Lời dẫn: Kỹ năng sống là những bài học giá trị mà con trẻ sẽ sử dụng trong suốt cuộc đời mình. Thế nhưng điều đáng buồn là hầu hết trẻ em không được dạy cách để giải quyết những tình huống thực tế cho đến khi lên cấp trung học. Đừng chờ đợi đến khi trẻ ở độ tuổi thiếu niên rồi mới dạy về những kỹ năng sống cần thiết này. Hãy bắt tay vào việc dạy các bài học thực tế cho con bạn ngay bây giờ, khởi đầu với kỹ năng ra quyết định, sau đó xây dựng những bài học kỹ năng sống phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.
1. Kỹ Năng Ra Quyết Định
Có được những quyết định tốt là kỹ năng quan trọng mà đứa trẻ nào cũng nên bắt đầu học từ khi còn rất nhỏ.
Hãy bắt đầu với những quyết định đơn giản như chọn kem sôcôla hay vani, chọn chiếc tất màu xanh da trời hay tất trắng, chọn chơi tàu hỏa hay xe hơi. Khi trẻ bắt đầu vào tiểu học, chúng có thể bắt đầu học về phần thưởng của các quyết định tốt và hậu quả của những quyết định xấu.
Hãy dẫn dắt con qua từng bước, từng bước một để học cách ra quyết định. Giúp con cân nhắc các lựa chọn, đánh giá ưu - nhược điểm của từng chọn lựa và sau đó để tự con đưa ra quyết định cuối cùng xem mọi việc sẽ dễ ra như thế nào.
2. Sức Khỏe và Vệ Sinh
Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu dạy cho con trẻ học về sức khỏe và vệ sinh. Trong thời gian bận rộn hàng ngày, chúng ta luôn luôn bảo con phải đi tắm, đánh răng, rửa tay, và thay đồ lót. Nhưng chúng ta chưa bao giờ nói cho chúng nghe lý do vì sao phải như vậy, phải không? Hãy nghĩ về điều đó.
Hãy giải thích cho con hiểu vì sao sức khỏe và vệ sinh lại luôn là một phần rất quan trọng trong ngày. Khi con bắt đầu học về kỹ năng này, bạn hãy làm một biểu đồ hoặc danh sách để giúp con kiểm tra xem từng nhiệm vụ đã được hoàn thành hay chưa.
Khi những kỹ năng này đã được thiết lập theo thời gian, hãy cất biểu đồ/danh sách đó đi và con bạn sẽ tự động thực hiện những nhiệm vụ trong ngày mà không cần bạn phải nhắc nhở nữa.
3. Quản Lý Thời Gian
Mỗi ông bố bà mẹ đều biết việc quản lý thời gian đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc giúp gia đình đi đúng hướng. Bởi thế, việc cho con bắt đầu học cách quản lý thời gian cũng vô cùng quan trọng trong thời điểm hiện tại.
Không chỉ giúp trẻ học cách đo lường thời gian, làm đúng công việc, giữ đúng lịch trình và giúp bạn làm việc dễ dàng hơn, việc học kỹ năng này còn giúp trẻ trở thành người làm chủ thời gian, nhờ đó chúng có thể làm mọi thứ - từ thức dậy đúng giờ cho đến một ngày nào đó trở thành đi làm đúng giờ.
4. Chuẩn Bị Bữa Ăn
Ngay cả đứa trẻ nhỏ nhất cũng có thể học cách để chuẩn bị một bữa ăn như thế nào trong nhà bếp. Tất nhiên chúng ta đang không nói đến bữa tối bao gồm 5 món đầy đủ, nhưng bạn có thể dạy trẻ mẫu giáo cách sửa soạn một chiếc bánh sandwich và trẻ tiểu học cách sử dụng lò vi sóng như thế nào. Với những hướng dẫn này, từ khi trẻ tầm 3-5 tuổi đến tuổi vị thành niên, con bạn có thể trở thành đầu bếp giỏi trong nhà khi bạn cần nấu ăn đấy!
