Bạn có cảm thấy mình phản ứng thái quá với mọi việc so với những người khác không? Bạn có hay lo lắng về cảm nhận của người khác không? Có phải bạn thích môi trường yên tĩnh và ít xáo trộn hơn đúng không?
Bạn có cảm thấy mình phản ứng thái quá với mọi việc so với những người khác không? Bạn có hay lo lắng về cảm nhận của người khác không? Có phải bạn thích môi trường yên tĩnh và ít xáo trộn hơn đúng không?
Nếu những điều trên nghe có vẻ đúng với bạn thì có lẽ bạn là một người rất nhạy cảm. Đây là một tình trạng tương đối phổ biến mà cứ năm người thì sẽ có một người gặp phải và được nghiên cứu lần đầu bởi tiến sĩ Elaine N. Aron vào đầu thập niên 90. Aron đã viết nhiều bài nghiên cứu và sách về chủ đề này, bao gồm cuốn “Người cực nhạy cảm” (The highly sensitive person), sau này được phát triển thành một bài tự kiểm tra (http://hsperson.com/test/highly-sensitive-test/) để giúp bạn xác định xem mình có phải là người rất nhạy cảm hay không. Trong khi gần đây một số ấn phẩm nổi tiếng đã gây được sự chú ý đối với vấn đề hướng nội, bao gồm cả cuốn sách “Lặng yên” (Quiet), giúp người ta nhận thức rõ hơn về những xu hướng cá tính không thích sự kích thích và có phần nhạy cảm này, Aron vẫn cho rằng những người rất nhạy cảm thường bị xem là “thiểu số”.
📷
Nhưng “thiểu số” không có nghĩa là không tốt, thực tế thì sự nhạy cảm thường đem lại rất nhiều tính cách tích cực. Hãy cùng tìm hiểu những đặc điểm chung của những người nhạy cảm nào.
1. Họ cảm nhận một cách sâu sắc hơn
Một trong những đặc trưng riêng của người rất nhạy cảm là khả năng cảm nhận sâu sắc hơn so với những người ít nhạy cảm. “Họ thích suy xét mọi việc ở một cấp độ sâu hơn” trích lời tiến sĩ Ted Zeff, tác giả của cuốn “Hướng dẫn sinh tồn của người rất nhạy cảm” và những cuốn sách khác về người rất nhạy cảm, ông nói với tờ HuffPost rằng “Họ thích dựa vào trực giác và đi sâu tìm hiểu mọi việc”.
2. Họ có phản ứng mạnh hơn về cảm xúc
Những người cực nhạy cảm sẽ phản ứng mạnh hơn trong một tình huống nhất định. Chẳng hạn theo Aron, họ sẽ cảm thông và quan tâm hơn đối với những vấn đề của bạn bè. Họ cũng có thể sẽ quan tâm nhiều hơn về việc một người khác sẽ phản ứng thế nào khi phải đối mặt với một sự kiện tiêu cực.
3. Họ có thể từng bị nói là “Đừng cá nhân hoá vấn đề” và “Tại sao bạn lại nhạy cảm như vậy?”
Zeff giải thích rằng tùy theo từng nền văn hóa, sự nhạy cảm có thể được xem là một tài sản hoặc một tính cách tiêu cực. Trong một vài nghiên cứu của mình, Zeff nói rằng những người đàn ông cực nhạy cảm được phỏng vấn đến từ các nước khác như Thái Lan hoặc Ấn Độ thì hiếm khi hoặc không bao giờ bị trêu chọc, trong khi những người đàn ông nhạy cảm ở Bắc Mỹ được hỏi cho biết họ thường xuyên hoặc lúc nào cũng bị trêu chọc. “Do đó phần lớn là do văn hóa – trong một vài nền văn hóa nhất định, một người bị nói là “Ồ, bạn nhạy cảm quá” thì đó là một phẩm chất tốt”, Zeff nói.
4. Họ thích tập luyện một mình
📷
Zeff nói rằng, những người cực nhạy cảm có xu hướng tránh các môn thể thao đồng đội, bởi vì chúng khiến họ gặp phải tình huống mà mọi người dõi theo từng cử động của họ. Trong nghiên cứu của Zeff, phần lớn những người nhạy cảm được phỏng vấn đều thích những môn thể thao cá nhân như đạp xe, chạy bộ và leo núi hơn là những môn thể thao đồng đội. Tuy nhiên, đây không phải là một quy luật bao trùm, Zeff nói cũng có một số người nhạy cảm được cung cấp môi trường hỗ trợ và sự lý giải của cha mẹ giúp cho họ tham gia vào các môn thể thao đồng đội một cách dễ dàng hơn.
