top of page
Compassio 5.png
Compassio 3.png
Thảo Lê

Làm thế nào để nuôi dưỡng tình yêu đọc sách trong con? Và nên đọc chúng ra sao?

Viết bởi Molly Ness, Ph.D.


Đối với tôi, đọc sách cho con ngay khi chúng còn rất nhỏ là điều quan trọng nhất. Cho đến thời điểm này, khi con đã 10 tuổi, tôi vẫn giữ thói quen đọc sách mỗi ngày cho con nghe. Với vai trò là một chuyên gia về đọc và viết cho trẻ nhỏ, tôi nhấn mạnh rằng cách thức chúng ta đọc - thể hiện qua giọng điệu, cao độ, cách nhấn nhá kết hợp với khả năng diễn đạt - mang giá trị cao ngang bằng với hình ảnh và nội dung của cuốn sách. Dưới đây là ba cách đơn giản mà bạn có thể áp dụng để khơi gợi hứng thú đọc sách và gia tăng tương tác với con.


Giai đoạn ba đến năm tuổi: GIAI ĐOẠN THU HÚT SỰ CHÚ Ý

Khi bạn giở một cuốn sách với hình ảnh, đứa trẻ sẽ ngay lập tức chú ý những hình minh họa đầy màu sắc trong sách. Nghiên cứu dựa trên kết quả từ phần mềm đo độ theo dõi của mắt cho thấy, trẻ nhỏ và mẫu giáo chỉ dành 6% thời gian để nhìn vào từ và chữ ở mỗi trang (còn lại là hình ảnh). Tuy nhiên, việc hiểu cách thức và quá trình thu nhận hình ảnh của não bộ là điểm mấu chốt trong việc phát triển khả năng đọc sách. Trước khi con bạn biết đọc, nên có vài bước để giúp con tập trung vào những gì hiển hiện trong trang sách (điều mà các chuyên gia gọi là phương pháp đọc to để khơi gợi sự chú ý).



Vẽ minh họa: James Yang


  • Chỉ vào bìa và dòng tiêu đề của cuốn sách. Bạn có thể giải thích cho trẻ hiểu, "Đây là bìa sách, còn đây là tiêu đề/ tựa sách. Tiêu đề sẽ cho chúng ta biết cuốn sách tên gì. Tác giả là người viết ra tiêu đề sách."

  • Phân biệt giữa hình minh họa và chữ. Giúp trẻ nhận diện câu chữ bằng cách nói: "Có nhiều từ ở mỗi trang. Câu này bao gồm 7 từ. Mỗi từ cách nhau bằng 1 khoảng trắng. Dấu chấm được sử dụng để chấm dứt một câu."

  • Hỗ trợ để trẻ chỉ vào các thành phần của cuốn sách. Đối với trẻ ba tuổi có thể hỏi: "Con giúp mẹ chỉ vào tiêu đề sách được không?", đối với trẻ bốn tuổi thì chuyển thành: "Con hãy chỉ mẹ những từ đơn hoặc từ ghép nhé?". Đối với trẻ từ năm tuổi trở lên thì câu hỏi sẽ là: "Con có thể chỉ vào ký tự có tên con không?".

  • Trao đổi về kiểu chữ - kích cỡ, hình dáng và phương hướng. Bạn có thể nói: "Con nhìn xem, hai từ này có màu khác nhau đấy.", sau đó hỏi trẻ: "Con thử nghĩ xem, tại sao tác giả lại làm cho chúng khác biệt như vậy?".

  • Giúp trẻ nhân diện bố cục sách. Giải thích cho con hiểu những đoạn hội thoại thường được đóng khung ("giúp con biết được nhân vật nào đang nói câu gì"), hay mục lục của cuốn sách ("nơi con biết được cuốn sách này còn những phần nào nữa.")


Giai đoạn bốn đến sáu tuổi: KẾT HỢP SÁCH KHOA HỌC

Hãy nhớ lại mười cuốn sách bạn đã đọc cùng con trước khi đi ngủ, có phải đa phần sách thuộc thể loại truyện tranh, có tình tiết rõ rằng, có nhiều nhân vật thú vị hay bối cảnh cụ thể? Nếu như vậy thì bạn đang giống phần lớn những phụ huynh khác. Bạn cũng nên đa dạng hóa bằng cách đọc cùng con thể loại sách khoa học hoặc văn học phi hư cấu, với nhiều từ vựng và thông tin chuyên sâu, cung cấp dữ kiện hoặc sự thật. Có thể ở trường các con đã được tiếp xúc với nhiều dạng sách khoa học như vậy rồi. Nhiệm vụ của cha mẹ là nên biết cách cân bằng cả hai thể loại để con đọc tại nhà. Nhiều trẻ chỉ đóng khung trong một thể loại và miễn cưỡng khi đổi sang thể loại khác. Hãy thử nhiều cách sau để đồng hành cùng con.


