Lời giới thiệu từ Compassion và người biên tập:
Khi xoay xở với những căng thẳng bình thường hằng ngày và cả những khi vật vã với những suy nghĩ điên cuồng, với những bất an rối bời trong lòng bạn thường làm gì? Hay thậm chí dù biết tâm trí mình quá bức bối, cuồng loạn nhưng cũng không tài nào dứt ra khỏi nó được?
Thế thì bài viết sau sẽ giúp ích được cho bạn. Vì trước hết tác giả bài viết từng trải qua thời khắc có một tâm trí rối bời, điên cuồng cực độ và tác giả đã thành công ở một mức độ nào đó trong việc mang bình an trở lại nội tâm. Bạn sẽ học hỏi được 7 bài học mà tác giả đúc kết được để hòa giải với tâm trí xao động bất an, giải phóng ánh sáng bình yên trong tâm hồn.
Hy vọng chúng ta như bài hát “Qua cơn mê” của nhạc sĩ Nhật Ngân dù bao rối ren, vật vã trong lòng rồi dần tỉnh táo lại tưới tắm cho bình yên, an lành và yêu thương nảy nở trong chính mình và cho cuộc đời này:
“Một mai qua cơn mê …
Mang về mầm xanh tươi
Khi lá hoa thật nhiều
Trái yêu thương đầy cành
Hái đem cho mọi người”
"Ý nghĩ không có sức mạnh. Bạn mới có sức mạnh. Và khi bạn nhận diện rồi tin vào những ý nghĩ của mình, bạn trao sức mạnh cho những ý nghĩ đó." - Mooji
Đó là năm 2004. Khi tôi đang ở ngày thứ 3 của chuỗi sáu tháng quy ẩn tu thiền, tâm trí bồn chồn và hỗn loạn của mình đã khiến tôi muốn phát điên. Viễn cảnh ngồi trên chiếc đệm cũ này thêm năm phút nữa (nói gì đến sáu tháng) đã làm tôi hoảng sợ.
"Cái quái gì khiến tôi làm việc này vậy? Đây là một ý tưởng điên rồ. Tôi muốn về nhà." - Con khỉ bồn chồn trong tâm trí tôi giống như một chú King Kong vừa dùng chất kích thích xong vậy.
"Không, hãy nhớ rằng mày là một đống lộn xộn đến thế nào trước khi tới đây - rồi cả sự trùng hợp điên rồ đã dẫn mày tới đây nữa" - giọng hòa giải thứ hai chen vào.
Định mệnh thực sự đã kéo mông tôi một cách bí ẩn băng qua thế giới để đến ngồi lên chiếc đệm thiền màu đỏ tươi này. Nói ngắn gọn, Jack - bạn cùng phòng của tôi đã đến trung tâm thiền này sau khi bị bong gân cổ tay và phải rút ra khỏi một khóa tu yoga mà anh ấy dự định sẽ tham dự ở Mỹ. Vài ngày sau, anh ấy gọi cho tôi để nói rằng anh ấy yêu nơi đó và tin rằng anh ấy đã tìm thấy người thầy của mình. Anh thực sự rất phấn khích.
Lúc đó, tôi đang trải qua giai đoạn đặc biệt khó khăn trong cuộc đời. Tôi đã đâm đầu vào tường và thực sự không biết phải xoay về đâu. Vì vậy, bạn có thể tưởng tượng niềm vui của tôi khi tôi nhận được tin nhắn từ Jack, nói rằng, "Cậu không thể đoán được đã xảy ra chuyện gì đâu. Mình đã nói chuyện với thầy của mình về cậu và ông ấy nói, 'Hãy bảo cậu ấy đến Canada ngay khi có thể và đừng lo lắng về tiền bạc. Chỉ cần tới thôi.’ Mười ngày sau, tôi ở đó ngồi trên một chiếc đệm thiền màu đỏ tươi trên một khu đất tuyệt đẹp ở Canada Rockies. Và đây là nơi câu chuyện thực sự bắt đầu...
