiên, không phải lúc nào cũng là tiền” - Ahmed Mostafa
Vì sao lại như vậy?
Quay lại việc dùng Tylenol để làm mất cơn đau – hay nói cách khác là tác động vào cơ chế sinh hóa trong cơ thể bạn. Để hiểu rõ hơn về hoạt động sinh hóa trong cơ thể chúng ta và tại sao Tylenol hay các thuốc khác lại có hiệu quả, chúng ta cần hiểu cái gọi là hệ thống bổ thể hay dòng bổ thể (2) - một phần trong hệ thống miễn dịch của con người.
Hệ thống miễn dịch của chúng ta thực hiện các hoạt động kiểm soát và cân bằng khắp cơ thể để giúp chúng ta khỏe mạnh. Hệ thống bổ thể được tạo nên bởi những protein có nguồn gốc từ gan. Nếu gan của bạn không khỏe, những bộ phận khác của cơ thể cũng sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh – kể cả về mặt sức khỏe tâm thần.
“Hệ thống bổ thể” là thuật ngữ do Paul Ehrlich (1854-1915) (3) đặt ra. Ehrlich đã đoạt giải Nobel vì những đóng góp trong lĩnh vực miễn dịch học; ông đã khám phá ra phương thuốc chữa bệnh giang mai, và trong quá trình đó, ông đã đặt ra thuật ngữ “hóa trị - hay hóa trị liệu”. Về cơ bản hóa trị có nghĩa là áp dụng hóa học trong việc điều trị bệnh – dù ngày nay, người ta hầu như chỉ sử dụng thuật ngữ này trong điều trị ung thư.
Khi một người mắc bệnh – có thể gồm cả kiểu bệnh như một cơn cúm hay cảm lạnh thông thường – một trong những phản ứng đầu tiên của hệ miễn dịch là tạo ra các kích thích gây viêm. Sự kích thích – hay sự viêm là một rào cản vật lý, có vai trò giúp kiềm hãm sự lây nhiễm nhằm hỗ trợ thúc đẩy quá trình tự chữa lành của cơ thể. Tuy nhiên những nhà nghiên cứu tại Trường Y Georgia thuộc Đại học Augusta đã khám phá ra rằng, căng thẳng mãn tính trên thực tế gây ra sự kích thích trong não bộ theo cùng một cách mà những vi khuẩn cảm lạnh gây kích thích trong cổ họng và đường mũi. Sự kích thích bên trong não bộ về bản chất phá hủy các liên kết giữa các nơ-ron, và gây ra trầm cảm.
Những bạch cầu đơn nhân (4) là các tế bào bạch cầu. Bạch cầu đơn nhân di chuyển khắp cơ thể chúng ta trong suốt các giai đoạn của cơn căng thẳng như một đội quân phòng thủ. Thế nhưng chính các tiểu thần kinh đệm (5) hay các tế bào miễn dịch trong não lại là thứ có thể cung cấp dư thừa lượng C3 (6) - một protein nhỏ của hệ thống bổ thể tạo ra các kích thích liên tục trong não bộ, mà từ đó góp phần gây ra sự trầm cảm. Những nhà nghiên cứu ở Trường Dược - Đại học Y South Carolina đang hợp tác với những nhà nghiên cứu ở Georgia vì phòng thí nghiệm ở đó có tổng hợp được một thứ gọi là “chất ức chế bổ thể” hay thuốc ngăn chặn sự kích hoạt C3.
Mặc dù interferon-alpha (7) là thuốc được sử dụng để điều trị ung thư, nó cũng là một loại protein sản sinh tự nhiên được tổng hợp bởi cơ thể chúng ta để kích thích hệ miễn dịch nhằm ngăn chặn sự nhiễm do virus và sự phát triển của khối u ác tính (ung thư da) – một khía cạnh rất hữu ích cho phản ứng sinh hóa trong cơ thể chúng ta. Vấn đề sẽ xảy ra khi người ta sử dụng sản phẩm tổng hợp protein này trong thời gian dài. Các bệnh nhân được điều trị bằng interferon-alpha trong thời gian dài đã bị trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Thật thú vị khi nhận thấy rằng: khi bị lạm dụng như một loại thuốc tổng hợp, protein mà do chính cơ thể ta tự tạo ra lại hoạt động chống lại chúng ta.
Lý thuyết là sự gia tăng interferon-alpha bất kể do căng thẳng mãn tính hay do nguyên nhân nào đó như là quá trình điều trị ung thư, sẽ kích hoạt tiểu thần kinh đệm - những tế bào miễn dịch trong não bộ. Việc kích hoạt tiểu thần kinh đệm sẽ làm gia tăng sự sản sinh protein C3, một phản ứng mà hóa ra không chỉ phá hủy sự giao tiếp giữa các nơ-ron của chúng ta mà còn hoàn toàn phá hủy các liên kết giữa chúng. Khi các nơ-ron của não không thể giao tiếp, chúng ta sẽ không thể suy nghĩ đúng cách. Khi chúng ta không thể nghĩ đúng cách, chúng ta sẽ không thể hành động đúng đắn.
