Đây là bài viết của người viết Phạm Đại Bàng (viết tự do tại Phamdaibang.com và là founder của trang Compassio). Bài viết thể hiện góc nhìn & quan điểm cá nhân của tác giả, bên cạnh một số thông tin được thảm khảo, hỏi ý kiến của các 'đồng tác giả khách mời' (co-author) ở các phần khác nhau. Chuỗi bài viết, được đăng tải trên mục Opinion của Compassio (nội dung có sự 'review' bởi ban biên tập).
Phần 1 - Bạn muốn trở thành ai? (người tìm hiểu tâm lý - người ủng hộ tâm lý - nhà tâm lý bán chuyên - nhà tâm lý chuyên nghiệp).
Trong một vài năm làm việc liên quan đến lĩnh vực tâm lý (1), câu hỏi mà mình được hỏi nhiều nhất là ‘Làm thế nào để học, làm thế nào để làm về tâm lý?’.
Dù không phải là một nhà chuyên môn, người làm về tâm lý chuyên nghiệp, nhưng mình cũng từng trăn trở những câu hỏi tương tự, và có cơ hội tiếp xúc với nhiều người ở các góc độ khác nhau trong lĩnh vực tâm lý. Nên mình chia sẻ bài đăng về chủ đề này, với tư cách là một 'Advocacy - Người ủng hộ, thúc đẩy lĩnh vực tâm lý’. Đồng thời cũng là một nhà cung cấp dịch vụ tâm lý (thông qua Compassio của mình). Mọi chia sẻ trong chủ đề này đều là những quan sát cá nhân của riêng mình (không phải những nghiên cứu & thông tin chuyên môn).
Và trên hành trình ấy, có một điều khá thường xuyên, khi được hỏi 'làm thế nào’ thì điều mình thường làm là 'hỏi ngược lại’ một câu: Why - Tại Sao? mà không, phải là 'Big Why - Cái Tại Sao To Lớn' của bạn là gì. Lý do hỏi câu ấy, bởi vì theo mình, nó là nguồn cơn của hầu hết mọi thứ về sau.
Nên trong phần I (ở chuỗi 3 bài) của bài đăng này, mình sẽ đề cập đến: Động Lực & Mục Đích khi học & làm về tâm lý. Là khởi điểm cho mọi thứ về sau.
1. Điều Gì Thúc Đẩy Bạn? Mục Đích Của Bạn Là Gì?
Nếu ví von cuộc đời con người giống như một con tàu, thì Động Lực (Motivate) giống như một cỗ máy đẩy, còn Mục Đích (Purpose) giống một đầu máy kéo. Đưa bạn đến nơi mà bạn mong muốn.
Động lực thôi thúc chúng ta thức dậy vào mỗi sáng, ngay cả những sáng khó khăn và chán nản nhất. Còn mục đích khiến chúng ta duy trì điều mình muốn và làm cho nó đi đúng hướng.
Ở trong lĩnh vực tâm lý, một lĩnh vực thuộc Nghề Giúp (helping professions) (2), thì động lực và mục đích lại càng tối quan trọng. Tìm hiểu về động lực & mục đích, chính là trả lời được câu hỏi đặc biệt quan trọng: WHY/TẠI SAO.
a. Động lực: Vì người khác hay vì mình
Trong suốt quá trình trải qua các công việc khác nhau, ở nhiều lĩnh vực, điều mà cá nhân mình chiêm nghiệm và đúc rút ra. Ấy là mình cảm thấy hạnh phúc khi: Giúp đỡ được người khác.
Đây là một động lực to lớn với riêng bản thân mình, bất kể người khác ấy là khách hàng, đồng nghiệp, người xa lạ hay thậm chí… cả đối thủ. Khi mình giúp đỡ được người khác - mình còn thấy vui hơn cả khi được nhận tiền, được thăng tiến hay nâng lương trong công việc.
Động cơ ấy, mình gọi chung là: động lực hỗ trợ người khác. Đó là động lực lớn - thúc đẩy mình trong cuộc sống, và dần dần dẫn dắt mình đến với các lĩnh vực mang tính hỗ trợ. Trong đó có lĩnh vực tâm lý.
Điều thú vị khi mình tiếp xúc với các cá nhân, đội nhóm hoạt động trong lĩnh vực này. Mình nhận ra: gần như tất cả họ đều có động lực này giống mình (rất khác với lĩnh vực khác. Mà thậm chí còn là… trái ngược).
