"Bí mật của hạnh phúc đến từ việc trân trọng những niềm vui trong khi những người khác còn mải bận tâm vì những chuyện buồn." ~ William Penn
Gần đây có một người bạn hỏi tôi, "Thói quen tệ hại nhất cậu đã từ bỏ được là gì?" - "Ngoại trừ việc ăn chocolate thay cho bữa sáng ra chứ?', Tôi nói đùa, "Có lẽ đó là thói quen hay phàn nàn."
Tôi đã từng là một kẻ luôn than vãn không ngừng. Cứ như việc kêu ca đó đã ăn sâu trong DNA của tôi vậy. Trong những tháng ngày tôi lớn dần lên, cha tôi đã đổ lỗi cho thời tiết gây ra chứng Tennis elbow (viêm cầu lồi ngoài xương cánh tay) của mình; vấn đề giao thông , và cách chơi golf kém cỏi của ông, ông thường xuyên phán xét cũng như là đưa ra suy đoán về người khác.
Nếu chúng tôi lái xe ngang qua bãi cỏ được cắt tỉa đẹp đẽ của một nhà hàng xóm nào đó, cha tôi sẽ rỉ tai rằng căn nhà đó được mua với giá hời ngay trong khi tay vẫn vẫy chào chủ nhà. Khi những đồng nghiệp của ông nghỉ dưỡng ở Hawaii, ông lại cho rằng gia đình họ đã tài trợ kinh phí cho chuyến đi ấy.
Vì vậy cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi tôi bắt đầu chỉ trích những người bạn của mình mỗi khi có sự bất đồng, hay nặng lời buông ra những câu cay nghiệt lúc đứa bạn thân nhất lại rủ người khác cùng đi Disneyland.
Tôi thừa nhận, ban đầu sẽ có chút vui sướng - thậm chí cảm thấy mình thật uy quyền. Nhưng ngay sau đó, tôi lại buồn và ngập tràn tội lỗi.
Ngã rẽ cuộc đời xảy đến vào một ngày khi tôi học lớp 4, cô giáo nhẹ nhàng kéo tôi ra một góc để nói chuyện: "Em biết đấy, đôi lúc chúng ta nhìn nhận tình huống của mình tệ hơn thực tế. Nhưng cuộc sống sẽ rất tuyệt vời nếu em biết chú ý đến những điều tốt đẹp."
Dẫu cho bài học ấy đã được nói giảm nói tránh, cô Braun đã dạy tôi về món quà của sự biết ơn. Và lòng biết ơn cũng chính là một trong những lý do tôi yêu Tâm lý học tích cực.
Tâm lý học tích cực khuyến khích chúng ta đặt ra câu hỏi về việc có thể thay đổi suy nghĩ và hành động nào để hạnh phúc hơn.
Sự tập trung có chủ đích truyền cảm hứng cho chúng ta nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực, trau dồi các mối quan hệ và thực hiện những nghĩa cử tử tế.
Những bài tập dưới đây có thể giúp bạn cải thiện sự an lạc của đời mình và cả của những người khác.
Bài thực hành #1: Ba điều hài hước
Viết ra ba điều khôi hài bạn đã gặp trong một ngày và lý do vì sao chúng lại xảy ra. Ví dụ, có việc gì đó bạn bị lôi kéo vào trực tiếp, bạn quan sát được hay chỉ là một chuyện ngẫu nhiên tự phát?
Khi bạn có thể bật cười với chính bản thân và những hoàn cảnh của mình, có nghĩa là bạn không nghiêm trọng hóa mọi thứ quá mức. Tuyệt vời nhất là tiếng cười rất dễ lây lan.
Bài thực hành #2: Nhật ký
Việc ghi chép nhật ký cung cấp hình ảnh chụp lại tức thời ở một thời điểm. Không chỉ tạo ra một thói quen lành mạnh của việc tự nhìn lại mình, việc này còn là minh chứng cho những thay đổi tích cực trong suy nghĩ và hành động, giúp tâm trạng ta từ ủ rũ trở nên tốt hơn.
Ví dụ, nếu bạn vừa được thăng chức trong tuần này, bạn sẽ trình bày lại chi tiết:
Nó đã xảy ra như thế nào? (bằng cách làm việc chăm chỉ và dùng 15 phút kiểm tra tỉ mỉ lại những con số)
Vì sao nó lại xảy ra? (tôi nắm thế chủ động trong việc thăng tiến)
Tôi đã làm đúng đắn điều gì? (tôi nói chuyện với những người điều hành cấp cao trong công ty về con đường thăng tiến tốt nhất)
Tôi đã khiến việc này xảy ra như thế nào? (tôi ngừng xem những chương trình TV yêu thích và thay vào đó là đọc những ấn phẩm thương mại và các bài báo cáo cổ phiếu)
Tiếp đến, ghi lại một hành động bạn không thích và bạn đã chú ý nó đến mức nào. Ví dụ:
Tôi cáu kỉnh với người bạn cùng phòng vì cô ấy về nhà trễ và đánh thức giấc ngủ của tôi.