Vì chúng ta sẽ bước vào năm 2020, ta cần phải nhớ rằng: việc đặt bản thân vào những hoàn cảnh căng thẳng bất kể trong đời sống gia đình hay trong công việc, sẽ không chỉ gây ra trầm cảm tình huống (8) (hay kiểu trầm cảm nhất thời sẽ biến mất khi các tác nhân khó khăn không còn), mà điều này còn có thể thật sự phá hủy chức năng não bộ của ta. Chúng ta càng hiểu về việc làm thế nào cơ thể ta vận hành, thì tâm trí ta cũng sẽ càng khỏe mạnh hơn.
Trong năm mới, điều quan trọng nhất là giải thoát bản thân ra khỏi bất kỳ mối quan hệ nào gây ra căng thẳng mãn tính. Hãy xem những người bạo hành bạn không chỉ như là những kẻ bạo hành mà bạn có thể tránh xa, mà họ còn là những cá nhân gây ra cho bạn, cơ thể bạn, và tâm trí bạn sự tổn hại không thể khắc phục, có thể và sẽ vĩnh viễn tác động đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần bạn.
Cuộc đời bạn không đáng để cho bất kỳ ai hay tình huống nào làm tổn thương. Hãy khởi xướng một sự bắt đầu mới mẻ trong năm 2020. Nếu bạn có một mối quan hệ khó khăn, hãy bắt đầu những buổi tham vấn thường xuyên để ít nhất bạn có thể đỡ căng thẳng hơn trong khi làm việc hướng tới độc lập tài chính, gia tăng khả năng của bản thân để bỏ lại những thứ độc hại sau lưng. Nếu người đồng hành của bạn không nghe theo sự tham vấn, bạn luôn có thể tự đến những buổi trò chuyện trị liệu một mình.
Bảo vệ bộ não khỏi những ảnh hưởng của căng thẳng mãn tính sẽ bảo vệ mọi khía cạnh cuộc sống của bạn. Năm 2020 sẽ là năm của việc sống lâu hơn và mạnh mẽ hơn. Điều đó sẽ bắt đầu vào cái giây phút khi bạn trở nên tin tưởng bản thân mình.
Chú thích từ người dịch:
(1) Tylenol : Một loại thuốc giảm đau hạ sốt dựa trên Paracetamol, còn được gọi là Acetaminophen. Nó là một loại thuốc có đặc tính để giảm đau và viêm, hạ sốt trong một số trường hợp nhất định.
(2) - Hệ thống bổ thể : Bổ thể (complements) là một trong các thành phần chính của hệ miễn dịch nội sinh (innate immunity) trong cơ thể con người, đóng vai trò quan trọng trong phòng vệ miễn dịch của con người chống lại ung thư, vi khuẩn và virus.
- Dòng bổ thể (complement cascade) là một quá trình sinh hóa trong máu giúp hoặc 'bổ sung' các tế bào của hệ thống miễn dịch để loại bỏ mầm bệnh xâm nhập.
(3) Paul Ehrlich : Paul Ehrlich sinh ngày 14 tháng 3 năm 1854, mất ngày 20 tháng 8 năm 1915, là một bác sĩ người Đức và một nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực huyết học, miễn dịch và hóa trị liệu kháng khuẩn.
(4) Bạch cầu đơn nhân : Các loại bạch cầu nói chung là một phần của hệ thống miễn dịch. Bạch cầu được phân thành ba loại chính là bạch cầu hạt (granulocyte), bạch cầu đơn nhân (monocyte) và bạch cầu lympho (lymphocyte).
(5) Tiểu thần kinh đệm : tế bào thần kinh đệm (microglia) là những tế bào miễn dịch nằm khắp não và tủy sống. Chúng có vai trò quan trọng trong việc duy trì tổng thể não bằng cách liên tục tìm bới các mảng bám, các tế bào thần kinh, các khớp thần kinh bị hư hỏng hoặc không cần thiết trong các tổn thương tủy sống và các tác nhân truyền nhiễm.
(6) Bổ thể C3 : Bổ thể gồm một nhóm các protein huyết thanh được đánh số từ C1 đến C9 với chữ cái "C" là "complement", trong đó C3 và C4 là hai thành phần chính, và C3 chiếm 70% tổng các bổ thể.
(7) Interfron-alpha : Hay INF-α, là một loại thuốc dùng trong điều trị ung thư, viêm gan do siêu vi v.v... Interferon là một nhóm các protein tự nhiên được sản xuất bởi các tế bào của hệ miễn dịch nhằm chống lại các tác nhân ngoại lai như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và tế bào ung thư.
(8) Trầm cảm tình huống : là một loại trầm cảm ngắn hạn (situational depression), một loại rối loạn điều chỉnh liên quan đến căng thẳng, khiến bạn khó điều chỉnh cuộc sống hàng ngày. Nó có thể phát triển sau khi bạn trải qua một sự kiện đau thương như cái chết của một người thân yêu hoặc một loạt các vấn đề về mối quan hệ, ở nơi làm việc hay trường học. Nó còn được gọi là trầm cảm phản ứng.
Nguồn tham khảo: Wikipedia, Thư viện học liệu mở Việt Nam (https://voer.edu.vn/)
Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).
Nguồn bài dịch: https://www.psychologytoday.com/us/blog/survive-anything/201912/how-inflammation-can-lead-depression
Người dịch: Trần Thị Ca Dao ; Người biên tập: Anh Đào Lê
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
Comments