top of page
Compassio 5.png
Compassio 3.png
Nam Kha Tử

Những Chú Chuột Giao Thời

Đã cập nhật: 3 thg 4, 2021

Đấy là một đêm thật đẹp. Những ngôi sao trời lộng lẫy dát lên trời một tầng kim sa mỏng manh. Ngày 30 Tết, người người tất bật chuẩn bị mâm cúng. Mâm cúng giao thời của một niên kỷ mới, trở nên thành kính hơn, tươm tất hơn, cầu cho một niên kỷ mới vơi đi những khó khăn, bớt đi những muộn phiền. Buổi diễn cuối cùng của sân khấu làng quê cũ nát này sẽ được diễn ra trong cái không khí trang trọng ấy. Làng thay áo mới, những cái cũ không hợp thời phải biến mất thôi.


Đấy là một sân khấu làng quê cũ nát, ngày mai người ta sẽ mang xe ủi và cần cẩu đến để xây dựng trung tâm thương mại lớn. Những ánh đèn sân khấu chỉ còn lại bốn bóng, cái hồ nước nơi biểu diễn rối đầy rác, rong. Quyện trong những vệt bụi là mùi không khí mùi ẩm mốc. Những người đến xem diễn chỉ lèo tèo vài người đang lục đục tìm những chiếc ghế nhựa còn có thể ngồi được. Họ cố xếp chúng thành một những lối ngay ngắn, và nhường những người thấp bé, trẻ con ngồi phía trước. Tất cả diễn ra trong một không gian trang trọng, ít tiếng động. Họ tựa như những tín đồ thành kính đang tham dự một nghi lễ tiễn biệt. Tiễn một nhà hát, một người nghệ nhân, và vở diễn cuối cùng của ông ấy. Tiễn 10 năm đi qua, đón thêm nhiều cái 10 năm đầy những điều mới mẻ. Vở diễn múa rối nước Đám Cưới Chuột.



Người nghệ sĩ bước lên sân khấu, nhìn những gương mặt quen thuộc đờ đẫn đang nhìn ông. Ông đưa tay, khẽ chào nhẹ nhàng như cách những nghệ sĩ vẫn thường hay chào sân trước mỗi lần biểu diễn. Rồi ông nhanh chóng biến mất sau tấm rèm bằng tre cũ kỹ, để chuẩn bị diễn. Những người có mặt trong hội trường bé nhỏ này, ai cũng quen ông, hoặc chí ít biết ông là ai. Họ biết ông là một ông già bán bánh mì ở đầu ngõ cùng vợ. Xe bánh mì. Bánh mì buổi giao thời, không đắt khách lắm, cũng không ế ẩm. Người trẻ bây giờ thích ăn hăm-bơ-gơ ở trong cửa hàng tiện lợi, vì cảm giác thời thượng, sang trọng hơn là những ổ bánh mì chan nước, xíu mại, trứng chiên đã nhẵn hương vị. Người già thì răng đã không còn đủ sức để tận hưởng cái vị thịt cá rau dưa. Nhưng người ta vẫn mua bánh mì để khỏa lấp những cơn đói, giảm được chút đỉnh tiền, hay đơn giản chỉ vì ăn để nhớ. Cũng như cách họ đến buổi diễn cuối cùng hôm nay của ông già vậy. Người lớn đến để chào tạm biệt một món ăn tinh thần mà mình nhớ, người trẻ đến để kỷ niệm một điều gì đó sắp sửa ra đi. Họ thấy ông khác mọi ngày quá. Một gương mặt rạng rỡ tràn trề sức sống. Một dáng đứng thẳng tắp hiên ngang. Không phải là cái dáng lưng còng, thân hình thấp bé luôn ngồi co ro sau cái xe bánh mì. Có lẽ vì nơi đây là vũ đài chân chính thuộc về ông, một con người sống ngót nghét hơn nửa thế kỷ để ngâm nửa người dưới nước, để ẩn sau tấm màn giật dây những con rối bằng gỗ.


