Lưu ý của Compassion.vn về bài đăng: Đây là bản dịch theo hình thức crowdsourcing, từ nguồn gốc www.inquiriesjournal.com (một Academic Journal - tạp chí học thuật) do đó bài đăng sẽ có nhiều thuật ngữ chuyên môn, nghiên cứu, khoa học... phù hợp với đối tượng bạn đọc quan tâm tới chuyên môn. Bản dịch cũng chưa được "review" bởi "chuyên gia", do đó bạn đọc có thể tự đối chiếu với bản gốc tiếng Anh để hiểu chính xác nhất về nội dung.
Tóm tắt/Giới thiệu chung
Cooley (1902) giới thiệu về Cái tôi trong gương như một định nghĩa về hình tượng bản thân của một cá nhân, một phần, thông qua kinh nghiệm thực tế về xã hội. Silvia và Phillips (2013) đã chỉ ra rằng sự tự nhận biết (self-awareness - SA) có bị ảnh hưởng bởi việc đưa ra các tác động kích thích làm tăng SA trực diện (ví dụ như gương) và cả tăng ngầm bên trong (ví dụ như "Name Priming" - tạm dịch "mồi tên" - một kỹ thuật trong tâm lý học). Lý thuyết SA khách quan, được đặt ra bởi Duval và Wicklund (1972) và được cập nhật bởi Silvia and Duval (2001), chỉ ra rằng SA có thể diễn ra mà không cần có sự tác động trực tiếp (Silvia & Phillips, 2013). Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn chưa chứng minh được dự đoán này. Nghiên cứu hiện tại mới chỉ đánh giá được tác động của việc SA tăng trực diện thì ảnh hưởng lên lòng tự tôn (self-esteem) như thế nào bằng việc sử dụng phiên bản điều chỉnh của Thang đo Lòng Tự Tôn Rosenberg (Rosenberg’s Self-Esteem Scale - RSES; Rosenberg, 1965) lên những bề mặt phản chiếu hoặc không phản chiếu. 120 sinh viên tham gia (60 nam, 60 nữ) được chọn một cách có chủ đích và cả chọn ngẫu nhiên để hoàn thành bài RSES trên một bề mặt. Sự chú ý được tập trung ở loại bề mặt và câu trả lời cho những câu hỏi RSES. Phương pháp phân tích phương sai (ANOVA) 2 yếu tố cho ra kết quả không khác với điểm RSES khi phân tích bề mặt (p=.348) và phân tích giới tính (p=.271). Kết quả này cho thấy bề mặt phản chiếu có hay không có cũng không ảnh hưởng nhiều đến lòng tự tôn (self-esteem), vì vậy, bề mặt phản chiếu cũng không ảnh hưởng đến SA. Những kết quả này cũng cho thấy SA không ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tự tôn hay khả năng cần tìm một cách khác để điều chỉnh SA trước khi đánh giá lòng tự tôn.
Lòng tự tôn (self-esteem) được định nghĩa theo rất nhiều cách khác nhau, phụ thuộc vào từng cá nhân và từng hoàn cảnh. Đối với mục đích của nghiên cứu hiện tại, lòng tự tôn (self-esteem) được định nghĩa là cảm giác về bản thân dựa trên sự hiện diện của các kích thích ngầm hoặc các kích thích trực diện và sự tự nhận thức (self-perception) được định nghĩa là cách mà một cá nhân đánh giá bản thân dựa trên những kích thích ngầm và trực diện đó. Nghiên cứu hiện tại đã đánh giá được tác động của việc tăng sự tự nhận biết (self-awareness) trực diện qua việc sử dụng phiên bản điều chỉnh của Thang đo Lòng Tự Tôn Rosenberg (RSES; Rosenberg, 1965) được in trên cả bề mặt phản chiếu (ví dụ như gương) và bề mặt không phản chiếu (không phải gương) theo thang điểm RSES cá nhân. Mục đích của việc sử dụng bề mặt phản chiếu đó là để tăng sự tự nhận biết (self-awareness).