Khi tôi ngồi trên chiếc đệm của mình vào ngày thứ ba, tâm trí bồn chồn của tôi cứ quay cuồng. Tôi cần được giúp đỡ. Không thể ngồi lâu hơn nữa, tôi đứng dậy và đến gần nhà sư trụ trì:
"Con thực sự đang phải vật lộn ở đây. Con cần nói chuyện" - tôi nói.
Cuộc trò chuyện tiếp theo vẫn còn khắc sâu trong tâm trí tôi cho đến ngày nay. Nó như thế này:
"Con có vấn đề gì vậy?" - ông ấy hỏi với một ánh nhìn đầy lòng trắc ẩn.
"Con không thể ngừng suy nghĩ" - Tôi trả lời.
"Đúng vậy, tất nhiên là con không thể" - ông ấy mỉm cười.
Tôi đã ngạc nhiên. Đó không phải là câu trả lời mà tôi mong đợi.
"Không ai có thể. Nếu con không có một tâm trí điên cuồng và lộn xộn, con không phải là con người nữa rồi."
"Nhưng, con đang rất bức bối. Tâm trí đang khiến con phát điên lên" - Tôi tiếp tục.
"Những gì tâm trí suy nghĩ không phải là việc của con", ông ấy tiếp tục. "Con đau khổ vì con cho rằng đó là việc của mình. Con cần phải ngừng quan tâm đến nó. Chỉ cần thư giãn, tỉnh giác và tập trung vào hơi thở. Hãy để những ý nghĩ đến và đi mà không gặp phải sự kháng cự. Để tâm trí thanh thản làm việc của nó và nó sẽ khiến con bình yên để làm việc của mình. Tâm trí chỉ có thể gây rắc rối cho con nếu con cứ tiếp đón nó."
Nếu bạn không có một tâm trí điên cuồng và lộn xộn, bạn không phải là con người nữa rồi
Trời ạ, câu này thật là đúng! Chúng ta có xu hướng xem bản thân là trường hợp đặc biệt. Không ai là thất bại như tôi phải không? Nếu mọi người biết được những suy nghĩ vô nghĩa trong đầu tôi, chắc chẳng có ai làm bạn với tôi mất, phải không? Trong khoảng thời gian sáu tháng sau đó, rất nhiều niềm tin từ lâu của tôi về bản chất của tâm trí và nguyên nhân của sự đau khổ đã hoàn toàn bị sụp đổ.
Khi tôi xuất hiện ở Canada, tôi thấy khó hiểu với việc tự đánh giá bản thân mình. Tôi đã tin rằng việc tìm kiếm sự bình yên (nếu nó thậm chí có thể xảy ra, điều mà tôi đã nghi ngờ) sẽ là một nhiệm vụ hoành tráng, đòi hỏi phải đại tu lại hoàn toàn tâm trí tan vỡ của tôi. Đây là một số điểm chính mà tôi đã hiểu:
Bị rối tung hết cả lên là một phần chắc chắn xảy ra và không thể tránh khỏi của con người. Đừng trách bản thân vì điều đó.
Sự bình yên trong tâm trí là một ảo ảnh bởi vì xáo động là bản chất của tâm trí. Xáo trộn và tâm trí là một và giống nhau.
Bạn không cần phải thay đổi hoặc sửa chữa suy nghĩ của mình để được bình yên. Bạn cần nhận ra tâm trí là gì.
Không có khoảng cách giữa bạn và bình yên. Nó có sẵn trong mỗi chúng ta ở mọi khoảnh khắc, bất kể điều gì đang diễn ra trong tâm trí của bạn.
Theo thời gian, tôi bắt đầu nắm bắt và áp dụng những gì người thầy của tôi dạy bằng cách ngừng quan tâm đến những ý nghĩ và tập trung vào bản thân. Tôi đã học được rằng chìa khóa để trải nghiệm sự mãn nguyện đang diễn ra là để tâm trí được yên ổn làm điều điên rồ, làm rối tung lên, nói cách khác, chỉ để tâm đến việc của chính bạn.