Có lẽ, không lĩnh vực nào mà động lực hỗ trợ người khác lại mạnh mẽ như Nghề Giúp. Và nó như một điều kiện tiên quyết để bạn theo đuổi sự giúp đỡ người khác. Bởi khi giúp người khác, bạn không những không cảm thấy mệt mỏi (về tinh thần) mà dường như còn được tiếp thêm sức lực.
Dù có là điều tiên quyết, thì ngoài vì người khác, đã là con người, theo mình ai cũng vì bản thân (vị kỷ). Trong lĩnh vực tâm lý, cũng không ít người xuất phát điểm là bởi vì muốn: hỗ trợ chính mình. Bởi vì chính mình gặp những khó khăn về tâm lý hay mong muốn chăm sóc tinh thần lành mạnh cho bản thân.
Tuy nhiên, hai động lực này có rất nhiều sự khác biệt - nó phần nào quyết định con đường của bạn khi bước vào lĩnh vực tâm lý. Mà mình sẽ phân tích ở mục số 2.
b. Mục đích: 'Làm vì sự vui thích’ hay 'làm để kiếm sống’?
Chúng ta thường nghe một câu đùa 'Làm vì đam mê, chứ có phải làm để kiếm tiền đâu’. Nghe có vẻ lạ, nhưng quả thực có rất nhiều việc mà chúng ta 'làm vì sự vui thích’. Và thậm chí chúng ta dành nhiều tâm sức để kiếm tiền, có thu nhập, để phục vụ cho những điều 'làm vì sự vui thích’ này.
Hai điều này, tuy đều là những mục đích chính đáng, nhưng không mấy khi trùng nhau. Mà đối với mỗi người lại mỗi khác.
Đối với lĩnh vực tâm lý, có những người bước đến chỉ vì niềm vui thích, bởi sự thú vị của tâm lý con người, hay bởi sự hấp dẫn của việc hiểu được tâm trí người khác - hoặc để phục vụ cho những nhu cầu trợ giúp tinh thần cho bản thân (và những người xung quanh).
Và mục đích ấy, sẽ khác xa, với những người bước đến lĩnh vực tâm lý là để: phục vụ mục đích có thu nhập - mục đích làm việc kiếm sống.
Hai mục đích này, cũng dẫn chúng ta đến với những con đường khác nhau. Mà ở đó sẽ yêu cầu, đòi hỏi việc 'học’ và 'làm’ khác nhau.
Tóm lại:
Nếu bạn không thực sự hiểu được động lực thôi thúc của bạn hay mục đích thực sự của bạn khi bước vào lĩnh vực tâm lý là gì. Nó sẽ khiến bạn đi sai hướng, hoặc bỏ cuộc giữa chừng.
Điều mà thực tế bản thân mình đã chứng kiến rất nhiều người dành khá nhiều công sức, tiền bạc, thời gian để học và thử theo đuổi lĩnh vực tâm lý - để rồi lại rẽ ngang lúc nửa đường.
Đấy là lý do vì sao, mà 'Why: Mục Đích, Động Lực’ luôn là những thứ 'Đầu Tiên Của Đầu Tiên’ mà mình hỏi mọi người.
2. Bạn Muốn Trở Thành Ai?
Lĩnh vực tâm lý, cũng giống như hầu hết các lĩnh vực khác, khi phát triển đến một mức độ hoàn thiện, nó đều rất rộng lớn, mà ở trong đó có rất nhiều vai trò, đối tượng khác nhau. Và đôi khi mỗi con đường là một đường hoàn toàn khác, không có cái gì giống cái nào.
Không phải ai khi học, tìm hiểu về tâm lý cũng sẽ trở thành Nhà trị liệu (therapist), nhà tham vấn (counsellor) hay một người hỗ trợ thân chủ nói chung (ví dụ coach, mentor, nhà tư vấn…). Mà đôi khi, việc học và tìm hiểu về tâm lý chỉ phục vụ cho mục đích cá nhân hay trở thành một 'nhà vận động, nhà thúc đẩy & ủng hộ’ lĩnh vực tâm lý.
Mỗi con đường này lại là một con đường hoàn toàn khác nhau. Mà nếu xác định sai ngay từ đầu thì việc học hay tìm hiểu sẽ dẫn đến các sự sai khác. Đôi khi trả nhiều giá đắt.
Vậy có những 'ai’ ở trong lĩnh vực tâm lý?
Câu trả lời là: còn tùy theo việc phân chia bằng cách nào. Nếu phân chia theo chuyên môn, sẽ khác. Nếu chia theo hình thức cung cấp dịch vụ, sẽ khác. Nếu chia theo hình thức tiếp cận (phương pháp, trường phái) sẽ khác… (mình sẽ đề cập đến các hình thức phân chia này ở các phần sau).