Tiếp theo màn chào sân của ông già là màn giới thiệu đơn giản về mục đích của buổi biểu diễn hôm nay. Người giới thiệu là một anh nhà báo trẻ đang làm cộng tác viên cho một tờ báo lớn. Thông qua vài người bạn học anh biết hôm nay là buổi biểu diễn cuối cùng của ông già. Ông là một người bạn thân của ông ngoại anh. Anh đã không ngại đường xá xa xôi, bắt năm cuốc xe từ Sài Gòn về đây. Mục đích của chuyến đi có thể là một tin độc đáo về cái “chết” của một sân khấu, hay sự lên đời của một trung tâm thương mại lớn. Nhưng chúng ta hãy gạt đi những toan tính, tin vào cái lý lẽ anh đưa ra: một sự tri ân đến người bạn của ông ngoại anh. Ông ngoại anh cũng là một người biểu diễn rối nước. Thật không may, ông ấy đã qua đời ngay tại sân khấu này, khi ông cố gắng biểu diễn lúc đang bị một cơn sốt hành hạ. Ông ra đi mãn nguyện vì mình đã có thể hòa linh hồn của mình ngay trên sân khấu mà ông yêu thích nhất. Lời giới thiệu của anh nhà báo rất chuyên nghiệp đủ giờ để những người trẻ chụp vài bô hình sống ảo, 'check-in' thả cửa. Nhưng cũng đủ ngắn để không khiến khán giả cảm thấy chán mà bỏ về. Chỉ bằng cái loa tay mượn tạm của Đoàn Trường mà anh nhà báo trẻ có thể hâm nóng bầu không khí tĩnh lặng, quả là tài.


Người nghệ sĩ biểu diễn rối - ông già bán bánh mì, lúc này bắt đầu bước xuống nước. Một hơi thở rét lạnh chạy dọc toàn thân ông. Hôm nay cũng như bao buổi diễn khác, ông không phải là nhân vật chính. Nhân vật chính là những con rối bằng gỗ vô tri đang đợi tay ông truyền cho sức sống, thông qua những sào trúc được cột chắc ở phía sau. Tiếng nhạc sẽ thông qua hệ thống loa phát thanh mà vang vọng khắp cái sân khấu nhỏ này. Dòng nước hiền hòa sẽ đẩy tất cả những sinh linh ấy vào một bữa tiệc cuối cùng của linh hồn đang nhảy múa hoan ca. Những con rối đang chuẩn bị biểu diễn một bữa tiệc linh đình: Đám Cưới Chuột.


Đám Cưới Chuột bắt đầu với tiếng nhạc rộn rã của một lễ rước dâu. Ngày trước, khi sân khấu này đứng đầu cấp huyện, người ta có một dàn nhạc dân tộc. Họ mặc những chiếc áo dài khăn đóng, ngồi chếch về phía bên trái. Mỗi lần ông Bảy - người đánh chiêng gõ một cái là khán giả giật nảy cả mình. Tiếng nhạc vui tai ngày ấy, nay thay bằng hệ thống âm thanh sắp xuống cấp nên nó trở nên rè rè một cách đáng sợ, như tiếng rít vọng qua những ô cửa trống. Đàn chuột lững thững bước ra, bao nhiêu là chuột. Chuột Tân Lang thanh niên trai tráng đi trước, cột trên mình một cái bông to tướng. Những con chuột con lít nhít hơn mang theo bao nhiêu là tráp trĩu nặng những sính lễ. Đoàn rước đi nhanh trong tiếng chiêng trống xập xình, chuột Tân Lang gấp gáp chạy trước vì muốn nhanh nhanh nhìn thấy mặt cô dâu. Hết một vòng sân khấu, bỗng một con mèo to lớn vồ lên từ mặt nước, đè nghiến chuột Tân Lang. Lúc này, chuột Ông Già bất thình lình tách đoàn rước phía sau, chạy qua vờn với Mèo Vương. Một cuộc rượt đuổi bắt đầu. Mèo Vương chỉ có một chân trước khó lòng tóm được chuột Ông già. Thế là nó bỏ móng vuốt ra khỏi người chuột Tân Lang. Tiếng nhạc trở nên gấp gáp xập xình xập xình. Trò đuổi bắt giữa Mèo Vương và đàn chuột rước dâu bắt đầu trở nên kịch tính. Khán giả đang ghi hình bằng điện thoại một cách say mê, một số khác đang 'live' hoặc 'share' trên 'Facebook'. Thông qua một màn hình ảo, họ đang chăm chú ghi lại những trải nghiệm thật.


