top of page
Compassio 5.png
Compassio 3.png
Ảnh của tác giảXuân Phạm Văn

Không Ai Thèm Bận Tâm Soi Mói Cuộc Sống Của Bạn Đâu Vì Ai Cũng Đều Bận-Quan-Tâm Đến Đời Mình Rồi

Đôi lúc ta thấy bế tắc không dám làm điều gì cả vì cứ mãi nghĩ ngợi xem “người ta” sẽ nghĩ, nói và phản ứng như thế nào nếu ta làm như thế. Tại sao ta cứ luôn mải miết bận tâm và quá xem trọng ý kiến của người khác? Ta nên bận tâm điều người khác nghĩ hay chỉ cần bận-quan-tâm đến đời mình, chủ kiến và gánh trách nhiệm cho đời mình thôi?


Với bài viết sau đây hãy cùng Compassion suy ngẫm lại cái sự tiến thoái lưỡng nan mỗi khi tự cảm thấy mình bị soi mói hay bị quan tâm quá mức. Bức tranh “Cú ngã của Icarus” (Landscape with the Fall of Icarus) có lẽ là ẩn dụ hay nhất cho vấn đề này. Người Nhật có câu “Nana korobi ya oki” (nghĩa là: Ngã bảy lần, đứng dậy tám lần). Có thể chẳng ai  thèm quan tâm chúng ta đang ngã lăn quay hay đứng vững như bàn thạch. Dẫu cho vấp ngã rồi thì chỉ có chính bản thân chúng ta mới nên tự hỏi “Bây giờ mình đứng dậy chưa?” mà thôi.


Tranh "Landscape with the Fall of Icarus" được vẽ bởi Pieter Bruegel (cha)

Chúng ta có xu hướng khởi đầu cuộc sống của mình với một trải nghiệm mặc định sâu sắc: đó là việc luôn được bao quanh bởi những người quan tâm đến chúng ta ở một mức độ vô cùng phi thường. Chúng ta tìm kiếm trong những giấc mơ và những khoảng không mơ hồ của thời thơ ấu và có lẽ tìm thấy một đến hai gương mặt đang mỉm cười quan sát chúng ta với sự dịu dàng và quan tâm. Họ dõi theo chúng ta khi mà dòng nước bọt chầm chậm rỉ ra từ khóe miệng và vội vàng lau đi như thế lau chùi một tấm vải quý giá. Sau đó vuốt ve những sợi tóc mềm mịn trên da đầu chúng ta. Họ tuyên bố chúng ta gần như là một tạo vật siêu nhiên khi chúng ta cuối cùng cũng thành công trong việc nhoẻn miệng nở nụ cười đầu tiên. Những tràng pháo tay vang lên từng ngày lúc chúng ta bước những bước đi đầu tiên, cười khúc khích, chập chững, vấp ngã, và mạnh dạn tiếp tục tiến bộ. Có một sự trầm trồ và khen ngợi hết lời khi chúng ta loay hoay sắp xếp các chữ cái viết nên tên của mình. Trong suốt những năm đầu đời, những con người to lớn khéo léo dụ dỗ chúng ta ăn bông cải xanh hay đậu Hà Lan; họ đảm bảo rằng chúng ta mang ủng cao su khi trời mưa; họ nhảy múa cùng ta khi bài hát yêu thích của chúng ta được bật, họ xốc ta dậy và hát cho chúng ta nghe khi chúng ta cảm thấy buồn bã hay không ổn. Khi chúng ta lo âu, họ cố gắng hết sức nhạy bén để tìm hiểu vấn đề có thể là gì.


Không chỉ là ở nhà. Ở trường học, những giáo viên tuyệt vời động viên khi chúng ta gặp phải khó khăn; họ hiểu có khi chúng ta ngại ngùng; họ nỗ lực phát hiện và khích lệ ra các dấu hiệu tài năng có thể bộc phát từ sớm của chúng ta. Người bà cũng không kém phần tử tế. Bà giữ những bức ảnh của chúng ta trong gian bếp, bà luôn ấn tượng với những khả năng nghệ thuật của chúng ta - đôi khi có vẻ như là bà không thật sự có một cuộc sống bên ngoài những ngày chúng ta ghé thăm. Kể cả những người lạ đôi khi cũng vô cùng thích thú. Chàng trai ở quầy gà viên trong chợ có lúc tặng cho chúng ta một phần gà miễn phí - vì anh ấy nói chúng ta rất tuyệt vời. Khá nhiều người già nhìn thật gần chúng ta, cười và gọi chúng ta một cách yêu thương. Điều này thật là lạ lùng, dĩ nhiên rồi, nhưng (cho đến bây giờ) cũng không hoàn toàn bất ngờ chút nào. Không có chút kiêu ngạo hay tự phụ nào cả, đó là những gì chúng ta hằng mong đợi.


