"Tôi đã phát hiện ra rằng không thể thay đổi được ai cả. Họ có thể tự thay đổi chính mình" - Jim Rohn
Mẹ tôi bị rối loạn trầm cảm nặng. Trong phần lớn cuộc đời tôi, tôi thực sự tin rằng tôi có thể làm gì đó để đưa bà trở lại như xưa. Tôi nỗ lực làm một cô con gái chu toàn. Tôi giảm thiểu việc thể hiện cảm xúc của mình. Tôi làm tất cả để đổi lại nụ cười của bà.
Nhưng cuối cùng sau tất cả những gì tôi làm, dường như không có điều gì làm thay đổi tâm trạng của bà.
Mặc dù tôi không thể nói rõ điều đó khi còn nhỏ, tôi đã cảm thấy mình thật đáng trách. Tôi đã không làm trò, dịu dàng, hay đủ tốt để khiến bà thôi buồn.
Tôi tiếp nhận tâm trạng của mẹ đến một thời điểm tôi không còn phân biệt được đâu là cảm xúc của mẹ đâu là của tôi nữa.
Tôi đã không cho phép mình thể hiện bất kỳ cảm xúc nào mà tôi cho là tiêu cực, chẳng hạn như tức giận, buồn bã, tội lỗi hoặc xấu hổ. Dường như chỉ có mẹ tôi có quyền sở hữu những cảm xúc này, vì vậy tôi đã kìm nén chúng trong chính mình.
Khi lớn lên, tôi bắt đầu tương tác theo cách tương tự với người yêu, bạn bè và những người mà tôi gặp. Giống như một con tắc kè hoa, tôi nhận cảm xúc của người khác và cực kỳ bị ảnh hưởng bởi tâm trạng của họ.
Hầu hết các mối quan hệ của tôi không lành mạnh và không thỏa mãn, dính mắc với nhiều cấp độ của đồng phụ thuộc*.
Tôi cảm thấy bị mắc kẹt trong chính mình. Tôi trở nên mệt mỏi với việc giả vờ. Tôi khao khát tự do cảm xúc.
Và rồi sau đó, nhà trị liệu của tôi đã nói một điều hoàn toàn làm tôi thay đổi: "Cảm thấy giận dữ, buồn, thất vọng hay mệt mỏi cũng không sao cả"
Với tôi, đó là một ý tưởng mang tính cách mạng, và trao sức mạnh mãnh liệt. Tôi đã không nghĩ rằng việc có những cảm xúc khác ngoài vui vẻ và tỏ ra "hoàn hảo" cũng được chấp nhận. Khi tôi cho phép bản thân mình cảm thấy những cảm xúc đó, tôi nhận thấy rằng những trải nghiệm cảm xúc này không phá hủy tôi nhiều như trước nữa.
Tôi cảm thấy được giải phóng.
Tự do cảm xúc = Tách biệt cảm xúc
Trở thành một người trưởng thành khỏe mạnh về mặt cảm xúc bao gồm phát triển cảm giác tách biệt cảm xúc với người khác, đặc biệt là những người chăm sóc.
Điều này đòi hỏi bạn phải trải nghiệm và thiết lập ranh giới cảm xúc bằng cách rõ ràng sự khác biệt giữa cảm xúc của bạn và cảm xúc của những người xung quanh bạn. Bạn học cách chịu trách nhiệm lớn hơn đối với trải nghiệm cảm xúc của mình và ít có khả năng tìm kiếm và thu hút các mối quan hệ đồng phụ thuộc.
Cho bản thân được phép trải nghiệm thăng trầm của cảm xúc.
Thông thường, chúng ta giữ lấy hình ảnh lý tưởng về việc chúng ta nên như thế nào, cảm thấy và hành động ra sao. Chúng ta có niềm tin rằng khỏe mạnh về cảm xúc đồng nghĩa với việc hoàn toàn loại bỏ cảm xúc "tiêu cực" và vĩnh viễn ở trong trạng thái hạnh phúc và hân hoan.
Đơn giản là nó không đúng. Kiểu mong đợi mình lúc nào cũng hạnh phúc hoàn toàn là phi thực tế và không lành mạnh. Thay vào đó, hãy cho phép bản thân cảm thấy bất kỳ cảm xúc nào đó trong một thời điểm cụ thể.
Đừng cố dán nhãn những cảm xúc ngay ngay từ ban đầu. Cũng đừng cố hiểu hay phân tích chúng. Đừng gán chúng với một giá trị tích cực hay tiêu cực. Cứ đơn giản là cho phép chúng được tồn tại và trải nghiệm khi chúng đến. Hãy kiên nhẫn và trắc ẩn với chính mình.
Học cách gọi tên cảm xúc.
Sau khi bạn đã cảm thấy thoải mái với việc trải nghiệm những cảm xúc của mình, đã đến lúc để bạn học cách gọi tên chúng.
