Đôi Lời Từ Ban Biên Tập Compassion.vn
Bước qua tháng 11, ta dần nhận ra những ngày cuối năm đang ở cửa thật gần. Trải qua một năm với vô vàn biến động, “hạnh phúc” bỗng trở nên nhỏ bé vô cùng. Mùi vị của 'dopamine' niềm vui dần bị thu hẹp lại bởi những lo toan buồn dọc. Là thời điểm chuyển tiếp của giao mùa, là nơi giao nhau giữa những cảm xúc bình yên và dậy sóng, tháng 11 cũng mang đến cho ta cảm giác của một con số của sự bắt đầu - bước đầu tiên, của cái tôi độc lập duy nhất, và ta không quên cảm giác của sự nhìn lại, phản chiếu và biết ơn. Để bắt đầu refresh chính mình cho những tháng cuối cùng của năm 2020 và chuẩn bị sớm cho 2021, mời bạn tham gia cùng Compassion ở các hoạt động nâng cấp mindset và đổi mới bản thân nhé:
Nội Dung Bài Đăng:
Hạnh phúc là nỗi trăn trở bất tận mà mỗi người đều mải mê truy cầu. Có người tìm hạnh phúc nhỏ nhoi, có người khát vọng hạnh phúc thật to lớn. Có người luôn thấy thỏa mãn sung sướng khi có được những thứ mình mong ước và gọi đó là hạnh phúc mỹ mãn. Có người không nắm bắt được những cái mình muốn và cảm thấy bất hạnh. Hạnh phúc thực sự đang ở đâu? Nếu chúng ta đặt hạnh phúc là thứ đối cực với bất hạnh thì liệu loại đi tất cả bất hạnh có giúp ta hạnh phúc thực sự?
Hạnh phúc - Mục đích tối thượng của cuộc sống - thực sự nghĩa là gì?
Sống, làm việc, viết lách, cũng như mọi thứ khác trên đời đều là hành trình đầy rẫy khổ ải lẫn vui sướng. Đó là một sự va đập của những con người, sự việc, sự vật, hoàn cảnh bên ngoài lẫn nội tâm bên trong mỗi người. Chính vì thế mới tạo nên Hạnh-Phúc-Trọn-Vẹn trong cuộc sống. Hạnh phúc không chỉ là hưởng thụ cảm giác dễ chịu một chiều với một màu tươi sáng thuần khiết. Bất hạnh, gian khổ với gam màu ảm đạm đen tối mới giúp con người trưởng thành và cuộc đời đơm hoa kết trái hạnh phúc.
Người ta thường chúc nhau hạnh phúc trong những dịp lễ lạc như năm mới, cưới hỏi, sinh nhật... hay hỏi han nhau “Are you happy? (Bạn có đang hạnh phúc không?)” với mặc định hạnh phúc là cảm giác vui sướng, dễ chịu, tích cực không mảy may có đau khổ, khó chịu, tiêu cực. Chúng ta quên rằng hạnh phúc luôn chứa đủ mọi sắc thái đậm nhạt khác nhau trong đó. Nếu có một từ nào để diễn tả hạnh phúc với ý nghĩa đầy đủ này thì chính là ‘bittersweet” - nỗi đắng cay ngọt ngào. Giả như chúng ta chỉ nếm trải một nửa mùi vị của hạnh phúc trong đời chỉ một khuôn mẫu cứng nhắc là ‘ngọt ngào’ hay ‘đắng cay’ hoặc chỉ trải nghiệm các sắc thái hạn hẹp của hạnh phúc thì không sao cả. Đích thị, lúc đó chúng ta cũng cảm thấy hạnh phúc với chính gam sắc, mùi vị tại thời điểm ấy. Dù không toàn vẹn nhưng đó cũng chính là ‘Hạnh Phúc’.
