top of page
Compassio 5.png
Compassio 3.png
Ảnh của tác giảanhdao le

Khi người thân yêu của bạn đang đau khổ: Làm thế nào để thực tâm giúp đỡ?


“Người bạn mà có thể ngồi trong im lặng với chúng ta trong khoảnh khắc thất vọng hay hoang mang, người có thể ở lại cùng chúng ta trong những phút giây đau khổ và mất đi người thân yêu, người mà có thể cảm thông dù không biết gì cả, không chữa trị, không chữa lành chi hết và đối diện với hiện thực bất lực cùng chúng ta, đó là một người bạn đáng trân trọng.”- Henri Nouwen


Thật khó khăn khi đứng ở tại bờ vực nỗi đau khổ của người khác.

Sự vụng về lúng túng nảy sinh. Bạn luôn luôn cảm thấy chút xíu gì đó mình như một vị khách không mời mà lại đến trễ và bỏ lỡ nửa phần đầu của cuộc hội thoại - một cuộc hội thoại mà đã chuyển thành cuộc đấu vật giữa người khác và những phần sâu thẳm nhất trong chính linh hồn họ.


Điều bạn có thể nói khi bạn nhận ra mình đã lỡ đâm sầm vào một tương tác quá thân mật, quá mang tính cá nhân mà bạn chỉ muốn ngoảnh mặt và nhẹ nhàng lẻn đi?

Sau đó có những kích hoạt nảy sinh.


Đau buồn có một cách thức làm phá rối tất cả mọi người ở gần xung quanh nó. Nó khuấy động lên những phần chưa được chữa lành trong chính chúng ta. Họa chăng có bất kỳ nỗi băn khoăn nào không về việc chúng ta có bản năng an ủi xoa dịu những cảm xúc của người khác, để mang mọi thứ trở lại bình thường, trước khi nó có cơ hội khuấy động lên một thứ gì đó bên trong chúng ta?



Nhưng vấn đề là đây: Bạn bè của bạn cần bạn. Những thành viên trong gia đình cần bạn. Khi chúng ta đau khổ, chúng ta cần những người thân yêu gần gũi mình nhất hơn bất cứ khi nào.

Tôi cũng đã trải qua những thời điểm không biết cách giúp đỡ như thế nào cả. Đó là lý do tại sao tôi chia sẻ sự thấu hiểu của mình về những điều gì đã chữa lành, và điều gì làm tổn thương khi tôi mất đi chồng mình vì bệnh ung thư.



1/ Đừng nói gì cả


Sẽ dễ dàng hơn khi không nói gì hết. Để chôn cất đi cái điều thì thầm bên trong thúc giục bạn chạm tới. Để tập trung vào mối bận rộn vào những nghĩa vụ của bản thân bạn - cuộc đời của bạn - thay vì thu hút những ý nghĩ về cái chết.


Tôi biết rồi. Nhưng còn ở mặt bên kia thì sao?

Nó đau đớn.

Nó đau đớn vì tôi ở trong tình trạng vật vã như thế này, và tôi lại khiến bạn phải nhìn đi chỗ khác.

Làm ơn đừng phớt lờ tôi.


Tôi biết đó là một sự mạo hiểm. Bạn có thể hiểu sai hoàn toàn. Hoặc bạn có thể nói tất cả những điều đúng đắn theo sách vở, chỉ việc tôi xin được miễn nhận những lời đó. Những cảm xúc của tôi cứ lên lên xuống xuống và xoay mòng mòng một chỗ. Có những ngày tôi khó mà giải quyết chúng được.




Nhưng cái điều mạo hiểm này, nó chính là điểm mấu chốt của vấn đề. Điểm mấu chốt làm sâu đậm thêm những mối quan hệ, thắt chặt tình yêu thương, và bồi đắp thêm tình người cho cả người cho lẫn người nhận. Khi chúng ta “hòa cùng điệu nhảy”, bạn và tôi, cố gắng tìm ra cách thức làm sao để hiện diện với nỗi đau to lớn như thế, một điều gì đó kỳ diệu sẽ nảy sinh. Chúng ta cởi mở chính mình cho điều ý nghĩa, cái đẹp và sự giàu có. Vì mục đích của tất cả.

Bằng cách đối mặt với cái chết, chúng ta ôm trọn cuộc sống vào lòng.

2/ Đừng hỏi tôi thấy như thế nào?


Nghe có vẻ như là phản trực giác, đúng không?