5. Họ cần nhiều thời gian hơn để ra quyết định
Aron cho rằng những người cực nhạy cảm nhận thức rõ hơn về sự tinh tế và những chi tiết khiến cho việc ra quyết định đối với họ trở nên khó khăn hơn. Ngay cả khi không có kiểu quyết định “đúng” hoặc “sai”, chẳng hạn không có thứ gọi là chọn “sai” vị của kem nhưng người nhạy cảm vẫn có xu hướng dành nhiều thời gian để lựa chọn bởi vì họ luôn cân nhắc kĩ từng kết quả. Lời khuyên mà Aron viết trong số ra gần đây của bản tin Comfort Zone để đối phó với tình trạng này là: “Dành khoảng thời gian ra quyết định tương ứng với mức độ cho phép của tình huống, yêu cầu nhiều thời gian hơn nếu bạn thật sự thấy cần và có thể bỏ ra được”. “Trong khoảng thời gian này, cố vờ như là bạn đã đưa ra quyết định sau khi suy nghĩ một phút, một giờ, một ngày hoặc thậm chí là một tuần. Bạn cảm thấy thế nào? Thông thường, quyết định theo kiểu này sẽ khiến mọi việc khác đi, nó cho bạn cơ hội để tưởng tượng một cách sống động rằng bạn đã đi đến quyết định sau khi suy xét kĩ càng.” Một ngoại lệ nữa đó là khi một người rất nhạy cảm đã đi đến kết luận về việc quyết định nào là đúng, quyết định nào là sai trong một tình huống nhất định, thì trong tương lai, anh ta hoặc cô ta sẽ nhanh chóng đưa ra quyết định mà mình cho là đúng trong tình huống tương tự.
6. Và cùng với đó là họ sẽ thất vọng nhiều hơn nếu họ đưa ra một quyết định sai lầm hay tồi tệ
Bạn biết cái cảm xúc khó chịu khi nhận ra rằng mình đã đưa ra một quyết định sai lầm chứ? Đối với những người rất nhạy cảm, Aron giải thích rằng “cảm xúc đó sẽ bị phóng đại lên nhiều lần bởi vì phản ứng cảm xúc của họ mạnh hơn”.
7. Họ là người rất coi trọng tiểu tiết
📷
Những người rất nhạy cảm là những người đầu tiên chú ý đến những chi tiết trong một căn phòng, đôi giày mới của bạn hay sự thay đổi về thời tiết.
8. Không phải tất cả những người rất nhạy cảm đều hướng nội
Thực ra, khoảng 30% những người rất nhạy cảm là người hướng ngoại, theo nghiên cứu của Aron. Bà giải thích rằng nhiều khi những người nhạy cảm hướng ngoại lớn lên trong một cộng đồng gắn kết, có thể là trong một khu hẻm, một thị trấn nhỏ hoặc họ có cha mẹ là mục sư và do đó họ sẽ phải tiếp xúc với nhiều người.
9. Họ làm việc tốt trong môi trường làm việc nhóm
Bởi vì những người nhạy cảm là những người suy nghĩ sâu sắc, do đó họ là những nhân viên hoặc thành viên quan trọng của nhóm theo lời Aron. Tuy nhiên, họ có thể chỉ phù hợp với những vị trí không phải đưa ra quyết định cuối cùng trong nhóm. Ví dụ, nếu một người nhạy cảm là thành viên trong một đội ngũ y tế, anh ta hoặc cô ta có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích ưu nhược điểm khi phẫu thuật cho bệnh nhân, nhưng một người khác sẽ quyết định có tiến hành phẫu thuật hay không.
10. Họ dễ mắc phải chứng lo âu hay trầm cảm (nhưng chỉ khi họ từng có những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ)
“Nếu bạn từng trải qua kha khá những điều tồi tệ, đặc biệt là khi còn trẻ, khiến cho bạn không cảm thấy an toàn ở nhà hoặc ở trường, hệ thần kinh của bạn sẽ luôn được đặt trong chế độ “lo lắng””, Aron nói. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả những người rất nhạy cảm lúc nào cũng cảm thấy lo âu, và thực tế là có được môi trường hỗ trợ sẽ giúp họ tránh được điều này một cách hiệu quả. Cha mẹ của những đứa trẻ nhạy cảm nói riêng cần “nhận thức rằng đây là những đứa trẻ tuyệt vời nhưng chúng cần được chăm sóc một cách phù hợp”, Aron nói. “Bạn không thể bảo vệ chúng quá nghiêm ngặt nhưng cũng không thể thờ ơ với chúng. Bạn phải xác định chính xác độ tuổi nào được xem là còn nhỏ để giúp chúng cảm thấy tự tin và làm tốt mọi việc.”