Và rồi, dĩ nhiên, chúng ta lớn lên và bước chân vào một thực tại khủng khiếp: chúng ta tồn tại trong một thế giới của sự thờ ơ đáng kinh ngạc đối với hầu như tất cả những điều chúng ta đang là, nghĩ, nói hay làm. Chúng ta có thể ở độ tuổi cuối vị thành niên khi vấn đề thật sự đẩy lên đến cực điểm. Chúng ta có thể đang ở trong phòng ký túc đại học hay lang thang một trên những con phố vào lúc nửa đêm - khi điều đó xảy ra với chúng ta, với cuộc tổng tấn công toàn lực, thì chúng ta thấy mình sao mà nhỏ bé tí ti đến thế trong một kế hoạch khổng lồ bao la ngoài kia. Không ai trong đám đông chúng ta đi ngang qua biết bất cứ điều gì về ta. Những phúc lợi chúng ta cần không hề là mối quan tâm đối với họ. Họ chen chúc với chúng ta trên hè phố, và đối xử với chúng ta như một vật chướng ngại trên lộ trình của họ. Những chiếc xe tải to tướng ầm ầm chạy ngang qua. Lúc này không ai xoa đầu hay lau nước bọt cho chúng ta nữa. Chúng ta nhỏ xíu trước những tòa nhà và những biển quảng cáo đầy đèn nhấp nháy. Chúng ta có thể chết và không ai để ý thấy cả.


Nó có thể là một sự thật khắc nghiệt – nhưng chúng ta càng làm cho nó nghiêm trọng hơn bằng cách tập trung vào mảng tối nhất. Chúng ta vẫn còn đọng lại chút đau buồn vì cách chúng ta trở nên vô hình, nhưng chúng ta thôi không còn mang những suy nghĩ giằng xé này làm cái cớ cho mục đích triết học đúng đắn, đó là giải cứu chúng ta khỏi những vấn đề khác đang gặm nhấm chúng ta: một cảm nhận tự ý thức liên tục và mang tính ăn mòn cao.


Trong một phần khác trong tâm trí của chúng ta, chúng ta chưa thể chấp nhận sự thờ ơ của người khác hoàn toàn, thật ra, chúng ta biết rõ và chịu đựng đau khổ cùng cực cũng chính bởi việc người khác đang đổ bao nhiêu tâm tư (như chúng ta cảm thấy chắc chắn như thế) suy nghĩ về chúng ta. Chúng ta cực kỳ lo lắng rằng giọng nói của mình nghe như the thé lên giọng và lạc mất giọng đi ra sao khi yêu cầu người bồi bàn cho thêm một ít sữa tươi. Chúng ta chắc chắn rằng anh nhân viên bán hàng đi guốc trong bụng mình. Những người trong nhà hàng nơi chúng ta ăn một mình chắc hẳn đang thảnh thơi suy nghĩ xem vì sao ta lại không có bạn bè. Anh nhân viên trợ giúp tại khách sạn cao cấp đang nghi ngờ rằng chúng ta không đủ tầm và cũng không đủ tiền để trả cho cái hóa đơn. Ở công ty, mọi người vẫn đang bàn tán nhau về cái điều hơi ngớ ngẩn mà chúng ta đã nói vào tháng trước về chiến lược bán hàng ở Mỹ. Một người chúng ta đã lên giường bốn năm trước đây đến bây giờ vẫn còn những suy nghĩ sai lệch khủng khiếp về chúng ta dù ta không hề xác minh được điều này.


Không có bằng chứng cho những điều này, tuy thế nó giống như một sự xác thực về cảm xúc. Trực giác chúng ta cho thấy rõ ràng rằng sự ngu ngốc và những mặt thiếu ấn tượng của chúng ta bị chú ý và săm soi mọi thời điểm bởi đa số mọi người. Mọi cách thức mà chúng ta lấy làm “tiêu chuẩn” xuất phát từ điều thế giới cho là bình thường, vững chãi và trang nghiêm thì được “áp đặt” bởi đại đa số mọi người. "Họ" có thể cho rằng chúng ta lóng ngóng đâm sầm vào cửa, làm đổ thứ gì đó lên trên người, nhớ sai những truyền thuyết, cố gắng thể hiện và làm những thứ kỳ lạ trên mái tóc của chúng ta.