Giải quyết vấn đề như sau:
Chuyện này gây khúc mắc cho tôi thế nào? (tôi không thể ngủ tiếp vì ám ảnh với suy nghĩ cô ấy thật là vô ý vô tứ.)
Tôi phải nghĩ gì và làm gì để tháo gỡ khúc mắc ấy? (Tôi có thể linh động hơn; dù gì thì cô ấy cũng đã lớn và không cần thiết phải về nhà trước giờ giới nghiêm. Tôi có thể mua nút bịt tai và sử dụng mỗi khi cô ấy ra ngoài trong tuần.)
Bài thực hành #3: Viết nhật ký cho tương lai
Bất kể bạn đang cố ăn uống lành mạnh hơn, học để lấy bằng cấp cao hơn, hay bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của chính mình, khoảng thời gian từ khi chỉ là một người tập sự đến lúc đạt được mục tiêu có thể dài tưởng chừng vô tận. Mường tượng tương lai của mình có thể là một động lực tuyệt vời giúp bạn vượt qua nỗi chán nản.
Nhắm mắt lại và hình dung tương lai của bạn. Tập trung vào việc cuộc đời bạn sẽ đổi khác như thế nào và sẽ thay đổi ở những điểm nào. Ngẫm nghĩ về cảm giác của mình và cách những người khác nhìn nhận một cái tôi hoàn toàn mới và tiến bộ của bạn sẽ ra sao.
Quan trọng nhất là, nghĩ về cách bạn sẽ tận dụng những thói quen, kỹ năng và tài năng mà bạn hiện tại đang trau dồi để phục vụ mọi người.
Bài thực hành #4: Thống kê lại những hành động đẹp
Ghi lại những hành động tử tế bạn đã làm trong một ngày riêng biệt và hành động tử tế mà bạn đã dược chứng kiến. Những điều này có thể đơn giản như là đặt tờ nhật báo lên bậc cửa nhà hàng xóm, giúp một người già qua đường, hay mỉm cười với những người lạ.
Bài thực hành #5: Chuyến thăm hỏi của lòng biết ơn
Nghĩ về một ai đó mà bạn nên cảm ơn, một ai đó đã từng giúp đỡ hay đối xử tốt với bạn (không phải là một thành viên trong gia đình, một người cộng sự, hay là vợ/chồng).
Viết một lá thư cho người này, bao gồm những chi tiết về việc họ đã giúp bạn như thế nào và nó đã để lại ảnh hưởng trong bạn ra sao.
Sắp xếp một cuộc gặp với người bạn và nói rằng bạn có vài thứ muốn đọc cho họ. Sau khi đọc xong lá thư, hãy trao tặng nó như một món quà.
Không bắt buộc nhưng sẽ là một hành động đáng yêu khi đóng khung hoặc ép lá thư lại.
Bài thực hành #6: Xây dựng một cái nhìn tích cực
Dẫu cho những điều tồi tệ xảy đến mỗi ngày, hãy nhớ rằng thế giới cơ bản vẫn là một chốn an toàn.
Tất cả chúng ta đều hứng chịu nỗi đau và tổn thương. Những người thấy sự tích cực trong mọi tình huống có khả năng mau chóng phục hồi về cả mặt thể chất lẫn tinh thần.
Khi bạn cố tình chọn sự tích cực, bạn hướng về nội tâm và tin tưởng suy nghĩ , cảm xúc cũng như hành vi của mình. Cuộc sống vẫn sẽ mang đến những nỗi đau đớn và tổn thương, nhưng bạn biết rằng vẫn sẽ luôn có cách giải quyết.
Sau khi đưa con trai đến trường tuần trước. Tôi nhận ra bản thân đang buồn và sợ hãi chẳng vì lý do gì cả. Sẽ như thế nào nếu điều tồi tệ xảy ra và chẳng may tôi không thể nào gặp lại con trai mình?
Tôi biết những suy nghĩ đó thật vô nghĩa, nhưng thật khó để gạt những suy nghĩ về cái chết ra khỏi đầu, trong khi hình bóng thằng bé biến mất dần, lẩn khuất giữa đám trẻ cấp hai.
Sau đó tôi thở thật sâu, nhắm mắt lại và tự nhủ rằng những cảm giác của tôi chỉ là giả và tôi có thể ngưng nỗi lo âu bằng những hành động có chủ đích.
Tôi nhìn xung quanh và tận hưởng cây cối, bầu không khí trong lành, ánh nắng ban mai và những thanh thiếu niên cười khúc khích hào hứng chạy về phía người cảnh sát giao thông ở góc đường.
Tôi tập trung vào những vẻ đẹp giản đơn quanh mình. Và sau đó tôi chợt nhận ra: Sự khác biệt giữa những kẻ hay than phiền và những người khác là sự trân trọng và biết ơn với những gì mình có, ngay tại đây và ngay bây giờ.
Về Bài Đăng:
Người dịch: Nguyễn Thị Cẩm ; Người biên tập: Phạm Đại Bàng
Comments