"Cho phép ý nghĩ được nổi lên nhưng không dành chỗ cho nó ở lại" - Papaji
Bình yên là kết quả tự nhiên của việc không bận tâm đến những gì tâm trí nghĩ đến.
Sáu tháng sau đó trôi qua nhanh và tôi đã được chuyển hóa. Bây giờ tôi thấy thời gian ngồi trên đệm thiền thật thú vị và cực kỳ bổ ích. Tôi đã khá dễ dàng để trải nghiệm các thước phim hạnh phúc ngay cả với một tâm trí hỗn loạn. Tôi chưa bao giờ biết đến bình yên như thế này trước đây. Tôi cũng rất ngạc nhiên khi bản thân nhận lời thề làm tu sĩ và nhận được một cái tên mới. Tôi tự hỏi phải làm thế nào khi nói điều đó với gia đình mình ở nhà!
Sau đây là bảy bài học quan trọng tôi học được để đối phó với một tâm trí ngang bướng để có thể trải nghiệm bình yên ở hiện tại.
1. Nhận diện các ý nghĩ, đừng là các ý nghĩ đó.
Bước đầu tiên và quan trọng nhất để mang lại sự bình yên của bạn là tạo ra một bầu trời xanh giữa bạn và tâm trí - để nhìn nhận ý nghĩ của bạn như là những vật thể thay vì bị mê hoặc trong chúng. Nhìn thấy những ý nghĩ, đừng là những ý nghĩ đó. Những ý nghĩ giống như những đám mây đang trôi lơ lửng trên bầu trời rộng lớn. Những đám mây trắng đến rồi cũng sẽ đi. Những đám mây đen cũng vậy. Chúng chỉ là tạm thời và không ảnh hưởng gì đến bầu trời cả. Mọi đám mây đều được chào đón. Bầu trời không thích loại mây nào hơn cả và dù có là mây nào thì bầu trời vẫn không bị chạm tới.
Tâm trí cũng giống y như vậy. Ý nghĩ liên tục thay đổi nhưng nhận thức của bạn giống như bầu trời - rộng lớn và không thay đổi. Học cách lùi lại và quan sát những ý nghĩ trôi qua với thái độ bình tĩnh và không phán xét là chìa khóa để cảm nhận sự bình an. Những ý nghĩ không phải là vấn đề. Vấn đề thực sự là bạn đánh đồng suy nghĩ đó với bản thân. Nhận ra điều này có thể biến đổi cuộc sống của bạn ngay lập tức.
2. Biết rằng không có gì không ổn với bạn cả.
Đây là một bài học lớn với tôi. Khi có một ý nghĩ "u ám" xuất hiện trong đầu bạn - một ý nghĩ phán xét, một suy nghĩ bực bội hoặc một ý nghĩ ghen tuông - bạn tự trách bản thân vì có ý nghĩ như vậy. Bạn tin rằng bạn không nên có những ý nghĩ như thế - rằng có điều gì đó không ổn với bạn. Nhưng không, không có gì không ổn với bạn cả. Tất cả mọi người, không có ngoại lệ, đều có những ý nghĩ như vậy. Con người là vậy.
Tâm trí là một phần của bộ máy con người, giống như cánh tay hoặc đôi mắt. Nó rất giống như một chiếc máy tính. Điều kiện văn hóa, DNA của bạn và những trải nghiệm cuộc sống độc đáo của bạn quyết định hình thành nên những ý nghĩ. Dựa trên gốc gác và quá khứ, tâm trí của bạn không thể tạo ra những ý nghĩ khác hơn những ý nghĩ mà nó đang tạo ra. Ý nghĩ của bạn không phải là một cái gì riêng biệt. Chúng là một phần lập trình của bạn, một phần điều kiện bối cảnh của con người nói chung.