Tôi chỉ đơn giản bảo bạn đừng phớt lờ tôi. Và việc hỏi câu “Bạn thấy sao rồi?” là điều đầu tiên chúng ta buộc miệng nói trong hầu hết trường hợp nhằm thể hiện sự quan tâm.


Vấn đề là việc trả lời câu hỏi này khi tôi đang đau khổ quả thật rất đau đớn. Thật đau lòng làm sao khi ngay trước và sau khi chồng tôi mất đi vì bệnh ung thư, những đứa con gái của tôi chủ động tránh né những chỗ mà người ta có thể hỏi “Cháu thấy sao rồi?”

Điều đó chặn lại một phần lớn hệ thống hỗ trợ của họ.


Câu “Bạn thấy sao rồi?” được hỏi bởi người thư ký ở cửa hàng thực phẩm khi tôi ghé qua đó thì không thành vấn đề. Nó thật là cảm động khi câu “Bạn thấy sao rồi?” được nói với ngữ điệu kéo dài, đi cùng với ánh mắt đầy tiếc nuối sâu sắc, nhưng nó được nói trong bối cảnh đông đúc hoặc vội vã thì lại là thô lỗ. Nó thô lỗ thiếu tế nhị bởi vì:


- Có những ngày có đủ lắng đọng để cho bạn câu trả lời thành thật thì điều này sẽ làm rối tung lên sự cân bằng cảm xúc mà tôi đã giải quyết ổn thỏa xong xuôi trong lòng bàn tay. Thậm chí vào một ngày đẹp trời thì cũng có quá nhiều xúc cảm nằm ẩn bên dưới bề mặt rồi. Nó có thể lấy đi tất cả những thứ mà tôi phải cố gắng lắm để níu giữ chúng lại với nhau. Tôi biết bạn có ý tốt, nhưng làm ơn hãy nhận ra rằng tôi thật khó lòng trả lời câu hỏi này một cách thành thật mà cũng vẫn giữ được sự điềm tĩnh của mình khi hoàn cảnh cần đến.


- Câu trả lời ngay lập tức không có ý nghĩa nhiều lắm đâu. Các cảm xúc thì mong manh và hay thay đổi, đặc biệt là khi đau khổ. Tôi cảm thấy như thế nào bây giờ thì khác với một tiếng trước đó và sẽ khác nhau trong từng giờ. Tôi ổn và tôi không ổn. Một vài ngày tôi thật sự mất khả năng giải thích hết thảy những điều đó.


- Tất cả chúng ta biết câu trả lời thì hỗn độn, phức tạp và nhiều lớp lang. Khi trong bối cảnh quá đông đúc hay thời gian quá ngắn để đủ cho một cuộc chuyện trò tâm sự, mỗi người trong chúng ta đều cảm thấy mất kết nối với sự phản hồi chân thực phần nào đó. Nó tạo ra khoảng cách thay vì sự thân thiết giữa chúng ta.

May thay, có một cách tốt hơn để nối lại khoảng cách giữa chúng ta, và để truyền đạt tình yêu thương và hỗ trợ.


Thay vào đó thì làm gì: Hãy giả vờ tôi đã trả lời bạn rồi


Bạn sẽ không thỏa mãn bằng câu trả lời đầy hào hứng “Ổn cả!” khi bạn hỏi tôi đang cảm thấy như thế nào

Bạn sẽ không tin tôi vì bạn có thể thấy nỗi đau buồn chất chứa trong đôi mắt tôi mặc dù miệng tôi đang tươi cười. Và thậm chí dù bạn có từng trải qua kinh nghiệm của tôi hay chưa, một thứ gì đó sâu thẳm bên dưới bảo với bạn rằng điều này thật quá to lớn nặng nề. Quá to lớn để được giải quyết gọn ghẽ và cất giữ riêng vào một thư mục ký ức.


Hãy tin tưởng vào bản thân mình. Bạn đúng rồi đó.

Thế thì bạn nên nói gì với tôi nếu chúng ta tua nhanh qua màn hỏi han “Bạn thấy sao rồi?”. Nếu tôi thật sự có thời gian, không gian và bình tĩnh về cảm xúc để cho bạn một câu phản hồi đầy đủ, bạn sẽ trả lời như thế nào?