11. Những âm thanh gây khó chịu sẽ khiến những người rất nhạy cảm cảm thấy phiền phức hơn rất nhiều
Theo Aron, trong khi hầu hết mọi người không thích những âm thanh gây khó chịu thì phải nói rằng những người rất nhạy cảm cực kỳ nhạy cảm với sự hỗn loạn và tiếng ồn. Đó là bởi vì họ có xu hướng bị quá tải và kích thích quá mức bởi quá nhiều hoạt động xung quanh.
12. Những bộ phim bạo lực dở tệ với họ
📷
Bởi vì những người rất nhạy cảm dễ mủi lòng và dễ bị kích thích nên những bộ phim với bối cảnh bạo lực hoặc kinh dị có thể không phải là gu của họ.
13. Họ dễ rơi lệ
Zeff nói rằng đó là lí do tại sao những người rất nhạy cảm sẽ không đặt mình vào những tình huống sẽ khiến họ cảm thấy xấu hổ hoặc sai lầm đến mức rơi lệ. Nếu gia đình và bạn bè nhận ra rằng dễ rơi lệ chỉ là bản tính của họ và chấp nhận biểu hiện này thì việc “rơi nước mắt” đó sẽ không bị coi là đáng hổ thẹn.
14. Họ có cách xử sự tốt hơn mức trung bình
Aron nói rằng những người nhạy cảm cũng là những người chu đáo hơn hẳn. Cũng vì vậy mà họ có xu hướng thể hiện lối cư xử tốt và quan tâm đến người khác, họ cũng dễ nhận ra khi người khác không xử sự có tâm như họ. Chẳng hạn, những người rất nhạy cảm chú ý hơn đến vị trí của chiếc xe đẩy của họ trong cửa hàng tiện lợi, không phải bởi vì họ sợ bị trộm đồ mà bởi vì họ không muốn thể hiện sự bất lịch sự khi xe đẩy của mình chắn lối đi của người khác.
15. Tác động của sự chỉ trích bị phóng đại một cách đặc biệt đối với người rất nhạy cảm
Theo Aron, những người rất nhạy cảm sẽ phản ứng đối với sự chỉ trích một cách nghiêm trọng hơn hẳn những người ít nhạy cảm. Do đó, họ có thể sẽ sử dụng những chiến thuật nhất định để tránh sự chỉ trích, bao gồm cả việc cố làm hài lòng mọi người (để không còn lí do gì khiến họ bị chỉ trích) hoặc tự phê bình mình trước và tránh mọi khả năng khiến họ bị phê bình.
“Người ta có thể nói một điều gì đó tiêu cực và một người ít nhạy cảm có thể đáp lại là “sao cũng được” và không bị ảnh hưởng bởi lời phê bình đó”, Zeff nói, “Nhưng một người rất nhạy cảm sẽ cảm nhận điều đó một cách sâu sắc hơn.”
16. Khoang làm việc = tốt. Văn phòng mở = tệ.
📷
Cũng giống như việc những người nhạy cảm có xu hướng thích làm việc độc lập, họ cũng thích môi trường làm việc riêng biệt. Zeff nói rằng nhiều người nhạy cảm thích làm việc ở nhà hoặc tự làm thuê cho bản thân bởi vì như vậy họ có thể kiểm soát những kích thích do môi trường làm việc gây ra. Còn đối với những người nhạy cảm không có khả năng tận hưởng sự xa xỉ của việc tự tạo ra lịch (hoặc môi trường) làm việc linh hoạt cho chính mình, Zeff lưu ý rằng họ sẽ lựa chọn làm việc trong một khoang làm việc tách biệt giúp họ cảm thấy riêng tư và ít ồn ào hơn là trong một không gian văn phòng mở.
----------
Đăng tải tại: Compassion.vn
Người dịch: Mai Trang Phạm
Nguồn bài: http://www.huffingtonpost.com/2014/02/26/highly-sensitive-people-signs-habits_n_4810794.html
Bài gốc đăng tại: http://tamlyhoctoipham.com
コメント