Bỗng, dây điện dẫn đến dàn loa phát ra những tia lửa hoa, nguyên hệ thống điện vụt tắt. Ông già đứng sau cánh rèm thẫn thờ. Ông nhìn lên giàn đèn còn bốn cây, ông nhìn ra xung quanh, mọi thứ tối om. Ông thầm nghĩ: Quả nhiên, ngay cả buổi diễn cuối cùng cũng không được hay sao? Ông đưa mắt nhìn về phía xa xa, đôi bàn tay già nhăn nheo như một tấm chăn cũ kỹ, sờn bạc theo năm tháng. Trong đêm đen vô tận, ông thấy những người bạn già của mình. Họ đã từng đứng đây, đứng kia, và đứng xa kia nữa. Họ ở đây để điều khiển những cây sào trúc nối kết linh hồn của họ và con rối. Đánh những bài nhạc ò ẻng ò ẻng có khi sai nhịp, lạc điệu, người này phải vội vã trám cho người kia, nên bài nhạc của buổi diễn này có khi chả giống buổi diễn trước. Rồi họ đi, họ trao những cây gậy trúc cho ông già. Họ trao cho ông một phần linh hồn của họ. Nhưng ông không làm gì được cả, ông không thể giữ cái sân khấu này, không thể biểu diễn một lần cuối cùng trọn vẹn để chào tạm biệt tất cả. Ông có thể làm gì đây...? Đàn chuột đứt dây nối, nổi lềnh bềnh lên mặt nước. Chuột Ông Già nằm xa nhất, chắc vì nó quá cũ rồi, chất gỗ bị mài mòn nhiều làm nó nhẹ hơn cả đám còn lại, cũng có lẽ nó đã mệt mỏi rồi. Chúng cũng như ông ngước mắt nhìn lên trần nhà, nơi có giàn đèn đã đứt phựt từ lúc nào.


Bỗng qua tấm màn tre cũ kỹ ông nhìn thấy một tia sáng, một tia sáng yếu ớt lóe lên. Không biết ai đang dùng chức năng đèn pin của di động. Lại thêm một tia sáng nữa, rồi thêm một tia sáng nữa, một tia sáng nữa... Cả hàng ghế khán giả đang sáng lên, rực rỡ như những vì sao đêm ba mươi này, đang bay lên trên bầu trời đêm an tĩnh. Xung quanh sân khấu đang được con ông thắp rất nhiều đèn cầy trắng, sân khấu sáng lên như một vầng trăng dịu dàng. Ông đã bắt đầu nghe thấy tiếng nhạc. Anh nhà báo trẻ lò dò đứng phía sau lưng ông, bất chợt lên tiếng: Bản nhạc này đúng không ông? Hồi trước ông cháu có bảo cháu tìm giúp dàn âm thanh. Ông bảo bữa nào ông bệnh thì cũng có nhạc, sân khấu này làm sao mà thiếu nhạc được. Ông già quay lại nhìn chàng thanh niên, đôi mắt nhập nhèm của ông không nhìn thấy rõ được chàng thanh niên có dáng dấp ra sao, nhưng ông biết cái giọng này. Cái giọng của thằng cu này y chang ông già nhà nó, à có điều nó trẻ trung hơn nhiều chứ không có rè rè. Ông bật cười vì ý nghĩ này thoáng hiện lên đầu ông. Ông lại nghe tiếng nước, ông thấy một bàn tay đang vịn vào vai mình. Bằng bản năng ông biết đây là bà lão nhà ông. 'Ơ cái bà này sao cũng nhảy ùm xuống nước thế này nhỉ? Bệnh ra đấy rồi ông lại phải chăm à?' Ông thầm nghĩ trong đầu. Giọng bà thỏ thẻ: Này ông, chỉ cần cầm đàn chuột con chạy theo chuột bố là được à? Rồi bà lại lầm bầm: Ông cứ chạy đi tôi sẽ theo kịp, chúng ta cùng hoàn thành buổi diễn cuối cùng này đi ông già. Ông lội vài bước về phía trước, qua khe hẹp của màn trúc, ông nhìn thấy thằng cháu đích tôn bỏ con rô-bốt mà nó quý nhất trên ghế gần sân khấu, chạy lon ton theo chân cha mẹ nó đốt đèn cầy. Ông nhìn thấy những khán giả khác đang soi sáng bằng điện thoại. Ông quay lại nhìn bà nhà ông, bà ấy đang giựt giựt cái sào tựa như vận động viên làm nóng người trước khi chạy. Ông nhìn sang bên cạnh, anh nhà báo trẻ đang chỉnh âm lượng loa, cái loa tay lúc nãy anh dùng phát biểu. Ông lại cầm sào trúc, biểu diễn nốt buổi diễn này.


