Bởi sự ngại ngùng có thể tác động đến chúng ta một cách mạnh mẽ, cũng khá hấp dẫn nếu ta coi nó như một phần quan trọng trong “công cuộc” che giấu đi cảm xúc của mình. Với gốc rễ liên quan đến tính cách và, có lẽ, cả trạng thái sinh lý- cũng chính là điều mà chúng ta không có khả năng loại bỏ được. Nhưng sự thật là, sự ngại ngùng ấy có nền tảng dựa trên một tập các ý niệm về thế giới, có thể thay đổi sau một chuỗi các lí lẽ, bởi vì bản thân chúng vốn được hình thành dựa trên những lỗi có thể sữa chữa và được tồn tại trong lối suy nghĩ của mỗi người.
Sự ngại ngùng bắt nguồn theo cái cách riêng mà chúng ta “đọc vị” những người lạ. Những người hay ngại thường không hành động một cách kỳ quặc với tất cả mọi người; họ bị líu lưỡi quanh những người tưởng chừng như trông chẳng hề giống họ về các đặc điểm bên ngoài như tuổi tác, đẳng cấp, “gu”, niềm tin, lí lịch hay tôn giáo. Không có ý gì khiếm nhã, rằng chúng ta có thể hiểu sự ngại ngùng như một sự "hạn hẹp” (provincialism) của tâm trí, nói cách khác là sự bận tâm quá mức đến những điều ít quan trọng trong cuộc sống và trải nghiệm của một người. Và như thế, vô hình, ta đã khoác lên vai người khác tấm áo choàng của một kẻ xa lạ, khó gần và đáng sợ, một cách không công bằng.
Khi giao tiếp với một người thuộc một thế giới khác, những người hay ngại thường cho phép tâm trí của họ bị xâm chiếm bởi hào quang của sự khác biệt. Họ có thể (một cách thầm lặng và đầy ngượng nghịu) tự bảo với chính mình rằng họ chẳng thể nói hay làm gì bởi trong khi những người khác đều có chút gì đó tiếng tăm thì bản thân họ chỉ thuộc về một miền vô danh nào đó của chính mình; hoặc là khi những người bạn cùng độ tuổi đã chạm đến ngưỡng trưởng thành thì họ vẫn cứ "mắc kẹt" mãi ở nơi mang tên “Tuổi trẻ đôi mươi”; hay trong khi những nhân vật ấy đều trông thật thông minh xuất chúng thì nhìn lại mình, họ lại thấy chẳng có chút kiến thức nào; hoặc là với những gương mặt tiêu biểu đến từ thành thị cùng hình ảnh những cô nàng quá đỗi xinh đẹp thì họ chỉ có thể vẫy tay chào lại từ một nơi tỉnh lẻ, nơi có những chàng trai với ngoại hình tầm thường. Đây chính là lí do vì sao chúng ta không có chỗ cho sự cười đùa, cho một câu bình luận đầy khôi hài hay một cảm giác thoải mái. Những người hay ngại không cố tình tỏ vẻ khó chịu hay thiếu thân thiện. Họ chỉ đơn giản là cố gắng vượt qua rào cản gần như không vượt qua được của sự khác biệt để khiến cho lòng tốt và tính cách của mình trở nên dễ hình dung và chấp nhận hơn.
Bạn có thể tưởng tượng ra rằng trong lịch sử loài người, sự e ngại vẫn luôn là phản ứng đầu tiên của chúng ta. Những người sống bên kia đồi sẽ giật mình và bối rối khi nhìn thấy bạn bởi trong khi họ là một người nông dân thì bạn lại là người đánh cá, hoặc là vì sự khác biệt trong giọng nói, họ sẽ có chút ngữ điệu mỗi khi dùng trọng âm còn giọng của bạn lại ngang và đều đều.