3. Chào đón tất cả các ý nghĩ
Khi những ý nghĩ của bạn được gắn nhãn "tốt", chúng sẽ không gặp phải sự phản kháng nào. Bạn khá vui vẻ khi có những ý nghĩ đó. Nhưng khi bạn gắn nhãn một ý nghĩ là "không tốt", hay "không mong muốn", bạn sẽ từ chối nó. Nó không được chào đón. Chính xu hướng này đã đánh giá những ý nghĩ không mong muốn là xấu hay sai và điều đó tạo ra đau khổ.
Ý nghĩ vốn dĩ không tốt cũng không xấu. Bạn làm cho chúng thành như vậy thông qua việc dán nhãn của bạn. Chúng chỉ là những sự kiện trung lập đi qua nhận thức của bạn và ở lại đó, chúng không có sức mạnh để khiến bạn đau khổ. Hãy để chúng đến và đi. Duy trì là một người quan sát. Đừng để chúng có chỗ ở lại.
Trải thảm đỏ cho tất cả những ý nghĩ - những điều tốt, tệ hay xấu xí. Hãy đối xử với tất cả những ý nghĩ của bạn như những vị khách quý và ngắm nhìn sự bình yên và hạnh phúc của bạn.
4. Tâm trí còn nói dối hơn cả Pinocchio
"Tôi phát hiện ra rằng khi tôi tin vào ý nghĩ của mình, tôi đã đau khổ, nhưng khi tôi không tin, tôi không đau khổ nữa, và điều đó đúng với tất cả mọi người. Tự do chỉ đơn giản như thế. Tôi thấy rằng đau khổ là một lựa chọn." - Byron Katie
Đừng tin hoàn toàn vào những gì mà tâm trí nói với bạn, hãy suy xét nó. Hãy đặt câu hỏi, đặc biệt, cho những niềm tin và giả định của bạn. Mỗi ngày, chúng ta vô thức đưa ra rất nhiều giả định.
Ví dụ, nếu bạn không thích công việc của mình, có lẽ bạn đã đưa ra giả định rằng ngày đó của bạn sẽ không thú vị trước khi bạn rời khỏi nhà vào buổi sáng. Hãy hồn nhiên. Hãy chuẩn bị cho những bất ngờ. Hãy tự hỏi mình câu hỏi: "Tôi có biết chắc chắn rằng niềm tin này, giả định này, là đúng hay không?" Bạn có thể tìm thấy bằng chứng để đảo ngược lại ý nghĩ đó không? Bạn cũng có thể thấy rằng thật dễ dàng để bác bỏ một số niềm tin từ lâu của bạn.
5. Không cho phép các ý nghĩ biến thành suy nghĩ
Ý nghĩ là tự phát sinh. Chúng tự xuất hiện từ hư không. Bạn không thể làm gì để ngăn chúng xuất hiện. Chỉ đơn giản là tâm trí đang làm việc của nó thôi. Suy nghĩ, mặt khác, là một sự lựa chọn. Một ý nghĩ như: "Cô ấy đã không gọi trong hai giờ rồi", đó là một yếu tố kích hoạt luồng suy nghĩ: "Tôi đã nói gì sai sao? Có lẽ cô ấy đã suy nghĩ lại chăng? Cô ấy có lẽ thấy tôi không hấp dẫn. Cô ấy có vẻ tập luyện rất nhiều. Có lẽ cô ấy nghĩ tôi không đủ tốt với cô ấy."
Đây là suy nghĩ (và nó cũng dựa trên những niềm tin vô căn cứ). Ý nghĩ ban đầu tự nó đến. Bạn đã không chọn nó. Mặt khác, dòng suy nghĩ sản sinh sau đó là thứ bạn có thể chọn để chạy theo hay không. Suy nghĩ là một lựa chọn. Bạn càng nhận thức được xu hướng làm điều này của mình, bạn càng dễ dàng ngăn chặn bản thân thoát khỏi dòng suy nghĩ ngay giữa chừng. Hầu hết suy nghĩ của chúng ta là vô thức. Chúng ta tạo ra quá nhiều đau khổ không cần thiết cho bản thân thông qua sự thiếu nhận thức đơn giản.
