top of page
Compassio 5.png
Compassio 3.png
Ảnh của tác giảXuân Phạm Văn

Bạn Ấy Không Phải Người Xấu, Bạn Ấy Chỉ Chưa Giỏi Thôi

Bằng một cách nào đó, trong những khúc quanh của cuộc đời, có nhiều lúc tôi trở thành một thành phần cá biệt. Và rất thường xuyên, những khi cá biệt đó tôi thường bị đánh đồng với một nhân cách xấu. Bởi người khác - nhưng tai hại hơn, là đôi khi tôi cũng tin chính mình chẳng tốt đẹp gì mấy.

Có thể là khi tôi chuyển lên một trường chuyên để học và bằng một cách thần thánh tôi đã từ đứa đứng nhất lớp nhanh chóng tụt xuống đứng bét lớp ở trường mới. Và tôi tin rằng tôi là một kẻ xấu. Khi tôi không tìm ra hứng thú để học đại học, tuột dốc triền miên và nhanh chóng lại trở thành một sinh viên cá biệt đứng cuối lớp. Tôi lại nghĩ mình là một nhân cách tệ hại. May mắn thay, cuộc đời là một hình sin và khi tôi dần thoát khỏi cái đáy của hình sin, tôi bắt đầu ngưng nghĩ mình là nhân cách xấu, mà quái đản hơn, tôi bắt đầu coi những kẻ xếp cuối như tôi hồi xưa là "người xấu".


Đúng vậy, bạn không nghe nhầm đâu, là tôi đang nói về "người xấu". Bởi tôi biết bạn sẽ thắc mắc "vớ vẩn, học kém thì liên quan gì tới người xấu". Nhưng sự thật, chúng ta đều rất thường xuyên làm hoặc suy nghĩ tương tự như vậy với những người quanh chúng ta: Chúng ta đánh đồng nhân cách với kỹ năng (và nhiều thứ khác). Thông qua rất nhiều ngầm định (assumptions) và thiên kiến (bias), để gắn nhãn (labelling) cho người khác, và đôi khi cho cả chính mình.


"Cái loại im lặng, tẩm ngẩm tầm ngầm ấy, thì chả có gì tốt đẹp đâu" - đây là một câu thoại trong Limelight - một phim rất hay của Charlie Chaplin mà tôi xem gần đây, của bà chủ trọ nói về cô vũ công ballet (mà bị nghi nhầm là "gái"). Ôi, nghe xong câu này tôi thấy mình ở đó. Bằng cách nào đó rất thường xuyên bởi quá im lặng và kín tiếng, tôi thường được gắn nhãn là "khinh người", "nguy hiểm", "kiêu ngạo"...


Nào, vậy bây giờ chúng ta thử ngồi xuống bóc tách mọi thứ và nhìn kỹ hơn về cách mà chúng ta tư duy để xem bằng cách nào mà chúng ta đã đánh đồng đủ thứ trên đời với nhân cách nhé.


Chúng Ta Nhầm Lẫn Kỹ Năng/Hiểu Biết (Skill/Knowledge) Và Những Thứ Khác Với Giá Trị Sống (Personal Values)


"Cô ta suốt ngày cáu gắt" - "nên cô ta chẳng ra gì, đồ đáng ghét". Ở đây đã có tới hai lần gắn nhãn và giả định, một lần ở "suốt ngày" bởi vì thực sự thì chẳng có ai "suốt ngày" làm cái gì đó. Và một lần ở việc gắn chung cái nhãn "cáu gắt" và "xấu tính" với nhau.


Nếu hiểu đúng đắn, thì cáu gắt hay nổi giận, bực bội là một thứ sinh ra với mục đích tốt để giúp "loại trừ chướng ngại vật" - nhưng nếu một người không biết cách sử dụng nó hợp lý dẫn đến đôi khi cáu gắt, giận dỗi vô lý hoặc với mức độ thường xuyên hơn bình thường. Thì đó có thể là do họ chưa có kỹ năng tốt về cảm xúc (EI - Emotional Intelligent). Nhưng nếu chúng ta gắn cáu gắt với xấu tính là đã nhầm kỹ năng với giá trị cá nhân của họ. Bởi một người hay cáu gắt có thể họ vẫn là một người chỉn chu, nhiệt tình, thẳng thắn... là những giá trị tốt đẹp.