Hãy giả vờ như tôi vừa mới nói với bạn rằng tôi đang cố gắng tỏ ra mạnh mẽ trong phút giây này, nhưng tôi vẫn ngấm ngầm phân vân rằng mình có quá vụn vỡ đến mức có thể lành lặn lại hoàn toàn một lần nữa hay không. Thế đó, tôi đang đấu tranh vật vã, và nó thật cam go. Tối qua tôi nằm trên sàn nhà tắm và gào thét lên “không, không, không!” với vũ trụ biết bao nhiêu lần? Một trăm? Một ngàn lần? Thế đó, tôi phải lựa chọn, từ khoảnh khắc ngày sang khoảnh khắc khác, để tập trung vào cuộc sống và hy vọng. Ngoại trừ thỉnh thoảng tôi không chắc mình muốn có sống không nữa. Điều mất mát đó là sự cô đơn không từ ngữ nào diễn tả nổi.


Hãy giả vờ như tôi đã nói với bạn mặc kệ tất cả những thứ đó, có những khoảnh khắc hạnh phúc. Và phần đó trong tôi cảm thấy tội lỗi về điều đó. Nhưng phần khác thì tóm bắt lấy bất kỳ niềm vui và sự bình an thoáng qua nào như thể một người sắp chết đuối vùng vẫy cố hớp lấy không khí. Hãy vờ như tôi đã yêu cầu bạn làm ơn, làm ơn đừng thúc ép tôi đào sâu thêm nỗi đau nếu đây là một trong những thời khắc hiếm hoi sáng sủa hơn được một chút. Hãy để tôi hít thở không khí một vài phút trước khi tôi lại bị nhấn chìm lần nữa bởi nỗi đau buồn.


Bạn sẽ nói gì đây?

Bỏ qua câu hỏi đi. Thay vào đó hãy nói rằng.

Tớ không biết nói gì nữa

Cậu đã luôn ở trong tâm trí tớ.

Tớ tin tưởng vào cậu.

Thật vui khi gặp được cậu.

Tớ yêu cậu.


Hoặc là nếu bạn và tôi đủ thân thiết, hãy nói những câu đó với một cái ôm.

Và sau đó, nếu bạn muốn tôi biết rằng bạn quan tâm đến tôi, hãy lên lịch dành cho tôi một khoảng thời gian dài hơi hơn để trải qua cùng tôi. Có thể trong bối cảnh đó tôi sẽ muốn nói về nỗi mất mát đó. Hay là có thể tôi sẽ tận hưởng sự xao nhãng đó để nói về một thứ khác.

Dù sao đi nữa, tôi vẫn cần bạn. Đó không phải là điều bạn đang thật sự băn khoăn nghĩ ngợi sao?


3/ Đừng nói với tôi rằng thời gian sẽ chữa lành mọi thương tổn


Thậm chí nếu điều đó có đúng đi chăng nữa, nó vẫn không giúp ích được gì.

Điều tôi cần bạn làm là “nhìn thấy” bây giờ tôi đang ở đâu. Để làm chứng nhân cho tôi, và để chia sẻ cùng tôi gánh nặng tâm tư này. Tôi muốn bạn thấu hiểu rõ nỗi đau khổ này có bao nhiêu gai góc, biết bao nhiêu khẩn thiết, biết bao nhiêu áp lực đè nặng lên tôi ngay lúc này đây.


Nhưng, điều đó không đúng khi cho rằng thời gian sẽ chữa lành mọi thương tổn. Ít nhất là không phải luôn luôn như thế.

Một vài nỗi đau vơi dần đi theo thời gian. Nỗi đau khác thì lại mưng mủ và ngày càng lở loét ra thêm. Vài người thì trưởng thành sau thảm kịch. Họ trở nên sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn và tươi đẹp hơn. Những người khác thì tự vẽ ra một bức tranh biếm họa đầy khúc mắc, sầu thảm héo úa về điều họ họ từng là.


Và thật sự thì thời gian không làm nên sự khác biệt.

Mà đó là trái tim và hy vọng. Đó là sự lựa chọn. Đó là chiến thắng trong cuộc chiến này chống lại sự thất vọng và nản chí.

Đừng xem nhẹ cuộc chiến của tôi.


Thay vào đó thì nên làm gì: Hãy ở bên tôi


Bạn có muốn giúp đỡ tôi chiến đấu? Vậy thì hãy ở bên cạnh tôi.

Trong tâm điểm nỗi đau của tôi.

Đừng lao vào che giấu hay sửa chữa hoặc bắt nó câm nín (dù sao thì bạn cũng không thể làm được đâu)

Hãy can đảm cùng với tôi. Hãy chấp nhận sự bức bối của những cảm xúc trong chính bạn trỗi lên khi bạn nhìn vào tôi.