Khi con trẻ trở nên tự tin hơn trong nhà bếp, chúng có thể học thêm các kỹ năng chuẩn bị bữa ăn khác như học cách tự chuẩn bị phần cơm trưa, chọn các thực phẩm lành mạnh, nấu một bữa ăn đơn giản trên bếp với sự giám sát của người lớn hay tự lên kế hoạch cho bữa ăn của mình.
5. Quản Lý Tiền Bạc
Chúng ta dạy trẻ con cách học đếm. Chúng ta dạy trẻ con các phép toán đơn giản. Chúng ta cũng có thể tạo nên những bài học khác khó hơn và biến chúng trở thành những kỹ năng mà con trẻ có thể sử dụng được ngay bây giờ.
Quản lý tiền bạc là thứ mà đôi khi cả người lớn cũng gặp vấn đề. Ngay bây giờ là thời điểm hoàn hảo để bắt đầu dạy con về tiền bạc, về tầm quan trọng cũng như cách quản lý tiền bạc như thế nào. Điều này sẽ giúp con trẻ có sự chuẩn bị tốt hơn khi chúng bắt đầu tự kiếm được tiền đấy!
Thông qua việc dạy con cách quản lý tiền hiệu quả, trẻ có thể học được cách tiết kiệm, tiêu dùng khôn ngoan, tạo nên sự thay đổi, và hiểu rằng viết một tờ séc hay sử dụng thẻ tín dụng không phải là sử dụng tiền miễn phí.
6. Dọn Dẹp
Đôi khi sẽ dễ dàng hơn khi bố mẹ tự làm hết tất cả việc nhà. Nhưng sẽ thật đáng tiếc khi bỏ qua một cơ hội quý báu để dạy con cách để giữ cho ngôi nhà sạch đẹp - điều mà con trẻ sẽ rất cần khi chúng rời trường đại học hay đến một lúc nào đó có căn nhà của chính mình để quan tâm.
Hãy bắt đầu với những biểu đồ công việc phù hợp với lứa tuổi như học cách dọn giường, rửa bát đĩa và quét bụi. Bạn cũng nên nghĩ về những sự bừa bộn mà con trẻ gây ra và giúp chúng học cách tự dọn dẹp như thế nào nữa.
Ví dụ, để một cái khăn hoặc miếng bọt biển trong nhà tắm để trẻ tự lau đi những giọt kem đánh răng mà chúng lỡ làm rơi trên sàn. Vì đồ chơi có thể di chuyển một cách kỳ diệu từ phòng này sang phòng khác, hãy đặt một cái giỏ để trẻ có thể ném tất cả đồ chơi vào đó và mang về phòng ngủ của mình mỗi cuối ngày nhé!
Lên lịch dọn dẹp nhà hàng ngày để việc dọn dẹp trở thành một phần trong lịch trình của trẻ và giúp trẻ ghi nhớ điều đó.
7. Giặt Ủi
Nếu bạn có con, bạn sẽ có rất nhiều thứ phải giặt giũ. Dạy con cách như thế nào để giặt, gấp và cất quần áo không chỉ là một kỹ năng sống sẽ giúp con mà cũng là để giúp bạn nữa.
Trẻ con từ 3 - 5 tuổi có thể học được rất nhiều thông qua việc giúp bạn với chỗ quần áo đã giặt là xong, ví dụ như sắp xếp theo màu sắc và nhận biết được các loại vải. Khi trẻ lớn lên, chúng có thể bắt đầu học cách bỏ quần áo vào máy giặt và chuyển sang chế độ sấy. Trẻ tiểu học có thể học cách mở máy giặt/máy sấy và biết cho lượng bột giặt cần thiết.
Khi quần áo đã khô, bạn có thể cho trẻ thấy cách gấp quần áo và cất đi như thế nào. Sớm thôi, trẻ sẽ có thể học được cách tự xử lý tất cả mớ quần áo của chúng.
8. Học Cách So Sánh Khi Mua Sắm
"Con muốn cái này! Con muốn cái này! Con muốn cái này!"
Đã bao nhiêu lần bạn nghe thấy điều này khi con bạn chỉ tay vào một cây kẹo, một món đồ chơi, một cái áo thun, một con cái, hay bất cứ thứ gì bạn có thể nghĩ là con mình muốn có nó ngay bây giờ?