Nếu coi cảm xúc hay cách ứng xử là kỹ năng, là kiến thức, hiểu biết... thì sẽ thấy nó là thứ có thể học & cải thiện được. Nó cũng giống như một bạn "học kém" vậy, họ học kém thôi, họ không phải người xấu. Hãy giúp họ "học" thay vì đánh giá họ và cho rằng họ có nhân cách thế này thế kia.


Tương tự như vậy, còn rất nhiều thứ khác cũng bị nhầm lẫn, đánh đồng với nhân cách như: phong cách sống (life style), thói quen (habit), văn hóa (cultural)... bị nhầm lẫn thành giá trị nhân cách (personal values).


Chúng Ta Ngầm Định & Suy Diễn


"Bạn này hay đi làm trễ - bạn ấy là người ý thức kém". Mối liên hệ giữa đi làm trễ và ý thức kém có phải là một mối quan hệ luôn có và luôn suy ra trực tiếp như vậy hay không? Thực tế là không, mà là do chúng ta ngầm định như thế, đồng thời suy diễn những thông tin chúng ta không biết. Ví dụ: Bạn này đi làm trễ - là vì bạn ấy không tôn trọng công việc, là vì bạn ấy là kiểu người "vô tổ chức"... và suy diễn ra lý do đi trễ của họ có thể do họ làm cái gì đó sai trái (ví dụ ham chơi, ngủ trễ, lười biếng...).


Nhưng trên thực tế, đi làm trễ có thể là hệ quả của một kỹ năng sắp xếp thời gian tệ hại. Có rất nhiều người ý thức tốt nhưng họ vẫn trầy trật với việc đi làm đúng giờ, bởi họ ước lượng thời gian kém, hay đi nhầm đường, chủ quan về thời gian...


Về cơ bản tất cả nhầm lẫn, ngầm định, suy diễn, gắn nhãn... sẽ khiến cho chúng ta nhầm lẫn về: nhìn nhận và đánh giá một con người. Kéo theo rất nhiều hệ quả không tốt, đặc biệt là về chất lượng các mối quan hệ. Nó khiến chúng ta xa lánh, đánh giá xấu những người mà lẽ ra chúng ta có thể giúp đỡ họ cải thiện thay vì cho rằng họ xấu.


Khi hiểu ra những sai lệch đó, chúng ta sẽ nhận ra:

  • Anh ta chỉ là chưa biết cách kiểm soát "ham muốn" của mình chứ không phải anh ta là "đồ dê già"

  • Cô ấy chỉ chưa biết cách cân bằng cảm xúc, chứ không phải cô ấy là người khó chịu

  • Ông ấy chỉ là chưa biết cách điều tiết công việc, chứ không phải ông ấy khó tính, bảo thủ

  • Bà ấy chỉ là không giỏi lái xe, chứ không phải bà ấy là người có ý thức giao thông kém

  • Chị ta chỉ là nói hơi dài dòng chứ không phải cái đồ lẻo mép

  • Chồng ta chỉ là chưa biết cách thể hiện tình cảm chứ không phải là đồ vô tâm

  • Mẹ mình chỉ là người chưa có nhận thức rộng chứ không phải bà là người ghét bỏ con cái

  • V.v...

Và chắc chắn khi nhìn ra những sai lệch đó, chúng ta cũng ngưng phán xét và chỉ trích chính mình, đó là nguồn cơn của thứ dẫn chúng ta đến tự yêu bản thân (self-love), trắc ẩn cho chính mình (self-compassion) và bao dung với chính mình (self-tolerance).


Hãy nhìn đời sống bằng con mắt của sự thật, những người xấu tính, những kẻ xấu xa & nhân cách tệ hại vẫn sẽ cần phải bị phát giác, đấu tranh, lên tiếng... nhưng trước hết chúng ta phải biết sự thật là gì đã. Nếu sự thật ấy bị sai lệch, thì nó sẽ làm chúng ta đánh mất những điều tốt đẹp & tệ hại hơn là đánh mất cả những mối quan hệ mà đáng lẽ ta cần yêu quí.


Một thế giới mới, đầy bao dung và tươi sáng sẽ mở ra khi ta nhìn mọi thứ bằng con mắt bao dung, tích cực & đầy sự thật như vậy: Bạn ấy không phải người xấu - bạn ấy chỉ chưa "giỏi" thôi. Bạn hãy thử đi nhé!


 

Người viết: Admin Phạm Đại Bàng​. Hình: A bedside scene from the film 'Limelight', about a broken

81 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page