Trong phạm vi phần 1 này, mình đang đề cập sâu đến Mục Đích & Động Lực - nên mình phân chia 'ai’ ở đây thành 04 nhóm (3) (4). Mà mỗi nhóm sẽ liên quan đến 'con đường để học và trở thành’ khác nhau. Lộ trình và tiêu chuẩn của nhóm ấy cũng khác nhau hoàn toàn.
Trong đó, để 'học’ và 'làm’, cần có 02 điều quan trọng, mà mình sẽ đề cập xuyên suốt phần còn lại:
Điều 1: Yêu cầu về chuyên môn (bằng cấp, chứng chỉ, các điều kiện để được cung cấp dịch vụ chuyên môn)
Điều 2: Yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp (các nguyên tắc thực hành, yêu cầu về đạo đức khi hành nghề).
a. Người Tìm Hiểu Tâm Lý (Learner): Là những người tìm hiểu tâm lý với động cơ hỗ trợ cá nhân, và không coi nó là một 'nghề nghiệp’ để có thu nhập.
Nhóm những người này, có đặc điểm chung là coi tâm lý như một niềm vui thích, chứ không có áp lực kiếm sống bằng nó, và ứng dụng cho chính mình (cùng những người xung quanh) chứ không có 'động cơ to lớn từ việc trợ giúp rất nhiều người khác’.
Bởi vì không 'kiếm sống’ bởi nghề này, và chỉ áp dụng cho các mục đích cá nhân. Nên nhóm này hầu hết không cần đáp ứng các điều kiện cứng nhắc như bằng cấp - chứng chỉ, đạo đức nghề nghiệp hay sự kiểm soát của các tổ chức nghề nghiệp.
Họ thường là những người tự tìm hiểu hoặc 'học’ để ứng dụng (chứ không làm nghề). Đôi khi sự tự tìm hiểu là thông qua các sách vở, video, internet… mà không cần phải theo học một chương trình chính thống nào.
'Review' nhanh:
- Điểm cộng: Dễ dàng theo đuổi, không có những điều kiện áp đặt.
- Điểm trừ: Không được phép cung cấp dịch vụ, thực hành hỗ trợ người khác/thân chủ (kể cả nếu muốn). Và đôi khi bị hoang mang vì không hiểu chuyên môn (khi áp dụng cho bản thân & người xung quanh).
b. Người ủng hộ (Advocacy) lĩnh vực tâm lý:
Đây là một từ ngữ/vai trò khá quen thuộc trong lĩnh vực tâm lý trên thế giới, đặc biệt với chủ đề 'sức khỏe tâm thần - mental health’ (sẽ có các từ như 'mental health advocate’, 'advocacy for mental health’.
Là những người ủng hộ, thúc đẩy, nâng cao nhận thức (cho một phần hoặc toàn bộ) lĩnh vực tâm lý.
Mà theo như mô hình mình phân tích, họ có một động lực to lớn đến từ việc trợ giúp cho người khác, nhưng không phải là một nhà chuyên môn, một chuyên gia về chuyên môn. Họ có thể không có có chuyên môn hay đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chuyên môn về tâm lý, nhưng lại là một thành phần quan trọng trong lĩnh vực này. Họ không kiếm sống bằng cách thực hành chuyên môn, cung cấp dịch vụ tâm lý (mà đôi khi họ có chuyên môn hoàn toàn khác - ví dụ blogger, người nổi tiếng, người làm kinh doanh, hoạt động xã hội/cộng đồng…).
Review nhanh:
Điểm cộng: Vẫn thỏa mãn được động cơ trợ giúp người khác, thay đổi xã hội nhưng không cần phải có các bằng cấp, chứng chỉ bài bản (dù vẫn phải tìm hiểu và trau dồi kiến thức). Không cần phải tuân thủ mạnh mẽ các tiêu chuẩn đạo đức (nhưng cần hiểu và biết về chúng để phát triển và vận động lĩnh vực tuân thủ).
Điểm trừ: Không được phép cung cấp dịch vụ, thực hành chuyên môn (giống nhóm Người Tìm Hiểu).
c. Nhà tâm lý bán chuyên (5):
Theo mô hình mình đưa ra, thì 'nhà tâm lý bán chuyên’ (semi-profession) là những người có động cơ chính yếu là phục vụ nhu cầu của mình, do vậy họ sẽ chỉ theo đuổi, thực hành các hình thức phù hợp với họ, bản thân họ ưa thích, hoặc có lợi cho nghề nghiệp bổ trợ của họ. Đồng thời với đó là mang các phương tiện này để phần nào phục vụ cho thân chủ, cung cấp dịch vụ tìm kiếm thu nhập.