Cooley (1902) đã giới thiệu Cái tôi trong gương như một cách định nghĩa về hình tượng bản thân của mỗi cá nhân, một phần, thông qua kinh nghiệm thực tế về xã hội. Cooley sử dụng hình ảnh chiếc gương, như một phép ẩn dụ để mô tả sự phản chiếu cái tôi của một cá nhân trong cái tôi xã hội của họ (Shaffer, 2005). Ý tưởng của Cooley về cái tôi trong gương được giải thích qua hai bước:
Chúng ta tưởng tượng cách chúng ta xuất hiện trước mặt người khác
Chúng ta tưởng tượng người đó cảm thấy thế nào về chúng ta, dựa trên các phán đoán đã được đưa ra (Cooley, 1902)
Mặc dù, trong nghiên cứu hiện tại, lòng tự tôn được đánh giá riêng lẻ, nhưng sự xuất hiện của chiếc gương như một tác nhân trực tiếp làm cơ sở cho những người tham gia có thể phản chiếu về ngoại hình của chính họ. Sự tự phản chiếu (self-reflection) này có thể được hình thành do góp phần cả bởi xã hội.
Khi nghiên cứu lý thuyết của Cooley về Cái tôi trong gương, Thomas Scheff đã phát triển một lý thuyết của cảm xúc dựa trên nghiên cứu của Cooley (Scheff, 1985, 1988, 1990, 1993, 2000, 2003). Scheff (1988) gọi lý thuyết này là Sự phỏng đoán Cooley-Scheff. Sự phỏng đoán Cooley-Scheff nói rằng một trạng thái cảm xúc hiện tại của một người được xác định ít nhất một phần bởi cách cá nhân này cảm thấy được đánh giá như thế nào bởi người khác (Shaffer, 2005).
Hầu hết các nghiên cứu về hành vi của nam và nữ liên quan đến lòng tự tôn (self-esteem) đều cho thấy lòng tự tôn của nam giới, theo trung bình, cao hơn lòng tự tôn của nữ giới (Kling, Hyde, Showers, Buswell, 1999). Do có những phát hiện này, biến số về giới của những người tham gia đã được thẩm tra trong nghiên cứu hiện tại.
Lý thuyết tự nhận biết khách quan (Objective self-awareness theory) (Duval & Wicklund, 1972; Wicklund & Duval, 1971) đại diện cho sự khởi đầu của tâm lý học xã hội về sự tự nhận biết bản thân (self-awareness). Lý thuyết tự nhận biết khách quan có tính đến hậu quả của việc tập trung chú ý vào bản thân (Duval & Wicklund, 1972; Wicklund & Duval, 1971). Các kết quả phổ biến nhất của sự chú ý tự tập trung (self-focused attention) là:
Nhận biết có ý thức có thể được thiết lập bằng cách trực tiếp tập trung chú ý vào bản thân
Khi cá nhân trải nghiệm cảm giác nhận biết có ý thức này, họ bắt đầu trải nghiệm sự tự ý thức (self-consciousness) (Silvia & Gendolla, 2001).
Đặt một cá nhân trước một tấm gương là cách phổ biến để điều khiển sự chú ý tự tập trung và sau đó, tạo ra nhận biết có ý thức về bản thân (ví dụ, Carver & Scheier, 1978). Nghiên cứu hiện tại nhằm tạo ra một trạng thái nhận biết có ý thức trong đó sự chú ý tự tập trung được thúc đẩy thông qua việc sử dụng một bề mặt phản chiếu.
Trong nghiên cứu thực nghiệm, lòng tự tôn (self-esteem) thường được đo lường, định lượng (McLeod, 2012). Nghiên cứu hiện tại đã đánh giá tác động của việc tăng sự tự nhận biết (self-awareness) rõ ràng đối với lòng tự tôn (self-esteem) bằng việc sử dụng phiên bản điều chỉnh của RSES (Rosenberg, 1965; xem Phụ lục A) trên các bề mặt phản chiếu hoặc không phản chiếu. RSES là một trong những thang đo lòng tự tôn (self-esteem) được sử dụng rộng rãi nhất trong khoa học xã hội (Đại học Maryland, 2015). Với mục đích của nghiên cứu hiện tại, RSES đã được điều chỉnh từ thang đo Likert 4 điểm lên thành 7 điểm với các tùy chọn mở rộng từ đồng ý mạnh mẽ đến phản đối mạnh mẽ và bao gồm cả tùy chọn trung lập. Điểm số của phiên bản này được ngoại suy từ phiên bản RSES ban đầu, với tổng điểm là 30, thì những người trên 25 điểm cho thấy họ có lòng tự tôn cao và điểm dưới 15 cho thấy lòng tự tôn thấp. Điểm số trên phiên bản điều chỉnh của RSES dao động từ 0-60 điểm, với những người có điểm từ 50 trở lên cho thấy họ có lòng tự tôn cao và những người có điểm dưới 30 cho thấy họ có lòng tự tôn thấp.
