Đôi lời từ ban biên tập Compassio:
Đại dịch Covid không chỉ tạo ra những rào chắn bên ngoài, khiến chúng ta chia xa người thân, bạn bè; tạm ngưng những dự định, kế hoạch... Nó còn buộc ta phải đối diện với những ranh giới bên trong, những “không gian rỗng” – chỉ mình ta biết, mà nhịp sống bình thường có thể cho ta lý do lảng tránh, hoặc tìm cớ lấp đầy bằng những điều bộn bề khác.
Việc đối diện, chấp nhận, và xử lý các vấn đề cá nhân trong giai đoạn căng thẳng này, thực sự chẳng dễ dàng. Mức độ khó khăn còn tăng lên gấp bội khi ta ở cùng với người yêu/ vợ, chồng, con cái…, bởi cuộc khủng hoảng lúc này không còn là “của riêng ai” nữa. Thậm chí, nó tác động qua lại và ảnh hưởng quan trọng đến những mối quan hệ gần gũi, gắn bó. Xung đột, mâu thuẫn xảy ra là điều chúng ta không thể phủ nhận, né tránh, hay tỏ ra “chẳng có gì”. Chúng ta trân trọng đối phương. Chúng ta muốn bảo vệ mối quan hệ này.
Vậy, chúng ta có thể làm gì để vượt qua khủng hoảng trong đại dịch cùng nhau?
Nghiên cứu này tìm hiểu về ảnh hưởng của đại dịch đối với những mối quan hệ lãng mạn cũng như đưa ra vài gợi ý để duy trì sự gắn bó và kết nối.
Viết bởi Kira M.Newman
Nghiên cứu này được khởi động để đề cập đến câu chuyện về tình hình chung sống của các cặp đôi trong đại dịch. Và câu chuyện đó vẫn đang tiếp diễn - đến nay - suốt nhiều tháng, khi số lượng các ca bệnh tiếp tục tăng trên toàn thế giới.
Để lấy ví dụ về sự ảnh hưởng, vào tháng 3 năm 2020 tình trạng lý hôn tăng cao ở nhiều nơi tại Trung Quốc. Nhưng đó chỉ là một phần câu chuyện. Sự thật, đăng ký kết hôn cũng "nở rộ" ở Vũ Hán vào mùa Xuân năm ngoái. 53% người Trung Quốc được khảo sát vào năm 2020 cho biết các mối quan hệ lãng mạn của họ được cải thiện kể từ đại dịch. Cùng thời điểm đó, có nhiều phát hiện khác nhau về việc liệu những người đã kết hôn hạnh phúc hơn hay cảm thấy tồi tệ hơn những người độc thân trong thời gian COVID.
Dành cả ngày - ngày này qua ngày khác với đối phương và trở thành "hệ thống hỗ trợ" duy nhất của họ dễ làm các cặp đôi trở nên căng thẳng - hoặc có thể khiến họ gần gũi hơn. Chúng tôi chưa biết kịch bản nào sẽ chiếm ưu thế.
"Khoảng thời gian khó khăn, khủng hoảng - hoặc sẽ mang mọi người đến gần nhau - hoặc sẽ khiến họ xa rời nhau", theo như Yachao Li và Jennifer A. Samp đã viết trong một bài báo năm 2021, có tên "Tác động của đại dịch COVID-19 lên các mối quan hệ chưa thật sự rõ ràng".
Không chỉ vậy, cách tốt nhất để các cặp đôi ứng phó hiệu quả và duy trì được kết nối trong tình trạng này vẫn đặt ra nhiều câu hỏi. Làm thế nào chúng ta có thể hỗ trợ người thương trong nhiều tháng như vậy, khi bản thân chúng ta cũng đang phải đối mặt với những căng thẳng đang hiện hữu? Làm thế nào chúng ta có thể vun đắp niềm vui và sự thân mật khi chúng ta dường như vừa có quá nhiều, nhưng lại cũng quá ít thời gian cùng nhau?
