Compassion.vn đã đăng tải loạt bài về self-esteem (lòng tự tôn), về lợi lạc của một lòng tự tôn lành mạnh và vấn đề từ lòng tự tôn thấp (low self-esteem). Tuy nhiên, ở bài đăng này, cho chúng ta một góc nhìn khác, về việc nếu không có một lòng tự tôn cao (high self-esteem) thì có thể thành công hay không? câu trả lời nhờ self-compassion (tự thấu cảm hay tự trắc ẩn). Xin mời bạn đọc bài đăng bên dưới nhé.
Nếu bạn tìm kiếm từ khóa Self-Help trên trang Amazon, bạn sẽ tìm thấy khoảng 5.000 đầu sách với tiêu đề Self-Esteem. Phần lớn những cuốn sách này không chỉ cho bạn biết lý do tại sao bạn cứ mãi cảm thấy thiếu tự tin, kém cỏi (low self-esteem - lòng tự tôn thấp), mà nó còn chỉ ra cho bạn làm thế nào để có thể cải thiện điều này và trở nên thành công hơn. Đây là một ý tưởng kinh doanh hàng đầu bởi lòng tự tôn, ít nhất là trong nền văn hóa phương Tây, được xem như là nền tảng của sự thành công cá nhân. Theo logic, bạn không thể có bước chuyển tiến trong cuộc sống trừ khi bạn tin rằng bạn là một con người hoàn toàn tuyệt vời.
Và dĩ nhiên, theo những gì lý thuyết nói, chính bạn phải thật tốt đẹp để duy trì niềm tin vào sự hoàn hảo của bản thân - vì thế, bạn luôn sống trong nỗi sợ hãi thầm lặng rằng mình sẽ phạm sai lầm, và bạn sẽ cảm thấy thật tồi tệ khi mắc lỗi. Cách phòng thủ duy nhất của bạn là tái tập trung sự chú ý của mình vào tất cả những điều bạn làm tốt, vuốt ve cho cái tôi của chính mình cho đến khi nó quên đi phần tồi tệ đáng xấu hổ ấy và dần chuyển sang một thứ gì đó khiến bạn hài lòng và thỏa mãn hơn.
Khi bạn nghĩ về những gì đã có trên sách vở, điều này có vẻ như không thật sự chính xác là một phương pháp để thành công, phải không? Thật vậy, những đánh giá gần đây trong các nghiên cứu về lòng tự tôn cao (high self-esteem) đã đi đến kết luận đáng lo ngại rằng nó không tốt như những gì người ta vẫn nói. Cái tôi cá nhân cao không nói trước được rằng sự thể hiện của họ sẽ tốt hơn hoặc sự thành công sẽ lớn hơn. Và mặc dù những người có lòng tự tôn cao thực sự nghĩ rằng họ thành công hơn, khách quan hơn, nhưng thật sự thì không phải vậy. Lòng tự tôn cao không giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả hơn, một người yêu lôi cuốn và quyến rũ hơn, có nhiều khả năng để có một lối sống lành mạnh, hoặc sẽ thu hút và thuyết phục người đối diện hơn trong một cuộc phỏng vấn. Nhưng nếu Stuart Smalley (người có câu nói nổi tiếng: "I'm good enough. I'm smart enough. And doggone it, people like me." sai, và lòng tự tôn cao (cùng với sự quả quyết không ngừng nghỉ mỗi ngày về sự tuyệt vời của chính bạn) không phải là câu trả lời cho tất cả những vấn đề của bạn, thì đó là gì?
Các nghiên cứu mới từ Đại Học Berkeley, do Juliana Breines và Serena Chen, cho rằng tự thấu cảm (self-compassion), thay vì lòng tự tôn cao, có thể là chìa khóa để mở ra tiềm năng thực sự của bạn để đến với sự vĩ đại hơn.
Lúc này, tôi biết rằng một số người đã hoài nghi về thuật ngữ tự thấu cảm. Nhưng đây là một lập luận dựa trên dữ liệu khoa học - không phải là thuật ngữ tâm lý mỳ ăn liền. Vì vậy, hãy kiên nhẫn và đã đến lúc mở lòng mình ra để đón nhận cái mới.
Tự thấu cảm là sự sẵn lòng nhìn vào những sai lầm và khuyết điểm của bạn bằng lòng bao dung và sự hiểu biết – có một sự thật luôn bao trùm rằng sai lầm là một phần của con người. Khi bạn tự nhìn nhận và cảm thấu mọi thứ một cách sâu sắc, thì lúc đối diện với khó khăn, bạn sẽ không còn phán xét bản thân một cách gay gắt nữa, cũng không còn cảm thấy mình cần phải tập trung phòng thủ và che giấu những điểm yếu và dồn hết vào tất cả những phẩm chất tuyệt vời của bạn để bảo vệ cái tôi của chính mình. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi lòng tự thấu cảm là thứ dẫn đường, cũng như nhiều nghiên cứu cho thấy, để mức độ hạnh phúc cá nhân trở nên cao hơn, thì sự lạc quan và vui vẻ cũng sẽ làm giảm bớt lo âu, trầm cảm.
Nhưng về hiệu quả của nó thì sao? Tự thấu cảm có thể mang lại cảm giác tích cực, nhưng chẳng phải những người nghiêm khắc hơn với bản thân họ, những người được thúc đẩy để luôn luôn trở thành phiên bản tốt nhất thì liệu đến cuối cùng có nhiều khả năng hơn để đạt được thành công không?
