Đôi Lời Từ Ban Biên Tập Compassion.vn
Có những lúc chúng ta thấy mình yếu đuối, mong manh cần sự giúp đỡ nhất thì thật khó mà kêu gọi sự giúp đỡ từ thế giới bên ngoài. Chỉ đơn giản bởi vì chúng ta cảm thấy xấu hổ và nghĩ rằng nhờ cậy người khác là chứng minh mình bất lực. Đáng buồn thay mọi người đều sẵn lòng giúp đỡ chỉ cần ta dám mở lời.
Trong phim "It's a Wonderful Life", nhân vật chính cũng rơi vào tình cảnh bức bách ngay ngày Giáng Sinh vì cần một khoản tiền khổng lồ để bù vào khoản tiền bị mất của ngân hàng. Trong tình thế quẫn bách đó, anh bước lên cầu định nhảy xuống dòng nước chảy xiết, rét buốt để tự vẫn. Một 'thiên thần' đã nhanh-chân-hành-động nhảy xuống trước và gào-thét-kêu-cứu thật khẩn thiết chỉ nhằm mục đích "cứu" nhân vật chính. Trong đoạn cao trào này có lẽ hành động bức thiết nhất nhân vật chính nên làm là 'gào thét kêu cứu' như thiên thần tập sự kia chứ không phải là bức tử chính mình.
Âm thanh tuyệt vời nhất có lẽ là "Hãy cứu giúp tôi với!" vì bạn sẵn lòng cho một thiên thần tập sự nào đó có được cơ hội hồi đáp "Vâng, có tôi đây!" và thêm 'đôi cánh' sau khi giúp đỡ bạn. Hãy tập thử tập mở lời nhờ cậy mỗi ngày "Bạn có thể giúp tôi ... không?"
Có một suy nghĩ dường như hiển nhiên một cách khủng khiếp rằng không một ai thực sự quan tâm đến chúng ta cả. Những người xung quanh hiếm khi nhận thấy sự tồn tại của chúng ta, họ hầu như không quan sát để lắng nghe những gì chúng ta nói, họ không hiểu được gợi ý nào của chúng ta - và họ hoàn toàn chỉ bận tâm đến các dự án và mối lo hàng ngày của riêng họ.
Vì những điều đó, chúng ta rất dễ rơi vào một kết luận nghiêm trọng, tai hại và hết sức đau lòng về hoàn cảnh của mình: rằng chúng ta cô đơn đến tột cùng - cách biệt khỏi mọi khả năng kết nối hoặc đồng cảm.
Nhưng sự thật có thể thực tế và đáng hy vọng hơn. Hầu hết chúng ta đều cực kỳ muốn giúp đỡ khi nhận thấy ai đó có nhu cầu cấp bách, nhưng đồng thời chúng ta cũng thường xuyên bị phân tâm, lo lắng về cuộc sống của chính mình và không thể nhận ra bất cứ điều gì đang xảy ra với những người xung quanh trừ khi mọi việc được nói ra một cách rõ ràng nhất. Và thế là, chính ngay lúc đó, chúng ta sẽ bắt tay vào hành động và mang toàn bộ trí tuệ và ý chí của mình để giúp đỡ người ấy vượt qua nỗi đau. Nói cách khác, chúng ta thấu hiểu tốt khi nghe những tiếng thét cầu cứu, nhưng rất dở trong việc hiểu những dấu hiệu nhỏ nhoi từ họ.
Vấn đề chỉ đặc biệt được chú ý trong những trường hợp bi thảm, khi mà một người quen nào đó của chúng ta tự kết liễu cuộc đời họ. Chúng ta chắc chắn rằng mình sẽ làm rất nhiều điều để giúp đỡ nếu chúng ta biết họ cảm thấy tuyệt vọng như thế nào. Đồng thời, chúng ta cũng nhận ra rằng mình đã không quan tâm thăm hỏi, không để ý kỹ càng những dấu hiệu cầu cứu le lói được phát ra và chắc chắn ta đã liên tục tỏ ra mình bận rộn đến độ họ không dám lên tiếng nhờ cậy. Và vì vậy, chúng ta cảm thấy mình thật tồi tệ và nhẫn tâm.