Hãy chấp nhận sự bất lực của việc không thể nào sửa chữa điều này được. (Thật đáng sợ, phải không nào? Nhận ra rằng bạn cũng dễ tổn thương đến như thế)

Hãy là một chứng nhân cho điều đang diễn ra.

Hãy chọn lựa đứng bên cạnh tôi tại cái nơi bạn đã không chọn đứng vào này.


4/ Đừng bảo tôi hãy gọi nếu cần bất cứ điều gì


Một lần nữa, tôi biết rằng điều này đến từ tâm ý tốt đẹp, nhưng thực sự là tôi cần bạn đến tuyệt vọng ngay bây giờ đây. Vấn đề không phải là “nếu”.

Những công việc cuộc sống thường ngày chưa được xử lý thì đang chất chồng xung quanh tôi. Vấn đề nào cần kíp nhất? Thật khó để tập trung vào. Hãy ghi nhớ. Hãy chăm sóc.

Thành thật mà nói, tôi còn thậm chí không nhớ nổi lần cuối mình đã ăn là khi nào nữa.


Tôi không biết làm cách nào để sắp xếp lại điều mình cần là gì khi nỗi đau khổ này quá to lớn đến nỗi bịt tai che mắt hết cả tầm nhìn của tôi và nén chặt tôi lại cho tới khi tôi thậm chí không còn hít thở nổi nữa.

Và nếu bằng một nỗ lực to lớn nào đó mà tôi nói ra rành rọt điều tôi cần, nếu như bạn nói không thì sao?

Giả như tôi gọi cho bạn, từ nơi vụn vỡ này, và bạn không đến thì sao?

Rủi ro quá nhiều, bởi vì thậm chí hơn cả sự giúp đỡ thực tế mà tôi cần ở bạn thì tôi cần chính bạn hơn. Tôi cần tin rằng bạn sẽ ở đó, nếu như tôi chỉ có thể thì thào vài từ.


Thay vào đó nên làm gì: Hãy giúp đỡ tôi


Hãy nghĩ ra vài điều bạn có thể làm để mang lại ánh nắng tươi sáng và làm nó cho tôi. Những chi tiết về điều bạn mang lại cho tôi ít quan trọng hơn sự sẵn lòng tiếp cận tôi.

“Tôi có thể mang đồ ăn cho bạn tối nay? Tôi có thể ghé qua và cắt dọn cỏ/dắt chó đi dạo/thay dầu tuần này không? Tôi có một tấm thiệp tặng bạn nè.”


Khi bạn tiếp cận bằng một cách hữu hình, tôi dần tin tưởng vào sự chân thành của bạn. Tôi nghĩ rằng mình có thể thực sự nhờ vả cánh tay trợ giúp của bạn khi có một thử thách đặc biệt mà tôi cần giúp sức để giải quyết.

Trên hết thảy, tôi cảm thấy bạn đang ở cùng tôi.Và đó là nhu cầu to lớn nhất trong thời gian đó.



5/ Đừng bảo tôi nên cảm thấy gì

Mọi người nói về các bi kịch của đau khổ là: sự từ chối, giận dữ, sự mặc cả, trầm tư u uất, chịu đựng.

Sự thật thì còn hỗn loạn hơn nữa.

Có những vòng lặp đau buồn. Tôi vòng đi quẩn lại từ một phản ứng này sang một phản ứng khác, thỉnh thoảng trong cùng một ngày. Tất cả những cảm giác đó là một phần của tiến trình. Tất cả đều hoạt động.

Tôi khóc. Tôi la lối. Tôi cười lớn tiếng. Tôi chìm vào trong nỗi buồn bã quá sâu không lời nào diễn tả nổi.

Đó là công việc khiến tôi mệt lử, được gọi là “đau khổ”.


Hãy tưởng tượng bạn đang đấu vật với một con gấu Bắc cực khổng lồ bôi đầy vaseline bóng nhẫy trên người. Những chiếc răng và móng vuốt cắm gặp vào bạn khi bạn đấu tranh chống lại một đối thủ nặng ký và cơ bắp hơn bạn nhiều lần.

Khi bạn cố gắng túm giữ được nó, những ngón tay bạn trơn tuốt tuồn tuột và bỗng thấy tay mình rỗng không.

Đó là cảm giác khi đau khổ cảm thấy như thế nào.

Vì thế đừng có bảo tôi hãy mỉm cười lên đi.