Biến độc lập của loại bề mặt có hai mức đó là người tham gia hoàn thành RSES trên (1) bề mặt phản chiếu hoặc trên (2) bề mặt không phản chiếu. Để tái tạo được hiệu ứng cái tôi trong gương, tốt nhất là nên tiến hành nghiên cứu trên các nhóm được hình thành một cách tự nhiên mà lòng tự tôn có thể dễ dàng uốn nắn (Cast, Stets, & Burke, 1999; Ichiyama, 1993). Trong nghiên cứu hiện tại, những sinh viên đại học từ một trường đại học khai phóng nhỏ đã được chọn thông qua việc lấy mẫu một cách có chủ đích và được đặt ngẫu nhiên trong vào các loại nhóm bề mặt được chỉ định. Thước đo phụ thuộc là điểm lòng tự tôn của những người tham gia được đo bằng RSES. Biến số về giới tính của những người tham gia (nam, nữ) cũng được xem xét.
Dựa trên nghiên cứu trước đây về cái tôi trong gương (Cooley, 1902), sự tự nhận biết khách quan (Duval & Wicklund, 1972; Wicklund & Duval, 1971), sự chú ý tự tập trung (Silvia & Gendolla, 2001), và tác động của kích thích trực diện lên sự tự nhận biết, người ta đưa ra giả thuyết rằng:
Lòng tự tôn của một cá nhân sẽ bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện của một kích thích trực diện trong khi hoàn thành bài RSES
Về tổng thể, điểm RSES của nữ sẽ thấp hơn điểm RSES của nam.
Phương pháp luận
Biến độc lập của loại bề mặt đã được chia ra bằng cách sử dụng (1) giấy phản chiếu hoặc (2) giấy bạc không phản chiếu. Bài RSES được in trên phim trong suốt và được cắt thành các hình có kích thước 6 in (15,24 cm) x 9 in (22,86 cm). Phim trong suốt được đặt phía trên giấy phản chiếu hoặc giấy không phản chiếu và chèn vào một phong bì nhựa vinyl. Mục tiêu của việc phân loại bề mặt là để ảnh hưởng đến sự tự nhận biết của người tham gia trong quá trình người đó hoàn thành bài RSES. Thang đo phụ thuộc là điểm tự tôn của người tham gia được tính bằng điểm RSES. Giới tính cũng được xem xét trong nghiên cứu này.
Người tham gia
Một trăm hai mươi sinh viên đại học (60 nam và 60 nữ) đã được chọn một cách có chủ đích từ một khu dân cư tại một trường đại học khai phóng nhỏ. Biến số người tham gia đòi hỏi số mẫu nam và nữ phải bằng nhau. Những người tham gia được phân ngẫu nhiên vào các loại bề mặt bằng trình tạo số ngẫu nhiên của Excel. Những người tham gia sẽ nhận được một khoản tín dụng nghiên cứu như là một khoản hỗ trợ vì đã tham gia.
Thủ tục
Sau khi xác nhận các thoả thuận về sự đồng ý, những người tham gia:
Được cung cấp một loại bề mặt RSES phản chiếu hoặc không phản chiếu và một chiếc bút dạ quang Expo (Expo Low Odor Fine Tip Black Dry Erase Marker)
Được yêu cầu kiểm tra cẩn thận loại bề mặt mà họ nhận được (nghĩa là phản chiếu hoặc không phản chiếu)
Hoàn thành câu hỏi về giới tính và mười câu hỏi RSES.