Các nghiên cứu trước đó về đại dịch ở Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc và xa hơn thế nữa đã cung cấp một số manh mối về điều gì đang diễn ra đằng sau những cánh cửa đóng kín trên toàn thế giới - và những gì chúng ta có thể làm để duy trì tình yêu và sự kết nối trong cuộc khủng hoảng toàn cầu này.
Cuộc sống cặp đôi trong Đại dịch COVID
Khi đại dịch ập tới, cuộc sống của mọi người đã trở nên xáo trộn - bao gồm những gắn bó gần gũi trong các mối quan hệ thân thiết. Các cặp đôi đã phải đối mặt với sự chuyển dịch đột ngột khi phải chăm con ở nhà, chuyển sang làm việc online, hoặc theo cách trở nên nguy hiểm hơn, tất cả đều có các mức độ rủi ro khác nhau. Họ cần hỗ trợ nhau vượt qua căng thẳng và sợ hãi.
Trong suốt ba tuần đầu phong tỏa ở Thụy Điển, các nhà nghiên cứu đã khảo sát hơn 400 người trưởng thành về mối quan hệ của họ đã thay đổi thế nào trong suốt thời gian ấy. Một team dẫn dắt bởi Cristina Günther-Bel miệt mài nghiên cứu chủ đề này với hơn 13.000 từ mà những người tham gia đã viết. Họ đã thấy 62% người tham gia xác nhận có một số cải thiện trong mối quan hệ của họ kể từ khi phong tỏa.
Phổ biến nhất, khi nhiều người nói rằng họ đã kết nối trở lại với đối tác của mình bằng khoảng thời gian dành cho nhau, chậm lại một chút, và nhận ra giá trị đầy đủ của nhau. Họ đề cập đến những điều cần chú ý bằng cách giao tiếp nhiều hơn, truyền tải nhu cầu và cảm xúc của họ, cùng vượt qua những xung đột mà họ đã từng né tránh, che giấu nhau. Với mỗi người trên con thuyền COVID-19, đại dịch cũng đã sáng tạo ra tinh thần làm việc nhóm dựa trên lịch trình, sự cân bằng nhu cầu của mọi người, và hỗ trợ lẫn nhau trong suốt thời kì khó khăn.
Theo như thống kê, các cặp đôi thường tranh cãi nhiều hơn trong mối quan hệ khi họ có những đứa con để chăm sóc, mặc dù những điều này đã được cải thiện khi tình trạng phong tỏa diễn ra. Các cặp đôi trẻ dường như trở nên thân thiết hơn so với các cặp đôi có tuổi. Một sự khác biệt trong nghiên cứu của Germans ở độ tuổi 14-95 đã đi đến kết luận tương tự. Mối quan hệ giữa những người trẻ đã được cải thiện từ giữa tháng Hai đến tháng Tư năm 2020, nhưng mối quan hệ của những người lớn tuổi dần trở nên tồi tệ hơn.
Dĩ nhiên, đại dịch không hoàn toàn phù hợp với chuyện tình cảm lãng mạn. Ngoài trạng thái gắn bó thân thiết và được công nhận, cổ vũ từ đối phương, những cặp đôi người Tây Ban Nha cũng viết về cảm giác cô đơn và khoảng cách với nhau. Họ trở nên căng thẳng và tranh luận nhiều hơn. Các cặp đôi trẻ ở Mỹ nói rằng họ đã trải nghiệm sự sợ hãi, giận dữ và đau buồn nhiều hơn trong những hành động ảnh hưởng qua lại giữa họ, so với trước đại dịch. Khi xung đột dâng cao, nó có xu hướng tràn vào kết nối thể xác và tình cảm của các cặp đôi. Vì vậy, họ ít ôm, hôn và quan hệ tình dục như trước.