Để trả lời câu hỏi đó, điều quan trọng là phải hiểu được những gì không nằm trong phạm trù của sự thấu cảm. Trong khi tinh thần của sự tự thấu cảm ở một mức độ nào đó được ghi nhận qua các biểu hiện như cho phép bản thân nghỉ ngơi và thả lỏng, thế nhưng điều đó không giống như việc né tránh vấn đề hoặc hạ thấp kỳ vọng. Bạn có thể đặt mình vào suy nghĩ của người khác để thấu hiểu họ hơn trong khi vẫn chịu trách nhiệm cho những hành động của chính mình. Bạn có thể tự mình nhìn nhận mọi chuyện một cách thấu đáo và trọn vẹn nhất khi bản thân phấn đấu cho những mục tiêu thách thức nhất - sự khác biệt không nằm ở nơi bạn muốn kết thúc, mà nó nằm ở cách bạn nghĩ gì sau những thăng trầm của cuộc hành trình mà bạn đã trải qua. Có một sự thật rằng, nếu bạn có sự tự thấu cảm, nghiên cứu mới đây cho thấy rằng bạn có nhiều khả năng thực sự để đi đến vạch đích cuối cùng của chính mình.
Trong các nghiên cứu mà họ đã thực hiện, Brienes và Chen yêu cầu những người tham gia đưa ra quan điểm với sự tự thấu cảm hoặc với sự tự tôn trong việc đánh giá những thất bại hay sai lầm. Ví dụ, khi được yêu cầu suy ngẫm về một điểm yếu cá nhân, một số người được yêu cầu “Hãy tưởng tượng rằng bạn đang thật lòng nói với chính mình về những điểm yếu dưới góc độ thấu cảm và am hiểu. Thì bạn sẽ muốn nói với bản thân điều gì?". Thay vì những người khác thì được yêu cầu tập trung vào việc tăng lòng tự tôn của họ: “Hãy tưởng tượng rằng bạn đang nói với chính mình về những điểm yếu này từ góc độ xác nhận những phẩm chất tích cực của bạn. Bạn sẽ muốn nói gì?"
Những người trải nghiệm sự thấu cảm có nhiều khả năng nhìn thấy điểm yếu của họ sẽ có thể thay đổi và khắc phục. Tự thấu cảm - khác xa với việc né tránh vấn đề - thực sự đã làm tăng động lực để giúp họ cải thiện và tránh lặp lại những sai lầm tương tự một lần nữa trong tương lai.
Động lực được gia tăng này rõ ràng đã dẫn đến hiệu suất vượt trội. Chẳng hạn, trong một nghiên cứu, những người tham gia thất bại trong bài kiểm tra ban đầu được trao cơ hội thứ hai để cải thiện điểm số của họ. Những người có sự thấu cảm và nhìn nhận bản thân về thất bại trước đó của họ, con số đã nghiên cứu cho thấy rằng hiệu suất học tập dài hơn 25% và họ đã đạt điểm cao hơn trong bài kiểm tra thứ hai, so với những người tham gia tập trung vào việc củng cố lòng tự tôn của họ.
Tại sao lòng thấu cảm lại có sức tác động mạnh mẽ như vậy? Phần lớn, vì nó không mang tính đánh giá - nói cách khác, cái tôi của bạn thực sự không còn chiếm một vị trí quá quan trọng nữa - bạn có thể đương đầu với sai sót của mình và đối diện với nhược điểm của chính bạn. Bạn có thể có được cảm nhận thực tế về khả năng và hành động của mình, và hiểu ra những gì cần phải thực hiện khác đi trong lần sau.
Thay vào đó, khi bạn tập trung vào việc bảo vệ lòng tự tôn của mình, dù bạn không thể có đủ khả năng để nhìn nhận bản thân một cách trung thực. Bạn không thể thừa nhận rằng đó là điều cần thiết phải cải thiện, bởi vì như vậy nghĩa là bạn đã thừa nhận điểm yếu và thiếu sót – và đó chính là mối đe dọa đối với lòng tự tôn, nó tạo ra cảm giác lo lắng, bất an và trầm cảm. Làm thế nào bạn có thể học cách làm mọi thứ đúng đắn hơn trong khi việc thừa nhận điểm yếu cứ mãi dần giết dần bạn - ngay cả với chính bạn cũng không có sự ngoại lệ - rằng bạn đã làm sai?
Đây là một sự thật không thể tránh khỏi: Bạn sẽ mắc phải vô số lỗi lầm. Tất cả mọi người - kể cả những người rất thành công – đều mắc phải vô số lỗi lầm. Chìa khóa để thành công là, như mọi người đều biết, học hỏi từ những sai lầm đó và tiếp tục tiến về phía trước. Nhưng không phải ai cũng biết làm thế nào. Tự thấu cảm là cách bạn đang tìm kiếm. Vì vậy, xin hãy cho phép bản thân mình được nghỉ ngơi.
Người dịch: Hải Yến
Bài gốc tiếng Anh: https://hbr.org/2012/09/to-succeed-forget-self-esteem.html
Về Compassion: www.compassion.vn/about
Các sự kiện từ Compassion: www.compassion.vn/events
Comments