Sau khi hoàn thành bài RSES, những người tham gia được yêu cầu đặt bài RSES lộn ngược trước mặt họ và chờ thu lại. Những người tham gia sau đó đã được phỏng vấn và cảm ơn vì đã dành thời gian tham gia. Sau cuộc phỏng vấn, nhà nghiên cứu chụp một bức ảnh về những người đã hoàn thành bài RSES với một chiếc điện thoại Apple® - iPhone 6 - 16GB - Vàng. Để đảm bảo tính bảo mật của người tham gia, iPhone đã được bảo vệ bằng mật khẩu. Sau khi thu thập dữ liệu, hình ảnh của 120 người tham gia đã hoàn thành bài RSES được in, quét và lưu vào máy tính được bảo vệ bằng mật khẩu. Các bản sao cứng về những người tham gia RSES cũng đã được cắt nhỏ để đảm bảo bí mật. Xem Phụ lục B để biết danh sách đầy đủ các tài liệu sử dụng.
Các kết quả
Điểm RSES của người tham gia được sắp xếp theo loại bề mặt giấy (trung bình phản chiếu = 47,84; trung bình không phản chiếu = 46,32) và giới tính (trung bình nam = 48,06; trung bình nữ = 46,10).
Phương pháp phân tích phương sai ANOVA 2 yếu tố (α = 0,05) đã được sử dụng cho mục đích so sánh sự khác biệt trong RSES giữa loại bề mặt và giới tính. Phương pháp phân tích này cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về điểm số RSES khi biến số là loại bề mặt (p = .348; xem Hình 1, Phụ lục C) hoặc giới tính (p = .271; xem Hình 2, Phụ lục D).
Thảo luận
Theo dự đoán, việc tăng sự tự nhận biết (self-awareness) trực diện thông qua việc sử dụng phiên bản RSES được điều chỉnh được in trên bề mặt phản chiếu hoặc không phản chiếu sẽ ảnh hưởng đến điểm số RSES tổng thể. Mục đích của bề mặt phản chiếu là làm tăng sự tự nhận biết (self-awareness) để tác động đến lòng tự tôn (self-esteem). Kết quả cho thấy sự tự nhận biết không ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tự tôn.
Một vấn đề phương pháp luận trong nghiên cứu hiện tại là thời gian không kiểm soát tối thiểu và tương đối mà những người tham gia đã dành ra để tương tác với loại bề mặt RSES của họ. Hướng dẫn bằng lời nói được cung cấp cho người tham gia không nói rõ lượng thời gian được phân bổ để họ tương tác với mỗi loại bề mặt, thay vào đó, người tham gia chỉ được yêu cầu lưu ý loại bề mặt mà họ nhận được. Do đó, những người tham gia có thể không có đủ thời gian để tập trung vào sự phản chiếu xuất hiện ở các loại bề mặt. Mặc dù nhận thấy sự tự nhận biết không ảnh hưởng đến lòng tự tôn trong các điều kiện hiện tại, nhưng các nghiên cứu trong tương lai được khuyến nghị nên kết hợp một hoạt động thu hút sự chú ý nhiều hơn vào bề mặt để tăng sự chú ý đến sự tự nhận biết.
Ichiyama (1993) và Cast cùng các cộng sự (1999) tranh luận về việc lòng tự tôn nên được thử nghiệm tốt nhất trong các nhóm được hình thành một cách tự nhiên. Mặc dù vẫn còn tranh cãi về việc dân cư tại một tổ chức giáo dục khai phóng nhỏ bao gồm cả các nhóm hình thành một cách tự nhiên, quá trình thu thập dữ liệu trong nghiên cứu hiện tại yêu cầu những người cùng địa vị bị chia thành các nhóm nhỏ có thể làm xáo trộn sự hình thành nhóm tự nhiên.
Nghiên cứu hiện tại được thực hiện tại một trường đại học khai phóng nhỏ và những người tham gia bao gồm hầu hết là những người mới trưởng thành. Mẫu kết quả này có thể khác với các nhóm dân số trong các độ tuổi khác. Nghiên cứu sâu hơn về sự tự nhận biết (self-awareness) và lòng tự tôn (self-esteem) nên được tiến hành với những người trong nhiều nhóm tuổi khác nhau để theo dõi sự tiến triển của bất kỳ ảnh hưởng nào theo thời gian. Một đề xuất bổ sung là thẩm tra vai trò của những người cùng địa vị đối với lòng tự tôn thông qua việc điều chỉnh điều này như một biến độc lập trong quá trình hoàn thành bài RSES. Lý thuyết của Cooley về cái tôi trong gương đưa ra các quan điểm xã hội về cách những người cùng địa vị tác động đến lòng tự tôn có liên quan đến sự khó chịu giữa các cá nhân với nhau.