Mối quan hệ thậm chí cần nhiều nỗ lực hơn đối với những người có người yêu/vợ/chồng mang trong mình kiểu gắn bó không an toàn (insecure attachment style) - những người gặp khó khăn trong việc thiết lập mối liên kết an toàn, ổn định. Những người "cần khoảng cách" trong mối quan hệ với kiểu gắn bó né tránh thường cảm thấy ít được ủng hộ, ít khả năng xử lý vấn đề và thiếu cảm giác gần gũi thân thiết. Những người đeo bám - với kiểu gắn bó lo âu cũng cảm thấy ít được hỗ trợ và gắn kết khi ở nhà, cũng như có nhiều hỗn loạn và nhiều vấn đề nảy sinh hơn (như giao tiếp kém hiệu quả hay thiếu cảm giác thích thú, lôi cuốn). Tùy vào kiểu gắn bó, đối phương có thể cần nhiều hơn khoảng không gian riêng tư trong những giới hạn của thời gian phong tỏa, hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ và trấn an nhưng không nhận được điều đó, như Giáo sư Nickola Overall đã nói tại trường Đại học Auckland.
Tóm lại, đại dịch khiến tình trạng tồi tệ hơn với những mối quan hệ vốn đã gặp khó khăn. Điều đó bao gồm các mối quan hệ bị căng thẳng bởi sự bất bình đẳng xã hội lớn hơn. Ví dụ, những người trong mối quan hệ đồng giới trở nên ít hài lòng hơn về mối quan hệ của họ trong đại dịch, đặc biệt là những người da màu và những người không thoải mái về xu hướng tình dục của mình.
Bên cạnh đó, bất bình đẳng cũng ảnh hưởng đến phụ nữ - những người bị tác động nặng nề bởi đại dịch khi họ mất việc làm, đảm nhận phần lớn trọng trách chăm con và đảm đương công việc nhà - điều này dường như cũng ảnh hưởng đến các mối quan hệ của họ. Theo một nghiên cứu ở New Zealand mà Overall là đồng tác giả, những người phụ nữ cảm thấy đại dịch đã phân công lao động trong chính ngôi nhà của họ một cách không công bằng, gây nên nhiều vấn đề trong mối quan hệ và họ ít hài lòng với điều đó.
Làm thế nào để cùng nhau (tái) kết nối và ứng phó trước khó khăn.
Nếu căng thẳng gia tăng giữa bạn và đối phương, có lẽ trước đây bạn đã phớt lờ nó. Rồi thì, mọi thứ đã đủ dồn nén ở thời điểm hiện tại. Và điều cuối cùng bạn cần là bắt đầu một cuộc tranh luận lớn tiếng khác. Theo một nghiên cứu vào tháng Tư 2020, tránh đối đầu chính xác là những gì mọi người đã làm khi họ cảm thấy COVID đang can thiệp nhiều hơn vào cuộc sống hàng ngày của họ. Tin xấu rằng những người như vậy ít hài lòng khi ở cùng nhau, bởi các vấn đề vẫn đang ngấm ngầm mưng mủ bên dưới bề mặt "lành lặn" của nó.
Thỏa thuận với xung đột là điều cốt yếu, đây là tranh luận giữa Li và Samp. Một bài báo năm 2021 gợi ý một hoạt động có thể hỗ trợ việc này: nhìn nhận lại. Trong nghiên cứu này, hơn 700 người sinh sống tại Mỹ cùng người thương thử các hoạt động thực hành viết khác nhau, bao gồm việc viết về những xung đột với đối phương từ quan điểm của bên thứ ba trung lập, cố gắng mang những điều luẩn quẩn trong đầu họ ra ngoài, và nhìn nhận tình hình với nhiều góc nhìn khác nhau.