Gia đình chuột Tân Lang sau khi bỏ gần hết cỗ cưới cho mèo Vương, cuối cùng đã thuận lợi đón nàng dâu mới về nhà. Ông già lại nghe những tràng pháo tay vang dội, tiếng người cười nói. Ông bước lên sân khấu, chào khán giả. Và rồi ông quay người lại chào sân khấu, chào những người bạn già đã cùng ông, chào tất cả những đam mê cuồng nhiệt của tuổi trẻ. Tất cả đã kết thúc rồi!


Buổi diễn kết thúc, khán giả kéo tốp năm tốp ba đi về. Ông nghe thấy tụi nhỏ thảo luận kế hoạch này mùng một mùng hai. Có đứa nhỏ còn bảo kế hoạch vĩ đại mười năm của nó sẽ bắt đầu từ năm nay. Bọn trẻ còn biết bao cái mười năm để phấn đấu còn ông… mải nghĩ ông không chú ý đến hoàn cảnh xung quanh nữa, không chú ý đến đứa cháu đang đi đằng trước. Thế là ông va vào lưng thằng cháu nhỏ xíu, thằng cháu đích tôn của ông. Mẹ thằng bé xót con, vội chạy lại đỡ cháu. Đột ngột tâm trí ông bừng sáng lên ông hỏi đứa cháu:


- Này cháu có thích rối nước không?

- Dạ, không ạ!


Thằng bé ngước đôi mắt trong veo lên nhìn vào gương mặt ông. Ông nghe mẹ thằng bé càu nhàu gì đó, nhưng đôi tai của ông lúc ấy dường như không nghe thấy bất kỳ âm thanh gì cả. Ông nghĩ: Phải rồi! Bọn trẻ làm sao có thể thích. Làm sao có thể thích được nhỉ? Chợt, thằng bé giựt mạnh gấu quần của ông già, đây là động tác mỗi khi thằng bé có điều bí mật muốn chia sẻ với ông. Ông cúi người ngồi ngang với thằng bé nhỏ xíu.


- Cháu sẽ biến mấy con chuột thành rô-bốt hết, lúc ấy ông chả cần cầm sáo trúc nữa. Rồi chúng sẽ đánh mèo Vương ầm ầm cho ông coi.


Ông giơ bàn tay già nua của mình nắm chặt lấy bàn tay nhỏ xíu của thằng cháu. Mỉm cười.


Giao thời, tất cả mọi thứ phải thay đổi thôi!


Nam Kha Tử, 2020


 
Truyện Ngắn Nằm Trong Cuộc Thi Viết: Giao Thời - Cuộc Thi Viết Chủ Đề Năm Mới​
Tranh: Pla Gogh - Inkie Whang, Inkie - 2010 (Bức tranh đương đại của Inkie Whang, thực hiện bằng việc ghép rất nhiều mẩu nhựa nhỏ, dựa trên bức Starry Night - Vincent van Gogh)

19 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page