Chúng ta có xu hướng chối bỏ những thứ lạ lẫm với mình cho dù đó là bất hạnh, các xúc cảm đau khổ, khó chịu và ngay cả hạnh phúc (nếu ta quen sống trong cảnh khổ cực, đau thương thì ‘được hưởng hạnh phúc vui sướng’ là thứ ‘xấu xa’ với ta). Đặc biệt trong các hoàn cảnh chuyển đổi hoàn toàn hay bước ngoặt cuộc đời. Khi đó chúng ta sẽ tiếp nhận thêm mặt phía bên kia hoàn toàn đối nghịch của Hạnh-Phúc-Trọn-Vẹn. Đó là cơ hội tuyệt vời để chúng ta có thể bứt phá trưởng thành và cảm nhận được phẩm vị tuyệt vời của nhân gian, đó là ‘bittersweet” - nỗi đắng cay ngọt ngào. Lúc đó chúng ta sẽ trân trọng được cả bất hạnh đau khổ lẫn hạnh phúc vui vẻ mình đã và đang trải qua trong một hình hài mới đầy đủ hơn, toàn diện hơn.
Hãy đường đường chính chính đối diện và chấp nhận bất cứ khía cạnh nào của hạnh phúc mà chúng ta đang cảm nghiệm. Ngọt bùi cũng tốt, đắng cay cũng ổn. Điều cốt yếu là chúng ta vẫn còn khả năng dám trải nghiệm và cảm nhận mọi mặt cuộc sống: “How are you, HAPPY?”
Hạnh phúc - Tìm kiếm sự hưởng thụ hay tự tay kiến tạo?
Khi chúng ta tìm thấy những cảm giác, xúc cảm dễ chịu, vui thích từ người khác và những thứ bên ngoài mang lại thì chúng ta vẫn trải nghiệm được hạnh phúc. Đó là khi chúng ta nhận về hay hưởng thụ hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu chúng ta lệ thuộc vào thứ hạnh phúc một chiều này thì sẽ tự làm lụi tàn đi khả năng trao đi và tự tạo tác hạnh phúc cho bản thân mình và người khác. Hạnh phúc vốn dĩ là thứ ai cũng có đầy đủ khả năng tạo dựng và cảm thụ ngay trong chính bản thân mình. Một khi mất một trong hai khả năng này thì chúng ta sẽ khó lòng cảm nghiệm được Hạnh-Phúc-Trọn-Vẹn. Mà có lẽ khi đó ta chỉ cảm nhận được thứ vui sướng hạnh phúc hời hợt, phiến diện hoặc tự ngã vào vũng bùn bất hạnh không vùng vẫy thoát ra được.
Làm sao để tăng khả năng cảm thụ hạnh phúc? Hãy tăng sự nhạy cảm tinh tế của chính mình lên với cả thân thể, cảm xúc, lý trí và tinh thần. Chúng ta có thể làm được khi dám lột bỏ những lớp mặt nạ, khiên giáp để sẵn sàng phơi mình tiếp xúc sâu sắc với mỗi cái khẽ chạm của cuộc sống, của sự vật, sự việc, của thiên nhiên, thực vật, động vật, của vũ trụ bao la… và nhất là con người. Không ai có thể đảm bảo mọi sự tiếp xúc đó đều an toàn, dễ chịu, mang lại thứ hạnh phúc vui vẻ. Tuy nhiên chắc chắn rằng chúng ta sẽ càng nhạy cảm hơn và khiến khả năng cảm nhận tinh tế mọi khía cạnh của Hạnh-Phúc-Trọn-Vẹn của chúng ta phát triển hơn. Chúng ta càng tinh tế cảm thụ cuộc sống thì chúng ta càng dễ dàng cảm nhận hạnh phúc từ bất kỳ những thứ thường hằng nhỏ bé ngay trước mắt và ngay trong nội tâm mình.
Kiến tạo Hạnh-Phúc-Trọn-Vẹn chính là trao đi yêu thương. Người ta nói rằng, hạnh phúc là sẻ chia. Nhưng ta phải có thứ gì đó thì mới trao đi được. Bởi vậy, khả năng tạo tác hạnh phúc rất quan trọng. Tự túc trong việc tạo ra hạnh phúc và tự hưởng thụ điều hạnh phúc mình tạo ra chính là tự yêu thương bản thân. Tạo ra hạnh phúc và chia sẻ điều đó ra bên ngoài chính là yêu thương người khác, yêu thương thế giới. Hạnh-Phúc-Trọn-Vẹn là nỗi cay đắng ngọt ngào nên yêu thương không chỉ mang lại niềm vui mà cả niềm đau để cho nhau phát triển hơn. Có thể ai trong chúng ta không muốn cố tình làm tổn thương hay làm người thương yêu bất hạnh. Mặc dù vậy, nếu buộc phải cứng lòng tạo ra ‘bất hạnh’ để họ trưởng thành hơn thì hãy sẵn sàng làm với tâm thế của lòng yêu thương trắc ẩn dành cho chính ta và cho người ấy.