Khi chúng ta cảm thấy mong manh và tuyệt vọng nhất, sẽ sáng suốt hơn nếu chúng ta ngẫm nghĩ lại sự thật trên về bản chất con người, nhờ vậy ta sẽ không cảm thấy thù oán hay bất ngờ đối với phản ứng của những người xung quanh. Sự thờ ơ rõ ràng của người khác thực sự chỉ là điều hiển nhiên. Chúng ta cần học cách hét lên. Nhưng đáng buồn thay, chúng ta lại có xu hướng thiếu tự tin để làm điều đó một cách chính xác vào lúc cần thiết nhất. Bởi vì sự xấu hổ ban đầu ngăn cản chúng ta nói ra nhu cầu cần được giúp đỡ, như thể rằng bất kỳ con người nào cũng buộc phải tự lực vượt qua khó khăn của họ một mình. Những suy nghĩ tiêu cực của chúng ta đối với bản thân cũng là một phần bi kịch khi tuyệt vọng bởi vì chúng ta không cho phép mình được cảm thấy đau khổ.
Tuy nhiên, chúng ta đừng bao giờ cho phép mình quên rằng, bất kể người khác có vẻ thờ ơ như thế nào, chúng ta vẫn được bao quanh bởi những người mà khi họ bắt gặp trường hợp khẩn cấp thì họ sẵn sàng nhảy xuống dòng sông băng giá để giải cứu những người hoàn toàn xa lạ. Nếu chúng ta biết rõ ràng rằng ai đó (thậm chí chỉ là một người quen bình thường) cần chúng ta rất nhiều ngay bây giờ, chúng ta có thể sẽ bỏ tất cả mọi thứ và chạy đến hỗ trợ họ. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng vô vọng trong việc đọc suy nghĩ hoặc hiểu được các dấu hiệu cầu cứu quá yếu ớt. Lần sau khi gặp khó khăn, chúng ta phải nhớ đừng ghét bản thân vì cần được giúp đỡ và nên kêu gọi những cánh tay tương trợ. Đồng thời hãy nhớ thắp lên hy vọng rằng hầu hết mọi người xung quanh sẽ giúp đỡ chúng ta vượt qua nỗi đau khi họ nghe thấy. Chúng ta cần nhớ hét to hơn một chút - và bớt ghét bản thân hơn một chút.
Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề
Hoạt Động Liên Quan Đến Bài Viết
Sẽ đến lúc nào đó trong đời chúng ta sẽ chạm tới ngưỡng khủng hoảng bản sắc cá nhân. Bạn sẽ đứng trước câu hỏi lớn của cuộc đời:
Bây giờ tôi có phải là tôi không?
Nếu tôi không phải là tôi thì tôi là ai?
Nếu có lúc nào đó bạn thấy mình KHÔNG-LÀ-AI-CẢ thì hãy nhìn vào những dấu vân tay trên đôi bàn tay mình, và cả những đường chỉ tay trong lòng bàn tay. Nơi đây đã ghi dấu ấn rành rành, không thể chối cãi về bản sắc riêng biệt của bạn mà không bất cứ ai trên đời này sở hữu giống y chang bạn. Hãy tự tin giơ tay khẳng định “Tôi là chính tôi!”
Hãy đến cùng Compassion làm nên dấu ấn của riêng mình trong chương trình “Becoming Me - Hành Trình Trở Thành Chính Mình“
Khuyến cáo về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách các dịch vụ, chuyên gia từ Compassion tại đây: www.compassion.vn/booking).
Thông Tin Về Bài Đăng:
Nguồn bài dịch từ trang gốc (Bài gốc tiếng Anh): https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/on-asking-for-help/
Đội ngũ sản xuất: Người dịch: Duyên Trương ; Người biên tập: Anh Đào Lê
Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tại www.compassion.vn/crowdsourcing. Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.
Comments