Khi lớn lên, chúng ta hiểu được giá trị của đồng tiền và tầm quan trọng của việc mua sắm có so sánh. Tuy nhiên, chúng ta thường bỏ qua kỹ năng sống quý giá này mà quên không dạy cho con trẻ.
Lần tới, khi bạn đang ở trong cửa hàng với mức giá đắt đỏ và trẻ lại đang mè nheo, đòi bạn phải chìa tiền ra, hãy giành thời gian để lấy điện thoại ra và tìm kiếm món đồ đó trên vài trang web mua sắm. Cho con bạn thấy món đồ đó có giá đắt như thế nào ở một cửa hàng khác và những mặt hàng tương đương có thể có chất lượng tốt hơn.
Có thể sau tất cả, nơi mà bạn đang đứng là một trong những cửa hàng có sản phẩm tốt nhất với mức giá tốt nhất. Nhưng dạy cho con trở thành người tiêu dùng thông minh và giành thời gian để so sánh các cửa hàng sẽ giúp trẻ tiết kiệm tiền ở mọi nơi, trong khi vẫn có được những quyết định thông minh để lựa chọn những loại sản phẩm mà chúng muốn.
9. Chọn Thức Ăn Tại Nhà Hàng
Là cha mẹ, khi đi nhà hàng, chúng ta thường có xu hướng chọn món cho con mình ngay tại quầy để mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, lần sau hãy để bọn trẻ tự gọi món vì điều đó là niềm vui của chúng và giúp chúng xây dựng sự tự tin.
Nhiều nhà hàng có thực đơn cho bé đi kèm với hình ảnh, do đó trẻ ở giai đoạn mầm non có thể bắt đầu lựa chọn bằng các khoanh tròn hay đánh dấu vào thứ mà chúng muốn ăn. Khi sự tự tin dần tăng cao, trẻ có thể bắt đầu gọi món thông qua người phục vụ. Hãy nhắc nhở trẻ thực hành việc cư xử thật tốt bằng cách nói "Vui lòng..." và "Cảm ơn" sau khi gọi món.
10. Chuẩn Bị Sẵn Sàng
Trẻ có thể học cách tự chuẩn bị sẵn sàng từ khi còn bé. Hãy để chúng tự chọn đồ sẽ mặc vào ngày mai trước khi đi ngủ. Chọn một chiếc đồng hồ báo thức để chúng dễ dàng đặt giờ. Đặt sẵn lược chải tóc và kem đánh răng. Bạn có thể hướng dẫn trực quan để chúng hình dung toàn bộ quá trình.
Ví dụ, chụp một bức hình của đồng hồ báo thức, quần áo của chúng, một bức ảnh khác về kem đánh răng, rồi đến lược chải đầu và cả cái bô để nhắc chúng trước khi bạn ra khỏi phòng trẻ. Những bức tranh sẽ là những tấm thẻ ghi chú hàng ngày cho đến khi trẻ tạo thành thói quen tự chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ.
11. Bảo Trì Mọi Thứ Trong Nhà
Trẻ rất thích trở thành người hỗ trợ đắc lực cho bạn và luôn có những công việc bảo trì/gìn giữ xung quanh ngôi nhà mà trẻ hoàn toàn có thể thực hiện được.
Những nhiệm vụ đơn giản có thể hướng dẫn như cho trẻ biết cách thay giấy trong nhà vệ sinh hoặc gom túi rác. Trẻ lớn hơn có thể học cách thay bóng đèn, khơi thông cống rãnh và thay túi đựng máy hút bụi.
-----------------------
Thông Tin Về Bài Đăng:
Tác giả: Apryl Duncan
Nguồn bài dịch từ trang gốc (Bài gốc tiếng Anh): https://www.verywellfamily.com/teaching-children-life-skills-early-4144959
Đội ngũ sản xuất:
Người dịch: Đinh Thị Thu Hiền; Người biên tập: Phạm Đại Bàng
Hình thức sản xuất nội dung: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing - sử dụng nguồn lực cộng đồng tại www.compassion.vn/crowdsourcing Cộng tác sản xuất nội dung tại đây.
Comments