Trong hai tuần kế tiếp, những người thực hành kỹ thuật này gặp ít bất đồng hơn, ít to tiếng hơn, ít đe dọa và lăng mạ hơn trong mối quan hệ so với những người chỉ đơn giản viết ra những cảm xúc của họ về cuộc xung đột, hoặc thực hiện các hoạt động viết lách khác. Tất cả những điều này được chuyển thành sự hài lòng hơn trong mối quan hệ cặp đôi.
Có một kỹ thuật dễ dàng khác mà bạn có thể thử: để đại dịch chịu trách nhiệm.
Một nghiên cứu của Hoa Kỳ đã khảo sát những người sống với đối phương của họ vào mùa xuân năm 2020 và một lần nữa vào cuối năm 2020. Khi phụ nữ bị căng thẳng, những người nhìn nhận rằng đại dịch là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề (thay vì đổ lỗi cho chính họ hoặc đối phương) hài lòng hơn với các mối quan hệ của họ và ít tham gia vào các hành vi gây hại cho mối quan hệ hơn, như chỉ trích, xúc phạm, trở nên thiếu kiên nhẫn hoặc từ chối giao tiếp. Tuy nhiên, tác động này không ảnh hưởng đến nam giới, có thể vì phụ nữ đang trải qua những căng thẳng tồi tệ nhất của đại dịch, dựa theo suy đoán của Austin's Lisa A. Neff tại trường Đại học Texas và đồng tác giả.
Bên cạnh việc tìm cách ứng phó với căng thẳng và xung đột gia tăng, các cặp đôi cũng có thể nỗ lực một cách có chủ ý để kết nối và giao tiếp cùng nhau.
Năm 2020, các nhà nghiên cứu đã thiết kế một hoạt động kéo dài hai tiếng là “Nhận thức, Dũng cảm và Yêu thương”. Các cặp đôi người Mỹ tham gia hoạt động này cảm thấy gần gũi hơn ngay lúc đó và ít nhất một tuần sau, so với các cặp vợ chồng chỉ xem một bộ phim cùng nhau. Hoạt động bao gồm giao tiếp bằng mắt, thiền có hướng dẫn, ghi nhật ký về mối quan hệ và chia sẻ những gì họ đã viết, dành những lời cảm kích cho đối phương. Và trò chuyện hàng tuần với những câu hỏi như sau:
Có khó khăn gì trong tuần này mà em/anh muốn chia sẻ cùng anh/em không?
Khi nào anh/em cảm thấy gần gũi nhất hay xa cách nhất với em/anh trong tuần rồi?
Có điều gì mà anh/em đang né tránh vì ngại hay không muốn nói ra với em/anh không?
Điều gì khiến anh/em đánh giá cao (ghi nhận sự hỗ trợ) về em/anh trong tuần qua?
Bằng cách nào em/anh có thể tự chăm sóc bản thân mình tốt hơn?
Bằng cách nào anh/em có thể đồng hành cùng em/anh tốt hơn?
Có bất cứ điều gì mà em/anh muốn nói cho anh/em biết không?
Tuy không nói ra bằng lời, nhưng một cách khác để củng cố mối quan hệ là nỗ lực - bằng tất cả những gì có thể - để hỗ trợ đối phương. Trong thời gian COVID, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những người cảm thấy được người thương hỗ trợ nhiều hơn sẽ bày tỏ lòng biết ơn và ít căng thẳng hơn, cảm thấy cam kết và tự tin hơn, cũng như đến gần với việc đạt được mục tiêu hơn.
Làm thế nào để trở thành một người đồng hành cùng đối phương trong đại dịch?
Trong hoàn cảnh này, một "đối phương hỗ trợ" trông như thế nào?
Trong một nghiên cứu vào năm 2020, nhà trị liệu mối quan hệ Laura Vowels và nhóm của cô đã phỏng vấn 48 người và hỏi họ ''Các bạn đã hỗ trợ nhau như thế nào trong suốt đại dịch để đạt được các nhiệm vụ và mục tiêu? Cách mà các bạn hỗ trợ lẫn nhau đã thay đổi như thế nào do hậu quả của đại dịch?"