Lòng tự tôn (self-esteem) và sự tự nhận thức bản thân (self-perception) có thể bóp méo cách cá nhân nhìn nhận về bản thân họ và những người khác. Chúng ta bị tấn công bởi các hình ảnh quảng cáo được đề cao và các tiêu chuẩn xã hội, mà đối với nhiều người, là không thể đạt được. Những kết quả này cho thấy sự tự nhận biết cao không làm giảm lòng tự tôn có thể cho phép các cá nhân chấp nhận bản thân họ cho dù họ là ai. Đây có lẽ là những gì mà chúng ta cần được nghe.
Tài liệu tham khảo:
Carver, C.S., & Scheier, M.F. (1978). Self-focusing effects of dispositional self-consciousness, mirror presence, and audience presence. Journal of Personality and Social Psychology, 36, 324-332.
Cast, A.D., Stets, J.E., & Burke, P.J. (1999). Does the self conform to the views of others? Social Psychology Quarterly, 62(1), 68-82.
Cooley, C.H. (1902). Human Nature and the Social Order. New York, NY: Scribners.
Duval, T.S., & Wicklund, R.A. (1972). A theory of objective self-awareness. Oxford, England: Academic Press.
Ichiyama, M.A. (1993). The reflected appraisal approach in small group interaction. Social Psychology Quarterly, 56, 87-99.
Kling, K.C., Hyde, J., Showers, C.J., & Buswell, B.N. (1999). Gender differences in self-esteem: A meta-analysis. Psychological Bulletin, 125(4), 470-500.
McLeod, S. (2012). Low self esteem. http://www.simplypsychology.org/self-esteem.html
Rosenberg, M. (1965). Society and the adolescent self-image. Princeton, NJ: Princeton University Press.
Scheff, T.J. (1985). The primacy of affect. American Psychologist, 40, 849–850.
Scheff, T.J. (1988). Shame and conformity: The deference-emotion system. American Sociological Review, 53, 395– 406.
Scheff, T.J. (1990). Socialization of emotions: Pride and shame as causal agents. In T.D. Kemper (Ed.), Research agenda in the sociology of emotions (pp. 281–304). Albany, NY: State University of New York Press.
Scheff, T.J. (1993). Toward a social psychological theory of mind and consciousness. Social Research, 60(1), 171–195.
Scheff, T.J. (2000). Shame and the social bond: A sociological theory. Sociological Theory, 18(1), 84–99.
Scheff, T.J. (2003). Shame and self in society. Symbolic Interaction, 26(2), 239–262.
Shaffer, L.S. (2005). From mirror self-recognition to the looking-glass self: Exploring the Justification Hypothesis. Journal of Clinical Psychology, 61(1), 47-65.
Silvia, P.J., & Duval, T.S. (2001). Objective self-awareness theory: Recent progress and enduring problems. Personality and Social Psychology Review, 5, 230-241.
Silvia, P.J. & Gendolla, G.H.E. (2001). On introspection and self-perception: Does self-focused attention enable accurate self-knowledge? Review of General Psychology, 5, 241–269.
Silvia, P.J., & Phillips, A.G. (2013). Self-awareness without awareness? Implicit self-focused attention and behavioral self-regulation. Self and Identity, 12(2), 114-127.
University of Maryland, Department of Sociology. (2015, April 27). Rosenberg Self Esteem Scale. Retrieved from http://www.socy.umd.edu/quick-links/rosenberg-self-esteem-scale
Wicklund, R.A., & Duval, T.S. (1971). Opinion change and performance facilitation as a result of objective self-awareness. Journal of Experimental Social Psychology, 7, 319-342.
Nguồn bài dịch: http://www.inquiriesjournal.com/articles/1711/the-looking-glass-self-the-impact-of-explicit-self-awareness-on-self-esteem
Người dịch: Trang ; Người biên tập: Phạm Đại Bàng
Chuyên gia review: Đang review bởi chuyên gia: www.compassion.vn/expert
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing - Cộng tác làm nội dung tại đây
Kommentare