Tôi sẽ làm, một khi đó là điều sự chữa lành trong tôi lên tiếng bảo. Hiện tại thì tôi đang cố gắng hết sức mình chống chọi lại thứ gì đó kinh khủng và đầy tính áp đảo.

Đừng có kêu tôi hãy mạnh mẽ lên.

Tôi đã và đang như thế rồi đây. Tôi là một chiến binh, và đây là điều trận chiến trông như thế nào.

Đừng hỏi han tôi khi tôi mỉm cười hay cười to. Đôi khi tôi cần ngừng lại và hít thở trong suốt thời gian làm cái “công việc cường độ cao” này chứ. Khi tôi mỉm cười điều đó không làm thay đổi mức độ sâu sắc nỗi đau đớn của tôi.


Thay vào đó nên làm gì: Hãy tin tưởng vào tôi


Hãy tin tưởng tôi có thể chiến đấu nổi trong cuộc chiến này.

Hãy tin tưởng với lòng tự tin to lớn rằng bạn không nhảy xổ vào sửa chữa cái điều bạn không thể sửa chữa được hoặc cố kiểm soát một tiến trình mà bạn không thể kiểm soát nổi

Hãy tin tưởng hoàn toàn rằng bạn không bị đe dọa bởi cơn bực tức hay khủng hoảng do nỗi tuyệt vọng của tôi gây ra.

Hãy tin tưởng tôi có thể đối mặt sự trần trụi của cuộc đời mình, mà nó đã bị xé toạc và moi hết ruột gan ra trước mặt tôi, và lại đứng lên lần nữa.


Tôi sẽ làm được điều đó không bởi vì tôi đặc biệt hay là người được chọn hoặc là khác biệt hơn bạn.

Tôi sẽ chữa lành không bởi vì tất cả những lời khuyên bảo và cam đoan chắc chắn mà bạn đã đưa cho tôi - quá nhiều cho chính bạn và cũng quá nhiều cho cả tôi.

Tôi sẽ chữa lành lại bởi vì trong khi chạm vào trung tâm nỗi đau của tôi, tôi đã tìm thấy sức mạnh của chính mình.


Bạn sẽ chữa lành cho bản thân khi bạn giúp tôi chữa lành


Bạn muốn giơ tay ra giúp đỡ.

Mặc dù thật khó khăn nhưng vẫn chung tay chia sẻ cuộc hành trình này. Cảm ơn bạn vì đã cố gắng. Tôi biết nó thật kỳ quặc, nhiều cảm xúc dâng đầy và khơi gợi lên những cảm xúc mà nó sẽ dễ dàng hơn nếu không cảm thấy nó.

Nhưng có một thứ vượt ra ngoài chủ nghĩa vị tha mà có lẽ bạn chưa nhận ra.

Hành trình này thực sự mang ý nghĩa to lớn cho bạn cũng như dành cho tôi.


Những mảnh vỡ trong nội tâm bạn, những thứ mà đã được kích hoạt lên khi bạn làm người chứng nhân cho nỗi đau đớn của tôi?

Chúng cũng có thể được chữa lành trong khi bạn chia sẻ trong cuộc hành trình của tôi.

Tôi không nói điều đó là dễ dàng

Nhưng khi bạn ngồi lại với nỗi đau - của tôi hay của chính bạn - bạn học được rằng có một cách thức sâu lắng hơn những từ ngữ đem lại niềm hy vọng. Đó là, tình yêu thương chiếm ưu thế hơn hẳn.


Và khi bạn cảm nhận được độ sâu của những cảm xúc khó khăn nhất đó, bạn bắt đầu tin bằng một cách thực tế với tâm đơn thuần rằng cuộc sống thật tươi đẹp - mặc dù có những góc tối chưa vừa mắt thuận ý lắm.

Trên hết thảy, khi bạn dõi mắt nhìn tôi đứng trong sự trơ trụi và mong manh dễ tổn thương - nhưng đầy lòng quyết tâm như một chiến binh - mặt đối mặt với nỗi đau khổ quá nhiều như thế, bạn bắt đầu đặt lòng tin vào tôi. Không phải là loại niềm tin được bao bọc êm ái và thoải mái, bị cách ly bởi nhiều hàng lớp lời rao giảng suông. Một lòng tin được sinh ra từ trong lửa. Đầy chông gai sỏi đá. Thuần khiết. Mạnh mẽ.

Và khi bạn tin tưởng vào tôi, bạn cũng tiến đến việc đặt lòng tin vào chính mình.


 

Người dịch: Anh Đào Lê ; Người biên tập: Phạm Đại Bàng

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây

212 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page