Thế nhưng gần đây, chúng ta thấy được sự nổi lên của một phương thức mới để liên hệ với một người lạ mà nó lại phổ biến hơn, ít riêng biệt hơn: chúng ta gọi nó là “Chủ nghĩa thế giới” (cosmopolitanism) mang tính cảm xúc. Ở các nền văn minh cổ đại như Hy Lạp và La Mã-nơi khởi nguồn từ sự gia tăng của các cuộc gặp gỡ giữa những con người khác nhau hoàn toàn về lối sống, nhờ có sự phát triển của ngành thương mại và vận tải, một phương án thay thế cho sự ngại ngùng, xấu hổ được hình thành. Các nhà du hành người Hy Lạp - những người tôn thờ những vị thần với các đặc điểm giống loài người, biết được rằng người Ai Cập sùng bái loài mèo và một số loài chim. Những người La Mã thường cạo râu thì lại gặp được những kẻ man rợ với với râu ria che đầy khuôn mặt. Những nghị sĩ sống trong những ngôi nhà với dãy cột đá sang trọng cùng hệ thống sưởi dưới mặt sàn lại gặp mặt những tù trưởng sống dưới mái những ngôi nhà gỗ đơn giản, ngày ngày bị gió thổi vào. Và đối với một số nhà tư tưởng, cách tiếp cận mới được phát triển để cho thấy rằng, tất cả những con người này, dù họ có ngoại hình và xuất thân khác nhau đến nhường nào, thì họ đều mang chung một hệ giá trị - và giá trị ấy cũng là cách mà một con người trưởng thành nên hướng đến để tiếp xúc với những sự khác biệt ở bên ngoài bề mặt. Terrence- nhà biên kịch và nhà thơ La Mã cũng từng đề cập về tư duy “cosmopolitan” ấy khi ông viết “Tôi là một con người: chẳng có gì xa lạ về tôi cả” và rằng Ki-tô giáo dùng sự đồng cảm chung làm nền tảng cho quan niệm về sự tồn tại.
Một người sẽ trở thành một cosmopolitan không phải nhờ vào bản chất vui vẻ, hoà đồng mà là do anh ta liên hệ được với sự thật cơ bản của loài người, bởi vì dưới vẻ bề ngoài quá khác nhau, tất cả chúng ta đều thuộc chung một loài. Đó là chân lý mà những vị khách hay líu lưỡi và những kẻ quyến rũ hay ngượng ngùng đều phạm lỗi khi từ chối chấp nhận nó.
Những cosmopolitan hoàn toàn nhận thức được sự khác biệt giữa người với người. Họ chỉ từ chối khi bị đe doạ bởi người khác mà thôi. Họ luôn có một góc nhìn xa hơn để đánh giá một tập thể. Một người lạ có thể không biết người bạn hồi học tiểu học của bạn là ai, có thể không đọc chung một cuốn tiểu thuyết hoặc chưa từng gặp cha mẹ bạn, họ cũng có thể mặc một chiếc váy, hay một cái mũ lớn và bộ râu quai nón hoặc đã bước sang độ tuổi 80 hoặc chỉ mới sinh nhật 4 tuổi vài ngày trước, các cosmopolitan sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hiểu biết về nhau. Họ chắc chắn rằng bọn họ sẽ tìm ra được điểm chung - dù nó có thể sẽ mất một vài sai sót lúc đầu. Mọi con người (bất kể ngoại hình có như thế nào) đều sẽ bị kích thích bởi một số vấn đề họ quan tâm. Rồi chúng ta cũng sẽ tìm được những điểm chung về sở thích, sở ghét, hi vọng và nỗi sợ, thậm chí chỉ đơn giản là thú vui lăn bóng qua lại hay sở thích tắm nắng.