Chúng ta cảm thụ được hạnh phúc trên các bình diện thân thể, cảm xúc, lý trí và tinh thần thì ngược lại chúng ta phải tạo tác ra được hạnh phúc dưới dạng vật chất, xúc cảm, suy nghĩ và tinh thần. Có thể nói chúng ta tạo ra được hạnh phúc dạng nào thì ta cảm thụ được hạnh phúc ở phương diện đó. Và điều ngược lại cũng đúng, chúng ta cảm thụ hạnh phúc bình diện nào thì ta có thể tạo ra được hạnh phúc ở khía cạnh đó. Chính vì vậy, để cảm nhận Hạnh-Phúc-Trọn-Vẹn chúng ta không chỉ biết cảm thụ và tạo tác mà còn cần cảm và tạo đủ rộng và sâu trên mọi khía cạnh. Không nhất thiết phải tạo ra hạnh phúc toàn diện và sâu sắc trong mỗi một tương tác. Chúng ta hãy chủ tâm tạo ra hạnh phúc tốt nhất có thể trong từng khoảnh khắc, trong từng mối tương giao và miễn sao trên tổng thể nói chung ta tạo được Hạnh-Phúc-Trọn-Vẹn với đầy đủ phương diện và mức độ sâu sắc.
Hạnh phúc đủ đầy, sống sao cho chất
Hạnh phúc có quá khó khăn để tạo ra trong từng khoảnh khắc trôi qua mỗi ngày không? Có lẽ câu trả lời là cảm thụ và tạo tác hạnh phúc cũng khó khăn, đầy thử thách như việc hít thở và trái tim đập liên tục mỗi ngày khi ta còn sống vậy. Bạn, tôi và cả chúng ta nếu vẫn đang còn sống nghĩa là đâu đó vẫn còn đang hạnh phúc. Hạnh phúc khác nhau với mỗi người vì bản chất cuộc sống chính là muôn màu, đủ vị, đầy sắc hương như thế. Nếu bạn đang ‘un-happy’ thì cứ thành thật nói ra như thế. Trên thế giới bao la này sẽ có đôi tai và trái tim biết thấu cảm sẵn sàng yên lặng lắng nghe bạn nói rằng mình đang 'un-happy', khi đó bạn sẽ cảm nhận được mặt ‘happy’ chưa nhận ra trong mình. Đắng cay xen lẫn ngọt ngào - niềm Hạnh Phúc này sao tròn vị, đủ đầy đến thế!
“Hạnh phúc chỉ riêng mình hạnh phúc thì không đủ, bởi chính bất hạnh mới làm cho hạnh phúc vẹn toàn”
Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề:
Hoạt động liên quan đến bài viết:
Sẽ đến lúc nào đó trong đời chúng ta sẽ chạm tới ngưỡng khủng hoảng bản sắc cá nhân. Bạn sẽ đứng trước câu hỏi lớn của cuộc đời:
Bây giờ tôi có phải là tôi không?
Nếu tôi không phải là tôi thì tôi là ai?
Nếu có lúc nào đó bạn thấy mình KHÔNG-LÀ-AI-CẢ thì hãy nhìn vào những dấu vân tay trên đôi bàn tay mình, và cả những đường chỉ tay trong lòng bàn tay. Nơi đây đã ghi dấu ấn rành rành, không thể chối cãi về bản sắc riêng biệt của bạn mà không bất cứ ai trên đời này sở hữu giống y chang bạn. Hãy tự tin giơ tay khẳng định “Tôi là chính tôi!”
Hãy đến cùng Compassion làm nên dấu ấn của riêng mình trong chương trình “Becoming Me - Hành Trình Trở Thành Chính Mình“
-- Người viết: Anhdao Le ; Người biên tập: Phạm Đại Bàng
Σχόλια