Theo câu trả lời của họ, "đối phương hỗ trợ" sẽ làm điều bản thân họ có thể làm và luôn có một tinh thần linh hoạt và hợp tác. Khi đại dịch ập đến, họ đã tìm cách chia sẻ không gian chỗ làm việc và chia sẻ việc nhà, vì thế mỗi người đều có thể làm việc mà mình cần làm. Họ ủng hộ người kia bộc lộ bản thân để nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau, như gia đình và bạn bè. Họ bổ sung nguồn cảm hứng, sự trấn an, cảm giác thoải mái và được chấp nhận (và họ cố gắng không gây cản trở đối phương). Việc lồng ghép hỗ trợ là "chúng ta đang ở trong vấn đề cùng nhau và chúng ta đang nỗ lực cùng nhau để giải quyết những gì được chia sẻ mà người này không cảm thấy bị đè nặng bởi nhu cầu của người kia. Cũng như khi bạn nhận được hỗ trợ, bạn không cảm thấy mình vô dụng và thiếu năng lực" - Overall nói.
Vài hoạt động khác mà các cặp đôi đã thử trong suốt đại dịch, bao gồm:
Dành thời gian cho nhau: Lên kế hoạch cho buổi hẹn hò, và trò chuyện cùng nhau.
Đặt ranh giới: Sắp xếp thời gian ở một mình, và chắc chắn mỗi người đều có không gian riêng tư.
Thực hành chánh niệm: Tử tế và kiên nhẫn trong các tương tác với đối phương và kiểm tra sức khỏe tinh thần của nhau.
Hướng đến cuộc sống "bình thường mới", hoặc ít nhất là thoát khỏi tình trạng bế tắc, Vowels hy vọng sẽ thấy một vòng chuyển đổi và thương lượng khác giữa các cặp đôi. Người trong cuộc sẽ phải cân bằng lại các mức độ rủi ro khác nhau và sắp xếp lại các thứ tự ưu tiên có thể đã thay đổi trong đại dịch.
Vowels cho biết: “Nếu các cặp đôi thực sự có thể đối thoại mở về những điều này, nó tốt hơn nhiều so với việc chỉ giả định rằng 'chúng ta đang trở lại bình thường', bởi vì đó có thể không phải là suy nghĩ của người kia".
Đối mặt với một cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19, mối quan hệ của chúng ta nhất định phải dịch chuyển và thay đổi. Theo các nhà nghiên cứu, đó là điều bình thường và đáng được mong đợi.
Hôm nay, chúng ta có thể thấy mình yêu mến và biết ơn người thương, người bạn đời của mình. Nhưng lại không thể chịu đựng được tiếng nói của họ vào ngày hôm sau. Trong khi một số người quyết định chia tay và những người khác thì đính hôn, đối với nhiều cặp đôi, thực tế có thể là sự giao thoa: một chút gần gũi, gắn bó mới. Cùng một số áp lực và căng thẳng mới.
Ngay cả khi câu chuyện của bạn không phải là một chuyện tình mùa cách ly ấm cúng, lãng mạn, bạn vẫn có thể ăn mừng khi cùng nhau vượt qua giai đoạn thật sự khó khăn này.
Bài đăng liên quan hoặc cùng chủ đề
Thông Tin Về Bài Đăng:
Nguồn bài dịch: https://greatergood.berkeley.edu
Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng. Cộng tác sản xuất nội dung tại đây
Ủng hộ kinh phí sản xuất nội dung cho ban biên tập tại: Ủng hộ
Đội ngũ sản xuất:
Người dịch: Trang Huỳnh; Người biên tập: Nguyễn Diệu Linh; Người hiệu đính: Phạm Đại Bàng; Họa sĩ minh họa: Thục Uyên
Comments