Để giải phóng chúng ta khỏi câu chuyện kể mang tính trừng phạt này, ta có thể cần tiến hành một bài tập suy nghĩ tự tạo có chủ ý; chúng ta có thể phải đặt ra thách thức cho việc kiểm tra xem chúng ta đã dành bao lâu thời gian để sa đà vào sự ngu ngốc (hoặc chỉ đơn giản sự tồn tại) của người khác. Cách chúng ta suy nghĩ và cảm nhận về những người mà chúng ta không biết đặc biệt có lẽ là hướng dẫn tốt nhất cho hoạt động của trí tưởng tượng thông thường của con người: đối với hầu hết mọi người trên thế giới, chúng ta là những người xa lạ hoặc những người quen biết bình thường như chúng ta biết và giao thiệp trong kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta mà thôi.



Và đây, kết quả có thể sẽ gây ngạc nhiên đấy. Hãy tưởng tượng chúng ta đang ở trong một thang máy, đứng cạnh một ai đó trong lúc di chuyển lên tầng thứ 20. Họ biết chúng ta không chấp thuận lựa chọn chiếc áo khoác của họ. Họ biết họ phải nên chọn lựa một cái khác vì cái áo này khiến họ trông họ ngớ ngẩn và hơi chật chội. Nhưng chúng ta không chú ý đến cái áo khoác cho mấy. Thật ra, chúng ta còn chẳng để ý lúc nào họ được sinh ra - hay một ngày nào đó họ sẽ ra đi. Chúng ta chỉ đang lo lắng về việc người bạn đời của ta cảm thấy thế nào khi đề cập đến việc mẹ chúng ta tỏ ra lạnh lùng với họ vào tối hôm qua.


Hay cũng có khi là vào lúc cuối cùng của cuộc họp hai tiếng đồng hồ, chúng ta cảm thấy có gì đó khác biệt về mái tóc người đồng nghiệp, mặc dù chúng ta không tài nào khám phá ra được sự thật là như thế nào - dù họ đã dành một khoảng tiền không nhỏ cho mái tóc được cắt tỉa gọn gàng và phải đắn đo suy nghĩ để sáng suốt tìm được một salon tóc mới.


Hay là chúng ta thấy một vết sẹo mờ trên cằm một người nào đó. Nó thường được cho rằng là kết quả cuộc một cuộc bạo lực gia đình, khiến họ vô cùng phẫn nộ và gần như muốn trở về nhà và lẩn trốn đi. Nhưng chúng ta không hề có chút suy nghĩ nào về vì sao họ có vết sẹo đó (trong thực tế, nó do bởi tai nạn xe đạp vào tháng trước). Chúng ta chỉ cố gắng đối phó với một mô-típ suy diễn quá hạn và khởi đầu cho một chứng đau nửa đầu suy nhược khác.


Trong một bữa tiệc, một người quen giải thích vì sao họ chia tay với người bạn đời của mình. Với họ nó là một tin chấn động để kể ra. Chúng ta cố gắng điều chỉnh gương mặt cho phù hợp: đây có phải là một sự giải thoát khỏi một cuộc hôn nhân thảm khốc hay một sự phản bội bi thảm gây ra bởi một người mà họ đang yêu sâu đậm? Chúng ta không biết và trong thực tế, ta chỉ muốn quay lại với những người bạn khác trong bếp.


Hai người từ văn phòng khác nhau cùng tham gia một hội nghị vì công việc; vào buổi sáng hôm sau khi họ bước xuống phòng ăn sáng, họ đỏ mặt và xấu hổ, tưởng tượng rằng mọi người sẽ phán xét họ về mặt đạo đức. Nhưng chúng ta không hề làm thế: ta chỉ quan tâm chuyến tàu về nhà; chúng ta không hề bận tâm về việc họ sống cuộc sống của họ như thế nào.


Nói cách khác, khi chúng ta để tâm trí chính mình dẫn dắt, ta sẽ có tầm nhìn chính xác hơn, ít áp lực hơn - về những gì diễn ra trong đầu người khác khi họ gặp chúng ta, một cách tốt đẹp nhất, họ không nghĩ ngợi gì nhiều lắm đâu.