6. Biết rằng bạn không phải là những ý nghĩ của mình
Hãy nghĩ về nó một cách logic. Bất cứ điều gì bạn có thể quan sát không thể là chính bạn. Tôi (chủ thể) nhận thức được cuốn sách (khách thể) nằm trên bàn. Do đó, tôi không thể là cuốn sách. Bạn có thể áp dụng chính xác logic tương tự cho suy nghĩ, cảm giác, cảm xúc hoặc tâm trí. Bất cứ điều gì tôi có thể quan sát, thì không phải là tôi. Bất cứ điều gì tôi gọi là "của tôi" - những suy nghĩ của tôi, những cảm giác của tôi, những cảm xúc của tôi, đều không thể là tôi. Khi bạn tin rằng bạn là những suy nghĩ của chính bạn, điều tự nhiên là bạn sẽ đánh giá chúng là xấu, hay sai lầm và tự đánh giá mình vì có những suy nghĩ đó.
Một phép ẩn dụ khác được sử dụng trong thiền là sự tương tự của màn hình và bộ phim. Nếu có một đám cháy trong phim, màn hình không bị cháy. Nhận thức mà bạn nắm giữ không bị ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì bạn nhận thức được. Suy nghĩ của bạn không phải là bạn. Chúng là những sự kiện xuyên qua màn hình nhận thức của bạn. Bạn là ai không thay đổi. Nhận thức rằng bạn đang không biết hạnh phúc hay bất hạnh. Nó chỉ nhận thức. Nó luôn luôn bình yên.
7. Rút sự chú ý của bạn khỏi tâm trí
Khi tôi lần đầu tiên nhận được những sự thật đơn giản này, tôi đã có một khoảnh khắc "DUH" giống nhân vật nổi tiếng Homer Simpson trong phim hoạt hình The Simpsons. Tại sao mọi người không thấy điều này nhỉ? Nó rõ ràng thế này mà. Tuy nhiên, nếu không có nó chỉ ra cho tôi, tôi sẽ không bao giờ thấy rằng việc dính chặt cùng tâm trí là một lựa chọn, không phải là bắt buộc. Hiểu rõ hơn về bản chất của tâm trí và sự khác biệt giữa ý nghĩ và suy nghĩ, giờ đây tôi dành cho nó tầm quan trọng ít hơn nhiều so với trước đây.
Kết quả là tôi hạnh phúc hơn nhiều, bất kể loại ý nghĩ nào xuất hiện. Những ý nghĩ sợ hãi, những ý nghĩ nghi ngờ và những ý nghĩ tức giận vẫn tiếp tục nảy sinh như trước đây. Nhưng giờ tôi biết rằng chỉ đơn giản là tâm trí có điều kiện đang làm việc của chính nó. Không có gì sai với bất kỳ ý nghĩ nào cả. Tôi chỉ đau khổ khi vô thức chống cự hay phán xét những ý nghĩ đó.
Hạnh phúc không phải là sự vắng mặt của những ý nghĩ, cảm giác hay cảm xúc không vui. Mà nó xuất phát từ sự hiểu biết rằng tôi không bị định nghĩa bởi bất kỳ điều gì trong số này. Chúng được tự do đến và đi khi chúng muốn. Tâm trí có nhiều hoặc ít sức mạnh hơn chỉ tùy thuộc vào bạn có trao quyền lực đó cho nó không. Tâm trí không phải là kẻ thù của bạn. Đó là đồng minh có giá trị nhất của bạn, một người hầu đáng kinh ngạc luôn ở đó để bạn sử dụng khi bạn chọn.
"Tâm trí: là một người phục vụ tuyệt vời hoặc một bậc thầy nguy hiểm" - Osho
Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).
Nguồn bài dịch: https://tinybuddha.com/blog/a-guide-to-peace-for-anyone-with-a-crazy-messed-up-mind/
Người dịch: Trang ; Người biên tập: Anh Đào Lê
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
Comments