Trong thâm tâm, một người hay ngại (shy provincial) vốn khá bi quan. Với một con người theo tư tưởng hiện đại, dám chắc rằng họ sẽ không thể trò chuyện hợp với những người theo quan điểm truyền thống, một người hướng về bên trái sẽ không có thời gian quan tâm đến người đi về bên phải, một kẻ vô thần sẽ không thể nào hiểu được một vị linh mục, một nhà kinh doanh có thể sẽ trở nên bối rối trước một người ủng hộ Chủ nghĩa Xã hội. Một cosmopolitan tự tin, ngược lại, sẽ bắt đầu từ những suy nghĩ cho rằng mọi người, hiển nhiên, đều có những quan điểm trái ngược nhau, nhưng điều ấy không có nghĩa rằng nó sẽ ảnh hưởng đến những điểm chung của chúng ta ở những khía cạnh khác.
Trong quá khứ, địa vị hay thứ bậc chính là khởi nguồn của sự ngại ngùng ấy (shy provincialism): người tá điền không thể đến gần với lãnh chúa, cô gái suốt ngày chỉ loay hoay với công việc vắt sữa trong nông trại sẽ trở nên ấp úng khi người con trai của ngài bá tước ghé thăm. Còn ở hiện tại, từ dư âm của những hạn chế ấy, một người có ngoại hình bình thường sẽ cảm thấy rằng họ không thể đi chơi cùng một cô gái xinh đẹp, hay người với thu nhập trung bình lại chẳng thể nói chuyện với người ở tầng lớp thượng lưu. Trong đầu họ luôn mang một suy nghĩ: mũi tôi được một đứa trẻ làm ra từ đất nặn, còn mũi của bạn thì được tạc bởi Michelangelo; trong khi tôi đang lo rằng mình sẽ có thể mất việc còn bạn thì đang bận băn khoăn với việc lần mở rộng doanh nghiệp sang Mexico sắp tới có thể sẽ không đem lại nhiều lợi nhuận như bạn mong đợi.
Sự ngại ngùng cũng có những mặt sâu sắc hơn nữa. Nó được bơm đầy bởi nhận thức rằng chúng ta có thể đang làm phiền người khác vì sự hiện diện của ta và dựa trên thứ cảm giác mạnh mẽ rằng một người lạ có thể cảm thấy khó chịu và bối rối bởi ta. Một người hay ngại thường rất nhạy cảm khi đối diện với khả năng có thể trở thành kẻ gây phiền toái bất kì lúc nào. Những người không biết ngại có thể là người khá đáng sợ bởi họ sẽ hành động với thái độ tự nhiên đến mức khiến người khác phải khó chịu. Họ có thể bình tĩnh và chắc chắn đến thế cũng chỉ vì họ không màng đến khả năng rằng người khác đang nhìn họ với sự ngao ngán và chán ghét.
Tuy vậy, trong đa số các trường hợp, chúng ta đều phải trả giá, một cách không đáng có, cho sự dè dặt của chúng ta với những người sẵn sàng mở lòng với ta - giá như chúng ta cũng có thể bày tỏ được lòng của mình. Chúng ta cứ mãi bám lấy vùng an toàn- nơi mà ta đã quá quen thuộc. Cậu trai đương dậy thì không biết rằng cậu và cô nàng hotgirl của trường đều có chung khiếu hài hước và cùng có một mối quan hệ đầy tổn thương với cha của mình; vị luật sư trung niên có thể không khám phá ra được rằng cậu bé 8 tuổi nhà bên cạnh cũng có tình yêu và sự say mê dành cho tên lửa giống như ông. Màu da và tuổi tác, cứ như vậy, không thể vượt qua rào cản để tiến tới và tìm hiểu nhau. Sự ngại ngùng, dù có động lòng đến đâu, cũng chỉ là một cách thừa thãi và không cần thiết để ta cảm thấy mình đặc biệt hơn mà thôi.
------------------------------------------------------
Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).
------------------------------
Về Bài Đăng:
Nguồn bài dịch: https://community.theschooloflife.com/posts/how-to-overcome-shyness
Người dịch: Linh Tran Người biên tập: Diệu Hiền
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
Comments