Vào những năm 1560, Pieter Bruegel (cha) đã vẽ một tác phẩm có tên là “Cảnh cú ngã của Icarus” (Landscape with the Fall of Icarus), hiện đang được treo tại Musee des Beaux-Arts ở Brussels. Nó cho thấy những khoảnh khắc cuối cùng của nhân vật thần thoại cam chịu cái chết của mình. Nhưng cái thiên tài và bài học sống mãi cùng thời gian của bức tranh, đó là số phận chết đuối của Icarus bị hạ thấp nặng nề trong bức tranh. Người ta phải nhìn rất kỹ vào một góc nhỏ ở phía dưới bên phải để phát hiện đôi chân đang vùng vẫy và những khoảnh khắc tuyệt vọng cuối cùng của anh chàng Hy Lạp Icarus đang hấp hối. Trung tâm của bức tranh nổi bật lên bởi một người thợ cày vẫn ung dung chăn dắt con ngựa của mình cày ruộng. Một người chăn cừu đang quan tâm đến đàn cừu của mình. Ở đằng xa, chúng ta thấy một thành phố nhộn nhịp và những con tàu tấp nập ra vào bến cảng. Mọi người hoàn toàn không biết gì về bi kịch của Icarus. Mặt trời vẫn đang tỏa sáng. Bức tranh kinh hoàng ở một cấp độ, và cực kỳ cứu rỗi ở một cấp độ khác. Ý nghĩa bức tranh chỉ ra vừa xấu vừa tốt đến lạ lùng: một mặt, không ai có thể nhận ra khi chúng ta chết; mặt khác, họ cũng chắc chắn không hề nhận thấy khi chúng ta làm đổ thứ gì đó lên trên người hoặc tóc tai chúng ta xuề xòa.


Không phải là chúng ta hay họ thật kinh khủng, tàn nhẫn. Chúng ta không hoàn toàn thiếu quan tâm một cách tuyệt đối. Nếu chúng ta nhìn thấy một người lạ đang đuối nước, chúng ta sẽ nhảy xuống cứu giúp. Khi một người bạn đang sụt sùi rơi lệ, chúng ta đồng cảm. Đó chỉ là phần lớn, chúng ta cần ngẫm lại kỹ hơn. Sự thiếu vắng quan tâm xảy ra hằng ngày đến bằng một lý do vô cùng hợp lý và có thể tha thứ như: chúng ta cần dành phần lớn nguồn năng lượng lúc thức để điều hướng, thực hiện công lý, và dành cho những mối quan tâm thiết thân của chúng ta. Một khi chúng ta phải suy nghĩ về mối quan hệ của chúng ta, sự nghiệp, tài chính, sức khỏe, người thân, con cháu, kỳ nghỉ sắp tới, bạn bè và tình trạng gia đình của chúng ta, sẽ chỉ còn rất ít thời gian để suy ngẫm về giọng nói cao vút bất ngờ của khách hàng hoặc trang phục của đồng nghiệp.


Chúng ta đã nợ mặt bên kia của cái nhìn bi kịch. Chúng ta không nên chỉ việc chịu đựng sự thờ ơ của người khác, mà chúng ta nên - khi việc này mang tính quan trọng - hồi đáp lại nó một cách đúng đắn. Chúng ta không nên đơn thuần chịu đựng đau khổ vì bị bỏ qua phớt lờ, ta nên thực tế chấp nhận sự giải phóng ngầm rằng chúng ta đang bị như vậy. Và sau đó, lần lượt, chúng ta nên dấn thân một cách can đảm hơn vào những tình huống và cuộc phiêu lưu trong đó việc sơ sẩy dại dột luôn luôn là một khả năng có thể xảy ra: khởi đầu của một doanh nghiệp mới, một lời mời lãng mạn, một câu hỏi tại một hội nghị... Chúng ta có thể thất bại, nhưng chúng ta có thể tin chắc rằng hầu như không ai sẽ để tâm đến nếu chúng ta thực hiện một ý tưởng mà nó có thể - hơn bất cứ điều gì khác - giúp đóng góp cho thành công của chúng ta (một cái gì đó, như chúng ta biết bây giờ, không ai sẽ chú ý hay quan tâm đến bất cứ gì đâu).

 

Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).

 

Người dịch: Hải Yến ; Người biên tập: Anh Đào Lê

Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert

Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây

274 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page