Bởi vì các hình thức họ lựa chọn không phục vụ toàn bộ nhu cầu thị trường, nên đôi khi có những giới hạn. Điều đó khiến họ vẫn duy trì các công việc khác (có thể để bù đắp thu nhập hoặc kiếm thu nhập phục vụ mục đích này). Và chỉ coi lĩnh vực tâm lý như một công việc 'bán chuyên nghiệp’ (semi-profession).
Mặc dù chỉ là một hình thức 'bán chuyên nghiệp’ nhưng có hoạt động vì mục đích thu nhập, kiếm tiền nên họ cũng cần đảm bảo các điều kiện cung cấp dịch vụ (trong chủ đề mà họ theo đuổi) như bằng cấp, chứng chỉ, tuân thủ các nguyên tắc đạo đức khi hỗ trợ người khác.
Review nhanh:
- Điểm cộng: Hầu như được tự chọn dịch vụ, hình thức hỗ trợ, phương pháp tiếp cận phù hợp với bản thân, có ích cho bản thân.
- Điểm trừ: Vẫn phải có một công việc song song khác (hoặc việc làm bán chuyên là bước đệm để trở thành nhà tâm lý chuyên nghiệp)
d. Nhà tâm lý chuyên nghiệp:
Là những người hoạt động chuyên nghiệp, sống bằng thu nhập đến từ chuyên môn, phục vụ nhu cầu của thị trường và không chỉ dừng lại ở việc thực hành, áp dụng các phương tiện phù hợp với bản thân (mà còn cho người khác).
Người thực hành chuyên nghiệp trong lĩnh vực tâm lý đòi hỏi đầy đủ các điều kiện về chuyên môn, bằng cấp chứng chỉ, tiêu chuẩn đạo đức. Và đặc biệt cần đáp ứng nhu cầu của thị trường, cung cấp dịch vụ như một nhiệm vụ công việc (chứ không phải chỉ vì niềm vui thích).
Review nhanh:
- Điểm cộng: Thỏa mãn động lực hỗ trợ người khác và có được thu nhập (hoàn toàn) từ nó.
- Điểm trừ: Phải đáp ứng nhu cầu của thị trường, cung cấp dịch vụ như một nhiệm vụ công việc (chứ không phải chỉ vì niềm vui thích).
Tóm lại:
Đối với những nhóm thực hành tâm lý như một công cụ kiếm thu nhập: Sẽ cần tuân thủ và đáp ứng đầy đủ các điều kiện cung cấp dịch vụ (bằng cấp chứng chỉ, các tiêu chuẩn). Cụ thể ở đây là 02 nhóm Bán Chuyên Nghiệp & Chuyên Nghiệp.
Đối với những nhóm thực hành tâm lý vì mục đích hỗ trợ người khác: Sẽ cần tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp cụ thể. Ở đây là 03 nhóm Người Ủng Hộ & Bán Chuyên & Chuyên Nghiệp.
Chỉ có duy nhất nhóm Người Tìm Hiểu là hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn tuân thủ đạo đức & có cần đáp ứng các yêu cầu về học tập hay không (việc lựa chọn có tuân thủ hay không? Và tuân thủ ở mức độ nào sẽ phụ thuộc vào chính mục tiêu &động lực của họ).
Trong 04 nhóm này, thì 02 nhóm là Người Tìm Hiểu và Người Ủng Hộ là 2 nhóm không bắt buộc phải 'học chuyên môn’ tâm lý, họ hoàn toàn có thể tự tìm hiểu, tự học.
Cả 4 nhóm đều có thể có thu nhập từ công việc liên quan lĩnh vực tâm lý (dù không phải tất cả đều được cung cấp dịch vụ thực hành tâm lý, nhưng họ có thể có các hình thức khác để có được thu nhập, ví dụ nâng cao nhận thức thông qua nội dung, viết lách hay kết nối chuyên gia, cung cấp dịch vụ đến thân chủ).
Kết bài:
Theo các phân tích bên trên, việc hiểu rõ động lực & mục đích của mình là bước đầu tiên và trên hết để biết mình muốn gì và nên đi con đường như thế nào.