Hầu hết chúng ta đều bị giới hạn về từ vựng cảm xúc. Chúng ta cũng có xu hướng cực kỳ quen thuộc với những cảm xúc chính yếu: hạnh phúc, đau buồn, giận dữ. Tuy vậy, chúng ta lại ít quen thuộc hơn với một lượng lớn trải nghiệm cảm xúc mà những định nghĩa trên không hoàn toàn diễn tả được.
Những gì bạn cảm thấy như sự tức giận thực sự có thể là sự thất vọng. Và có lẽ cảm giác tội lỗi bạn nghĩ bạn đang cảm thấy có thể được mô tả chính xác nhất là sự oán hận. Hãy dành thêm thời gian phát triển khả năng tự nhân thức để bạn có thể mô tả chính xác hơn trải nghiệm cảm xúc của mình.
Một công cụ mà rất có hiệu quả với tôi đó là biểu đồ từ vựng cảm xúc. Tôi thường mang nó theo bên mình và ghi lại cảm xúc của mình một vài lần trong một ngày. Và tôi bắt đầu nhận thấy các vòng lặp cảm xúc của mình. Tôi thực sự bắt đầu quan sát, thấu hiểu và chấp nhận mình một cách đầy đủ hơn.
Một lần nữa, điểm mấu chốt ở đây là không phải việc tỏ ra phán xét hay thắc mắc xem tại sao cảm xúc này lại đến. Khi bạn hỏi câu hỏi tại sao, bạn có thể cho rằng có gì đó không ổn khi mình có cảm xúc này. Vì vậy mà bạn chỉ đơn thuần quan sát và nhận biết để phát triển một sự tự nhận thức cao hơn. (Chỉ dẫn từ Compassion: Bạn có thể đọc hoặc sử dụng công cụ Wheel Of Emotions để gọi tên & ghi nhận cảm xúc tại đây, hoặc đặt mua tại đây)
Học cách thể hiện cảm xúc.
Thể hiện cảm xúc của bản thân đối với người khác là một phần quan trọng của một cuộc giao tiếp trưởng thành và lành mạnh.
Hãy xem xét các câu nói sau.
"Bạn đang làm tôi giận lên đấy."
"Tôi cảm thấy giận dữ."
Có một sự khác biệt ở đây đúng không?
Có một sự thay đổi tinh tế nhưng mạnh mẽ trong sự nhấn mạnh giữa hai câu trên. Câu đầu đang thể hiện sự đổ lỗi và cho rằng người khác phải chịu trách nhiệm. Điều này thường dẫn đến sự phòng thủ và có thể dập tắt nỗ lực giao tiếp xa hơn.
Câu sau có hiệu quả truyền đạt cùng một cảm xúc, nhưng loại bỏ sự đổ lỗi và đưa ra sự nhìn nhận cá nhân và chấp nhận trải nghiệm nội tâm. Đây là một ví dụ về một thứ gọi là ngôn ngữ tri giác, tôi nhận thấy nó là một công cụ mạnh mẽ để học cách giao tiếp trưởng thành và lành mạnh hơn.
Nó trở thành một lời bộc bạch hơn là một lời buộc tội. Theo trải nghiệm của tôi, những câu nói kiểu này được người khác đón nhận tốt hơn, và cũng cho tôi cảm giác kiểm soát tốt hơn.
Trong việc truyền đạt cảm xúc của mình, nó không chỉ là về những lời bạn nói. Ý định của bạn cũng cực kỳ quan trọng. Hãy chắc chắn rằng bạn không mong đợi người khác sẽ làm cho bạn cảm thấy tốt hơn. Điều này thường dẫn đến sự tức giận, thất vọng và nản lòng. Thay vào đó, hãy tìm cách xoa dịu và an ủi bản thân.
Cho phép người khác có những trải nghiệm cảm xúc của riêng họ.
Một khi bạn cho phép bản thân cảm nhận và xác định cảm xúc trong chính mình, việc tách bản thân khỏi những trải nghiệm cảm xúc của những người xung quanh sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Cũng giống như bạn, những người khác phải có trách nhiệm với những trải nghiệm cảm xúc của chính họ. Hãy cho phép họ trải nghiệm, xác định và thể hiện cảm xúc theo cách riêng của họ.
Một khi bạn đã xác định rõ ràng ranh giới cảm xúc, bạn không còn phải chịu trách nhiệm về cảm xúc của người khác. Điều này cuối cùng dẫn đến các mối quan hệ lành mạnh hơn, thỏa mãn sâu sắc hơn.
*Đồng phụ thuộc (codependency) được định nghĩa là sự tận tụy quá mức trong một mối quan hệ, thậm chí hy sinh cả nhu cầu cá nhân và tâm lý của bản thân.
Người dịch: Hải Yến
Người biên tập: Trang
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
Comentarios