  • Tận dụng những cuốn sách để thỏa mãn trí tò mò của con. Những đứa trẻ luôn bận rộn với hàng trăm câu hỏi trong đầu. Gia đình tôi đã thiết kế một tấm bảng áp phích bên trong tủ đựng quần áo (chúng tôi gọi vui là "Parking lot" - chỗ đậu xe), và nơi này chỉ dành để dán những tờ giấy con con ghi chú những câu hỏi "Tại sao?" của con gái nhỏ. Mỗi tuần, trước khi đi đến thư viện, chúng tôi lại đảo ngang một lượt Parking lot của mình, nhìn sơ các câu hỏi và tổng hợp thành chủ đề để tìm kiếm câu trả lời trong những cuốn sách. Khi cháu gái 5 tuổi của tôi thắc mắc: "Tại sao có chòm sao Bắc Đẩu (Big Dipper) và Sao Đại Hùng (Little Dipper) mà lại không có sao nào là Medium Dipper nhỉ?" (lời người dịch: ở đây ý tác giả là cô bé đang thắc mắc về cách dùng các từ Big, Little và Medium). Nhiệm vụ của tôi đơn giản là tìm một cuốn sách về các chòm sao và đưa cho cô bé xem.

  • Mang theo những cuốn sách khoa học trong những chuyến đi chơi. Nếu gia đình bạn đang lên kế hoạch leo núi, tại sao không thử chọn những cuốn sách chủ đề cây cối và những loài côn trùng nhỉ? Mỗi dịp đặc biệt luôn là cơ hội để khám phá thêm nhiều cuốn sách. Như tôi và con gái nhỏ của mình đã từng lùng sục nhiều sách chỉ để tìm thông tin về cái cào tuyết, nhân dịp mùa đông lạnh giá khắp nơi. Hoặc như bạn chuẩn bị đi thu hoạch táo? Đọc ngay cuốn sách chủ đề tương tự liên quan đến táo nhé.

Vẽ minh họa: James Yang


  • Kết hợp thể loại sách với nhau. Nếu con bạn đang hứng thú với cuốn sách Chú Sâu Háu Ăn của Eric Carle, hãy cho con thêm thông tin về vòng đời sinh trưởng của bươm bướm trong những cuốn sách khác nữa. Hay nếu con đang mê mẩn với câu chuyện về chú dơi Stellaluna của Janell Cannon thì có thể đọc thêm nhiều sách về đặc tính sinh học của loài vật này.


Giai đoạn sáu đến mười tuổi: Khuyến khích con nói ra suy nghĩ sau khi đọc sách

Bạn hãy hỏi con vài câu hỏi để kiểm tra xem con có thực sự hiểu nội dung trong sách hay không. Một cách khác hiệu quả hơn chính là khuyến khích con đưa ra nhận xét về các chi tiết trong sách. Cách dẫn dắt này giúp con tiếp cận nội dung sách một cách sâu sắc hơn.

  • Sử dụng câu với ngôi thứ nhất để bộc lộ suy nghĩ: "Con tự hỏi rằng..." "Con có thể hỏi tác giả về việc..." hoặc "Con có ý tưởng như sau..."

  • Tô đậm những phần khó hiểu trong sách. Bằng cách này, con sẽ cho chúng ta biết con đang gặp khó khăn nào khi đọc hiểu nội dung sách. Bạn có thể giải thích rằng con nên quay lại đọc thêm một lần nữa các đoạn khó hiểu đã được làm dấu trước đó.

  • Đừng quá lạm dụng việc ngắt quãng. Chỉ cần dừng lại vài lần để chia sẻ suy nghĩ một cách ngắn gọn và nhanh chóng, sau đó để mọi thứ liền mạch và cảm nhận trọn vẹn nhất những điều đang diễn ra.


----------------------

Thông Tin Về Bài Đăng:

Đội ngũ sản xuất: Người dịch: Thảo Lê ; Người biên tập: Phạm Đại Bàng

Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tại www.compassion.vn/crowdsourcing Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.

11 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page