Và tùy theo động lực là gì, mục đích ra sao, mà mỗi con đường lại đi đến một cái 'đích’ khác nhau. Đi kèm với đó sẽ là các câu trả lời cho việc 'học thế nào, làm ra sao’ hoàn toàn khác biệt.
Từ những xuất phát điểm ban đầu ấy, chúng ta sẽ đi tiếp đến với các phần II và phần III của chủ đề về việc: Học và Làm Về Tâm Lý Như Thế Nào (sẽ được đăng tải trong tương lai).
Lời của người viết: Bài viết có thể còn nhiều thiếu sót và mang nhiều góc nhìn, quan sát cá nhân. Trong vai trò là một người có xu hướng 'đứng ở giữa’ - góc nhìn của mình đôi khi trung dung và không đi sâu vào một bộ phận nào (có lẽ điều đó các nhà chuyên môn sẽ làm tốt hơn). Mong nhận được sự trao đổi của mọi người để cùng nhau hiểu rõ hơn, nâng cấp chủ đề. Và xin được lượng thứ nếu có những thiếu sót do hiểu biết còn hạn hẹp (mà vì 'nhiệt tình’ nên đóng góp).
Mọi ý kiến trao đổi có thể gửi qua
- Facebook cá nhân: Phạm Đại Bàng
- Email: founder@folksfoundation.info
Hẹn bạn ở phần tiếp theo!
Thương mến,
Phạm Đại Bàng
Các ghi chú trong bài:
(1) Lĩnh vực tâm lý: Xuyên suốt trong bài đăng này, mình sử dụng khái niệm 'lĩnh vực tâm lý’ để đại diện chung cho tất cả các hình thức sử dụng tâm lý học (psychology) nói chung để thực hành & cung cấp dịch vụ, ứng dụng cho các lĩnh vực liên quan. Do đó, lĩnh vực tâm lý ở đây bao hàm cả các lĩnh vực nằm bên trong (Dù có nhiều hình thức phần chia) và liên quan (một phần).
(2) Nghề Giúp (helping professions): Sử dụng theo nghĩa 'Một nghề nuôi dưỡng sự phát triển hoặc giải quyết các vấn đề về thể chất, tâm lý, trí tuệ, tình cảm hay tinh thần của một người, bao gồm y học, điều dưỡng, trị liệu tâm lý, tư vấn tâm lý, công tác xã hội, giáo dục, life coaching…
(3) 04 nhóm: Đây là một hình thức phân chia dựa trên 'cái nhìn’ cá nhân của người viết. Bằng cách đưa 02 tham số 'động lực’ và 'mục đích’, ở mỗi tham số sẽ có 02 chỉ số, nên sẽ đề xuất ra 04 nhóm. Nếu sử dụng hình thức phần chia khác, có thể kết quả sẽ thay đổi.
(4) 04 nhóm: Như hầu hết các cách phân chia, cách phân chia nào cũng mang tính tương đối. Do vậy vẫn có những trường hợp ngoại lệ, mà các nhóm này sẽ 'chồng chéo’ hoặc trùng nhau đâu đó. Ngoài ra, cũng có những trường hợp ngoại lệ mà không nằm trong nhóm nào được phân chia ở trên.
(5) Nhà tâm lý bán chuyên: Mình chọn từ ngữ này để cho dễ hiểu, tuy nhiên có thể gọi bằng từ ngữ khác (ví dụ: nhà tâm lý không chuyên, 'nghề tay trái’…).
Một số 'fact’ thực tế mà người viết quan sát thấy:
- Nhóm 'người tìm hiểu’ (và cả nhóm 'người ủng hộ' đôi khi) mặc dù có thể không học chuyên môn bài bản, nhưng họ vẫn có những hiểu biết sâu và rộng (đôi khi còn 'hơn’ cả những người làm chuyên môn, bởi vì họ không bị giới hạn về phạm vi tìm hiểu). Nhưng dù có hiểu biết nhiều thì về bản chất họ cũng không được cung cấp dịch vụ.
- Mô hình động lực - mục đích này cũng áp dụng được cho các lĩnh vực khác (trong phạm vi có thể)
- Sự khác biệt giữa Việt Nam và tiêu chuẩn chung của thế giới (đặc biệt trong lĩnh vực mới mẻ như tâm lý) là rất lớn, do vậy vẫn còn tồn tại nhiều điểm cần phải tranh luận thêm. Bản thân mình lựa chọn việc nhìn bao quát và nhìn nhận lĩnh vực này ở Việt Nam gần với tiêu chuẩn chung của thế giới.
Comentarios